Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Ghi chép dọc đường trên đảo FORMOSA


     
FORMOSA ISLAND DU KÝ
(Đài Loan Du Ký)
Người ta kể rằng năm 1542 những thủy thủ Bồ Đào Nha khi nhìn thấy hòn đảo đã kêu lên » Ilha Formosa » có nghĩa là  "beautiful island tức Hòn đảo Xinh đẹp", từ đó cho đến đầu thế kỷ 20 phương Tây gọi Đảo Đài Loan là FORMOSA 福爾摩沙
Lâu ngày không sang Trung Quốc, năm ngoái nhóm Quế Lâm xưa định đi, sau vì ngại chuyện Trung Việt nên hủy. Năm nay, nổi hứng lên, nhóm trẻ con hơn sáu chục năm trước  ở Quế Lâm lại rủ nhau đi Trung Hoa Dân Quốc, tức là Đài Loan đó, để tìm lại chút kỷ niệm xưa với người Trung Hoa, cũng là xem Trung Hoa dân chủ khác vớiTrung Hoa Cộng Sản như thế nào..Tuy đã đi hầu khắp thế giới, Đài Bắc cũng có ghé qua rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi “du lịch” đúng nghĩa vì theo tour của Cty du lịch 4 đêm 5 ngày, có người đưa đón, giới thiệu. Đa số trong đoàn 16 người ít nhiều đều hiểu tiếng Trung cả nên cũng chẳng có khó khăn gì.
Đài Loan chẳng xa xôi mấy, mỏm cực nam Đài Loan nằm cùng vĩ độ với Lạng Sơn, chạy hơn 400km lên phía bắc là hết đảo lớn, gọi là tỉnh Đài Loan, chỉ có hai tỉnh thôi, tỉnh thứ hai gồm mấy đảo Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ gọi là tỉnh Phúc Kiến, cùng tên với tỉnh Phúc Kiến đối diện bên Đại Lục Cộng Sản. Nhớ hồi những năm 1955/56 lũ trẻ chúng tôi ngày ngày hồi hộp nghe loa nhà trường đọc tin chiến dich của Bác Mao nã đại bác vào đảo Mã Tổ , một ngày bắn một ngày nghỉ, vui đáo để ! So với Việt Nam thì diện tích Đài Loan 36000km2, bằng 1/10, dân số 23,5 M bằng ¼, vậy là mật độ dân cư gấp 2,5 lần Việt Nam, đúng là đất chật người đông, thế mà cũng không ngăn cản họ giàu (GDP theo sức mua tương đương 2014) gấp 7,7 lần Việt Nam, và 4,6 lần Trung Hoa Cộng sản, xấu hổ thật! Tất nhiên tôi đi không phải chỉ để ngắm họ giàu mạnh thế nào, không vì cao ốc hay độ xa hoa mà còn muốn khám phá nhiều hơn con người và cuộc sống phía sau đó…

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Vì sao Đại Việt chưa bị Hán hóa

08:49-03/09/2016 08:49-03/09/2016 
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=9983
Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt
Trần Gia Ninh

Tượng Thừa tướng Nam Việt Lữ Gia
ở Linh Tiên Đạo Quán, Hoài Đức, HN.


Khi đọc những câu hỏi “Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc vẫn không thể đồng hóa Việt Nam?”. Hoặc “Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà khó đồng hóa như vây?(1), nhiều người nghĩ chắc là ý kiến của những anh chàng người Việt nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật bất ngờ, những câu hỏi này và tương tự như vậy hiện là những chủ đề nóng của các diễn đàn tranh luận trên mạng Internet của người Trung Hoa, bằng tiếng Trung chứ không phải của người Việt. 


Họ đã chất vấn nhau, đại loại thế này: Hơn một nghìn năm, trước khi nhà Tống lên ngôi, Giao Châu là thuộc Trung Hoa, dù chị em họ Trưng có nổi dậy cũng chỉ mấy năm là dẹp yên. Thế mà vì sao từ đời Tống trở đi các triều đại Trung Hoa không thể thu phục nổi Việt Nam. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam, người Kinh ấy, từ đâu mà ra, hình thành từ lúc nào? Người Hán chúng ta từ cổ xưa đã có sức đồng hóa cực mạnh. Số dân tộc đã bị Hán tộc đồng hóa không đếm xuể. Tại sao chừng ấy năm đô hộ vậy mà không đồng hóa nổi Việt Nam… Nếu An Nam là thuộc Trung Quốc từ thời đó, liệu bây giờ quần đảo Nam Sa (VN gọi là Trường Sa) có thành vấn đề không? Việt Nam có còn chiếm được nhiều đảo ở Nam Sa như bây giờ không?
Là người Việt Nam, chắc ai cũng muốn chính mình tìm câu trả lời cho những câu hỏi thú vị đó. Chúng ta từng nghe nói rằng, từ xa xưa một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử trở về Nam là nơi các tộc dân Việt sinh sống và phát triển nền văn minh lúa nước rực rỡ. Thế rồi ngày nay, hầu hết đều trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán, dùng Hán ngữ và văn hóa Hán. Quá trình đó người ta quen gọi là Hán hóa. Vì vậy nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, và quá trình Hán hóa Bách Việt, là một cách ôn cố tri tân hữu ích. Đáng tiếc là thời xa xưa đó lịch sử chủ yếu ghi chép lại bằng Hán ngữ cổ ở Trung Hoa, không dễ tiếp cận với đa số hiện nay. Vì lẽ đó người viết bài này cố gắng tóm tắt những gì mà sử sách cổ còn ghi lại, kết hợp với những tài liệu khoa học đã công bố của một số học giả uy tín trên thế giới, ngõ hầu cung cấp một vài thông tin hữu ích, nhiều chiều, kể cả còn đang tranh cãi.
Bách Việt là ai và ở đâu?

Thác Vũ Môn Hương Khê-Hà Tĩnh

THÁC VŨ MÔN -XƯA VÀ NAY

Trang sách Nghệ An Ký viết về Thác Vũ Môn

Sách Nghệ An Ký của Bùi Dương Lịch (1757  1828)  viết (trích dịch) :
NÚI: Núi Giăng Màn (khai trướng sơn) nằm trên đất hai phủ Ngọc Ma và Lâm An, là núi nổi tiếng ở Nghệ An (Nghệ An xưa bao gồm cả Hà Tĩnh bây giờ). Núi cao lớn lấn trời, trông hệt như tấm màn giăng vậy. Giữa khoảng núi rừng xanh rì buông xuống một giải trắng dài vài trăm trượng gọi là Suối (thác) Vũ Môn. Nơi đây chưa có mấy dấu chân người. Đời truyền là chỗ cá hóa rồng. Phía bắc núi là nơi bắt nguồn của sông Phố (tức Ngàn Phố bây giờ). Phía tây sông có con đường thông sang phủ Trà Lân, phủ Trấn Ninh và các mường của Ai Lao. Nước Ai Lao sang cống nước ta cũng đi theo đường này (hình như là đường số 8 bây giờ ?)…..

Phía đông núi có sông Tiêm bắt nguồn từ đấy. Sông này chứa nước của suối Vũ Môn…..

Dẫn nhập" Huyền Thoại Kim Thiếp Vũ Môn" (NXB Văn Học 2015) tác giả kể:
Lúc bé tôi thường ngồi châm đóocF   cho ông tôi hút thuốc lào, nhất là khi có khách là các cụ Đồ Nghệ đến chơi, bàn về chữ nghĩa, thì tôi phải túc trực bên cạnh. Tôi còn nhớ các cụ tranh cãi nhau đến đỏ mặt tía tai về chữ Vụ (Vũ) trong Vũ Môn. Tiếng Nghệ Tĩnh vốn dĩ chỉ phân biệt có ba thanh là huyền, sắc và thanh thứ ba thì dấu hỏi, ngã và nặng gộp làm một. Vũ hay Vụ dân Nghệ Tĩnh cũng đọc gần như nhau. Có cụ cãi rằng chữ Vũ đó chính là tên vua Vũ nhà Hạ bên Tàu. Vũ Môn nghĩa là cửa ông Vũ. Cụ này cho rằng Vũ Môn chính là Long Môn (cửa rồng) do hai ngọn núi án ngữ hai bên bờ sông Hoàng Hà làm cản dòng nước. Vua Vũ trị thủy phá cái cửa hẹp ấy đi, nên gọi là Vũ Môn. Lúc đó tôi mới tám chín tuổi, nhưng nghe cãi cũng thấy có lý. Ông nội tôi thì nói rằng phải lấy chữ Vũ là mưa mới đúng, vì nước ở thác chảy từ trên cao ngàn thước  xuống, tỏa ra như mưa quanh năm. Cửa của ông Vũ bên Tàu là trên sông rộng, thì sao mà cá phải vượt Vũ Môn. Thác Vũ Môn của ta cao những bốn, năm ngàn thướcF, lại ba cấp trên đá trơn, thì đúng là nơi khó khăn thử sức anh tài, cá chép nào vượt nổi thì mới thành rồng chứ. Còn như cửa ông Vũ bên Tàu, cá nào chẳng bơi ngược, bơi xuôi được, thì đều thành rồng cả à. Tôi nghe cũng có lý lắm. Tôi nhớ là ông tôi còn bảo, Cụ Phan cũng đồng ý như vậy, và cụ Phan còn nói “Thác Vũ Môn bên ta thì can cớ chi lại đặt tên theo tích bên Tàu”. Lúc đó tôi không biết ai là cụ Phan, sau này tôi mới biết đó là cụ Phan Bội Châu, bạn chữ nghĩa và bạn chiến đấu tâm đắc với ông nội tôi từ thưở trẻ. Hai cụ cùng lý tưởng, chí khí như nhau, cùng hoạt động cho phong trào Đông Du, Quang Phục Hội, kẻ ở trong nước, người ở Nhật. Ông tôi là người yêu nước, đã từng bị Tây bắt giam nhiều năm vào nhà lao Hà Tĩnh nên chống Tây đến độ cực đoan. Các chú tôi chơi đàn Bangjo hoặc Mandolin thì ông đuổi đi, nói đó là đàn cuả Tây, không thèm nghe. Một hôm chú tôi chơi đàn Ghita Hawaii, ông tôi thích lắm, bảo nó nghe giống như tiếng Đàn BầuF 1
Sau này học nhiều, tôi mới biết, có đến hơn hai chục chữ Vũ trong Hán Việt, lại thêm chục chữ Vụ nữa, nếu tranh cãi kiểu đồ Nghệ chắc cả đời không hết. Nhưng chữ Vũ trên bìa sách là chữ Vũ chỉ Mưa, nên chắc chắn là sách của ông tôi viết rồi.  Vì vậy nên suốt mấy chục năm qua tôi để tâm tìm kiếm những thư tịch đã bị cuộc Cải Cách Ruộng Đất làm thất tán của ông tôi, cũng như của cả một vùng văn hiến Hoan Châu xưa, rồi lần tìm thêm các truyền thuyết, thần phả, gia phả còn lưu truyền.. Ai cũng bảo vì chiến tranh ác liệt nên tan tác hết, nhưng chiến tranh không phá hủy được nền văn hiến, chỉ có con người tự phá nền văn hiến của chính mình mới tan nát đến thế.
Vừa rồi ,Anh Trần Quốc Bảo , Thường vụ Hyện Ủy, Trưởng ban tuyên giáo  Huyện Hương Khê đã tổ chức một chuyến đi lên thác Vũ Môn và đã gửi cho tác giả Huyền Thoại Kim Thiếp Vũ Môn những hình ảnh và Video do chính anh Bảo ghi lại được, với mấy dòng sau đây: 

Cháu Chào Bác 

Cháu đi Thác Vũ Môn về. Cháu đã lên đến đỉnh cao nhất của Thác. Trên đỉnh thác độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển; đỉnh núi cao nhất sau thác khoảng 1.700m; phía sau Thác là đất Việt Nam (không phải đất Lào) rộng khoảng 500 ha. trong đó có khoảng 50 ha đất bằng ngay khu vực đỉnh Thác. Trên Thác có một dòng suối chảy về đỉnh Thác (cung cấp nguồn nước cho Thác); Nói chung là Thác rất đẹp; là cơ hội để xây dựng một khu nghỉ dưỡng.
Mời các bạn xem ảnh và Video mới nhất về thác Vũ Môn, cách thị trấn Hương Khê hơn 30 km:
Anh Trần quốc Bảo (áo trắng)  ngồi dưới chân thác



Vũ Môn ba cấp
Bàn cờ tiên

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Thảm họa môi trường

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ THẢM HỌA FORMOSA HÀ TĨNH

Lúc này mà nói về một cách nhìn khác của thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh e rằng sẽ bị phản ứng dữ dội của tất cả mọi thành phần, phe phái trong xã hội. Mọi quan điểm đánh giá của các phía : Nhà nước, Doanh nghiệp, Những nhóm xã hội kể cả cá nhân  là đối nghịch và không thể dung hòa. Họ đều tuyên bố là vì người dân, vì biển ,vì môi trường. Những thực thể này thì về bản chất là câm nên không thể lên tiếng tự bảo vệ được. Bài viết liều mạng này không chống , không ủng hộ ai , không vì cái gì cả mà hoàn toàn là nhìn từ ngoài vào trên góc độ hoàn toàn khoa học cả tự nhiên lẫn xã hội. Xin độc giả cố đọc hết rồi hãy đánh giá.
1-    FORMOSA và môi trường
a)    Ngành nghề sản xuất kinh doanh
Formosa Hà Tĩnh là một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực Nhà máy điện, Cảng biển và Sắt thép. Đó đều là những ngành cổ điển, hữu ích và tối cần thiết cho xã hội. Đối với môi trường thì Cảng Biển, Nhà Máy điện và Nhà máy sắt thép tổng hợp (Cốc hóa, luyện sắt, chế thép) là nguy hại, phải cảnh giới ở mức độ đỏ (cao nhất). Trên thang điểm ô nhiễm môi trường (Pollution Index Score-100 là cực đại) thì  Cốc hóa 70 (bẩn như chế tạo sơn, bột màu; sạch hơn Xi măng 75, Khách sạn 75); Cảng biển 85, Nhiệt điện 85 (sạch hơn lò mổ thịt 87,5), Luyện sắt thép 90 (bẩn như tái chế giấy cũ, sạch hơn Hóa dầu 95, Giấy và Bột giấy 95, Công nghiệp dược phẩm 95..)[1]. Như vậy , về nguyên lý công nghiệp, FORMOSA Hà Tĩnh rõ ràng gây ô nhiễm lớn với môi trường , nhưng  chưa tác hại bằng Dung Quất, Nghi Sơn, Bãi Bằng, Giấy & Bột giấy Hậu Giang.
b)    Công nghệ và khả năng ngăn chặn ô nhiễm
Luyện sắt với than cốc là công nghệ cổ điển gần hai thế kỷ rồi, mới cũ không hơn kém nhau bao nhiêu. Các nhân tố gây ô nhiễm đã biết, khả năng xử lý ô nhiễm đã có sẵn , rất hiệu quả, không quá tốn kém, thế giới đã biết và bắt buộc thực thi từ lâu[2] . Vì thế , hàng ngàn đại nhà máy sắt thép nằm trên bờ biển đã và sẽ vẫn tồn tại và phát triển trên khắp thế giới.Vấn đề là ở chỗ người quản lý nhà nước có biện pháp bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ quy định về môi trường hay không. Cái gì gây tốn kém cho doanh nhân mà không bị bắt buộc hoặc kiểm soát thì 99,9% các doanh nhân không tự vẽ việc ra để làm, thiên hạ là như vậy cả.
c)     Các đơn vị Formosa Hà Tĩnh và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển 4/2016
·       Nhà máy nhiệt điện Formosa Vũng Áng 650MW, hoạt động từ 3/2015, cho đến trước khi cá chết đã được 01 năm. Khó là thủ phạm chính.
·       Cảng sâu Sơn Dương : Cảng hoạt động từ 2001 (Việt Lào) đến nay đã có 5 bến hoạt động (không phải của Formosa). Các bến của Formosa (6 bến) đang xây dựng. Không có khả năng là thủ phạm chính.
·       Lò cao: Nước thải từ khâu sản xuất này không lớn, về lý thuyết chỉ khoảng 0,2m3 /tấn gang trong đó chứa khoảng 10g chất rắn lơ lửng, 20g dầu, 1g cyanide và 2g kim loại nặng. Vậy lò cao có thể nhưng hiện chưa phải là thủ phạm chính
·       Nhà máy luyện Cốc Formosa hoạt động 11/2015, 5 tháng trước khi cá chết.
Nghi ngờ là một trong những thủ phạm chính, vì công nghiệp này có phát thải Phenol và Cianite (về lý thuyết là 150–2,000 mg/l Phenol tức 0.3–12 kg/t coke, và Cyanite 0.1–0.6 kg/t coke )[3] trùng hợp với việc trong cá chết, nước biển  có dấu vết Phenol và Cyanite. Các kỹ thuật ngày nay không khó để xử lý về ngưỡng an toàn Cyanide (free) 0.03, Phenol 0.15 (đơn vị grams/tone coke). Vậy tại sao lại xẩy ra thảm họa cá chết?
Formosa có công suất 10 triệu tấn thép, ít nhất phải dùng đến hơn 4 triệu tấn coke. Vì Formosa mới sử dụng ¼ công suất lò luyện coke [4] nên công suất hiện cỡ 1 triệu tấn năm, mỗi năm tối đa sản sinh 5000 tấn Phenol , tối thiểu 125 tấn (tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào và công nghệ luyên). Như vậy về nguyên lý, Formosa mỗi ngày thải ra tối đa 13,5 tấn , tối thiểu 0,35 tấn Phenol  . Cho rằng nước thải không được xử lý, công nghệ và nguyên liệu của Formosa tệ nhất thế giới, đồng thời Phenol không phân hủy thì lò coke của Formosa đã giết chết cá từ lâu chứ không phải đã chạy được 5 tháng an toàn. Như vậy đánh giá của các nhà khoa học VN vừa qua là hợp logic, rằng đây là một sự cố cấp tính do hai yếu tố: i) Hệ xử lý nước thải không hoạt động một thời gian ngắn , và ii) có thêm một chất thải khác (hydroxyt sắt…) được đổ vào đồng thời làm Phenol không phân hủy được. Tuy vậy ,cũng thấy chưa thật ổn ,vì tối đa 4, 5 ngày mất điện cũng chỉ có 50 tấn Phenol (nên nhớ Phenol không phải quá độc), với dòng sông hay hồ nước còn khả dĩ giết chết sinh vật , đây là ở biển rộng, sóng to gió lớn, lượng Phenol như vậy chưa thấm gì, có thể đặt dấu hỏi liệu ngoài Hydroxyt sắt (không độc lắm) còn có chất độc cấp tính mạnh nào nữa không ? Cianua cũng rất độc, nhưng phân hủy nhanh trong biển nên riêng từ lò coke là chưa đủ, phải đổ cấp tập thêm một lượng rất lớn mới đủ tác dụng.

2-    Những kết luận có thể tin cậy về khoa học và kinh tế kỹ thuật
·       Đầu tư xây dựng khu công nghiệp sắt thép lớn ở bờ biển không phải là thảm họa, không có gì phải chê trách. Xin nhắc lại, ở đây không nói đến vấn đề an ninh, vấn đề âm mưu Trung quốc… vấn đề tham ô, hối lộ, móc ngoặc của quan chức, vấn đề di dân, đền bù , giá cả và thời hạn thuê đất.
·       Việc ngăn chặn , giảm thiểu ô nhiễm môi trường là khả thi về mặt khoa học , kinh tế, kỹ thuật. Không phải là khó khăn gì ghê gớm không vượt qua nổi. Trừ khó khăn do con người tự tạo ra.
·       Vẫn có thể chọn cả thép và cá chứ không phải chỉ được chọn một thứ.
·       Thảm họa cá chết vừa qua là một sự cố cấp tính
3-    Những câu hỏi cần phải trả lời.
a)     Vì sao những vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển với một khu liên hợp như Formosa không có gì mới mẻ, không quá khó khăn…mà các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn không làm được hay là không chịu làm ?
b)    Thảm họa này muốn xẩy ra được phải hội tụ hai điều kiên: Dừng hoạt động hệ xử lý nước thải và phải đổ vào đó những chất ngăn chặn Phenol phân hủy. Tại sao mấy ngày đó lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy?
c)     Tại sao thảm họa lại xẩy ra vào cuối tháng tư 2016?


4-    Thử tìm câu trả lời
Câu hỏi a) đã có quá nhiều phân tích chí lý rồi, xin không nhắc lại nữa.
Hãy thảo luận về câu hỏi b) với mục đích trả lời cho câu hỏi kiểu hình sự: thảm họa này là ngẫu nhiên hay là cố ý?. Mất điện vài ngày là lý do được cho là làm dừng hệ thống xử lý. Lý do này nghe được, nhưng với một khu công nghiệp có nhà máy điện riêng thì khó chấp nhận. Tại sao đúng lúc mất điện lại có một lượng lớn Hydroxyt sắt được đổ vào , gây nên hậu quả Phenol không phân hủy được? Khó tin được đây là sự sắp đặt của tạo hóa chứ không phải là do bàn tay con người!
Để trả lời cho câu hỏi c), tại sao thảm họa lại xẩy ra vào cuối tháng 4/2016, chúng ta hãy nhớ lại sự kiện biểu tình đập phá của công nhân VN tại sự kiện Trung quốc kéo dàn khoan nổi HD981vào lãnh hải Việt Nam 1/5/2014. Rõ ràng người dân VN, công nhân VN không mong muốn và tự mình gây bạo loạn đập phá nhà máy. Chỉ có một lực lượng ngầm cực mạnh mới có thể xoay chuyển được sang tình thế như vậy? Ai được lợi từ sự kiện này, chắc chắn là chủ nhân của giàn khoan HD 981 rồi. Đến đây thì ai cũng rõ họ chính là chủ nhân của lực lượng ngầm được bảo kê để gây nên sự cố này.
Tháng tư 2016 ở Việt nam có nhiều sự kiện, nhưng quan trọng nhất vẫn là sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Đảng CSVN, thứ nữa là chuyến thăm của tổng thống Obama. Ai muốn gây sức ép lên VN tất sẽ nhân dịp này tạo một thảm họa để cảnh cáo và trục lợi. Và họ sẽ không ra mặt mà sử dụng lực lượng ngầm. Formosa đã úp mở rằng thảm họa này là do lỗi của một nhà thầu phụ. Bây giờ thì đã rõ nhà thầu phụ đó là MCC[5], một công ty quốc doanh của Trung Hoa Đại lục. Nhìn kỹ lại, thì thảm họa nay nếu không phải là ý chúa thì tất phải do bàn tay của MCC dàn dựng. MCC và 4,5 nhà thầu phụ Trung Quốc tại Formosa chính là một lực lượng ngầm khoa học công nghệ của Trung Hoa, nguy hiểm hơn rất, rất nhiều những đội quân ngầm cài cắm nhan nhản khắp các cơ quan, lãnh thổ của Việt Nam.
Xét cho cùng thì thảm họa này nằm ngoài suy nghĩ của Nhà nước và quan chức  VN , dù Nhà nước đó có tham nhũng, bất lực đến mấy đi nữa. Nó cũng nằm ngoài tính toán của chủ nhân và lãnh đạo tập đoàn Formosa, dù họ có hám lợi và táng tận lương tâm đến mấy đi nữa. Chỉ có lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là hưởng lợi từ thảm họa này.  
Cả dân Việt Nam, cả nhà nước của ĐCS Việt Nam, cả Formosa, cả dân Trung Hoa nghèo khổ  đều đang nằm trong cỗ máy nghiền của tập đoàn lãnh đạo ĐCS Trung Quốc hiện thời. Đấy là sự thật và cũng là lý do mà tác giả đã viết bài này. Tất nhiên , có phần nào đó mang màu sắc của lý thuyết âm mưu, tin hay không tùy người đọc.
Người viết bài này chỉ là một nhà chuyên môn con dân nước Việt, không màng đến chính trị, quyền lực nên cũng chắng cần chê bai hay ủng hộ quan chức VN làm gì . Bản thân đã từng được người dân Trung Quốc nghèo khổ cưu mang, nuôi dưỡng mình từ tuổi ấu thơ cho nên đã và luôn luôn nhớ ơn và yêu mến người dân Trung Hoa. Vì vậy cũng hiểu về văn hóa Trung Hoa , về ĐCS Trung Hoa không kém gì hiểu biết về Việt Nam. Thật là khó khăn khi phải viết về sự kiện này như một người ngoài cuộc. Tuy nhiên, người viết đã cố hết sức có thể, mong nhận được những ý kiến phê phán nghiêm cẩn nhằm giúp những người có lương tri có cơ sở khoa học & kinh tế kỹ thuật..để dễ dàng phản biện.
Trần Gia Ninh 7/2016





[1]Final Document on Revised Classification of Industrial Sectors Under Red, Orange, Green and White Categories (February 29, 2016) Table G-2 : Final List of Red Category of Industrial Sectors, p.18 http://envfor.nic.in/sites/default/files/Latest_118_Final_Directions.pdf
[5] MCC là Metallurgical Corporation of China Ltd. Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Hoa. www.mcc.com.cn/mccen/index/index.html
http:// boxitvn.blogspot.com/2016/07/ke-ao-mo-chon-bien-ca-va-nguoi-viet-ten.html

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Đỉnh Fansipan

LÊN NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG NHÌN XUỐNG

Chuyến lên Fansipan , nóc nhà Đông Dương 26/4/2016 rất thú vị. Đi cáp treo lên đến 2850 m và phải leo núi thêm gần 300 m nữa (hơn 600 bậc, bằng cao ốc 100 tầng) mới lên đến đỉnh. Đoạn leo núi này là thử thách lớn nhất, ai không leo lên được thì ở lại không gian ga cáp treo có siêu thị rất hoành tráng, có khu vui chơi rộng đep mênh mông , có khu vực tâm linh với đền đài uy nghi hùng ví bằng đá và gỗ quý, không hề buồn chán tí nào.




Là người đã từng đi nhiều cáp treo hùng vĩ như khu trượt tuyết ASPEN ở Colorado, Núi Alpe ở Áo....nhưng phải công nhận cáp treo Fansipan là kỳ vĩ nhất. Cáp treo Bà Nà, Yên Tử..chỉ là muỗi so với Fansipan.
Ngồi trong cabin cáp treo
Cáp treo này không phải băc từ chân núi lên mà là bắc ngang qua thung lũng Mường Hoa từ sườn dãy núi bên này sang đỉnh núi bên kia, dài hơn 6 km. Các kỹ sư Đức và Áo hiện vẫn đang túc trực làm việc với người Việt Nam tại đây khi đoàn này đi cáp treo. Hai lần đi lên và đi xuống đều mất điện giữa chừng, nhưng chỉ một phút là có điện ngay. Nguyên do là họ luôn có 3 nguồn điện dự phòng, tự động khởi động ngay , nên rất an toàn. Quả thật là không thể tưởng tượng nổi hàng vạn tấn thiết bị, vật liệu làm sao mà họ mang lên được đỉnh núi như vậy. Ngồi trong cabin vẫn thấy các đường cáp treo phụ vận chuyển vật liệu vẫn liên tục chạy bên cạnh. Họ vẫn đang tiếp tục xây dựng.
Từ cáp treo nhìn xuống thung lũng Mường Hoa
Năm sau, ai cũng lên được đến đỉnh Fanxipan mà không phải trèo 600 bậc nữa, vì họ đang xây dựng một đường tàu hỏa mini leo núi. Siêu thị ở ga cáp treo hai đầu đều rộng lớn và hoành tráng hơn cả Tràng Tiên Plaza toàn bằng đá nguyên khối. Khu tâm linh rộng như một quảng trường nhà hát lớn và 600 bậc lên núi đều bằng đá tự nhiên trắng xanh, thật là hoành tráng , thật sự đáng khâm phục về tài năng con người, đặc biệt là tầm cao mỹ thuật và sự nhìn xa của nhóm kiến trúc sư Đức-Áo đã xây dựng công trình 4 ngàn tỷ này.

Điều đặc biệt là khí hậu. Bước ra khỏi ga cáp treo là gió lạnh thấu xương, thổi mạnh đến mức ngiêng ngả người.
Ngoài sân ga cáp treo, gió lạnh thấu xương
Mọi người đều phải mặc thật ấm, đội mũ ,choàng khăn kín mặt mới chịu được. Siêu thị đã có bán sẵn áo ấm, khăn mũ, khẩu trang..cho những ai quên mang theo. Thế nhưng càng leo lên cao thì gió bớt dần, ấm áp hẳn lên. Khi đến đỉnh thì gió lặng, mát như mùa thu HàNội, phải bỏ hết khăn áo ra mà chạy nhảy hò hét, vui đáo để...

Trên đỉnh Fansipan ngắm toàn cảnh núi rừng bên dưới
Từ đỉnh núi đi xuống ga cáp treo
Các bạn nào muốn lên đỉnh Fasipan mà ngại leo, xin chờ một năm nữa có tàu hỏa leo núi rồi hãy đi cho đỡ ngại nhé! Rất đáng lên đó một lần, nói thật đấy, tôi không nhận hoa hồng của Cty cap treo để quảng cáo đâu!


Nhà nước và nhà khoa học phải tin nhau

02:56-17/03/2016Gốc rễ của cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm:
Nhà nước và nhà khoa học phải tin nhau

GS. TS Trần Xuân Hoài bên chiếc kính hiển vi
quét đầu dò (SPM) đang được thiết kế dở,
một trong những sản phẩm thành công của ông.

Có thể nói, GS. TSKH Trần Xuân Hoài không chỉ là một nhà khoa học tài năng mà còn là người luôn đi “tiên phong” trong đổi mới quản lý khoa học. Với Tia Sáng, ông là một “cây bút” có nhiều bài về khoa học, giáo dục và văn hoá được độc giả quan tâm. 
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tia Sáng, GS. TSKH Trần Xuân Hoài đã trao đổi với Tia Sáng về mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một tổ chức KH&CN công lập mà ông và một số nhà khoa học của Viện Vật lý ứng dụng đề xuất và thực hiện cách đây gần 30 năm.


Xin ông cho biết vì sao ngày đó ông và các cộng sự lại có ý tưởng xây dựng một tổ chức KH&CN hoạt động theo một cơ chế chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam?


Câu chuyện tự chủ, tự chịu trách nhiệm xuất phát từ thực tế nghiên cứu tại Viện Vật lý, nơi tôi công tác và lúc đó được giao trọng trách là Viện Phó thường trực, đồng thời cũng là Trưởng phòng thí nghiệm (PTN) Vật lý chất rắn, một PTN mạnh nhất lúc bấy giờ. Khi đó, Viện trưởng của Viện là GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu.

Vật lý là một ngành gắn liền với kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nhưng vào thời điểm đó, trình độ sản xuất công nghiệp của đất nước ta lại ở mức thấp so với thế giới, vì vậy nhiều kết quả nghiên cứu của Viện chưa có điều kiện phát huy hết ưu điểm. Cũng một phần vì lý do này mà Việt Nam không có được những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Là người làm khoa học thực nghiệm, tiêu tốn khá nhiều tiền của nhà nước, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều khi thấy những kết quả nghiên cứu của mình chưa được ứng dụng vào thực tiễn chứ không muốn chỉ làm theo kiểu báo cáo suông.
Cái khó lớn nhất trong đời làm khoa học của tôi, cũng như của Viện tôi là làm sao thoát được sự đàn áp, trù đập, gây khó khăn cho tập thể chỉ vì lòng đố kỵ nhỏ hẹp của một số lãnh đạo khoa học giáo điều, chưa thoát khỏi ám ảnh quyền lực. Mà bạn biết đấy, khoa học là tự do, là dân chủ, là bình đẳng, là tôn trọng mọi khác biệt, rất xa lạ và dị ứng với áp chế quyền lực.

Hơn nữa, không chỉ riêng Viện Vật lý, môi trường quản lý khoa học của ta lúc bấy giờ tồn tại một số vấn đề mà theo tôi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghiên cứu. Đó là cung cách quản lý khoa học kiểu hành chính áp đặt cá nhân từ trên xuống bằng những mệnh lệnh duy ý chí, như mô hình Luxenco-Mitsurin ở Liên Xô mà chúng tôi thường gọi là “vua trong khoa học”, là cách “làm khoa học vì lãnh đạo cấp trên”, như cách một số vị khoa học nổi tiếng thời bấy giờ đã làm và khuyên mọi người theo. Chúng tôi cho rằng, muốn làm được khoa học tốt thì nhà nghiên cứu phải được tự do trong tư duy, phải được làm việc trong bầu không khí dân chủ.

Vậy ông đã có những kiến nghị gì với lãnh đạo Viện về cách quản lý khoa học?

Khi một số Ủy viên Bộ Chính trị đến Viện Khoa học Việt Nam (KHVN) làm việc, họ đã gặp và yêu cầu tôi phát biểu. Tôi đã thẳng thắn nói rằng, trong khoa học chỉ có quan hệ thầy trò, đồng nghiệp, không có khái niệm thứ bậc hành chính cấp trên, cấp dưới. Cũng như nhiều anh em khác trong Viện, tôi sang Âu, Mỹ làm việc từ khá sớm nên có được cơ hội tìm hiểu và học tập nhiều điều bổ ích. Vì vậy trong những cuộc họp nội bộ của lãnh đạo Viện, tôi đã nhiều lần phát biểu, những quy định về tổ chức hoạt động nghiên cứu của Viện cần “buộc” người lãnh đạo, phải tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới làm tốt hơn chứ không phải để “trói buộc” cấp dưới. Cần phải tạo ra một đột phá trong quản lý và nghiên cứu khoa học, nếu chúng ta thực sự muốn có một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đạt hiệu quả, tiết kiệm nhất và thật sự có ích cho xã hội.

Chính vì lẽ đó mà vào năm 1987, 1988, tôi và một nhóm các đồng nghiệp thuộc PTN Vật lý chất rắn của Viện đã cùng nhau bàn bạc về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu ứng dụng vật lý để chế tạo các vật liệu, linh kiện và thiết bị khoa học (gọi tắt là Trung tâm vật lý ứng dụng), hoạt động một cách “đàng hoàng” theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (khi đó chúng tôi gọi là “tự quản, tự chịu trách nhiệm”). Mục tiêu của Trung tâm là phải nghiên cứu ra những kết quả có thể dùng được trong sản xuất và đời sống xã hội và tìm mọi cách để chuyển giao cho các xí nghiệp, nhà máy chứ không phải là ứng dụng nửa vời như cung cách bấy lâu chúng ta vẫn quen làm. Nếu không thành công, chúng tôi sẽ kiên quyết tự giải thể. Đây là một ý định có phần bất bình thường, bởi chưa từng có một đơn vị, một tổ chức nào của khoa học Việt Nam thời điểm đó lại “dại dột” tự đặt mình vào thế bấp bênh trong khi có thể yên tâm ngồi nghiên cứu và hưởng tiền nhà nước đều đều.

Vậy ông đã xây dựng trung tâm đó theo mô hình nào để đạt được mục tiêu như vậy?

Theo kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia tiên tiến, việc sáng tạo trong nghiên cứu thường được giao cho những tập thể nhỏ của các nhà khoa học nhiều thế hệ, tập hợp nhau theo một định hướng khoa học xác định, tự quản, tự chịu trách nhiệm, và điều hành theo phương thức đơn giản, linh hoạt.

Vì vậy trong tờ trình đầu tiên gửi lãnh đạo Viện KHVN với lãnh đạo Viện Vật lý, tôi và một số anh em tâm huyết nói rõ là: “Chúng tôi nhận thấy cần thiết phải xây dựng ngay tại Viện Vật lý một cơ sở khoa học – sản xuất làm nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng triển khai, đưa vào sản xuất một số những thành tựu của vật lý ứng dụng hiện đại trên thế giới và ở nước ta, chủ yếu tại Viện Vật lý. Do vậy nó cần được xây dựng theo một mô hình lấy mục tiêu kinh tế - sản xuất là chính. Nó phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm cao cấp về vật liệu linh kiện và thiết bị, và đủ khả năng làm hạt nhân công nghệ trong liên kết với các cơ sở trong nước và liên doanh với nước ngoài. Cần phải lựa chọn hình thức tổ chức của trung tâm này đảm bảo đủ tư cách pháp nhân trong giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng nghiên cứu khoa học của Viện Vật lý nói chung”. Trong điều kiện kinh tế hiện thời của Việt Nam, trung tâm nên bắt đầu từ hình thức nhỏ nhất là trực thuộc hoặc phối thuộc, như vậy sẽ đảm bảo tận dụng được ưu thế truyền thống của Viện Vật lý, sử dụng một cách hợp lý nguồn nhân lực và hai mảng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển có thể tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau.
Để khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tồn tại đúng bản chất của nó, nhà quản lý cần tạo ra một môi trường hoạt động nghiên cứu minh bạch và rõ ràng, cởi mở và dân chủ, có chế độ đãi ngộ tốt cho anh em nghiên cứu và tránh hiện tượng “xin cho”.

Chúng tôi đề nghị, trung tâm cần bao gồm xưởng sản xuất, phòng nghiên cứu phát triển, phòng đo lường và kiểm tra, phòng thiết kế và công nghệ…. Về nguyên tắc hoạt động, trung tâm chủ trương cố gắng lấy thu bù chi. Vốn hoạt động được lấy từ bốn nguồn chính là vốn đóng góp của cơ quan quản lý sản xuất và khoa học nhà nước trong và ngoài Viện Khoa học Việt Nam, vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư cơ bản của nhà nước trả dần theo nộp khấu hao cơ bản và vốn vay hay tài trợ của nước ngoài. Về nhân lực, Trung tâm sẽ áp dụng cơ chế tuyển chọn hoặc mời cộng tác viên. Nếu hoạt động không hiệu quả kinh tế hoặc sau ba năm không có yêu cầu phát triển thành đơn vị độc lập, trung tâm sẽ tự giải thể.

Tôi được nghe một số cán bộ khoa học cùng thời với ông kể lại việc ông đề xuất mô hình tự quản, tự chịu trách nhiệm đã bị một số lãnh đạo Viện bác bỏ, bản thân ông bị gây khó dễ…

Đúng như vậy. Một số lãnh đạo cao cấp đã chỉ không chấp thuận mà còn cho rằng tôi có những ý nghĩ “ngược dòng” nên đưa đối tượng (tức là tôi) ra “đấu tố”, quy chụp một số tội danh. Lãnh đạo Viện Vật Lý cũng như của Viện KHVN lúc bấy giờ đã hành động quyết liệt đến mức tiến hành giải thể, sáp nhập phòng thí nghiệm, cử trưởng PTN mới để loại bỏ đối tượng (tức là tôi đấy, vì tôi đứng đầu PTN), nhân lúc tôi đang đi nước ngoài!

Tuy nhiên chúng tôi không nản lòng, bởi ngoài một số anh em làm công tác nghiên cứu, còn có một số lãnh đạo khác của Viện Khoa học Việt Nam cũng đồng tình với ý định của chúng tôi, dù không dám công khai. Đặc biệt, lúc tôi đang ở nước ngoài, hơn chục cán bộ khoa học trẻ của PTN đã ký tên vào một văn bản để ủng hộ những ý kiến đề xuất và bảo vệ trưởng phòng thí nghiệm của mình trước những quyết định có tính trù dập. Bước đường cùng, khi về nước, một lần nữa, vào tháng 2/1989, chúng tôi viết tờ trình gửi lãnh đạo Viện KHVN, trong đó nêu rõ “đề nghị tách PTN Vật lý chất rắn thành một PTN độc lập trên nguyên tắc tự quản tự chịu trách nhiệm…”. Tổ chức này tách khỏi Viện Vật lý và trực thuộc Viện KHVN, “trong điều kiện hiện nay, để nó được phát triển độc lập, không nên đặt nó dưới một sự quản lý hành chính của một đơn vị nào đã có sẵn”. Để tránh lặp lại việc làm khoa học theo kiểu hành chính, chúng tôi cũng đề xuất, người quản lý PTN chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp, không hưởng lương chức vụ mà chỉ có trợ cấp trách nhiệm. Đồng thời tôi cũng xin từ chức, rút ra khỏi ban lãnh đạo Viện (nhưng không bỏ PTN). Sau nhiều lần thuyết phục không được, mấy anh chị em khoa học chúng tôi phải kéo nhau “đột nhập” vào cuộc họp liên tịch lãnh đạo Viện KHVN và Đảng ủy Viện KHVN (mà chúng tôi không được mời) để trình bày chính kiến của chúng tôi, yêu cầu sự trả lời rõ ràng của các cấp lãnh đạo. Cuối cùng dưới sức ép của tập thể, người lãnh đạo Viện KHVN đã phải miễn cưỡng chấp thuận với đề xuất của chúng tôi. Trên cơ sở đó, Trung tâm vật lý ứng dụng, tiền thân của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, ra đời vào 8/3/1989.

Trong bối cảnh như vậy, hẳn việc vận hành mô hình mới của ông gặp nhiều khó khăn?

Việc vận hành về chuyên môn một mô hình tổ chức hoàn toàn mới với Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn như mọi người tưởng. Với phương thức điều hành đơn giản và linh hoạt, chúng tôi đã đảm bảo được định hướng phát triển theo cả hai hướng quan trọng là phát triển nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các kết quả nghiên cứu với những địa chỉ cụ thể. Vào những năm 1990, dù với tay trắng và bị gây khó dễ, chúng tôi vẫn có nhiều công bố quốc tế đáng chú ý về năng lượng tái tạo, về quang điện hóa, kỹ thuật nano ôxít titan (TiO2) quang xúc tác…và nhiều công trình khác, qua đó, được mời tham gia nhiều hội nghị quốc tế và có điều kiện cập nhật nhiều thông tin công nghệ hiện đại, mở rộng liên kết hợp tác với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài. Và số tiền tài trợ quốc tế nhờ đó cũng khá lớn. Xin nói thêm, những định hướng khoa học mà chúng tôi làm thời đó nay đang là “mốt” của rất nhiều cơ sở nghiên cứu hiện nay, họ nhờ đó đã “câu” được khá nhiều tiền của nhà nước.

Về việc tìm địa chỉ ứng dụng, với những uy tín nghiên cứu và mối quan hệ sẵn có, chúng tôi đã lần lượt đưa các kết quả nghiên cứu “chào hàng” ở nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, đó đều là những sản phẩm công nghệ như kính hiển vi quét đầu dò (SPM), màng Ti02 quang xúc tác, vật liệu từ Ferrit… chất lượng cao nhưng giá thành rẻ vì làm từ nguyên vật liệu trong nước. Có thời vật liệu từ Ferrit của Viện chúng tôi chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam, có nhiều ứng dụng trong sản xuất như làm nam châm trong đồng hồ đo điện của nhà máy Điện cơ Hà Nội, loa và các dụng cụ dạy học, rơ le sản xuất nồi cơm điện … Có thời chúng tôi phối hợp với các cơ sở sản xuất đúc hàng trăm tấn bi hợp kim cứng nghiền xi măng chất lượng cao cho nhà máy Xi măng Bỉm Sơn khi bị Liên Xô cắt nguồn cung cấp (vì sụp đổ). Chúng tôi cũng nghiên cứu chế tạo khá nhiều thiết bị khoa học cao cấp theo đơn đặt hàng chuyên biệt, việc này cũng đem lại doanh thu tốt… Tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, chúng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập trung tâm là không ứng dụng nửa vời và chứng minh cho xã hội thấy mình không phải là người làm khoa học viển vông. Và dĩ nhiên, chúng tôi có thể tạm sống khiêm tốn bằng chính trí lực của mình. Vì vậy, Trung tâm Vật lý ứng dụng không những không phải giải thể mà còn tạo được nền móng vững chắc để sau này chuyển đổi thành Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Chúng tôi đúc rút ra một điều: Làm ra đồng tiền để sống không dễ nhưng không phải không làm được, miễn là anh có thực nghề trong tay, có công nghệ, có tri thức, uy tín cộng với đam mê thì sẽ làm nên được thương hiệu, qua đó có thể thương mại hóa sản phẩm một cách đàng hoàng.

Qua việc hình thành và vận hành mô hình Trung tâm Vật lý ứng dụng theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong những năm 1990, ông rút ra được bài học kinh nghiệm gì về quản lý và nghiên cứu khoa học?

Tôi cũng từng phải kinh doanh khá thành công để nuôi sống cho PTN, và thấm thía rằng một đồng tiền làm ra từ kết quả khoa học khó hơn, quý hơn vạn lần đồng tiền làm ra bằng kinh doanh nước bọt, dù biết rằng tiền nào cũng là tiền. Nhìn xa hơn, dưới góc độ quản lý, để phá vỡ thế trì trệ trong nghiên cứu, cần phải thay đổi cơ chế mới có thể khuyến khích việc “làm thật, hưởng thật”, một nguyên tắc đơn giản có thể áp dụng trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Chúng tôi quan niệm rằng, nhà nước cần phải đầu tư lớn cho khoa học, nhưng phải là đầu tư có trách nhiệm và ngược lại, nhà khoa học - nhà quản lý, những đối tượng được thụ hưởng sự đầu tư này, cũng phải giữ tinh thần chi tiêu có trách nhiệm. Khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm nghĩa là sử dụng đồng tiền đầu tư của nhà nước một cách có trách nhiệm, mà muốn sử dụng đồng tiền có trách nhiệm thì nhà quản lý cũng nên tạo điều kiện cho anh em nghiên cứu được tự chủ làm nghiên cứu và quyết định làm thế nào để kết quả nghiên cứu được sử dụng. Một giáo sư người Đức, làm cố vấn cho cơ quan quản lý Việt Nam nhiều năm, đã nói thầm với tôi: “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan khoa học là điều tất nhiên, nước Đức và cả thế giới văn minh đã làm từ lâu, sao Việt Nam lại rộ lên chuyện này như một phát minh vậy!”

Sau mấy chục năm gắn bó tận tụy với nghề khoa học, ông trăn trở điều gì nhất?

Nghĩ lại thì thấy mình đã làm hết sức có thể, sẵn sàng từ bỏ địa vị và danh vọng cho niềm tin của mình. Ngay khi đương chức, tương lai rộng mở, mình đã không ngần ngại nói lên và trực tiếp thực hiện những ý kiến “không hợp thời” của mình. Như Einstein đã nói “một tiếng nói đơn lẻ luôn luôn chìm trong tiếng ồn ào của số đông” nhưng tôi vẫn hành động dù đơn lẻ. Hệ lụy, mất mát đối với tôi là không nhỏ, nhưng cuối cùng thì chúng tôi vẫn còn sống, còn may mắn hơn so với nhiều đồng nghiệp tài năng khác đã bị vùi dập. Chúng tôi được nhìn thấy một phần những gì mình cố gắng làm, dù bị cho là ngược đời, thì nay đã được những người hiểu biết nhìn nhận là việc nên làm, muộn còn hơn không! Cái đáng tiếc là đã phải dành phần lớn tài năng, sức lực và thời gian sáng tạo để đấu tranh cho sự sinh tồn của mình và tập thể, cũng là cho khoa học chân chính (hay là niềm tin ngây thơ) chống lại những hành xử của một số “học phiệt” quản lý khoa học bằng quyền lực phi lý. Tôi chỉ mong sao cho lớp trẻ ngày nay không phải chịu đựng như vậy nữa, để có thể dành thời gian và trí tuệ cho đam mê sáng tạo khoa học.
Xin cảm ơn ông !
Những yếu tố mấu chốt để phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm 

Trong những năm gần đây, khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được đưa vào đời sống khoa học Việt Nam một cách bài bản thông qua việc thể chế hóa bằng nghị định, văn bản chính sách. Thông qua thực tiễn, tôi thấy rằng, để phát huy hiệu quả cơ chế này, trước hết cần người lãnh đạo phải là người có tài, có bản lĩnh chịu trách nhiệm, đem lại mái nhà chung cho các nhà nghiên cứu (có tài) yên tâm làm việc. Khi đó, người cán bộ nghiên cứu có tài không phải sống nhờ hay trông chờ vào “sự cưu mang” của lãnh đạo tổ chức mà ngược lại, góp phần xây dựng tổ chức bằng công sức lao động trí óc của mình. Mặt khác, cần phải có sự nỗ lực từ hai phía: cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học. Từ phía nhà nước, cần phát hiện ra những tổ chức xứng đáng đầu tư và trao quyền tự chủ về cả tổ chức nhân sự, định hướng nghiên cứu lẫn sử dụng kinh phí, tránh chuyện can thiệp quá sâu vào công tác nghiên cứu. Những tổ chức đó phải là tập hợp những người có tài, những người biết làm thật, nếu không tuyển được họ, tức là không có người làm được việc, thì không thể tự chủ, mà đã không tự chủ được thì không thể chịu trách nhiệm được. Về phía nhà khoa học, đó phải là những người đam mê khoa học, trung thực và có tinh thần cầu tiến. Hai nhà, nhà nước và nhà khoa học, đều phải có niềm tin lẫn nhau, đây chính là gốc rễ của tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
         
GS.TSKH. Trần Xuân Hoài

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Ngẫu nhiên và Tâm Linh


Ngẫu nhiên và Tâm Linh       01:06-27/01/2016
Trần Xuân Hoài



Báu vật ba voi vàng, một nghê đồng đen,
bộ lục lạc, khuy áo bào, lược cài tóc vua.

Mùa xuân đến , các bà các cô ,các cụ các cháu… có náo nức đi đền chùa, miếu mạo để xin keo, rút thẻ , cầu tài cầu lộc… chắc chắn khoa học không thể và cũng không nên chứng minh là sai hay là đúng. Chúng ta hãy thừa nhận Ngẫu Nhiên và Tâm Linh luôn song hành với nhau. KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN không cái nào chống cái nào cả. Tạo hóa đã sắp đặt như vậy rồi !



Xưa nay toán học luôn luôn được coi là tránh khỏi tính bất định và có thể cung cấp một nền tảng vững chắc và tinh khiết cho những lĩnh vực khoa học khác vốn bị coi là hỗn độn. Nhưng thực ra chính bản thân toán học cũng hỗn độn.1

Nhà toán học nổi tiếng Gregory Chaitin chỉ ra rằng “phạm vi những bài toán có thể giải được chỉ giống như một hòn đảo nhỏ trên một đại dương bao la của các mệnh đề không thể quyết định được”, lấy ví dụ, Lý thuyết số là nền tảng của toán học thuần tuý. Nó mô tả những khái niệm liên quan tới phép đếm, phép cộng và phép nhân. Hai cộng hai là bốn: Không ai tranh cãi chuyện đó. Các nhà toán học có thể chứng minh điều đó một cách chặt chẽ, và ngoài ra còn chứng minh nhiều chuyện khác nữa. Ngôn ngữ toán học cho phép họ đưa ra những phương pháp rõ ràng rành mạch để mô tả mọi thứ xảy ra trong thế giới xung quanh, hoặc ít ra là họ đã từng nghĩ như vậy. Thế nhưng chưa chắc đã như vậy, chẳng hạn hãy xét bài toán tìm số lẻ hoàn hảo. Một số hoàn hảo là số có tổng các ước số của nó bằng chính nó. Thí dụ 6 là một số hoàn hảo, vì các ước của nó là 1, 2, 3 và 1 + 2 + 3 = 6. Có vô số các số chẵn là số hoàn hảo, nhưng chưa ai tìm thấy một số lẻ hoàn hảo, và cũng chưa ai chứng minh được rằng số lẻ không thể là số hoàn hảo. Đó có thể là thí dụ điển hình của những chân lý không thể chứng minh được. Nói cách khác, có những chân lý mà các nhà khoa học luôn luôn chỉ có thể đặt niềm tin vào chúng, thay vì chứng minh chúng.

Trường phái David Hilberttừng cho rằng chân lý toán học là một hệ thống logic chặt chẽ và hoàn chỉnh đến mức tất yếu “phải biết và sẽ biết”. Ngày nay nhiều người cho rằng chân lý toán học thực ra mang tính ngẫu nhiên, thay vì tất nhiên và xác định như nhiều người vẫn tưởng!

Các nhà vật lý vốn có khát vọng tìm thấy một mô tả đầy đủ và chính xác về Vũ trụ. Toán học là ngôn ngữ của vật lý, do đó ý kiến trên ngụ ý rằng sẽ chẳng bao giờ có một “Lý thuyết về mọi thứ” (TOE – Theory of Everything) đáng tin cậy – một lý thuyết tổng kết một cách gọn gàng toàn bộ những đặc trưng cơ bản của hiện thực trong một tập hợp các phương trình. Steven Weinberg, nhà vật lý từng đoạt Giải Nobel phải thừa nhận: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ khẳng định được chắc chắn rằng lý thuyết cuối cùng của chúng ta là phi mâu thuẫn về mặt toán học”.

Thế cho nên, các nhà toán học và vật lý lý thuyết nay đã phải thốt lên “God not only plays dice in quantum mechanics, but even with the whole numbers”.Tạm dịch: Chúa trời không chỉ gieo xúc xắc trong cơ học lượng tử mà còn tung xúc xắc trong toàn bộ các con số!

Gieo con xúc xắc sẽ cho một kết quả ngẫu nhiên, đó cũng là cách làm giống như những chuyện tâm linh xin keo, rút quẻ, cầu trời khấn phật… tồn tại từ khi con người có mặt trên trái đất này, dù có tin hay là không.

Đối với những nhà vật lý thực nghiệm như bọn tôi thì luôn có thiên hướng chỉ tin những điều sờ được, chứng minh được bằng thực nghiệm! Nhưng tâm linh là một cái gì đó, chỉ nghe thôi cũng đã thấy là không thể sờ đến được, không thể chứng minh được cả trên lý thuyết lẫn thực nghiệm. Nhưng biết đâu vẫn có thể trải nghiệm được nó chăng?
***
Ăn theo quyển tiểu thuyết lịch sử “Huyền Thoại Kim Thiếp Vũ Môn”, viết về hào kiệt Hoan Châu hơn sáu trăm năm trước, mấy ngày qua tôi may mắn được các bạn bè và chính quyền huyện Hương Khê, quê hương của Thác Vũ Môn huyền thoại tạo điều kiện đi thăm lại các địa danh tâm linh nổi tiếng ở miền biên ải, xưa là vùng rừng núi thâm nghiêm ở chân dãy Giăng Màn. Thác Vũ Môn thì ở cheo leo trên cao ngàn thước chưa thể đến được ngay. Chúng tôi trước hết đến làng Phú Gia chiêm bái Miệu Trầm Lâm u tịch, bên bờ hồ Trầm Lâm không đáy, nước trong vắt, không cạn không đầy dù nắng hạn kéo dài hay bão lũ mưa nguồn xối xả. Đây là nơi linh thiêng bậc nhất của cõi Giao Châu xưa, tức nước Việt ngày nay. Tương truyền đây là nơi các nữ thánh linh thiêng với nguồn nước thần vĩnh cửu đã cứu giúp, rửa nỗi oan khuất cho bao phận đời đen bạc. Năm xưa khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương chống Pháp, năm 1885 rời bỏ kinh thành Huế, đến làng Phú Gia nơi đây lập Sơn Phòng. Một đêm, thánh nữ Trầm Lâm báo mộng cho Vua biết giặc Pháp đang sắp kéo đến, vua phải mau mau rút đi. Để ghi nhớ công lao phò trợ của dân bản, khi rời Sơn Phòng, vua Hàm Nghi đã trao lại cho bô lão vùng này những báu vật cung đình bằng vàng và đồng đen cùng áo bào với bảo kiếm của nhà vua. Sơn Phòng của vua Hàm Nghi chỉ cách Miệu Trầm Lâm một đoạn đường ngắn. Đó là một ngôi thành rộng có tường đất bao quanh đã bị thời gian bào mòn gần hết, đoạn tường đất còn lại chỉ cao không đầy năm, sáu thước. Ngoài thành là hào nước bao quanh. Kiến trúc kiểu này nặng về thủ khó để công. Thành nay là di tích lịch sử quốc gia, phía trong mới xây ngôi đền thờ vua Hàm Nghi hoành tráng uy nghiêm. Chúng tôi thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh vị vua trẻ tuổi yêu nước, có số phận bi hùng mà toàn dân ngưỡng mộ rồi cả đoàn kéo đến chiêm ngưỡng kho báu của vua Hàm Nghi. Kho báu này được bảo tồn nguyên vẹn 130 năm nay, lạ nhất là không phải ở trong bảo tàng hay đền đài kiên cố mà như người ở đây nói, là được lưu giữ trong lòng dân. Được tận mắt chiêm ngưỡng các báu vật trăm năm này là một đặc ân hiếm có mà dân làng và chính quyền ở đây dành cho đoàn chúng tôi. Theo ông phụ trách văn hóa xã cho biết, chỉ những ai được dân làng, chính quyền xã và thần linh cho phép thì mới được tận mắt, tận tay chiêm ngưỡng mà thôi. Đoàn chúng tôi gồm ba thầy giáo (thầy Hùng dạy toán, thầy Hồ dạy văn, hiện là trưởng phó phòng Giáo dục đào tạo huyện, thầy Ngọc nguyên là phó chủ tịch huyện phụ trách văn hóa giáo dục, một nhà báo và một nhà khoa học là tôi), tất nhiên là đã được dân làng và chính quyền hoan nghênh rồi, nhưng khó nhất là phải được thần linh cho phép. Muốn biết thần linh có cho phép hay không thì phải xin keo, một nghi thức tâm linh. Họ kể rằng, một đoàn do bí thư tỉnh ủy xin keo mãi không được phải quay về. Lại có đoàn do vị giám đốc Công an một tỉnh mà đến đây gieo quẻ xin keo mãi không được, xã và dân làng giao chìa khóa để vị đó tự mở két cũng không được đành về không.

Kho báu cũng như bàn thờ vua Hàm Nghi ở đây thật đơn sơ: Một ngôi nhà gỗ lợp tôn, giống như một cái lán rộng, không cửa đóng then cài, chia làm hai phần, một nửa đặt bàn thờ vua Hàm Nghi, một nửa là nơi ở của gia đình Đạo chủ, người được dân làng bầu lên theo tiêu chuẩn là một người cao tuổi đức cao vọng trọng, thanh bạch, song tồn (còn cả ông cả bà), con cháu hiếu thảo. Đạo chủ kỳ này là cố Phan Hiền, đã ngoại thất thập, được giao giữ kho báu. Khi chúng tôi đến, một người phụ lễ nổi một hồi trống dài rồi mọi người thắp hương lên bàn thờ vua Hàm Nghi. Sau khi phân ngôi chủ khách, lễ xin keo bắt đầu. Đạo chủ thắp hương khấn cầu trời đất, và xướng đến tên tôi, vì tôi được coi như trưởng đoàn. Sau đó là những lời chú dài mà tôi không hiểu gì cả, chỉ thỉnh thoảng nghe đến tên tôi được xướng lên. Sau ba hồi trống nữa đến phần xin keo. Đó là hai đồng tiền cổ giống nhau. Nếu gieo mà cả hai đều sấp thì chấm dứt. Nếu cả hai đều ngửa thì được gieo lại nhiều nhất là ba lần, nếu một sấp một ngửa thì được, nếu không thì lại theo luật như trên. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm nghi lễ tâm linh này, biết chắc là quy luật xác suất thôi mà, khả năng sấp ngửa là ½. Thế nhưng trong lòng cũng thấy một cảm giác rờn rợn khó tả… Hồi hộp, hồi hộp… nếu như… nếu như thần linh không cho thì sao nhỉ? Như người dân ở đây bảo, thần linh chỉ cho phép những người có tâm thanh sạch thôi. Mình cả đời làm khoa học giúp mình giúp đời, chẳng có dã tâm gì, chẳng hại ai… Nhưng biết đâu… Hồi trống đã dứt, hương được thắp thêm, khói thơm nghi ngút…Tôi nhắm mắt lại khi quẻ được gieo… Tiếng Đạo chủ cười vang sảng khoái: Được rồi, được rồi! Chỉ một lần gieo quẻ xin keo là được ngay. Mọi người reo vui, bàn luận, thật là hiếm có trường hợp nào chỉ một lần xin keo là được ngay như thế này… Nhà báo Phan Thanh Điểu đi cùng nhóm cười vui, bình luận “Chúng mình đều là những thầy giáo, nhà báo, nhà khoa học thanh tâm, tĩnh khí… thì thần linh phù trợ là đúng rồi...” Âu cũng là một điều tự an ủi!

Ông đại diện uỷ ban xã, người được giao giữ chìa khóa mở khóa tủ ngoài. Đạo chủ Phan Hiền giữ khóa két trong. Người phụ lễ trải tấm vải hồng điều lên bàn, tráp sơn mài đã sờn đựng báu vật vàng được bưng ra, đặt lên bàn.

Hai con voi vàng có bành, một con nghê màu đen mà theo Đạo chủ nói là đồng đen, một bộ lục lạc của Vua, lược cài đầu… Áo bào và gươm báu để ở một tủ khác. Tôi đặc biệt chú ý đến con nghê màu đen bóng, cầm lên tay thấy rất nặng, không thể là đồng được. Với tỷ trọng lớn thế này, theo cảm nhận nghề nghiệp, chắc rằng đây là một hợp kim vàng dù có màu đen. Tôi cũng loại trừ đây là Wonfram hoặc Uranium, những chất có tỷ trọng tương tự vàng, vì việc gia công tinh xảo như con nghê này thì với W hay U không thể chế tác được. Giá mà trong tay có một máy XRF cầm tay thì hay biết mấy, có thể biết ngay là gì. Tiếc quá vì nghe nói đến đồng đen nhiều, không tin, nhưng nay được cầm tận tay rồi! Xung quanh bảo vật mà vua Hàm Nghi ban tặng còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh tương tự khiến sự thiêng liêng càng nhân lên gấp bội. Năm 1936, một trong hai con voi vàng bị Lê Yêm, con trai Lê Triết (Đạo chủ đang giữ báu vật) mang sang Lào bán để lấy tiền mua đàn bò. Trên đường trở về Lê Yêm bị một con bò húc vào bụng chết ngay tại chỗ, kẻ đồng mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên ở nhà bỗng nhiên phát điên. Kinh hãi vì cảnh ấy, người vợ của Lưu Duyên đã chết đứng. Gia đình người Lào đổi con voi này cũng gặp họa, sau khi biết được tin này hoảng sợ, làm lễ mang voi vàng trả lại cho dân làng Phú Gia.

Đã 130 năm, qua binh đao lửa cháy, bom đạn chiến tranh ngút trời, bão lũ mưa nguồn khủng khiếp mà các báu vật chỉ được người dân cất giữ trong những lán trại sơ sài vẫn không hề suy suyển, có thể gọi là một điều kỳ diệu của đức tin tâm linh thánh thiện!
***
Chúng tôi rời kho báu khi Mặt trời đã xuống sau dãy núi Giăng Màn hùng vĩ. Sau một nghi lễ xin keo thành công có một không hai, đầy an ủi tâm linh, thầy Hùng trưởng phòng Giáo dục huyện đề xuất cả đoàn đến thưởng thức Cá Tràu Sông Ngàn Sâu bọc lá sim nướng để tự thưởng cho sự thanh tâm, tĩnh khí của các thành viên. Hương Khê là một thị trấn miền núi, có thể nói là đẹp nhất trên con đường Hồ Chí Minh ngàn dặm. Ở đây có nhiều chứng tích, kỳ quan thiên nhiên ẩn chứa niềm tin tâm linh huyền bí. Lại có nhiều đặc sản của núi rừng như cá chình khe núi, ba ba khổng lồ, mật ong rừng, rượu ủ men rễ cây rừng bí truyền…Và hơn nữa là trải nghiệm tâm linh đặc biệt khiến cho một người làm khoa học chỉ cực đoan tin vào khoa học như tôi giờ cũng ngộ ra rằng có những điều mà các nhà khoa học, với tư cách là một con người, chỉ có thể đặt niềm tin vào chúng, thay vì chứng minh chúng.
--------
1 The Omega Man, New Scientist 10-03-2001 P.V. Hưng lược dịch
2 David Hilbert 1862-1943 là một nhà toán học người Đức, được công nhận như là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng rộng lớn nhất của thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
CÁC HÌNH ẢNH CỤ TRẦN ĐÃ GỬI (EMAIL) ĐƯA LÊN BÀI:
Hồ Trầm Lâm không đáy
Khấn bàn thờ vua Hàm Nghi
Gieo quẻ xin keo
Một sấp một ngửa, thần linh cho phép rồi !
Thử cầm Voi vàng và Nghê đồng đen