Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Đọc để tin và yêu thêm đất nước mình



Đọc để tin và yêu thêm đất nước mình

08:00 28/09/2015

Nhân đọc "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn", tiểu thuyết của Thâm Giang Trần Gia Ninh, Nhà xuất bản Văn học, năm 2015

Một lần, trong bữa tiệc với những người quen và cả những người chưa quen, tôi được sắp xếp ngồi gần một tiến sĩ khoa học chuyên ngành vật lý - ông xin được giấu tên. Tuy là cùng quê nhưng lần đầu gặp, ông lại là một trong số ít nhà khoa học vật lý tốp đầu của nước ta hiện nay, tuổi cũng đã cao nên dù ngồi gần nhưng chúng tôi chỉ dừng lại ở những câu chuyện xã giao. Sau buổi tiệc, ông hứa sẽ đưa đến tận cơ quan tặng tôi một cuốn sách của ông vừa mới xuất bản.
Tôi không hào hứng cho lắm vì nói thật là ngày đi học, tôi không được sáng dạ ở môn vật lý. Đến hẹn, ông đã làm tôi ngạc nhiên vì cuốn sách ông tặng không phải sách viết về vật lý mà là một cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn".
Trao sách cho tôi, ông bảo: "Đọc cho vui". Và tôi đã mất gần một tháng trời "cho vui" để đọc hết cuốn sách của ông dù nó chỉ có độ dày vỏn vẹn 432 trang in. Khi đọc cuốn sách của ông, tôi có một cảm giác vừa lạ vừa quen, những địa danh, những câu chuyện, huyền tích… trong cuốn sách, phần nhiều hiện nay vẫn đang còn lưu dấu trên miền quê Hương Sơn, Hương Khê nói riêng và vùng xứ Nghệ nói chung.

Tiểu thuyết “Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn” NXB Văn Học, năm 2015.
Tôi đã đọc được "nguyên bản" những từ địa phương cổ mà ông sử dụng trong cuốn tiểu thuyết. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết trong tâm thế của một người con đi xa lâu ngày nhớ quê và tâm trạng của một người lính trong tình hình biển đảo nước nhà đang bị các thế lực bành trướng lăm le xâm chiếm. Đọc sách và thêm một lần nữa tin như tin rằng nếu có biến thì chúng ta vẫn sẽ chiến thắng như cách đây 600 năm, Lê Lợi và Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng giặc Minh xâm lược. Cuốn sách của ông cũng xoay quanh những chuyện đó. Nếu "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi là bản "Thiên cổ hùng văn" trình bày tóm tắt về đường lối, sách lược, những khó khăn gian khổ, những chiến công lớn… trong mười năm kháng chiến của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn thì tiểu thuyết "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn" của Thâm Giang Trần Gia Ninh là cuốn sách bổ sung, lý giải, cắt nghĩa và làm sáng tỏ thêm về chiến thắng và lý do chiến thắng của Nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng.
"Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi dừng lại ở chiến thắng của Nghĩa quân Lam Sơn, còn "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn" Thâm Giang Trần Gia Ninh viết tiếp phần bi kịch của những quan đại thần khi đất nước ca khúc khải hoàn như Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuấn Thiện… Tất nhiên "Bình Ngô đại cáo" và "Kim thiếp Vũ Môn" được thể hiện với hai thể loại văn học khác nhau nên yêu cầu người đọc, người thưởng thức cũng phải đọc, phải thưởng thức theo đúng tinh thần của thể loại mà người viết thể hiện.
Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn - Sắt thép ở Vũ Môn làm ra Hỏa súng của người Việt - còn người Trung Quốc đời nhà Minh gọi Hỏa súng của người Việt là Thần Cơ Thương (súng thần). Nhân tài, tinh hoa đất Việt và chính nghĩa của một dân tộc yêu hòa bình nhưng cũng là một dân tộc biết làm ra nỏ thần và súng thần. Nếu thời Thục Phán An Dương Vương (khoảng 208 TCN đến 179 TCN), Triệu Đà đã dùng mưu kế kết tình thông gia để đánh cắp bí mật quân sự và vô hiệu hóa nỏ thần, Thục Phán thua trận đã cùng con gái yêu tuẫn tiết ở đất Diễn Châu, Nghệ An thì đến đời nhà Hồ: "… chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận" (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi), nhà Minh xua quân sang đánh nước ta, dù đã có Hỏa súng nhưng không được lòng dân, cha con Hồ Quý Ly cũng đành thua trận, bỏ chạy đến vùng biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Khi thế cùng lực kiệt trung thần đã khuyên vua nên tự sát để bảo toàn danh dự, Hồ Quý Ly không những không nghe mà còn rút gươm ra chém chết trung thần và đang tâm đưa tay chịu trói. Hồ Nguyên Trừng vì chữ hiếu với cha đã phải dâng bí quyết chế tạo Hỏa súng - Thần Cơ Thương cho nhà Minh. Hỏa súng - Thần Cơ Thương là một loại súng gọn, nhẹ, có thể di chuyển linh hoạt khi tác chiến. Vật liệu cần nhất để chế súng là sắt mềm (nhuyễn thiết), tức là sắt ít carbon. Người Việt luyện được sắt này nhờ tìm ra bí quyết sử dụng than có nhiệt lượng của gỗ quý rừng Trường Sơn để nâng nhiệt độ lò nung lên cao, cùng quặng sắt ở xứ Nghệ và phụ gia tốt, đặc biệt là có chứa các nguyên tố vi lượng (như Mo) của Hoan Châu.
Cùng thời điểm đó, người Trung Hoa chỉ luyện được sắt cứng (như gang, là sắt chứa nhiều carbon và tạp chất). Từ khi có Thần Cơ Thương, quân nhà Minh ngày càng mạnh và qua các cuộc chiến chinh với người Tatar, bí quyết chế súng Thần Cơ Thương mới bị rò rỉ sang phương Tây. Vào nửa cuối thế kỷ XV, người Ottoman rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo súng hỏa mai (matchlock musket). Bằng chứng hùng hồn nhất về sự kiện này là mỗi khi quân đội nhà Minh tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng trước, vì Hồ Nguyên Trừng là cha đẻ của súng Thần Cơ Thương. Sau này Hà Ất và Nguyễn Tuấn Thiện ở Cốc Sơn cũng đã chế tạo được súng Thần Cơ Thương, đó là bước ngoặt lớn về quân sự trong cuộc kháng chiến mười năm của Nghĩa quân Lam Sơn. Đến cuộc khởi nghĩa Hương Khê, từ mẫu súng của Pháp, Tướng quân Cao Thắng chế tạo ra súng kiểu Pháp. 
Là một nhà khoa học về lĩnh vực vật lý, nhưng là một người con họ Trần dòng dõi của họ Trần Gia Phố nổi tiếng khắp xứ Nghệ. Thâm Giang Trần Gia Ninh giỏi chữ Nôm, chữ Nho và với vốn tiếng Trung, tiếng Anh thành thạo, ông đã dựa vào gia phả, thần phả, cùng sử liệu của chính nhà Minh, ông tìm đọc các sử liệu của các học giả phương Tây để nhằm đưa người đọc đến gần với sự thật lịch sử nhất.
Như trên đã viết, đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nên không thể không có những hư cấu và sự áp đặt chủ quan của người viết lên từng trang sách. Nhưng dù có hư cấu nhiều hay ít thì cũng cần phải dựa vào lịch sử và có tính logic, những ràng buộc của thể loại. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết "Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn" và đã bị Thâm Giang Trần Gia Ninh thuyết phục qua từng trang sách, sau từng sự kiện. Có thể còn có nhiều người không đồng tình với những hư cấu trong cuốn sách, chẳng hạn như Trần Gia Ninh đã xây dựng một mối tình đẹp giữa tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện và quận chúa Huy Chân - sau này là vợ vua Lê Lợi.
Như chúng ta đã biết, năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) chống giặc Minh gặp khó khăn, vua Lê Lợi đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ. Tại đây Lê Lợi đã gặp nghĩa quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện vốn đang làm chủ toàn bộ vùng đất Đỗ Gia. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng hai người lại có chung một chí hướng, kết nghĩa anh em. Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng nhau giết con ngựa trắng lấy máu uống, cắt tóc thề ngay dưới gốc cây thị cổ (tạm gọi đây là phần chính sử). Từ chính sử đó Trần Gia Ninh đã xây dựng lên mối tình tay ba của Lê Lợi - Huy Chân - Tuấn Thiện.
Có người sẽ không đồng tình với chi tiết này bởi có chuyện kể về Hoàng Hậu Bạch Ngọc ở Đỗ Gia. Nhưng thực chất chuyện ấy chỉ được các học giả Việt Nam biết đến nhờ công sưu tầm của người Pháp - Giáo Sư H. Bretton, Hiệu trưởng Quốc học Vinh, công bố năm 1928 qua khảo cổ thực địa và gia phả, thần phả, lời kể… trên tạp chí Đô thành hiếu cổ (tiếng Pháp). Hiện nay các gia phả, thần phả thành văn cũng không còn.
Trong tiếng Pháp thì Công chúa, Quận chúa đều ghi là Princesse, cho nên không rõ khi nghe kể hay ghi lại là công chúa hay quận chúa Huy Chân thì Bretton đều viết là Princesse. Nếu là công chúa thì Huy Chân muộn nhất phải sinh năm 1378 hơn Lê Lợi 5,6 tuổi, khó mà làm xiêu lòng Lê Lợi. Công chúa lúc gặp Lê Lợi đã 47 - 48 tuổi rồi, khó mà có con lần đầu là Công chúa Trang Từ - tức Lê Thị Ngọc Châu - để sau này là vợ của tướng quân Bùi Ban, con dâu của tướng quân Bùi Bị. Cho nên tác giả mới ngả về khả năng Huy Chân là cháu của Hoàng hậu Bạch Ngọc thì mới logic với việc lấy Lê Lợi làm chồng và trước đó đã có tình yêu với tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện (tương đương tuổi). Tuy nhiên, nhân vật quận chúa Huy Chân cũng như các nhân vật Tiểu Kiều, Đại Kiều, hay Tôn Phu Nhân nhiều phần hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa vậy.
Còn có thuyết nói rằng Vua Trần Dụ Tông mê mẩn cô gái ở Tri Bản mà cưới làm vợ, phong làm Hoàng Hậu thì còn đáng ngờ hơn. Sử thì chỉ chép là Duệ Tông lấy con gái Trần Liêu làm phi. Vậy thì viên quan Trần Liêu lấy con gái Tri Bản sinh ra Trần Thị Ngọc Hào là hợp lý hơn. Tri Bản là quê ngoại của Trần Thị Ngọc Hào - Bạch Ngọc như trong truyện nói có lẽ logic hơn và hợp với chính sử hơn. Hay như nhân vật Phan Liêu, Nguyễn Biểu… cũng còn lắm tranh cãi.
Sở dĩ có những chuyện đó cũng là do thâm ý của các triều đại phong kiến phương Bắc. Mỗi đạo quân trước khi xuất chinh sang xâm chiếm nước ta đều phải thuộc nằm lòng chỉ dụ: "Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra mọi sách vở văn tự, cho đến những loại sách ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu "Thượng đại nhân, khưu ất dĩ", một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì phải giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh, một chữ chớ để còn" (Vua nhà Minh)
Chính vì thâm ý đó của người phương Bắc mà nay sử của nước ta còn có nhiều điều khuất lấp, nhiều vỉa quặng của ông cha để lại người đời sau chưa biết để khai phá. Thâm Giang Trần Gia Ninh bằng sở học và tâm huyết của mình, đã đưa người đọc đến sát với lịch sử đất nước và tự hào hơn về dòng dõi con cháu Lạc Hồng. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách rất đáng đọc.
Nguyễn Thế Hùng


Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh

03:55-01/09/2015
Đọc “Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn”*

Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt
Nguyên Hải

Sau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta.
Cầm quyển sách lên, những người biết chữ Hán sẽ lập tức chú ý đến dòng chữ vuông trên trang bìa, bởi chữ vuông khổ lớn thứ nhất với bộ Kim (vàng) bên trái, chữ Thiếp (vợ lẽ) không thấy có trong bất cứ từ điển Hán tự nào, chỉ biết tạm đọc là Kim Thiếp. Vậy Kim Thiếp là gì? Điều băn khoăn ấy bám theo độc giả cho tới khi đọc gần hết cuốn sách.
Tiếp đó, bốn chữ Mấy lời cẩn bạch ở trang đầu, với ghi chú từ cẩn bạch là  Kính trọng bày tỏ, đã cho thấy Trần Gia Ninh thạo chữ Hán - điều kiện tiên quyết của người nghiên cứu sử Việt cổ.
Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng; khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử. Tác giả “Ba chàng ngự lâm (Les Trois Mousquetaires)” Alexandre Dumas từng nói, “sự thật lịch sử” chỉ là cái đinh để nhà văn móc chiếc áo (ý nói câu chuyện) của mình lên.
Vậy Trần Gia Ninh có “móc chiếc áo của mình” lên sự thật lịch sử hay không?
Đọc Huyền thoại KTVM ta nhận thấy, tác giả hoàn toàn tôn trọng các sự thật có ghi chép trong chính sử, ngoài ra còn bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tác phẩm. Cũng có thể sử sách từng chép những sự kiện ấy, nhưng xâm lược phương Bắc thi hành chính sách tiêu diệt văn hóa bản địa đã tiêu hủy hết mọi thư tịch do người Việt viết. Vì thế vườn lịch sử nước ta còn có vô số báu vật bị vùi sâu dưới lớp đất thời gian, đang chờ những người tâm huyết dày công dò tìm, đào bới lấy lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Trần Gia Ninh là một trong những “thợ đào vàng” hiếm hoi ấy.
Từ tấm bìa có ba chữ 𨨧雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn) di bút của ông nội còn giữ được, anh phỏng đoán đây là bìa một cuốn sách viết những sự việc có liên quan tới thác Vũ Môn ở quê mình. Vì thế mấy chục năm qua, anh cất công tìm kiếm khắp nơi các thư tịch, tư liệu liên quan, nhằm giải mã mấy chữ vuông thần bí ấy. Và bây giờ, khi được cử giữ ghế trưởng lão của họ Trần Gia Phố nổi tiếng đất Hoan Châu (Nghệ An-Hà Tĩnh), anh tráp lại các tư liệu đã sưu tầm và viết nên Huyền thoại KTVM, coi đó là tấm lòng của kẻ hậu sinh tưởng nhớ ông cha tổ tiên mình.
Huyền thoại KTVM dường như muốn chứng minh một sự thật: Tổ tiên ta giỏi lắm! Đây không phải là lời “mẹ hát con khen”. Năm 971 khi sang thăm nước ta, sứ thần nhà Tống là Lý Giác đã làm bài thơThiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, nghĩa là  Ngoài trời này còn có trời khác, nên soi cho thấu - tác giả kể, và cho rằng Lý Giác muốn khuyên người Trung Hoa chớ nên coi thường người Việt, một dân tộc rất có bản lĩnh trí tuệ.
Đọc KTVM, bạn như được xem cuốn phim nói về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu thế kỷ XV.



Năm 1404, vua Minh Thành Tổ mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” cho quân hộ tống Trần Thiêm Bình1 tiến vào nước Việt. Khi chúng mới sang tới đất Bắc Giang, Hồ Quý Ly bày mưu dùng súng thần cơ do người Việt chế tạo đánh cho địch đại bại phải cút về nước. Năm 1407, giặc Minh kéo đại binh sang, bắt được Hồ Quý Ly và con là Hồ Nguyên Trừng tại Hà Tĩnh. Nhà Minh thi hành chính sách cai trị hà khắc khiến dân ta điêu đứng suốt hai chục năm trời. Chúng đốt hết mọi thư tịch do người Việt sáng tác, mang về Trung Quốc tất cả các loại hỏa khí cùng nhiều nhân tài, thợ giỏi, gái đẹp người Việt.
Các ghi chú trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này nhiều và nghiêm túc, tới mức độc giả ngạc nhiên như đang đọc một khảo cứu khoa học. Tác giả chú giải từ nhiều ngôn ngữ Hán, Nôm, Phạn, Anh, Pháp. Nội dung chú giải gồm đủ thứ, từ niên đại sự kiện, công thức hóa học của sắt thép, quặng, cho tới các nghi thức tôn giáo của đạo Bà La Môn. Tác giả còn sưu tầm được một số chữ Việt cổ hiện còn ở Nghệ Tĩnh, như rào (sông), nác(nước), mấn (váy), cân gấy (con gái)... 
Các ghi chú về lịch sử, địa lý, nhân vật, thư tịch cổ rất đáng chú ý. Nhiều sách sử của Việt Nam và Trung Hoa được trích dẫn, như Minh Thực Lục, Lam Sơn Thực Lục, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,.. thậm chí cả Nghệ An Kýít người biết, như để cho thấy nội dung cốt lõi của sự việc nêu trong sách đều có căn cứ, vì đây là một tiểu thuyết khảo luận-học thuật!
Năm 1418, Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) dấy binh nổi dậy, tập hợp được nhiều nhân tài văn võ như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn... Mới đầu, Lê Lợi thua nhiều thắng ít, sáu năm sau, nhờ Nguyễn Chích bày mưu tiến về Hoan Châu, xây dựng căn cứ địa trên vùng núi. Xứ này địa linh nhân kiệt lại có địa thế hiểm yếu. Một số cựu tướng sĩ nhà Trần ở đây đã tổ chức đội quân Cốc Sơn chống giặc Minh. Nhờ có tài chế thuốc nổ và luyện sắt tốt đúc súng, đội quân này rất mạnh. Lê Lợi xin kết nghĩa huynh đệ với họ. Được các anh tài Hoan Châu hợp sức, lực lượng Lê Lợi ngày càng mạnh. Cuối cùng quân ta vây địch ở Đông Quan (Hà Nội), giết Liễu Thăng chỉ huy quân Minh sang tiếp viện ở Chi Lăng. Chủ tướng Vương Thông phải giảng hòa xin rút quân về nước.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua. Đáng tiếc là, như mọi chính quyền chuyên chế xưa nay, sau đại thắng, khi chuyển sang thời bình, triều nhà Lê suy thoái dần. Lê Sát lộng quyền, hãm hại nhiều công thần tài giỏi, kể từ Nguyễn Trãi. Tên tuổi các anh tài Hoan Châu cùng di sản sáng tạo của họ bị lãng quên dần.
Trần Gia Ninh chuyển tải giai đoạn lịch sử bi hùng kể trên dưới hình thức tiểu thuyết võ hiệp chương hồi, một thể loại không dễ viết nhưng hợp với việc ca ngợi những nhân vật những anh tài trí tuệ có số phận bi hùng trong thăng trầm của lịch sử. Xem ra tác giả đã thành công khi dẫn bạn đọc vào những trường đoạn hấp dẫn với lối hành văn khoa trương, ngôn từ cổ xưa, đồng thời sử dụng các bút pháp hiện thực, trữ tình lãng mạn, các yếu tố đời thường pha trộn với truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích. Cấu trúc tiểu thuyết khá linh hoạt về thời gian, không gian, nhân vật, sự kiện. Như đang kể chuyện Hồ Nguyên Trừng năm 1445 được vua nhà Minh thăng chức lại nhảy sang chuyện sinh viên Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh năm 2007 đi tìm mộ Trừng nhưng chỉ tìm thấy tấm bia do Trừng soạn.
Cuối cùng, khi đọc tới đoạn Vĩ Thanh, độc giả mới hết băn khoăn: thì ra 𨨧雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn), chính là  Thép Vũ Môn, thứ kim loại do những người thợ Việt tài giỏi ở vùng thác Vũ Môn luyện được và thích hợp dùng để đúc Thần Cơ Thương - một loại súng nòng dài cầm tay từng giúp Trần Khát Chân đánh tan cuộc xâm lăng của Chế Bồng Nga năm 1390, rồi lại giúp cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo (1418-1427) đuổi được giặc Minh ra khỏi nước ta.
Ai đó sẽ hỏi: Trung Quốc phát minh ra thuốc súng và làm được súng trước ta cơ mà? Đúng thế, nhưng họ làm súng thần công chứ không làm súng vác vai như tổ tiên ta sau khi học được cách chế thuốc súng. Vả lại phải có thứ thép như thế nào mới làm ra được loại súng ấy chứ!
Tra Từ điển chữ Nôm bạn sẽ thấy 𨨧 (Kim-Thiếp) tiếng Việt đọc là  thép. Người thợ tài hoa Trần Hằng lấy chữ Kim-Thiếp ấy làm gia huy khắc trên các sản phẩm của mình.
Tóm lại, những người thợ xứ Hoan Châu (Nghệ-Tĩnh) đã sáng tạo ra hai công nghệ hàng đầu thế giới hồi thế kỷ XIV-XV: công nghệ luyện thép Vũ Môn và công nghệ dùng thép này để đúc súng nòng dài. Đáng tiếc là chuyện ấy sách sử nước ta không chép.
Nhưng lạ thay sử sách Trung Hoa và nước ngoài lại có chép! Như Minh Sử2 viết: Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ lấy được phép Thần Cơ Thương Pháo, lập riêng Thần Cơ Doanh luyện tập. (Doanh là một cấp đơn vị quân đội, ngày nay gọi là tiểu đoàn).
Đúng thế, năm 1407, Hồ Quý Ly và con là Hồ Nguyên Trừng (còn gọi là Lê Trừng) bị quân Minh xâm lược bắt sống đưa về Bắc Kinh; để cứu mạng cha mình, Trừng đã dâng phép chế súng cho nhà Minh. Người Trung Hoa giữ tuyệt mật kỹ thuật này và năm 1410 đã dùng nó để đánh cho quân Mông Cổ tan tác. Trừng được vua Minh hậu đãi, sau làm tới chức Thượng thư Bộ Công (tương đương hàm Bộ trưởng, lo về Quân giới ngày nay), quân đội nhà Minh khi tế súng đều phải tế Trừng 3 ! Nhà kỹ nghệ quân giới tài hoa biệt danh Nam Ông (Ông già nước Nam) ấy đã viết một tập ký sự lấy tên là  Nam Ông Mộng Lục (Ghi chép giấc mơ của Nam Ông) để bày tỏ nỗi lòng luôn nhớ về cố quốc. Năm 2011 người Trung Quốc đã xuất bản sách này.
Huyền thoại thế mà có thật!
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) với trữ lượng 550 triệu tấn hiện đã bắt đầu được khai thác. Hơn trăm năm trước, Cao Thắng đã lập xưởng chế súng trường giống như của Pháp cho nghĩa quân Phan Đình Phùng cũng tại cứ địa Hương Khê. Trần Gia Ninh4 là hậu duệ của họ Trần Gia Phố có chính tổ là Trần triều Phò mã Khâm sai Ngự sử Trần Hằng, người đầu tiên luyện được Thép Vũ Môn. Gia tộc này có truyền thống trọng trí tuệ, khinh danh vọng; hậu duệ của họ hiện nay đa phần là nhà trí thức hoạt động khoa học kỹ thuật, văn học, y học ở khắp đất Việt và các nước khác.
Như vậy là sau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ 𨨧雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn), Trần Gia Ninh đã dầy công viết nên cuốn tiểu thuyết Huyền thoại KTVM để bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép dưới hình thức văn học. Những cố gắng đầy tâm huyết ấy của Trần Gia Ninh xứng đáng để chúng ta tìm hiểu và ngưỡng mộ.

Sử Việt gọi là Hỏa súng, Trung Hoa đời nhà Minh gọi là Thần Cơ Thương (súng thần), là một loại súng cầm tay nòng dài (như súng hỏa mai ngày nay), do người Việt sáng chế. Vật liệu cần nhất để chế súng là sắt mềm (nhuyễn thiết), tức là sắt ít carbon. Kỹ thuật luyện kim của người Việt theo truyền thuyết đã có truyền thống từ thời Thánh Gióng Hùng Vương và phát triển mạnh nhờ giao du với Ấn Độ và Trung Hoa. Người Việt luyện được sắt này nhờ tìm ra bí quyết sử dụng than có nhiệt lượng của gỗ quý rừng Trường Sơn để nâng nhiệt độ lò lên cao, cùng quặng sắt và phụ gia tốt, đặc biệt là có chứa các nguyên tố vi lượng (như Mo) của Hoan Châu. Cùng thời điểm đó, người Trung Hoa chỉ luyện được sắt cứng (như gang, là sắt chứa nhiều carbon và tạp chất), nên không thể dùng để chế tạo súng cầm tay nòng dài được. Sử sách Trung Hoa thừa nhận, nhà Minh đã chiếm đoạt bí quyết chế tạo súng thần khi đánh chiếm nước Việt đầu thế kỷ 15 (rồi để nó bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với người Tatar, cho nên vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo súng hỏa mai (matchlock musket). 
Về Hỏa súng, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi một câu: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”. Sử sách  cũ Trung Hoa thì ghi chép tỉ mỉ hơn và ngày nay được các tài liệu nghiên cứu của Trung Hoa và thế giới thừa nhận. Những sáng tạo này đến giờ vẫn được lưu truyền trong dân gian ở các vùng Nghệ -Tĩnh.
* 432 trang, NXB Văn học ấn hành năm 2015
Chú thích:
1. Một kẻ tự nhận con cháu vua Trần nước ta, chạy sang cầu cứu nhà Minh đưa hắn về làm vua nước Việt.
2. "Minh Sử" là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện do Trương Đình Ngọc thời Thanh viết và biên soạn từ năm 1645 đến năm 1739.
3. “Minh sử cảo” của Chu Quốc Trinh (1557-1632) chép trong cung đình tế “Kim cổ hiệu giác thiết pháo chỉ thần” (tạm dịch: “Xưa nay tế thần súng bằng sắt”, mà theo “Vạn Lịch dã hoạch biên” của Thẩm Đức Phù (1578-1642) thì Lê Trừng chính là người đầu tiên chế tạo hỏa khí cho Trung Quốc; sách “Dã ký” chép thêm “Nay phàm tế binh khí đều tế Lê Trừng”.
2. Trần Gia Ninh là bút danh của một tiến sĩ khoa học đã và đang hoạt động năng nổ trong ngành vật lý nước ta.




Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Đọc Tiểu thuyết lịch sử "Huyền thoại KIM THIẾP VŨ MÔN của Thâm Giang Trần Gia Ninh


Nhà khoa học bỗng dưng viết…tiểu thuyết dã sử
                                            Phạm Quang Đẩu

        (nguyên văn đăng trong Bán Nguyệt San "TINH HOA VIỆT" số 6, ra 25/6/2015)


Ông vốn là bạn quen lâu năm của tôi. Ngày ông còn là viện trưởng một viện thuộc Viện Khoa học Việt Nam, ông đã nổi tiếng là người luôn đi tiên phong trong chế tạo các thiết bị điện tử tinh vi đạt chuẩn quốc tế, như lần đầu tiên ở nước ta viện của ông đã làm được kính hiển vi điện tử “hiệu ứng đường hầm”có thể nhìn thấy vật thể ở kích thước phân tử…Ông về hưu gần chục năm nay, vẫn chưa ai thay được cái chức “Chủ tịch hội đồng khoa học viện…” Một nhà khoa học tài năng thực sự. Ấy vậy mà mới rồi ông đưa tôi tập bản thảo dầy dặn, bảo: “Anh xem và cho ý kiến”. Tôi ngạc nhiên vì đấy lại là một cuốn tiểu thuyết dã sử, chẳng liên quan gì đến chuyên môn của ông. Tác giả lấy bút danh “Thâm giang Trần Gia Ninh”(Ông yêu cầu tôi không nêu tên thật) và tựa tiểu thuyết là “Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn”. Cuốn tiểu thuyết sinh động, hấp dẫn, mô tả thời kỳ lịch sử ở nước ta cách nay hơn 600 năm. Vào cuối quý 1-2015, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành cuốn tiểu thuyết này và chỉ sau khi ra mắt bạn đọc được ít bữa, Nhà xuất bản Văn học lại cùng Nhà xuất bản Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh thính nhạy với thị trường văn hóa đọc, đã đề nghị tác giả cho được phối hợp tái bản cuốn sách…
 Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn được viết theo kiểu chương, hồi như Tam Quốc diễn nghĩa hay Thủy Hử vốn quen thuộc với bạn đọc nhiều thế hệ ở nước ta. Nhưng tác giả đã “lưu ý” tôi trước: Tam Quốc diễn nghĩa vốn được coi là “bảy thật, ba giả”, còn cuốn này ông viết dựa trên chính sử  nước ta, cộng thêm sử liệu nhà Minh, có cả bản tiếng Anh do sử gia phương Tây viết và cả thần phả, gia phả các dòng họ ở địa phương. Vậy nên “giả” rất ít,  “thật” khá nhiều. Chẳng thế mà, dịch giả tiếng Trung có uy tín, là nhà văn Trần Đình Hiến(Người dịch hầu hết các tác phẩm của Mạc Ngôn đoạt giải Nobel) vừa đọc xong tác phẩm của Thâm giang Trần Gia Ninh, đã gọi điện ngay cho tôi, câu đầu tiên ông đánh giá: “Nguồn tư liệu từ sử sách và điền dã  cực tốt!”
Cuốn sách hơn 400 trang khổ lớn, với 14 chương và 35 hồi kể chuyện những anh tài tinh hoaViệt ở một giai đoạn lịch sử gần  30 năm của thế kỷ 15, mà thời đó nước ta gọi là Giao Chỉ. Nhà Trần đến giai đoạn suy vi, giặc Minh xâm lược và nổ ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau 10 năm nằm gai nếm mật Lê Lợi đã lên ngôi hoàng đế, lập nên triều đại mới. Mạch truyện được bắt đầu từ việc Minh Thành Tổ cất quân thôn tính Giao Chỉ, đánh bại nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng con trai cả của Hồ Quý Ly dâng bí quyết chế tạo súng thần cơ và được trọng dụng. Từ đây hé lộ một dụng ý xuyên suốt của tác phẩm, là viết về những nhân tài khoa học công nghệ của nền văn minh Việt đã rực rỡ thời đó. Ngay từ thế kỷ 15, người Giao Chỉ đã đi đầu trong việc luyện kim, rèn kiếm sắc, đúc súng thần cơ, pha chế thuốc nổ… Và nhờ công nghệ vũ khí cướp được ở Giao Chỉ, năm 1410 Minh Thành Tổ đã đánh bại đội quân hùng mạnh của người Tacta từng tung hoành khắp miền Trung Á rộng lớn. Nhưng, kẻ xâm lược phương Bắc mưu kế hiểm độc, ngày đó còn có chủ ý bắt người tài Giao Chỉ đem về phục vụ cho mục đích chiến tranh của chúng, đồng thời hủy diệt nền văn hóa bản địa để dễ bề cai trị bằng chính sách ngu dân. Lâu nay sử sách của ta cũng từng nhắc đến người con cả của Hồ Quý Ly, ở phần mở đầu cuốn Huyền thoại…cũng nêu nỗi lòng, thân phận nhà kỹ thuật cận đại này khi bị cầm tù ở phương Bắc. Song không dừng lại ở việc miêu tả một nhân vật có tài nhưng hèn nhát, yếm thế như vậy, tác giả lần đầu tiên đưa ra một hệ thống nhân vật là những nhà kỹ thuật tài giỏi khác cùng thời, có người là bạn đồng môn với Hồ Nguyên Trừng, họ có lòng yêu nước, quyết đem trí tuệ cống hiến cho đất nước, đánh đuổi kẻ xâm lăng bờ cõi. Về luyện thép, rèn kiếm có: Trần Hằng, La My, Ba Lậu Kê (đạo sĩ Bà La Môn, gốc Ấn Độ), Trần Hà Ất…; về điều chế thuốc súng, tạo khí cụ nổ có Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính, Nguyễn Tuấn Thiện…Họ đã đồng tâm hiệp lực với những những tướng tài, mưu sĩ giỏi trong các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, là những nhân vật lừng danh trong sử sách như: Nguyễn Chích, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Bùi Bị, Đinh Liệt, Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Súy…Nhân vật Lê Lợi được ngòi bút của tác giả miêu tả khá chân thực, một minh chủ, có cơ mưu lại biết trọng dụng người tài, cuối cùng lập được kỳ công để lên ngôi hoàng đế (Nhưng tiếc thay, lúc thời bình vị vua xuất thân từ kỳ hào đó lại không còn chí công vô tư như thời nằm gai nếm mật, mà nghe lời xiểm nịnh hãm hại những công thần bậc nhất như Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi). Cũng khá ngạc nhiên khi trong cuốn sách vai trò phò tá mưu lược hàng đầu lại thuộc về những người ít được thời nay nhắc tới là  Lê Văn Linh, Nguyễn Chích chứ không phải chỉ là Ức Trai Nguyễn Trãi. Ta còn gặp trên từng trang viết các nhân vật lịch sử phản diện đa dạng về tính cách, hành vi ứng xử như: Sái Phúc, Hoàng Trung, Mã Ký, Vương Thông, Liễu Thăng…Chúng vừa tham lam, tàn bạo lại sẵn mưu ma chước quỷ đã gây nhiều nợ máu với lê dân trăm họ ở dải đất miền Trung nước ta ngày đó, thuộc các châu Hoan, Ái, Hóa… Một nhân vật lịch sử như Phan Liêu, khi đánh giá về cuộc đời, số phận, công tội của hắn, các sử gia còn tranh cãi đến tận hôm nay. Phan Liêu tuổi trẻ, tài cao vốn là con nuôi một đại thần thời Hậu Trần lúc đó đang trấn thủ Nghệ An. Tướng Minh Trương Phụ đánh Nghệ An, Phan Liêu ép cha nuôi đang lúc ốm yếu đầu hàng, phò tá giặc giết Nguyễn Biểu, bắt vua Trần Trùng Quang và Đặng Dung. Y còn bày mưu cho Sái Phúc vây bắt thợ giỏi và con gái đẹp đưa về thiên triều, rồi phá tan cả làng nghề rèn Kẻ Chàng, Kẻ Treo. Sau thấy mình công to mà không được trọng dụng, y phản lại nhà Minh, dựng cờ khởi nghĩa nhưng không thành, phải trốn chạy vào rừng. Trước đấy, trong một trận giúp quân Minh vây đánh làng Kẻ Treo, bất ngờ y gặp và cứu được cô gái Xuân Liên, tài sắc vẹn toàn và y đem lòng yêu. Chính nhờ được Xuân Liên khuyên nhủ, y đã quay lại chống giặc Minh. Khi đã gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, thành thân với Xuân Liên, chiếm được thành Đỗ Gia, ngẫu nhiên y mới biết chính mình là kẻ đã giết cha Xuân Liên trong cuộc đàn áp nghĩa quân trước đây, thì trong lòng rất ân hận. Ruốt cuộc, y đã tìm đến cái chết trong một trận đánh để chuộc lỗi lầm. Rõ ràng đây là nhân vật phức tạp, được khắc họa sâu, đậm nét. Có thể kể thêm một nhân vật phản diện khác được cuốn sách miêu tả khá thành công, là Sái Phúc. Đó là một kẻ xâm lược có đầu óc thực dụng, không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để làm đẹp lòng hoàng đế Trung Hoa. Ở hệ thống nhân vật chính diện, ngoài Lê Lợi như trên đã nói, các danh thần triều Lê như Nguyễn Chích, Lê Văn Linh, Bùi Bị, Nguyễn Súy…được miêu tả võ công cũng như tính cách khá đậm nét, chỉ tiếc rằng không nhân vật nào đạt tới một chân dung hoàn chỉnh.
Tác giả khi còn là nhà khoa học, đang chỉ đạo học trò thực hành chế tạo thiết bị trong phòng thí nghiệm
 Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn được viết theo lối kể chuyện, tiết tấu nhanh, không nặng về miêu tả diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật. Nhưng không vì vậy mà cuốn sách kém hấp dẫn bởi thiếu những “điểm nhấn” cần thiết. Ta gặp ở đây vô số những tình tiết đặc sắc, mới lạ về truyền thống thượng võ của người Giao Chỉ, về mối quan hệ thuần phác, sòng phẳng giữa người với người thời đó, về phong tục tập quán, cảnh quan môi trường…Như ở chương 9 “Bạch Ngọc sơn trang. Tuấn Thiện nhập làng…” miêu tả quá trình tìm hiểu, điều chế thuốc súng của một nhóm các tướng trận mạc, kiêm “nhà công nghệ” là những trang viết thật sinh động, độc đáo, tác giả vốn là nhà khoa học nên miêu tả quá trình điều tra, tìm hiểu các thành phần của thuốc súng cho hỏa hổ, hỏa tiễn, pháo nổ là rất cụ thể, chính xác. Đoạn văn ở trang 246, về trận thư hùng diễn ra trên thuyền trong một đêm trời đầy sao giữa biển của viên tướng trẻ nhà Minh Hàn Uy với đại tướng quân “Nụy khấu” Nguyễn Súy thật hấp dẫn, tưởng như ta được đọc trong những sách kiếm hiệp nổi tiếng thời xưa. Một “đặc sản” nữa của cuốn tiểu thuyết là những miêu tả về tình yêu lứa đôi. Đó là mối tình Hà Ất-Mai Ly trong sáng tuyệt vời bên thác Vũ Môn; mối tình dang dở song thơ mộng của quận chúa Huy Chân và dũng tướng Nguyễn Tuấn Thiện; mối tình oan trái,  bi kịch của Xuân Liên-Phan Liêu; mối tình đượm màu huyền bí, siêu thoát của Hàn Uy- Hà Hoa lập nên dòng họ Samurai ở nước Lưu Cầu (sau thuộc Nhật Bản)…Tác giả không chủ ý làm văn chương, song đôi khi ta gặp những đoạn miêu tả khá văn chương. Như nói về cái chết của “nhà kỹ thuật” ẩn danh Trần Hằng trong rừng sâu đượm vẻ bi hùng: “Lúc đó trời đất tối sầm, giông tố ầm ầm. Một tiếng sét vang động núi rừng. Sét đánh vào ngọn cây trầm cổ thụ cao nhất, lửa cháy rực. Kỳ lạ, lửa chỉ cháy một khoảng rừng nhỏ, làm đổ mấy cây trầm xuống cháy khô, chất thành một đống như có người sắp xếp, rồi tắt hẳn bên cạnh một tảng đá lớn. Hà Ất đặt xác cha lên đống gỗ trầm đó, phủ lá trầm lên rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên, thấy mùi hương trầm lan tỏa khắp nơi, phút chốc chỉ còn lại đám tro tàn của hài cốt. Thu dọn tro cốt cho vào hộp đâu đấy, Hà Ất lấy kiếm đẽo gọt tảng đá…”(trang 133). Hay khi tả thác Vũ Môn: “…những hôm trời quang mây tạnh, đứng ở chân núi nhìn lên trông như gắn vào trời xanh một giọt nước khổng lồ, tách hẳn lòng suối, từ trên cao đổ vào khoảng không làm thành cái chài hình cung chụp xuống dài khoảng trăm thước để chắp nối với lòng suối ở bậc dưới”(trang 154)…Cũng cần phải nêu thêm một dụng công của tác giả về sử dụng ngôn ngữ, sao cho phù hợp với ngôn ngữ của người sống cách nay 6 thế kỷ. Gặp rất nhiều thổ ngữ trong câu thoại của các nhân vật, như: con khái tức con hổ, ló-lúa, mấn-váy, cân gấy-con gái, trụt-dốc…Hoặc những mô tả khá tỉ mỉ về  trang phục thời ấy: “Khố bằng vải gai, bẹ cau hoặc da hươu thắt qua háng từ trước ra sau…”; “Đàn bà con gái ở nhà thì ngực trần, đi xa đeo yếm vuông bằng vải gai hoặc da hươu che đến rốn. Phía dưới cũng không khoác gì, cách rốn một quãng thì đeo một cái túi nhỏ hình chữ nhật, có tua, to bằng bàn tay, vừa để che mình dưới một cách lỏng lẻo, vừa để các thứ lặt vặt”…
Và khi là tác giả Thâm giang Trần Gia Ninh viết Huyền thoại KIM THIẾP VŨ MÔN

Trong các giấy tờ ông nội tác giả vốn là một nhà nho mù nổi tiếng vùng Hương Khê(Hà Tĩnh) để lại, có hai câu Hán Nôm “Kim thiếp”, nhiều năm sau con cháu không hiểu được nghĩa. Trong quá trình tích lũy tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết chương hồi này, cuối cùng thì tác giả đã hiểu được, đó chính là thương hiệu của một loại thép “chém sắt như bùn”mà tổ tiên từng luyện được ở chân núi Vũ Môn. Và “Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn”, chính là câu chuyện sáng tạo kỳ diệu về “Thép Vũ Môn” của con dân nước Việt hơn sáu trăm năm trước.
Quê hương tác giả có thác Vũ Môn vắt trên lưng chừng núi Giăng Màn, giờ đứng ở thị trấn Hương Khê vẫn nhìn thấy. Hiện còn, cây thị nghìn tuổi đã chứng kiến Hội thề giữa chủ tướng Lam Sơn Lê Lợi với chủ tướng Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện; đền thờ Bạch Ngọc Hoàng hậu và Quận chúa Huy Chân; xóm Lò nơi luyện sắt đúc súng vẫn còn tên và dấu tích xưa ở Gia Phố…Đặc biệt, ngôi nhà thờ dòng họ Trần của tác giả vẫn còn lại trên nền đất cũ nhìn ra sông Ngàn Sâu, nơi mà 600 năm trước Trần Hà Ất-Mai Ly đã chọn dựng nhà, khởi đầu cho dòng họ Trần Gia Phố. Bao nhiêu năm nay tác giả âm thầm tích lũy tư liệu và nghiền ngẫm, “Cuối cùng thì tôi đã tráp lại thành quyển sách mỏng này như là tấm lòng của kẻ hậu sinh ghi nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Và cũng mong góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhà du”(Mấy lời cẩn bạch & Dẫn nhập).
Tuy  tác giả nói vậy, nhưng  tôi không cho rằng quyển sách này chỉ có “kẻ sĩ” mới đồng cảm, mà chắc hẳn nhiều bạn đọc đều có thể trải nghiệm và chia sẻ tấm lòng yêu quê hương, đất nước. Khi nhà khoa học của chúng ta cho ra mắt tác phẩm đầu tay là một cuốn tiểu thuyết dã sử đề cao tài-trí Việt với một nội dung thật độc đáo, sinh động, hấp dẫn như vậy, phải chăng đây chính là một “hiện tượng” bất ngờ, thú vị cho văn học hôm nay?
                                                                                   Hà Nội 6-2015


--------------------------------------- 

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN (TIẾP)

PHẦN 2: VỀ MIỀN TRUNG, CON SÔNG XƯA , LÀNG QUÊ CŨ

Trời tối dần, xe chạy giữa khe núi và rừng cây, nhiều đoạn nằm trong vùng quản lý biên giới đặc biệt. Tiếc rằng trời tối, không thể chiêm ngưỡng đoạn hoang vu , đẹp nhất mà lại không hiểm trở nối liền giữa Thanh Chương, Nghệ An vơi Hương Sơn Hà Tĩnh vì  đường Hồ Chí Minh chạy giữa thung lũng, phía tây là dãy Giăng Màn (tứcTrường Sơn) cao trên 1500m, phía đông là dãy Thiên Nhận đỉnh cao nhất chỉ 600m. Đường đẹp, hầu như không có xe chạy đêm, nên chẳng mấy chốc đã qua cầu sông Ngàn Phố, đến giao lộ đường sô 8, chạy từ QL 1A ở Hồng Lĩnh lên Cầu Treo sang Lào. Chạy tiếp về hướng nam ngược theo sông Ngàn Sâu, qua cầu sông Ngàn Trươi đến tt Vụ Quang, địa danh xưa nổi tiếng là cứ địa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Nay thì mới tách khỏi Hương Khê lập thành Huyện mới mang tên Vụ Quang. Thị trấn này nằm ở bìa rừng khu bảo tồn rừng nguyên sinh lớn nhất Đông Dương. Từ đây bắt đầu thung lũng sông Ngàn sâu rộng bằng tỉnh Thái Bình, bốn bề là núi: Trường Sơn phía tây, Trà Sơn phía đông (nơi có hồ Kẻ gỗ), phía Bắc là rừng núi Vụ Quang, phía nam là dãy Hoành Sơn phân giới với Quảng Bình. Thung lũng ngàn sâu xưa nổi tiếng với hổ (nấu cao) gấu (lấy mật) hươu (lấy nhung), trầm hương, kỳ nam và đặc biệt là gỗ quý. Mấy chục năm nơi này đã có thành tích lớn là diệt hết động vật, chặt sạch rừng và bây giờ phổ biến thành tích đó sang Lào. Dọc đường gặp duy nhất xe biển số Lào (chủ là Việt) lặc lè chở gỗ (lậu) và đặc sản ra bắc. Tám giờ rưỡi tối mới tới được Khách sạn Hoàng Ngọc ở trung tâm thị trấn, sát cạnh UBND Huyện, bên bờ một hồ nước rộng hơn Hồ Gươm ,ở giữa có đảo và cầu đỏ cong , theo dạng đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc ! Chủ khách sạn tất nhiên là một đại gia buôn gỗ rồi. Hương Khê rất đặc biệt: là một thị trấn miền núi đẹp và giàu nhất trên đường Hồ Chí Minh. Là miền núi sâu, mấy chục năm trước con gái 12,13 tuổi ở làng trong chân núi còn trần truồng bế em. Nhưng nay là thị trấn miền núi sâu duy nhất ở Việt Nam có đường sắt, đường bộ, đường sông tầm cỡ quốc gia.
Thị Trấn miền núi Hương Khê (tư liệu)
Năm 88 vào đây, trụ sở UB Huyện còn lợp tranh. Hồi 79, 80 những người Hoa nào từ Thanh Hóa trở vào đến Huế chưa chạy thoát được đều bị tập trung vào chân núi Giăng Màn ở đây ( Chuyện mật đấy!). Sau năm 90 họ dần được tự do hơn, kéo nhau ra thị trấn buôn bán lập nên phố phường tấp nập. Hai phần ba dân Hương Khê xưa là công giáo . Hơn một nửa đã di cư vào Nam sau 1954 và rồi sau 75 lại sang Mỹ. Cho nên số kiều hối chuyển về không phải là ít. Dân buôn gỗ lậu, lâm đặc sản, ma túy , dân anh chị cướp của giết người tứ phương…tìm thấy ở đất Hương Khê là chỗ lý tưởng để làm ăn hoặc lánh nạn. Nay nhờ ơn chế độ đã trở thành  đại gia trọc phú đếm cả ngày không xuể! Còn người nghèo khổ cũng đếm cả năm không hết. Tuy nhiên, không khí núi rừng thanh khiết, không gian rộng rãi, mát mẻ thì cũng khó nơi nào sánh kịp. Đến mức mà sáng dậy Hồ Uy Liêm phải thốt lên rằng chưa có lúc nào mà Liêm có được giấc ngủ sâu, ngon lành như đêm qua. Hỏi ra thì không ai trong đoàn không trải qua một giấc ngủ kỳ diệu như vậy. Còn món súp lươn núi đặc biệt bên bờ hồ Hương Khê mà cả đoàn đã điểm tâm sáng thì khỏi phải bàn. Sáng sớm tôi có việc bân , không kịp ăn sáng cùng đoàn. Cậu Khiêm lái xe liền lái đưa tôi đến ăn, vừa nói : “ lươn thế này mới là lươn, so với lươn dặc sản Ninh Bình sáng qua thì một trời một vực, em ăn một bát mà vẫn thòm thèm”. “Thế thì ăn tiếp với mình bát nữa” . Vậy là không hề khách khí, hai chúng tôi đã thưởng thức món đặc sản một cách ngon lành, đủ sức đi tiếp đường dài. Không thể có đủ 
Buổi sáng bên bờ hồ thị trấn Hương Khê
thì giờ để cho cả đoàn biết mùi Cá Chình khe đá, Ba ba núi ( ở đây gọi là con Hon), uống với rượu “Viagra” của núi rừng Hương Khê là như thế nào. Người ta nói các quán đại đặc sản Hà Nội, Sài Thành…phải gọi bằng Cụ  ! Lại tiếc rằng chúng tôi rời Hương Khê lúc sáng sớm, sương mù chưa tan hết nên không thể chiêm ngưỡng được từ xa  thác Vũ Môn như một giải lụa trắng vắt trên lưng chừng núi hơn ngàn mét đổ xuống. Tuy nhiên dãy Giăng Màn cao vút như một bức màn phía tây, phủ mây mù thì cũng nhìn thấy phần chân núi.
Núi Giăng Màn mờ xanh, nhìn từ đỉnh núi của dãy Hoành Sơn sang
Khi lên đến đỉnh đèo La khê trên dãy Hoành Sơn, hết sương mù, nhìn sang thì đẹp mê hồn !

- Sắp đến Đèo Đá Đẽo rồi các bạn ơi ! Nhiều người reo :
- Đá Đẽo, Đá Đẽo …và cười ầm lên. Lại có tiếng Ngô Hà:
- Không phải, Đá chưa Đẽo chứ ! Không ai nhịn được nữa, cười vang cả rừng núi.
Tuấn Nga ngồi bên khẻ hỏi:
- Mọi người sao lại cười dữ dội vậy
- À, Tuấn Nga  không biết cách nói …lái à ?
Trên đỉnh đèo ĐÁ ĐẼO. Vẫn thấy ĐÁ CHƯA ĐẼO (ở bên cạnh)
Mà Tuấn Nga không biết nói lái cũng phải. Nga vốn là người Hà Nội, cháu ngoại cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà văn hóa, nhà cách mạng nổi tiếng, Hiệu Trưởng đầu tiên của Trường Lục Quân Việt nam. Bố mẹ Nga bị giặc sát hại từ 1943, Nga ở với gia đình gì ruột là vợ của ông Tạ Quang Bửu , người Nghệ An. Tuy lớn lên trong một gia đình đặc sệt miền Trung nhưng không ở miền Trung nên nói lái miền Trung không ngấm vào máu thịt.
Hơn một tiếng rưỡi thì đến Phong Nha, thăm thú di sản thế giới mất ba giờ, ăn trưa xong thì đã về chiều. Lại  đi tiếp đến Đồng Hới. Nhận phòng ở KS 3 sao Thanh Phúc xong thì may quá , vừa lúc trận đấu U23 Macau- Việt Nam bắt đầu.
Việt Nam thắng U23 Macao 7-0  rồi !
Các cụ ông quyết ngồi lỳ xem, mặc các cụ bà muốn dạo phố hay làm gì thì làm !
Thành phố Đồng Hới sát bờ biển cát trắng, có cửa sông Nhật Lệ rộng mênh mông, xưa mẹ Suốt phải chèo đò , chắc mệt lắm. Nay thì có cầu Nhật Lệ tuyệt đẹp mới bắc qua , sang khu Resort mới xây trên làng chài nghèo Bảo Ninh. Thật là kỳ ảo khi cô gái (à quên Cụ bà ) Hoàng thị Nhật Lệ dẫn các bạn từ thời ấu thơ đến bên dòng sông Nhật Lệ, ngắm cầu Nhật Lệ , thăm quê hương chôn rau cắt rốn của mình.
Hoàng thị Nhật Lệ cùng các bạn bên cầu Nhật Lệ bắc qua sông Nhật Lệ
Chắc là cha mẹ có kỷ niệm lãng mạn lắm trên dòng sông Nhật Lệ này nên mới chọn cho con gái cái tên Nhật Lệ. Tôi có một kỷ niệm riêng về Nhật Lệ. Lúc 7,8 tuổi, tôi được mẹ cho học nhạc . Thầy dạy tôi tập một bản valse  giờ tôi còn nhớ là "Sóng Nhật Lệ" của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiểu người Huế tản cư ra quê tôi. Bản nhạc phỏng theo bài valse Danube Xanh. Khi đến tập trung ở Chợ Rộ lại gặp
cô bé Nhật Lệ cùng tuổi. Thế cho nên cái tên Nhật Lệ nhớ mãi đến giờ.  
 
Chào nhé ! Quảng Bình quê ta ơi !
 
 Rời Đồng Hới khi mặt trời vừa lên khỏi chân trời mặt biển Đông.
Thắp hương bên mộ Đại Tướng Vo Nguyên Giáp







Đến mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, hãy còn sớm ,nên rất vắng vẻ. Thắp nén hương tưởng niệm người con của dân tộc xong, quay ra mới thấy xe và người kéo vào rất đông.







Quay ra quốc lộ 1A chỉ một đoạn ngắn là chui qua Hầm Đèo Ngang, mà theo anh Hồng Nhật nói, dân Miền Trung gọi là Đèo Đứng (các chị lại cười ré lên, lần này  Tuấn Nga hiểu ngay!). 

Khu vực Vũng Áng bắt đầu từ chân đèo, phía Hà Tĩnh. Chạy đến hơn chục cây số rồi mà vẫn chưa hết. Quả thật là một khu kinh tế hùng vĩ, chắc chắn là nhất Việt Nam  hiện nay. Tạm bỏ qua chuyện mưu mô Tàu, thì quả thật khu này đã thay đổi kỳ diệu. Chỉ năm , sáu năm trước, đây là vùng hoang vắng, nghèo xơ xác. Các cô gái bán hoa quá đát, dạt về đây, lập nên miền  “ hoa héo đèo Ngang” phục vụ tình dục cho cánh tài xế lái thuê ít tiền (cậu lái xe tên Khiêm, U60 kể thế) ! Đoạn quốc lộ 1A từ đây trở ra đã mở rộng xong, xe chạy 80km thoải mái. Chỉ hơn 1 giờ rưỡi từ Đèo Ngang đã đến ngã ba Đồng Lộc (110km). Trên đường rẽ vào Đồng Lộc, chúng tôi dừng lại thăm khu nhà thờ Tổ họ Ngô Trảo Nha của Ngô Hà.
Thăm nhà thờ Tổ họ Ngô ở Trảo Nha của Ngô Hà
Bên cạnh nhà thờ là khu lưu niệm của nhà thơ Xuân Diệu cũng là họ Ngô của Ngô Hà. Mặc dù là con gái (ngoại tộc !) nhưng Ngô Hà của chúng ta đã đóng góp xây cho nhà thờ Tổ hai cái hồ rất đẹp , và nhiều thứ nữa...Khá khen thay cho nữ tướng Ngô Hoàng Hà, trọn tình vẹn nghĩa với quê hương dòng tộc.

Từ nhà thờ tổ họ Ngô Trảo Nha đến nơi 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh chỉ vài cây số. Đã đứng ngọ, nắng gắt. Mấy hố bom lớn vẫn để nguyên , cỏ cây um tùm.
Khu tưởng niệm hoành tráng của thanh niên xung phong toàn quốc là nơi đầu tiên chúng tôi đến thắp hương. Khu này mới xây dựng sau này. Đối diện là một tháp chuông cao , cũng mới xây xong.
Tất cả các bạn chia nhau đi thắp hương trên mười ngôi mộ của mười cô gái , hy sinh cùng một lúc khi tuổi đời chưa quá hai mươi tuổi !
Thắp hương viếng mộ mười cô gái Đồng Lộc
Rời Đồng Lộc đã quá trưa. Không khí trong xe trầm lắng, như đang còn ngẫm nghĩ những ý nghĩa sâu lắng. Sự hy sinh của biết bao thế hệ con dân nước Việt, của  cha mẹ, ông bà, bè bạn của chính chúng ta, giờ đây đã mang lại điều gì ?
Điện thoại réo gọi anh chị Hân- Hà liên tục. Hóa ra dì ruột của Minh Hà ở Hồng Lĩnh đã chuẩn bị xong cơm nước quê nhà để chiêu đãi đoàn hành hương, mà sang chiều rồi vẫn chưa thấy về. Một nhân vật (vì sợ...xin được giấu tên) cũng nhận được điện thoại, nghe xong liền hồ hởi thông báo tin nóng: " Vì vụ cây xanh, chủ tịch Hà Nội đã từ chức , còn Bí thư thì đang cân nhắc!" Cả đoàn reo hò ầm ĩ, mở rượu ra uống mừng...Có thế chứ ! Có thế chứ ! Không có niềm vui nào vui hơn. Vui quá nên quên cả đói , cả đường dài, phút chốc đã đến ngã tư Quốc lộ 8 với quốc lộ 1A, nơi quán ăn của Dì Yến, dì ruột Minh Hà đã đợi sẵn.
Bìa trái: Dì Yến, dì ruột của Minh Hà chiêu đãi món quê
Đến quốc lộ 8 rồi mà anh Hân còn hỏi Đường 8 ở đâu. Anh Hân cùng chị Hà vốn đều là giáo viên, anh dạy toán, chị dạy văn. Nhưng năm 1972 anh Hân đi B , rồi trở thành nhà báo, viết văn. Hồng Nhật đọc truyện ngắn của anh Hân viết về đường 8 xong thì quả quyết, ông này nhất định là người Hà Tĩnh cạnh đường 8. Từ ngã tư này đến Đức Thọ quê của Hồ Uy Liêm , Hông Nhật và quê ngoại Xuân Hoài chỉ 5,7 km thôi. Nhưng anh Hân người Huế, chỉ là rể Hà Tĩnh thôi,  chỉ nghe kể lại mà viết về đường số 8 như thật, tài ghê ! 
Nếu mà tôi kể về bữa tiệc toàn món đặc biệt quê nhà choa mà chúng tôi được thưởng thức hôm nay thì mọi người sẽ tranh nhau về quê chị Minh Hà mất, nên thôi không kể nữa mà thèm.
Bữa tiệc toàn món quê hương do nhà Minh Hà đãi
Tuy nhiên phải thêm mấy lời, sau khi thưởng thức món cá Khe rán dòn không đâu có, mọi người khen nức nở, thì
 người (xin giấu tên) đứng dậy, chính thức phát biểu ca ngợi về cá, và thông báo thêm , cả đoàn vừa rồi còn được thưởng thức một loại cá ngon không kém, đó là "cá tháng tư". Ôi , sao cá tháng tư về ông chủ tịch thủ đô lại tuyệt đến thế, dù bao người hậm hực, oán trách kẻ chiêu đãi cá tháng tư. Nhưng không sao, vì  Ban TG TƯ sau đó biết tin đã có lời mời kẻ đạo diễn chuyện cá lừa này...làm cố vấn cao cấp!
Muộn quá rồi , không thể chần chừ lâu hơn nữa, xe mở hết tốc độ cho phép để về. Qua Cầu Giát một đoạn, đến làng Quỳnh Đôi , quê của nữ sĩ Hồ xuân Hương cũng như của hậu duệ bà là Hồ Thị Nghĩa, đang ngồi trên xe đây, cũng không thể dừng lại nữa. Nói Hồ Thị Nghĩa (K3), Bác sĩ quân y,  có thể nhiều bạn LSQL không nhớ, nhưng nếu biết Nghĩa là chị ruột của Hồ Trung Tá suýt chết đuối năm nào ở Hồ nước cạnh nhà Ăn của trường Quế Lâm chúng ta thì chắc không ai quên.
Tám giờ rưỡi tối , chúng tôi an toàn về đến địa phận Hà Nội, một chuyến hành hương thú vị, quên cả tuổi tác , sức khỏe. Ai cũng vui, và chúng tôi vui nhất là cặp đôi Hân - Hà, anh chị cả của cả Đoàn đã trở về vui vẻ, khỏe mạnh,...tình tứ hơn xưa. Ai không tin, hãy xem bức ảnh dưới đây trước khi chia tay.
CHÚC ANH CHỊ HÂN -HÀ LUÔN LUÔN MẠNH KHỎE VÀ ROMANTIC (như ở Đồng Hới)...