Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

VỤ ÁN ĐINH LA #




NẤU ĐẬU BẰNG CÀNH ĐẬU 煮 豆 燃 豆 萁,
VÀ VỤ ÁN ĐINH LA # PVN
Trần Gia Ninh

Được biết trong vụ # PVN có rất nhiều luật sư tham gia bào chữa ngay từ đầu. Nhưng xem hồ sơ bản án được hoàn thành thần tốc trong 12 ngày, các luật sư biết chắc án đã bỏ túi rồi, nên có cãi cũng chẳng ăn thua, mà # thì lắm tiền chi đậm, chẳng lẽ bó tay. Họ bèn google các sách kim cổ, lại tham vấn các cao nhân khắp nơi, cuối cùng nghĩ ra một mẹo, ghi vào giấy bỏ trong túi gấm, nhờ đút tiền đậm nên đưa được cho # trước khi ra tòa, dặn ra tòa cứ thế này..thế này... mà thực hiện . Sự việc diễn ra đúng như thế, khi được chánh án cho nói lời sau cùng, # ta run run mở cẩm nang ra đọc, nguyên văn như sau:
************************************
Kính thưa Chánh án Đại nhân! Cảm ơn ngài đã cho tôi nói lời sau cùng. Ngài cũng biết rằng thực ra người xử tôi không phải là ngài mà là Đại Đầu Lĩnh, vốn xuất thân Văn Sử-Hán Nôm , chuyên ngành nhẹ Nôm nặng Hán. Vậy tôi xin chánh án đại nhân chuyển cho tôi bức thư Hán Nôm này cho Đại Đầu Lĩnh, mong được nhã giám. Và cho phép tôi đọc bức thư này trước tòa, coi như lời nói sau cùng:
Kính thưa Đại Đầu Lĩnh
Xưa khi Tào Tháo chết, Tào Phi chiếm ngôi, sợ em là Tào Thực chống, bèn đem Thực ra xử. Thực khóc xin tha. Phi bèn lệnh cho Tào Thực trong bảy bước phải làm một bài thơ với đề là việc đang xử, nếu không xong thì sẽ chém đầu. Tào Thực bước đi bảy bước và làm bài thơ mượn hình ảnh dùng cành đậu để nấu hột đậu để ám chỉ việc anh em tương tàn. Phi nghe xong, có ý thẹn liền tha tội chết cho Thực:
煮 豆 燃 豆 萁,
Chử đậu nhiên đậu ky, ----- Cành đậu đốt đáy nồi
豆 在 釜 中 泣。
Đậu tại phủ trung khấp.----- Hạt đậu trong nồi khóc
本 是 同 根 生,
Bản thị đồng căn sinh,------ Từ một gốc sinh sôi
相 煎 何 太 急?
Tương tiễn hà thái cấp----- Đốt nhau sao tàn khốc
Nay # tôi bị xử, ân hận nhỏ ra giọt lệ nào cũng hóa thành dầu, biết không thoát tội, nhưng bắt chước tiền nhân, đi bốn bước , được bài ngũ ngôn tứ tuyệt thể thơ “Trúc bút thi ”, theo đề là cảm hứng phiên tòa Dầu:
石 油 國 民 産
Thạch du quốc dân sản -------- Dầu của nước của dân
君 我 皆 分 享
Quân Ngã giai phân hưởng---- Ta hè nhau chia phần
其 油 用 燒 散
Kì du dụng thiêu tản ------------ Nay dầu đem đốt củi
一 切 變 火 旺
Nhất thiết biến hỏa vượng------Tất cả bị cháy rụi
Cầu mong được Đại Đầu Lĩnh nhã giám , noi gương người xưa, nể tình đồng chí, cho # tôi một con đường sống.
----------------------------------------
Thư được trao, tòa nghỉ để nghị án, chưa biết kết quả thế nào, xin chờ xem Hồi Sau sẽ rõ.
Fb Gia Ninh Trần

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017



Ngô Bảo Châu trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội Dân




Ngô Bảo Châu trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội dân tộc mình
Sau khi giải được cái bài toán về Bổ đề gì đó mà đa số dân Việt Nam có khi không mấy ai biết là để dùng vào việc gì, Ngô Bảo Châu đạt giải Toán học Fields. Sau đó, với tinh thần ưu đãi người tài, Ngô Bảo Châu được Chính phủ mời về nước, được tôn vinh, được cấp một căn hộ trị giá 12 tỉ VNĐ ở tòa nhà Vincom, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán… Tuy nhiên, từ khi đạt giải thưởng danh giá trên, đến nay hầu như bản thân GS. Ngô Bảo Châu chưa có những thành tích gì thêm góp sức cho nền toán học nước nhà. Chỉ thấy, thời gian của một GS Toán dường như không dành cho nghiên cứu về Toán học mà lại dành cho việc chõ mồm để đá xéo chế độ – một chế độ đã cho bản thân Ngô Bảo Châu và gia đình những ưu đãi tốt nhất. Cái này, người ta thường gọi là Ngô Bảo Châu đang phản bội người nuôi dưỡng mình, dân tộc mình.
Ngày 19/5/2016 vừa qua, trong khi người dân cả nước nói chung và người dân Nghệ An nói riêng thành kính kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì một nhân vật mang học hàm Giáo sư ở độ tuổi còn khá trẻ viết trên mạng xã hội facebook rằng: “Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Có lẽ do bị nhận nhiều “gạch đá” từ dư luận vì status thiển cận trên nên GS. Ngô Bảo Châu đã ẩn nó đi. Nhưng, cộng đồng mạng đã nhanh chóng chụp lại tút trên để làm bằng chứng cho 1 phát ngôn nông cạn của một nhân vật mang học hàm GS hẳn hoi như Ngô Bảo Châu.
Có lẽ, không cần giải thích thì những người tiếp cận “tút” trên của Ngô Bảo Châu đều hiểu là ở vị GS này đang muốn nói điều gì. Tôi chưa được tiếp xúc với Ngô Bảo Châu nên không biết Châu giỏi Toán như thế nào nhưng chỉ qua mấy câu chữ trên thì thấy ở một vị mang hàm GS nhưng phát ngôn rất hồ đồ. Nếu nói về Phật giáo, Ngô Bảo Châu đang dùng sai khái niệm. Theo Wikipedia thì “Luân hồi là một phạm trù trong Phật giáo, chỉ vòng sinh tử, những lần đầu thai nối tiếp nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết bàn”.
Theo quan niệm Phật giáo, thoát khỏi luân hồi hay không chẳng do thế lực nào quyết định ngoài sự tu thân tích đức của chính chúng sinh đó. Các đức Phật và Bồ Tát đều đã thoát khỏi luân hồi mà không phải là nhờ có chúng sinh cầu mong cho họ điều đó và điều đó cũng không phụ thuộc việc ai bắt họ phải sống tiếp như thế nào. Nhưng dù cả nghìn năm trôi qua, nhân loại vẫn tiếp tục xưng tụng họ, tu học theo con đường mà họ đã chỉ dẫn cho.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước trải qua các thế hệ đều yêu quý, trân trọng, thành kính và noi theo Người. Bây giờ và mãi mãi sau này cũng sẽ là như vậy. Bởi Bác Hồ là tượng trưng cho những giá trị có tính trường tồn của dân tộc: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Việc Người có thực sự ở cõi Niết bàn hay không, chắc chắn không liên quan gì đến “sự nghiệp”của đất nước hay của cá nhân. Nhưng những giá trị, chuẩn mực về đạo đức và tư tưởng của Người thì đã, đang và sẽ luôn là mục tiêu hướng tới của cả dân tộc trên mảnh đất cong cong hình chữ S nằm bên bờ biển Đông này.
Một quốc gia bước ra từ chiến tranh liên miên do bị các nước Thực dân, Đế quốc và trước đó là hơn ngàn năm Bắc thuộc, đầy rẫy những hậu quả từ hậu chiến tranh: mất mát, đau thương về người, kinh tế kiệt quệ, các phương tiện, vật chất bị phá hủy… Vì thế, dù đã trải qua hơn 40 năm sau chiến tranh, sự nghiệp xây dựng đất nước còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ một bàn tay hay một nhóm bàn tay nào đó mà phải cần sự chung tay góp sức của cả dân tộc thì mới có thể vực dậy và phát triển đất nước. Đó cũng là một trong những lý do Chính phủ bỏ ra nhiều ưu đãi mà ít ai nhận được để mời GS. Ngô Bảo Châu – một vị Giáo sư về Toán học về nước để giúp sức cho đất nước.
Nếu ông GS này không hài lòng về chế độ thì tại sao xuất phát từ một công dân Việt Nam, mang học hàm Giáo sư, Ngô Bảo Châu không có những hành động văn minh hơn, thể hiện đẳng cấp Giáo sư của mình trong việc góp ý trên tinh thần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hoàn thiện hơn? Ngược lại, Ngô Bảo Châu đang hành xử như một kẻ vô lại, không có học thức với trò đánh lén sau lưng. Một mặt, Ngô Bảo Châu nhận vinh quang, nhận những ưu đãi cả về vật chất lẫn tinh thần mà chế độ Xã hội chủ nghĩa này tặng, dùng nó để gây ảnh hưởng trong xã hội. Mặt khác, GS. Ngô Bảo Châu “đá bát” khi thỉnh thoảng rỉa rói, móc ngoáy một số vấn đề với những ngôn từ hạ đẳng, không xứng tầm với một vị mang học hàm GS như Ngô Bảo Châu.
Khi đánh giá về lịch sử thì nên đặt trong bối cảnh lịch sử, rồi hẵng phán xét này nọ với tư cách là thế hệ sau này. Và cách phát ngôn của GS này cũng không khác gì phương pháp chụp mũ.
Fb Nam Truong Hai thẳng thắn bình luận: “chuyên môn thì thiếu tập trung, lo chuyện đâu đâu làm gì, buồn quá cho một trí thức thiếu hiểu biết”; còn fb Phạm Quang Hưng thì chua chát, thở dài bình luận: “Anh ấy nói gì là việc của anh ấy. Nhưng thực sự em không khoái giáo sư toán mà chả thấy post cái gì về toán học cả, một hồi thành “giáo sư biết tuốt” thì buồn”. Đó là 2 trong hàng trăm, hàng ngàn bình luận của dư luận chỉ trích GS. Ngô Bảo Châu với “status” thiếu văn minh và có tính bồng bột, phiến diện trên.
Mới đây nhất, ông “giáo sư biết tuốt” này lại đăng đàn mạng xã hội kêu gọi cư dân mạng ủng hộ lời kêu gọi Nhà nước thả một tội phạm đã bị Tòa án nhân dân kết án trong phiên tòa sơ thẩm, một tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Dĩ nhiên chẳng ai coi trọng lời kêu gọi của ông này, tuy nhiên đã thấy rõ, Ngô Bảo Châu đã sắp thành một ngụy dân chủ rồi. Đáng tiếc lắm thay!
Từ khi đạt giải thưởng Fields cùng với việc bùng nổ mạng xã hội facebook, có lẽ rằng, GS. Ngô Bảo Châu đang bị ảo tưởng, ngộ nhận với những con số lượt “like” và “share” của những facer ảo. Những con số ảo này trên mạng xã hội và những lời lẽ nịnh nọt từ cộng đồng mạng đã biến Ngô Bảo Châu từ một nhà khoa học chân chính, nhà toán học với những phát ngôn ất ơ, bị dư luận lên án. Nếu không sớm tỉnh ngộ, Ngô Bảo Châu sẽ không thoát khỏi tình trạng thân bại danh liệt.
An Chiến
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 459


LỜI BÀN

                                                                    LUÂN HỒI
Đức tin của các cộng đồng người thể hiện qua tín ngưỡng tôn giáo. Bất kỳ tôn giáo nào cũng xuất phát từ những lẽ được coi là hiển nhiên, được phán truyền bằng một cách nào đó, mà người ta gọi là “Mặc Khải” (reveilation). Tín đồ tất nhiên không được nghi ngờ, chất vấn dù nó mơ hồ, huyền bí đến mức nào đi nữa ! Ví như đạo Thiên chúa thì coi đó là lời của Chúa Trời gửi qua Jesu Christ là con của chúa trời. Đạo Hồi thì coi đó là lời của đấng tối cao (Allas) gửi cho tín đồ qua nhà tiên tri Mohamed, người đưa tin (Mesenger) duy nhất của Allas. Trong tín ngưỡng của Ấn giáo, những mặc khải được ghi lại trong Phạn Thư (kinh Bà La Môn, brāhmaṇa梵書,TK10 TCN), và hoàn chỉnh lại trong Áo Nghĩa Thư (义书 Upanishads TK 7-5 TCN). Luân Hồi (轮回 nguyên gốc:Samsāralà một trong những mặc khải đó. Theo Ấn giáo Luân Hồi còn được gọi là lưu chuyển, luân chuyển, đầu thai, có hàm nghĩa là sinh rồi tử, tử rồi lại sinh, sinh tử luân hồi, cuộc sống và cái chết bất tận, giống như bánh xe (luân) quay không ngừng, hết chu kỳ này đến chu kỳ khác ,vô tận.
Như vậy thuyết Luân Hồi không phải là măc khải của Đạo Phât, bởi vì Thích Ca Mau Ni (Shakyamuni Buddha) tức Đức Phật, là một đạo sư Ấn giáo có thật đã sống và truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN mà Thuyết Luân Hồi thì đã có từ trước đó 4,5 thế kỷ. Phật giáo thừa nhận tất cả các sinh linh đều ở trong vòng Lục Đạo (Thiên, Nhân, Atula, Súc Sinh, Quỷ đói, Địa Ngục) Luân Hồi, tử sinh, sinh tử nối nhau bất tận không có điểm dừng nếu không cầu tầm giải thoát. Đức phật sau khi tu luyện, đã ngộ ra con đường thoát vòng luần hồi và truyền lại cho chúng sinh. Giáo lý mà đức Phật truyền giảng về sau được các đệ tử chép lại, là cơ sở của Phật Giáo.
Bởi vậy, nói rằng “yêu quý ai đó thì nên cầu cho họ đươc thoát vòng luân hồi” thì đó đúng là tâm nguyện của Đức Phật từ bi, và đó cũng là đạo làm người lương thiện của chúng sinh. Ai đó vì lý do vô lý nào đó cố cưỡng lại lẽ tự nhiên,  buộc người mình yêu quý “ sống mãi” một cách giả tạo, không rơi vào vòng luân hồi, thì chẳng những làm hại người đó mà còn không cho người mình yêu quý cơ hội để siêu thoát. Thật là tàn nhẫn!
Nghĩa tử là nghĩa tận. Chống lại di chúc của người đã khuất được yên nghỉ theo ý nguyện là một tội lỗi. Lại để người đã khuất đóng vai như người còn sống để người đời chiêm ngưỡng… chẳng những là chống lại đạo lý dân tộc mà còn làm cho linh hồn người đã khuất không đươc bình yên, siêu thoát. Đó không phải là thiện tâm mà là tạo nghiệp chướng cho cả dân tộc. Bởi vì Dân tộc ta không có lệ ướp xác. Nên nhớ rằng các nền văn minh lớn từng phát triển rực rỡ mà lại tôn thờ xác ướp  như Ai Cập, Inca, Aztec, Soviet… đều bị tuyệt diệt trong lịch sử nhân loại. 

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Câu chuyện Trí tuệ của một quốc gia



Trí  tuệ thật và Trí tuệ Nhân Tạo với CM 4.0

(Đây là bản gốc . Bài  được biên tập lại đã cắt bỏ những phần tô màu xanh và đăng trên Tạp Chí Tia Sáng:
Trần xuân Hoài
Câu chuyện “Cách Mạng  4.0” hay “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, viết tắt là CMCN 4.0 hay CM 4.0, được nói nhiều ở nước ta, khắp hang cùng ngõ hẻm, có lẽ vào loại vô địch thế giới về tần suất nghe và đọc thấy từ này. Còn có tuyên bố hùng hồn rằng “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0”[1].
Tuy trên phạm vi toàn cầu còn nhiều tranh cãi và chưa  ai vẽ ra được chính xác  mặt mũi nó thế nào, kể cả người khởi xướng ra thuật ngữ CM 4.0, nhưng đại khái người ta cho rằng cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sản xuất và dịch vụ thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số (DT:  Digital Technology), với sự tiếp sức của trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligent). Ông Eric Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, nhận định DT và AI sẽ hiện diện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực từ giao thông, y tế, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Lấy thí dụ một lĩnh vực bị ảnh hưởng là ngành vận tải, có thể thấy rõ qua câu chuyện rất nhỏ là Uber, Grab  tác động như thế nào đến ngành taxi truyền thống[2].
 Nhà Toán học nổi tiếng thế giới, GS Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) sang Việt Nam  tham dự hội nghị về giảng dạy toán học bằng công nghệ số. Khi nhìn thấy cảnh tượng giao thông kỳ dị của Hà nôi đã bàn với đồng nghiệp VN là phải nghĩ cách dùng khoa học công nghệ , đặc biệt là công nghệ số, để giải quyết vấn nạn giao thông xe máy cho Hà nội. Ngay khi vừa trao đổi ý kiến đó thì ngày 7/12/2006 ông đã bị tai nạn xe máy nghiêm trọng tại ngã ba Giải phóng –Đại cồ việt, Hà Nội. Nhà khoa học hơn 70 tuổi, chưa nói hết được ý định của mình thì đã chìm sâu vào hôn mê (và chết sau khi được đưa về Mỹ),  nhưng đã đủ nhắc chúng ta rằng ,  khoa học công nghệ số hiện đại có thể góp phần giúp giải quyết được vấn nạn giao thông xe máy. Giải  pháp mà GS Seymour Papert nhắc nhở cho đồng nghiệp Việt Nam, có thể áp dụng để giải quyết ngay nạn ùn tắc giao thông dưới cách nhìn của CM4.0, chính là Hệ thống Giao thông Thông minh- STS : Smart Traffic System. Đã hơn mười năm nay, không biết là bao nhiêu tâm huyết ,  công sức và tiền bạc của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đã đổ ra để thưc hiện và thuyết phục các nhà  lãnh đạo áp dụng STS cho các thành phố và đường giao thông Việt Nam. Các kiến nghị, giải pháp, đề án …đã được gửi đến tận tay các vị bộ ,thứ trưởng và Bí thư chủ tịch thành phố, nhưng tất cả được từ chối bằng sự im lặng. Kỳ lạ, rõ ràng vấn đề là rất cần thiết và khả thi, lại ở trong tầm tay của Công Nghệ Việt Nam, dùng cho thị trường Việt Nam và không ai hiểu biết các điều kiện , tập tục, luật lệ giao thông Việt Nam hơn người Việt Nam. Một người bạn trong thành ủy thương tình, đã khuyên: “Các nhà khoa học ngây thơ quá, những quyết định mà người quyết định không có lợi ích cho chính họ thì sẽ không bao giờ có đâu”. Lúc đó nghe lời khuyên, nhiều người  còn nửa tin nửa ngờ. Bây giờ thì chắc ai cũng  tin điều đó rồi. Ngày 8/5/2017 tờ báo Mỹ Finacial Time tiết lộ[3] rằng một ngân hàng nước ngoài đã dàn xếp với giới chức TP HCM để một Cty nước ngoài lắp đặt một hệ thống giao thông thông minh (STS) trị giá 300 triệu USD cho TP HCM, người dàn xếp phi vụ này chính là giám đốc ngân hàng nói trên tại VN và cũng chính là con gái của vị nguyên Bộ trưởng và vào lúc đó là lãnh đạo thành phố. Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường của STS ở Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD. Làm sao mà Công nghệ thông tin, hay nói xa hơn là CM 4.0 của Viêt Nam có thể phát triển được nếu thị trường Công nghệ Thông tin, qua thí dụ thị trường STS, được bán cho nước ngoài như vậy !
Một đất nước muốn tự phát triển được thì phải có nội lực. Muốn phát triển nội lưc thì phải dựa vào trí tuệ thật (không phải nhân tạo). Nhưng trí tuệ thật sự của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng cá nhân, nó là do sự cộng năng (Synergnetic) cả một hệ thống tạo lập nên. Hệ thống đó bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ... Các mối tương tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính… của các hoạt động dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc quy phạm…Để phản ánh phần nào vấn đề phức tạp này, tức trí tuệ thật của một quốc gia, tổ chức Sở hữu Trí Tuệ WIPO thuộc Liên Hợp quốc từ năm 2007 đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới. 

Năm 2012 GII của Việt Nam đã tụt xuống dưới trung bình thế giới, đến mức báo động đỏ[4]. Năm 2013 vẫn không khá hơn, nhưng sau đó đã có những dấu hiệu tích cực, tiến dần lên trên trung bình thế giới, năm 2017 vượt qua được Thái Lan,  nhưng chưa thật bền vững (xem bảng xếp hạng và đồ họa kèm theo) và thua rất, rất xa những nước như Singapor, Hàn Quốc.
Dầu sao sự tiến bộ vất vả đó cũng là một dấu hiệu tích cực, đáng mừng.
Một sự kiện tích cực khác cũng đáng được ghi nhận, đó là gần hai tháng sau khi phi vụ đi đêm với nước ngoài về hệ thống giao thông thông minh trị giá 300 triệu USD ở TP HCM bị Finacial Time phanh phui, ngày 25.6 UBND TP Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn FPT . Theo thỏa thuận hợp tác, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho TP.Hà Nội . Tổng mức đầu tư xây dựng Hệ thống giao thông thông minh TP.Hà Nội của FPT dự kiến là 1.700 tỉ đồng (~75 triệu USD)[5].
Giới Công Nghệ Thông Tin ít nhất có thể vui mừng vì miếng bánh 1,5 tỷ USD của thị trường STS Việt Nam chưa bị bán sạch. UBND Hà Nội và FPT đã có công giữ lại ít nhiều thị phần cho công ăn việc làm trí tuệ của người Việt Nam. Sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất cho ai?  Điều vui mừng lớn hơn, đó là có tín hiệu cho thấy những đại gia xưa nay chỉ có làm giàu bằng buôn bán thiết bị và gia công phần mềm nay đã chuyển nhanh sang việc sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao như STS bằng nội lực của Việt Nam.
Chúng ta cần mạnh dạn nhìn vào sự thật đáng buồn là suốt hơn hai mươi năm phát triển công nghệ thông tin VN với bao nhiêu tuyên bố hùng hồn, nghị quyết và đề án dày cộp, mà công nghệ thông tin VN vẫn èo uột, không lớn lên được. Nhìn lại thì quả thật chỉ có mấy sản phẩm phần mềm của các chàng tí hon BKAV, MISA, Côc Cốc…là còn có chút tên tuổi nội địa, còn các đại gia khác, hoặc là buôn bán máy móc, mua thiết bị về làm dịch vụ lấy tiền dân nghèo (như các cty Viễn thông chẳng hạn, tuy có vẻ cao sang  hơn , nhưng về bản chất kinh doanh cũng giống như Cty Taxy, mua xe  về chở khách lấy tiền dân ta mà thôi ), hoăc làm gia công phần mềm với tên gọi mỹ miều là Outsourcing ( về bản chất giống như may gia công, chỉ có khác là trí tuệ và nhân lực cao cấp hơn), chẳng có sản phẩm nào mang dấu ấn, tên tuổi của họ trên thương trường. Về phần cứng, khi BKAV dũng cảm thử sức với BPhone  (dù có thể chọn sai sản phẩm đi nữa) thì bị ném đá tới tấp, đến nỗi có chuyên gia nước ngoài mỉa mai than thở, sao mà các nhà mạng của nhà nước VN không khuyến khích phát triển phần cứng như Bphone, sao người Việt Nam lại ác với nhau, tẩy chay nhau  đến vậy, làm sao mà doanh nghiệp công nghệ VN phát triển lên được.
Nhà nước không thể và không nên tin vào những lời tán dương “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0”, hay những lời hứa kiểu “năm 2020 VN sẽ "nằm trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin". Cũng không nên và không đáng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về công nghệ trong tương lai gần, nếu được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trợ giúp. Chẳng có chuyện giúp đỡ vô tư đó đâu. Việt nam chỉ có thể và cần đạt các kỳ vọng đó bằng chính nội lực của mình mà thôi !
Một nhà nước kiến tạo cần phải có những hành động kiến tạo cụ thể. Nhà nước Việt Nam không cần phải lấy tiền thuế của dân nghèo để nuôi  các công ty CNTT Việt Nam lớn mạnh.  Nên nhớ phi vụ TP HCM bán STS (bất thành) nói trên chỉ là một thí dụ nhỏ. Thị trường nội địa cho Công nghệ số và Trí tuệ nhân tạo là rất lớn, chỉ nói riêng phần dữ liệu quốc gia (là một dạng big data) với 90 triệu dân là khổng lồ, không dưới 5 tỷ USD. Một thị trường như vậy , nếu không bị bán cho nước ngoài, thì đủ để tạo nên tiềm lực cho các doanh nghiệp Công nghệ số và Trí tuệ nhân tạo Việt Nam lớn mạnh, làm nền tảng cho CM 4.0. Người khổng lồ công nghệ IBM cũng không thể hình thành, nếu từ những năm đầu đời không được nhà nước Mỹ dành cho những dự án khủng như xử lý điều tra dân số, tính toán an sinh xã hội, chưa kể những dự án về máy bay hay chế tạo bom nguyên tử sau này …
Ai cũng hiểu trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người mà chỉ hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Vì vậy chăm lo cho sự phát triển trí tuệ của đất nước, mà phản ánh rõ nhất là sự đổi mới sáng tạo mới chính là chìa khóa của CM 4.0. Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Lại càng nguy hiểm hơn khi đã bán hết những thứ đó rồi thì đến lượt thị trường nội địa của sản phẩm trí tuệ cũng bị đem đi bán nốt. Lúc đó thì trí tuệ thật của Việt Nam cũng đi theo sản phẩm biến khỏi quê cha đất tổ, nơi họ không còn mảnh đất dung thân nữa. Những người dân thường không có khả năng bán đi món hàng béo bở là thị trường của trăm triệu con dân nước Việt. Nhà nước kiến tạo cần phải hết sức cảnh giác với kiểu bán như là hàng ảo này mà tác hại thì khôn lường, còn thu lợi cá nhân thì là tiền thật vô cùng lớn ! Còn tác hại cho dân Việt thì thật là khôn lường, biết đâu trong tương lai người dân Việt sẽ được hưởng thành quả của CM 4.0 bằng cách bán lúa, lợn, rau...để nhập về ngắm những con robot có trí tuệ nhân tạo như người thực, kể cả robot tình dục!




[3] https://www.ft.com/content/5120e812-33c2-11e7-99bd-13beb0903fa3?mhq5j=e1: "Mr Dinh’s Ho Chi Minh City administration received a proposal in 2016 from a US company to install a smart traffic system, backed by a $300m loan from Morgan Stanley, according to Vietnamese state media reports.
Mr Dinh’s daughter, who also goes by the name Ly Dinh, began working for Morgan Stanley in 2006, serving in Vietnam as a vice-president from 2009, according to her LinkedIn profile. Morgan Stanley declined to comment."

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Chữ Tin



CHỮ TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY / CHẲNG CẦM CHO VỮNG LẠI DÀY CHO TAN?
Trần Gia Ninh
CHUYỆN THÔI TRỮ GIẾT VUA: Thôi Trữ là tướng quốc nước Tề, giết vua Tề Trang Công xong rồi truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết . Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:
- "Ngày ất hợi, tháng 5, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang" .
Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá . Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí . Trọng lại chép như trước . Thôi Trữ lại giết đi . Thúc cũng chép thế . Thôi Trữ lại giế . Quí lại chép như vậy . Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Qúi rằng:
- Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à ? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho .
Quí nói:
- Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội qân giặc, bèn chép rằng: "Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao" thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái . Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tuỳ ý định đọat!
Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:
- Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!
Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí . Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
- Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày ất hợi, tháng 5, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép .
Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem . Nam Sử Thị mới cáo từ mà về .
Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấu hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi .



Ông Dương Trung Quốc: "Bà con Đồng Tâm cần bình tĩnh, hợp tác với cơ quan điều tra"
Ông Dương Trung Quốc.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, việc cơ quan công an Hà Nội tiến hành khởi tố vụ việc ở Đồng Tâm là cần thiết và tất cả cần phải bình tĩnh, hợp tác với nhau.




Việc khởi tố đương nhiên phải làm
Chiều 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra (CA Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo Điều 143 Bộ luật Hình sự).
Bên hành lang Quốc hội vào sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, đối với vụ việc ở Đồng Tâm thì mọi người đều biết diễn ra như thế nào và câu đầu tiên trong tâm thư của bà con nhân dân ở đây là nhận lỗi với những gì đã làm sai, mong muốn là không truy cứu hình sự.
"Cho nên khởi tố điều tra là cần thiết, để điều tra xem mức độ thế nào trên tổng thể sự việc của nhiều yếu tố khác nhau từ phía người dân, phía cơ quan công quyền.
Sự việc xảy ra rồi, chúng ta không thể bỏ qua được. Việc bà con bắt giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản, đó là việc bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào thì đó là công việc của cơ quan điều tra", ông Quốc nói.
Ông cũng chia sẻ thêm: "Hôm qua bà con có gọi cho tôi, tôi khuyên trước hết phải bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc.
Yếu tố tâm lý rất quan trọng, do vậy tôi rất mong muốn cơ quan Nhà nước bên cạnh việc làm đúng chức trách của mình cũng phải có cách tiếp cận để bà con được yên tâm.
Bởi vì sự ổn định là rất quan trọng. Việc pháp luật vào cuộc là để bảo đảm ổn định bền vững lâu dài, nhưng những vấn đề kết luận liên quan đến đất đai cũng phải làm sáng tỏ, kể cả cách hành xử với cụ Kình cũng phải làm sáng tỏ".
Là người trực tiếp có mặt tại buổi đối thoại và ký vào bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với bà con Đồng Tâm, ông Quốc đánh giá, cam kết đó là giải pháp tình huống.
"Tôi là người có mặt ở đó, tôi hiểu tình huống đó theo cách nói đơn giản là để tháo ngòi nổ sự việc dịu đi.
Chúng ta phải tạo ra môi trường tốt để điều tra cho tốt, đồng thời, khẳng định việc làm của bà con nếu có sai cũng có lý do khách quan và cần làm rõ ở mức độ nào, có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự", ông nêu.
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, việc cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ việc Đồng Tâm mới diễn ra như vậy nên tất cả đều phải bình tĩnh, hợp tác với nhau, trên cơ sở đảm bảo ổn định lâu dài, giải quyết một cách toàn diện sự việc, đồng thời, làm cho người dân cảm thấy yên lòng kể cả nếu họ có sai.
"Nhưng theo tôi, xử lý cũng phải làm cho người dân tâm phục khẩu phục", ông nhấn mạnh thêm.
Xem xét trên bình diện pháp luật vụ Đồng Tâm là cần thiết
Cùng nêu ý kiến về việc này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng, việc xem xét trên bình diện pháp luật vụ việc Đồng Tâm là cần thiết và phải được xem xét một cách công bằng theo Hiến pháp, pháp luật, để bảo đảm quyền và trách nhiệm của tất cả các tổ chức và cá nhân.
Ông Dương Trung Quốc: Bà con Đồng Tâm cần bình tĩnh, hợp tác với cơ quan điều tra - Ảnh 1.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng.
"Việc xem xét về mặt Nhà nước là bình thường, nên tôi mong người dân Đồng Tâm bình tĩnh, vì về mặt nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. 
Nếu có sự kiện pháp lý xảy ra, Nhà nước sẽ đứng ra xem xét và căn cứ vào mức độ quản lý đến đâu sẽ có quyết định hợp lý, trên cơ sở có lý, có tình", ông nói.
Cũng là người có mặt trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm, ông Nhưỡng cho biết nội dung mà bà Lan, Bí thư Đảng uỷ xã thay mặt nhân dân Đồng tâm trình bày, điều đầu tiên là nhân dân xã nhận lỗi nhưng mong Đảng và Nhà nước cứu vớt.
"Đây là điều khiến chúng ta suy nghĩ. Các cụ nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Thứ hai là phải xem xét nguồn cơn của việc phản ứng của người dân. Họ không tự mình gây ra việc xáo trộn này, mong muốn yên ổn làm ăn như những vùng quê khác.
Vì vậy, theo tôi những vấn đề này cần được xem xét một cách thấu đáo", ông Nhưỡng nói và cho biết, việc ông ký vào giấy cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là chứng thực ông đã có mặt ở Đồng Tâm và chữ ký của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là chữ ký thật vì lúc đó không có con dấu.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cũng bày tỏ, ông rất chia sẻ tâm tư của nhân dân và cử tri Đồng Tâm.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án phải trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đều phải bị xử lý, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ.
Ở góc độ đại biểu quốc hội, là người từng làm việc trong lĩnh vực pháp luật, ông tin rằng pháp luật sẽ có những đại lượng phù hợp, công bằng đối với người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa khắc phục hậu quả cũng như tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm.




Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Bài thuyết trình về "Văn Chương với Lịch Sử và Khoa Học"







Trong bài trình bày này, chúng tôi sẽ không bàn về tiểu thuyết KIM THIẾP VŨ MÔN, vì chưng tác giả mà bình luận về chính tác phẩm của mình thì thật là vô duyên. Quý vị có thể tìm hiểu về cuốn tiểu thuyết này qua clip ở link : http://nhandantv.vn/toa-dam-hu-cau-va-su-that-trong-tieu-thuyet-v48129
Chúng tôi xin được bàn đến những  luận đề về Khoa Học và Lịch Sử được Văn Chương thổi hồn vào để tái hiện lại thành câu chuyện lịch sử KIM THIẾP VŨ MÔN, sáu trăm năm có lẻ về trước.
(Bài trình bày bằng pptx, đã biên tập lại thành jpeg+text)






Thật bất ngờ, chúng tôi tìm thấy một tài liệu Giáo khoa sáu mươi năm trước của Khu Học Xá Nam Ninh đã từng nhắc đến sự kiện người Việt đã sáng tạo ra súng thần cơ và sau đó nhà Minh xâm lược bắt được Hồ Nguyên Trừng và hàng ngàn thợ Giao Châu về Yên Kinh để chế tạo súng thần cơ cho nhà Minh:






Tất nhiên, tiểu thuyết không phải là Lịch Sử vì ít nhiều phải hư cấu. Những hư cấu này hoăc là để cho câu chuyện được tái hiện đầy đủ, để dựng nên được những nhân vật, thế sự sống động hoặc để kết nối các sự kiện, nhân vật lịch sử lại với nhau. Cũng có những hư cấu để chỉnh lại những điều dường như bất hợp lý trong sử liệu, truyền thuyết. Dưới đây là một vài ví dụ:



Việc người Việt sáng chế ra súng thần cơ, nắm bí quyết luyện thép cứng mà dẻo đã đươc ghi rõ trong sử, sách của Trung Hoa và Việt Nam, đa số các học giả đã thừa nhận. Thế nhưng gần đây có một vài ý kiến lạc lõng của người Trung Hoa, tỏ vẻ nghi ngờ sự thật này. Ví dụ mấy ngay trước đây, có ý kiến như thế này:



Chỉ cần nhắc lại rằng, ngay cả những sách loại Bút Ký đời thường của Trung Hoa vào lúc đó cũng có ghi chuyện đúc súng của người Việt trên đất Trung Hoa, chứng tỏ chuyện này nó hiển nhiên như thế nào rồi. Ví dụ:


Hãy đọc những ghi chép trong bộ MINH THỰC LỤC, quyển sử chép kiểu nhật ký công tác chính thức của triều đình nhà Minh, sẽ càng rõ hơn:



Giai đoạn lịch sử cuộc chiến chống quân Minh sáu trăm năm trước  đã được chính sử ghi chép lại, con dân đất Việt từ trẻ đến già đều đã biết rõ. KIM THIẾP VŨ MÔN chỉ là một quyển tiểu thuyết tái hiện lại câu chuyện về thân phận những anh tài, hào kiệt… bị bỏ quên của đất Việt trong cuộc chiến đó. Vì chưng trên đời này

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

CÀ PHÊ THỨ BẢY
THƯ MỜI
CÀ PHÊ VĂN HỌC

Anh chị và các bạn thân mến!
Vào 14h30 chiều thứ bảy ngày 20/05/2017
tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
Số 3A Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Buổi CÀ PHÊ VĂN HỌC với chủ đề:

VĂN CHƯƠNG VỚI LỊCH SỬ VÀ KHOA HỌC
(về Tiểu thuyết KIM THIẾP VŨ MÔN của Thâm Giang Trần Gia Ninh)

Chủ trì: GS CHU HẢO
Với sự góp chuyện của tác giả Thâm Giang TRẦN GIA NINH

Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp

GĐ CPTB
Dương Thụ
_____________________________________________________________________ 

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Văn chương là hồn, lịch sử là cốt







Văn chương là hồn, lịch sử là cốt
(Cảm nhận khi đọc tiểu thuyết HUYỀN THOẠI KIM THIẾP VŨ MÔN)
  NGỤY HỮU TÂM
  • Chủ nhật, 07 Tháng 5 2017 10:23
                    

Tác giả Thâm giang Trần Gia Ninh - Trần Xuân Hoài

Khi cầm quyển sách trên tay và lật giở mấy trang , cảm nhận đầu tiên, như nhà văn Phạm Quang Đẩu đã viết, là “lạ và mới ở một quyển tiểu thuyết Lịch sử, một quyển sách sinh động và hấp dẫn“[1]. Nhà báo và phê bình văn học Hồng Sơn của báo QĐND thì nhận xét là quyển sách “đã dựng lên những thân phận con người những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng, đọc rất hấp dẫn”[2]. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của các anh, đó là Lạ, Mới, Sinh động, Hấp dẫn. Tuy nhiên tôi muốn bổ sung một nhận xét khác nữa, mà các anh chưa đề cập tới.
Trang mạng “Những quyển sách yêu thích -  www.lovelybooks.de”   của nước Đức gần đây có tổ chức  cho độc giả bình chọn các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử  hay nhất (Autoren, die die besten historischen Romane schreiben). Tiêu chí hay (tiếng Đức:gut) để bình chọn là „ Những tiểu thuyết lịch sử hay là khi nhà văn dẫn chúng ta lạc vào thời quá vãng và làm cho chúng ta cảm nhận rằng, đúng là lịch sử được tái hiện thực sự chính xác như thế- Historische Romane sind dann gut, wenn die Autoren es schaffen uns in vergangene Jahrhunderte zu entführen und wir dabei das Gefühl bekommen, genau so muss das damals gewesen sein. “[3] . Kết quả bình chọn, thì Alexandre Dumas dù là tác giả lừng danh của những „Ba chàng Ngự lâm pháo thủ“, „Hoàng Hậu Margo“… chỉ được xếp thứ 13. Không có gì lạ, Dumas đã từng tuyên bố:  "Lịch sử là cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi". Aragon với “Tuần lễ thánh” và “Vũ Như Tô” hay “Đêm Hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác… cũng theo cách hư cấu như vậy. Xếp hạng hàng đầu thực sự hay theo tiêu chuẩn như trên là dành cho những tiểu thuyết lịch sử thực sự, trong đó tác giả tôn trọng, coi lịch sử không phải chỉ là cái đinh, mà là một cơ thể; văn chương chỉ được phép khoác cho nó bộ trang sức hư cấu lung linh đủ để thổi hồn cho cơ thể lịch sử phục sinh như nó đã từng sống mà thôi. Cũng giống như độc giả ngày nay, Maxim Gorky ngày trước đã đánh giá trong văn học Nga, “ Pie Đại đế” của Alexei Tolstoi mới thực sự là tiểu thuyết lịch sử. Nếu độc giả Á Đông tham gia đánh giá, chắc là bộ “Tam quốc Diễn Nghĩa” bảy thật ba giả của La Quán Trung cũng được xếp hạng cao theo tiêu chí Tiểu thuyết Lịch sử thật sự hay này. Dễ hiểu là những tiểu thuyết lịch sử thực sự, khi hư cấu bị tác giả tự hạn chế, là rất khó viết và thành công lại càng hiếm hoi, đặc biệt là trên văn đàn nước Việt xưa nay. Tôi cho rằng, ở một chừng mực nào đó, KIM THIẾP VŨ MÔN đã cố gắng để tiếp cận tiêu chuẩn này.
Nhà văn Phạm Quang Đẩu kể rằng, khi vừa đọc hết quyển sách, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Hán ngữ nổi tiếng Trần Đình Hiến đã phải thốt lên “Nguồn tư liệu từ sử sách và điền dã  cực tốt!”.  Quả thật mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của tiểu thuyết đều được xây dưng sống động trong khung cảnh của những sự biến lịch sử thật sự. Đây là một điểm son làm nên giá trị về nội dung của Huyền thoại KTVM. Với một bút pháp văn chương, như nhà báo Hồng Sơn nhận xét, đậm màu của một thời quá vãng, ngôn từ và cách diễn đạt mang dáng dấp xưa mà không cổ, tiết tấu nhanh và tiết giản, khiến cho người đọc bị cuốn hút như được xem một cuốn phim sống động với nhiều scene lãng mạn kỳ thú, kể về những nhân vật và diễn biến lịch sử bi hùng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu thế kỷ XV. Sách được viết theo thể chương hồi gồm 14 chương 37 hồi. Thể loại tiểu thuyết này rất thích hợp cho các tiểu thuyết võ hiệp biên niên sử, nhưng rất khó viết cho các loại tiểu thuyết về nhân thế, tình yêu, thân phận con người. Có thể nói tác giả đã khá thành công khi sử dụng thể loại chương hồi khô khan mà vẫn dựng lên được những thân phận, những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng. Nhờ thể loại chương hồi, tác giả không hề phải lộ diện, mà để cho lịch sử và nhân vật tự kể chuyện mình. Người đọc không khỏi ngậm ngùi  cho một tráng sĩ  không gặp chủ cũng không gặp thời như Đặng Dung, đã phải vạch đá ghi những vần Cảm Hoài hào sảng ai oán. Những trường đoạn tả về thác Vũ Môn lồng lộng trong hình ảnh của đôi trẻ Hà Ất-Mai ly “lồ lộ hai tấm thân trần non tơ ríu rít bên nhau mơn mởn căng tràn nhựa, thanh khiết giữa trời mây non nước…“ đã dẫn dắt độc giả vào một mối tình hoang sơ, lãng mạn vô chừng. Có được mối tình như duyên trời định với quận chúa Huy Chân mà dũng tướng Nguyễn Tuấn Thiện đành vì đại nghĩa dằn mình chịu dang dở nhìn nàng  phải lên bành voi về cung thành thân với Lê Lợi khiến ai cũng tiếc nuối.…Đó là những nốt lặng văn chương, những giây phút đắt giá trong cơn lốc vó ngựa dồn dập của sự biến lịch sử.  Nhân vật lịch sử có số phận gây nhiều tranh cãi như Phan Liêu, tuổi trẻ tài cao, lạc lối giữa thù hận và trách nhiêm, cùng với mối tình đam mê oan trái với Xuân Liên cũng được khắc họa rất nổi bật. Giá như tác giả đẩy bi kịch số phận những nhân vật Tuấn Thiện, Phan Liêu,…lên cao trào hơn nữa thì sẽ tuyệt vời hơn ! Và nếu vào tay những cây bút thời thượng, chắc sẽ viết sexy hơn nữa cho hợp trào lưu văn học đương đại (nhưng tôi thì không muốn Trần Gia Ninh viết như vậy)!
Khác với khi đọc các tiểu thuyết khác, đọc KTVM độc giả còn được tiếp nhận nhiều điều bổ ích và lý thú từ kho tàng văn chương, lịch sử, minh triết cổ kim đông tây mà tác giả đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm, cùng nhiều chú giải tỷ mỉ, đến độ mà có cảm tưởng như đang đọc một khảo luận khoa học bằng văn chương.
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà bình luận Nguyên Hải trên tờ Tia Sáng, khi thốt lên “tổ tiên ta giỏi quá”. Còn nhà văn Nguyễn Thế Hùng trên báo Văn Nghệ Công An đã viết rất chí lý rẳng  đọc Kim Thiếp Vũ Môn “ để  tin và yêu thêm đất nước mình”
Ngay cả chữ KIM THIẾP ở tên sách cũng chỉ được giải mã khi ai đó đã đọc hết quyển sách. Cũng không có gì lạ, vì tác giả vốn dĩ là một nhà khoa học và ông coi đây là một tiểu thuyết khảo luận, học thuật. Tác giả còn lo rằng, vì thế mà với nhiều độc giả, quyển sách này có thể sẽ rất khó đọc. Tôi, người viết bài này, vốn dĩ cũng là một người cùng nghề làm khoa học tự nhiên như tác giả, cho nên rất hiểu tâm trạng và cảm xúc của một nhà khoa học toán lý cầm bút, luôn tự biết mình là kẻ ngoại đạo văn chương. Vì vậy, dù trong lời Cẩn Bạch, tác giả thổ lộ rằng “chỉ mong góp được vài mẩu vụn vặt cho ai đó khi gẫu chuyện với  tri kỷ mà thôi “ . Tôi thì không nghĩ thế mà cho rằng mọi độc giả đều có thể và nên đọc quyển tiểu thuyết lịch sử có phần độc đáo này và chắc chắn sẽ không thất vọng vì sự hấp dẫn, kỳ thú của quyển sách mà tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã mượn văn chương để thổi hồn cho lịch sử sống động và còn gửi gắm nhiều hơn thế, tùy cảm nhận của từng người đọc... Có bạn đọc kể rằng, sau khi đọc xong quyển sách quá hấp dẫn này, liền thực hiện chuyến hành hương về Hoan Châu, đến tận đôi bờ sông Lam, sông La, ngược lên thung lũng Ngàn Sâu, Ngàn Phố để chiêm bái các địa danh, chứng tích và kỷ niệm của lịch sử đã trải sáu trăm năm có lẻ mà quyển sách đã kể lại. Đó có lẽ là thành công ngoài mong đợi của bất kỳ tác giả nào. Và cũng nên nói thêm, trong tình trạng  văn đàn  hiện nay, việc nhà xuất bản Văn Học cho ra đời  quyển tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn” quả là có con mắt xanh, một điểm son đáng ghi nhận. Chỉ tiếc là số lượng in quá khiêm tốn, khiến độc giả nay không thể tìm đâu ra sách, nhiều nhóm phải photocopy để chuyền tay nhau đọc.




[1]  Theo bài bình luận của nhà văn Phạm quang Đẩu về quyển sách “Huyền thoại KTVM” đăng trong Bán Nguyệt San "TINH HOA VIỆT" trang 15, số 6, ra ngày 25/6/2015).
[2]  Hồng Sơn,Đọc HT KTVM: Một khúc bi tráng,Sự Kiện& Nhân Chứng ,báo QĐND, trang 39
[3] http://www.lovelybooks.de/autoren/historische-romane/Autoren-die-die-besten-historischen-Romane-schreiben-464890264/