Văn
hóa NGHỆ AN TẾT MẬU TUẤT 2018 (trang 45-50)
TỪ MỘT TẤM BẢN ĐỒ HÀNG HẢI CỔ-
LUẬN BÀN VỀ DANH TÍNH CỦA NƯỚC VIỆT
Trần Gia Ninh
Dải đất chữ S dưới con mắt của các nhà hàng hải phương tây xưa
Tấm bản đồ
hàng hải (nautical map) trong ảnh được vẽ vào khoảng giữa của thế kỷ 16, có lẽ
là một bản đồ cổ nhất và khá đầy đủ mà các nhà hàng hải phương Tây vẽ về Phương
Đông. Bản đồ gốc hiện được treo trên tường thư phòng của Hoàng Đế Phelipe II
(1527-1598), trong cung điện El ESCORIAL của Vương quốc Tây Ban Nha.
Tấm bản đồ này được vẽ cùng thời với N. Copernicus cho rằng
trái đất tròn quay quanh mặt trời (1543) và
G. Galilei mới chào đời (1564). Thế kỷ 16 bắt đầu là triều đại
nhà Lê (vua Lê Tương Dực) tiếp đó là nhà Mạc 1527-1593, ở nước ta lúc đó có tên
là nước Đại Việt. Khi xem tấm bản đồ,
chắc người Việt nào cũng giật mình thấy
trong khi các địa danh CAMBODIA (campuchia), CHAMPA (Chiêm Thành) được ghi rất
rõ ràng , thì không thấy tên nước Đại Việt
ở đâu cả. Nhìn phía bắc Champa ta chỉ thấy có một nước tên là CACHY CHINA. Phía
trên của nước này ghi rõ là CHINA. Đúng đó là Đại Việt ta rồi! Thì ra dưới con
mắt của các nhà hàng hải đầu tiên từ Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha, nước Đại Việt vào
Thế Kỷ 16 được gọi là CACHY CHINA [Cachu? china].
Lạm bàn về lịch sử về
tên gọi của nước Việt trên giải đất hình chữ S
CAUCHY CHINA thực ra không phải là cái tên đầu tiên người Tây Phương đặt cho nước Việt. Trước khi thuyền đầu tiên của người Bồ Đào Nha đến phương Đông, những ghi chép sớm nhất về phương Đông có lẽ là thuộc về Marco Polo, một thương gia người Ý, ông ta đến Trung hoa năm 1271 làm quan cho nhà Nguyên 24 năm và trở về Ý năm 1295. Đoạn ghi chép dưới đây của Marco Polo được cho là kể về Giao Chỉ [[1]]
CAUCHY CHINA thực ra không phải là cái tên đầu tiên người Tây Phương đặt cho nước Việt. Trước khi thuyền đầu tiên của người Bồ Đào Nha đến phương Đông, những ghi chép sớm nhất về phương Đông có lẽ là thuộc về Marco Polo, một thương gia người Ý, ông ta đến Trung hoa năm 1271 làm quan cho nhà Nguyên 24 năm và trở về Ý năm 1295. Đoạn ghi chép dưới đây của Marco Polo được cho là kể về Giao Chỉ [[1]]
“Caugigu là một vùng ở phía đông,
có một vị vua. Người dân theo bái vật giáo, và có một ngôn ngữ riêng. Họ thần
phục Đại Hãn và hàng năm đều đến triều cống. Tôi cần nói rõ rằng nhà vua của họ
rất giàu sang ,ông ta có ít nhất 300 bà
vợ; vì khi ông ta nghe nói ở đâu trong nước có con gái xinh đẹp ,ông ta đều chiếm
lấy làm vợ. Xứ này có rất nhiều vàng và nhiều gia vị quý. Nhưng vì ở xa biển
nên các sản phẩm it có giá trị nên giá rẻ. Họ có voi với số lượng lớn, có nhiều loại gia súc
khác cùng các loài dã thú, và rất nhiều trò chơi. Họ sống bằng thịt, sữa và gạo,
và có rượu làm bằng gạo và gia vị ngon. Toàn bộ người dân, hoặc gần như vậy, đều
dùng kim xăm lên da hình sư tử, con rồng, chim muông, và gì gì đó nữa và đã xăm
lên là không thể xóa được. Việc xăm hình này được làm trên mặt , cổ, ngực, cánh
tay và bàn tay, cả bụng nữa, và, nói ngắn gọn là trên toàn bộ cơ thể; và họ coi
đó như là một dấu hiệu của sự sang trọng, người nào có càng nhiều tơ lụa hoa
văn thì càng được ngưỡng mộ.”
Như vậy vào cuối thế kỷ 13, nước gọi là Caugigu có thể Marco
Polo ghi âm chữ Hán “Giao Chỉ quốc -交趾國” theo cách gọi nước ta của Trung Hoa
thời nhà Nguyên. Ở nước ta lúc đó là thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông, tên
nước là Đại Việt. Về sau có người
bàn rằng Marco Polo có lẽ chưa đến Caugigu mà chỉ nghe kể lại. Và chưa chắc Caugigu là Giao Chỉ mà có thể là Lào, Miến
điện…cũng nên.
Khoảng một trăm năm mươi năm sau Marco Polo, một người Bồ Đào
Nha, Tome Pires đã đến phương Đông và đã viết quyển sách ghi chép khá đầy đủ về
Phương Đông từ Biển Đỏ đến Nhật Bản. Tome Pires (1468-1540) là một dược sĩ, nhà
ngoại giao đồng thời là nhà văn, xuất phát từ KOCHI (Cauchy), nay là một hải cảng
ở bang Kerala, tây nam Ấn độ, năm 1502 bị
Bồ Đào Nha chiếm, lập nên cứ điểm đầu tiên của Bồ Đào Nha ở phương đông . Từ
KOCHI ông đi theo đường biển, đến Malacca ngay sau cuộc viễn chinh thắng lợi của
người Bồ Đào Nha đến phương đông 1511 chiếm được xứ này. Ông ở Malaca từ 1512 đến
1515. Năm 1516 ông được cử làm sứ thần đầu tiên của một quốc gia châu Âu đến
Trung Hoa, xin trình diện Hoàng Đế Chính Đức triều đại nhà Minh , và chết ở
Trung Hoa. Ông đã thám hiểm các vùng của Đông Nam Á như Malaya, Indonesia,
Champa, … ngày nay. Ông đã đi dọc bờ biển
từ Malacca, Cambodgia, Champa và có thể qua Đại Việt rồi đến Macao,
Quảng Đông. Là một nhà văn, Tome Pires đã viết rất tỷ mỉ, sinh động mọi điều
ông trông thấy, nghe thấy ở các vùng đất mà ông đã viếng thăm. Quyển sách “A
Suma Oriental de Tomé Pires”-(Phương Đông Kỳ Diệu) là văn bản tỉ mỷ nhất đầu
tiên của phương tây mô tả về phương đông từ Biển Đỏ đến Nhật Bản. Quyển sách được
coi là viết trong khoảng 1512-1515, lúc
đó ở nước Đại Việt ta là thời vua Lê
Tương Dực, chưa có chuyện vua Lê chúa Trịnh. Ông viết:
“Vua của CAUCHY CHINA
là vua của một nước rộng lớn và giàu có
hơn nước Champa. Vương quốc này nằm giữa
Champa và Trung Quốc. Vị vua là một chiến binh hùng mạnh trong vùng đất. Ông ta
có rất nhiều thương thuyền (lancharas ) và ba mươi hoặc bốn mươi thuyền buồm (
junks ^.) Quốc gia này có nhiều con sông
lớn có thể chạy thuyền được. Không có nhiều người ở đó, họ tập trung nhiều ở gần
biển. Đất nước của vị vua trải dài sâu vào trong đất liền. Ở Malacca đất nước của
vị vua này được gọi là Cauchy China
(Cauchy Chyna),để khỏi lẫn với tên của Cauchy Coulam,
Vua là một người ngoại
đạo, và tất cả dân của Ngài cũng như vậy. Họ không thân thiện với người Moors
(da đen). Họ không đi thuyền đến Malacca, nhưng đến Trung Quốc và đến Champa. Họ
là những người rất yếu trên biển; tất cả
họạt động của họ là ở trong đất liền. Họ có những lãnh chúa tuyệt vời. Nhà Vua nước
này gắn kết với nhà vua của Trung Hoa bằng các cuộc hôn nhân; vì không muốn
đánh nhau với Trung Quốc, ông ta luôn cử
một sứ thần chầu chực tại triều đình Trung Quốc ngay cả khi vua của Cauchy
China không muốn như vậy, và dù cho có bất mãn vì bị triều đình Trung Hoa coi
là chư hầu.
Vùng đất CAUCHY CHINA
có rất nhiều ngựa. Vua nước này dồn nhiều
sức cho chiến tranh, và ngài có vô số ngự lâm quân và bom đạn nhỏ…. Rất nhiều bột
thuốc súng được sử dụng ở nước của ngài , cả trong chiến tranh và trong các lễ
lạt của vua quan và các trò vui chơi giải trí suốt ngày đêm. Tất cả các lãnh chúa, quý tộc trong
vương quốc cũng như vậy. Thuốc súng được
sử dụng hàng ngày trong pháo thăng thiên (tên lửa) và tất cả các trò chơi thú vị
khác, như chúng ta sẽ thấy, đó là một trong những mặt hàng buôn bán có giá trị ở
xứ này. Chủ yếu ở xứ này là vàng và bạc, nhiều hơn ở Champa; còn buôn bán trầm
hương không phải là nhiều như ở Champa. Ở xứ này có đồ sứ và đồ gốm - một số loại có giá trị lớn - và những thứ này được đưa từ
đó đến bán ở Trung Hoa. Họ có các loại lụa (taffeta) Cauchy tốt hơn, lớn hơn rộng
hơn và đẹp hơn lụa của mọi nơi khác , kể cả của Trung Hoa. Họ có tơ nguyên chất
tốt nhất (?)màu sắc rất phong phú, và tất
cả những thứ gì họ có đều được làm một
cách tinh tế và hoàn hảo, không có những khiếm khuyết như ở các xứ khác, và họ
cũng có ngọc trai và không nhiều. Thứ hàng hóa đầu bảng được đánh giá cao tại Cochin China là lưu huỳnh,
và [họ sẽ mua] đến hai mươi thuyền nếu người ta có thể bán cho họ bao nhiêu
cũng được; và lưu huỳnh từ Trung Quốc là CocMn ?rất có giá trị. Đây là một cuộc
làm ăn rất lớn từ Trung Quốc đến Malacca , đến các hòn đào của Solor nằm ngoài
Java, (như sẽ được đề cập khi mô tả chúng); và từ đây hàng hóa đi đến Cauchy
China. Một lượng lớn diêm tiêu [tức muối Kalinitrat để chế thuốc súng-TGN] cũng
rất quý, và số lớn diêm tiêu được bán ở
đó là từ Trung Hoa tới. Hồng ngọc, kim cương, ngọc bích và tất cả các loại đá
quý khác cũng đươc giá, và cả thuốc phiện, nhưng ít giá hơn, hạt tiêu it hơn nữa,
và tương tự như vậy với những thứ khác có giá trị ở Trung Hoa. Hương liệu lỏng
có giá khá tốt.
Người ở đây ít khi đến
Malacca bằng thuyền của họ. Họ đi đến Trung Quốc, đến Quảng đông là một thành
phố lớn, hợp đoàn với người Trung Hoa (?); rồi họ đi thuyền đến Malacca để buôn
bán chung với người Trung Hoa. Mặt hàng chính của họ là vàng bạc và những thứ họ
mua được ở Trung Hoa.[[2]]”
Vậy là nước Đại Việt ta lại một lần nữa (sau Marco Polo) được ghi danh bời phương Tây không phải là Đại Viêt. Mà là CAUCHY CHINA trong tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp và tiếng Anh gọi là
COCHINCHINA. Người ta cho rằng
CAUCHY là do Tome Pires phiên âm từ tên mà người dân ở Malacca gọi “Giao Chỉ” bằng tiếng Malaya. Bởi vì để
khỏi lẫn với CAUCHI (tức KOCHI) cứ điểm của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ nên Pires mới
thêm vào chữ CHINA. Nhiều học giả Việt Nam cho rằng COCHINCHINA là tên chỉ xứ
Đàng Trong. Đó là ngộ nhận, vì khi tên Cochinchina xuất hiện thì làm gì đã có
Đàng Trong. Chúa Nguyễn Hoàng 阮潢, có thể coi là thủy tổ của xứ Đàng
Trong thì mới được sinh ra vào 28 tháng 8, 1525, còn tên CAUCHY CHINA thì có từ
khoảng 1512-1515 tức là 10 năm trước khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chào đời.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trên dải đất hình chữ S
lúc bấy giờ có ba quốc gia mà chỉ có hai quốc gia là Cambodgia và Champa được
người phương Tây gọi đúng tên, còn Đại
Việt ta thì không? Điều này có thể lý giải rằng người phương Tây tới phương
Đông đầu tiên (Marco Polo) theo đường bộ (con đường tơ lụa) đến Trung Hoa rồi
có lẽ sau đó mới nghe nói đến nước ta (hoặc có thể có đến nước ta), do đó họ gọi
tên nước ta theo cách gọi của người Trung Hoa. Về sau người phương Tây (Bồ Đào
Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan…) đến viễn đông
thường theo đường biển. Hải trình của họ thường từ eo Malacca đên một hải cảng
nào đó của Champa, có lẽ là vùng Phú Yên-Khánh Hòa ngày nay rồi từ đó đi về
phía đông Hải Nam đến Macao, Nhật Bản mà không đi men theo bờ biển vịnh Bắc Bộ.
Như vậy họ không tiếp xúc trực tiếp với người của triều đinh Việt, nên họ gọi
tên nước ta theo cách gọi họ nghe được từ Malacca. Ta cũng nên lưu ý rằng cứ điểm
đầu tiên của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông không phải là ở nước ta mà lại ở Macao
Trung Hoa cũng là vì lý do thuận tiện của hải trình. Năm 1513, Jorge Álvares trở
thành người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Năm 1535, các thương
nhân Bồ Đào Nha đã có được quyền neo tàu ở các bến cảng của Ma Cao và thực hiện
hoạt động giao thương, mặc dù không có quyền ở trên bờ. Khoảng 1552–1553, họ
giành được sự cho phép tạm thời để lưu trữ hàng hóa trên kho được dựng trên bờ,
họ nhanh chóng xây dựng các ngôi nhà thô sơ bằng đá quanh khu vực mà nay được gọi
là Nam Loan. Năm 1557, người Bồ Đào Nha thành lập một khu dân cư lâu dài tại Ma
Cao, trả 500 lạng bạc mỗi năm cho tiền thuê đất. Người Bồ Đào Nha tiếp tục trả
tiền thuê hàng năm cho đến năm 1863 để được quyền ở tại Ma Cao. Mọi giao thương
với Đại Việt của ngươi Bồ Đào Nha, kể cả việc truyền giáo của các tu sĩ, đều xuất
phát từ Macao. Cho nên không lạ gì là họ gọi nước Đại Việt ta theo tên gọi khác
mà Trung Hoa sử dụng. Mà các triều đại Trung Hoa thì không bao giờ thừa nhận
tên nước Đại Cồ Viêt (thời Đinh Tiên Hoàng) , nước Đại Viêt ( thời Lý, Trần,
Lê) hay Đại Ngu (thời nhà Hồ). Họ luôn gọi nước Việt ta là An Nam-安南-, xuất xứ từ một tên gọi được nhà Đường thời bắc thuộc đặt
ra, là An Nam Đô Hộ Phủ-安南都護府[[3]].
Các giáo sĩ dòng Tên (tức là Dòng [theoTên] Chúa Giêsu; tiếng
La Tinh: Societas Iesu, tiếng Pháp: Jésuit) người phương
Tây từ Macao sang Đại Việt truyền giáo vào thế kỷ 17 trở đi đều gọi tên nước Đại
Việt ta là AN NAM là theo cách gọi của
các triều đại Trung Hoa. Tên
gọi An Nam (viết là Anamita) đều được
ghi ngay bìa của các quyển từ điển họ soạn. Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự
điển: Diccionário anamita-português-latim. A.Barbosa soạn Tự điển Bồ-Việt: Diccionário
português- anamita . Quyển từ điển của A. Barbosa và tự điển trên đây của
d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Sau đó dựa trên hai từ điển này ALEXANDRO DE
RHODES soạn tự điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum ( ta quen gọi
là từ điển Viêt-Bồ-La) xuất
bản năm 1651 tại Rom (Italy)[[4]]
.
Rõ ràng là từ lúc này trở đi , nước Đại Việt ta được người phương Tây gọi thống nhất là ANNAM, chung cho cả Đàng Trong và Đàng
Ngoài.
Các giáo sĩ dòng Tên đến nước Việt lần đầu tiên năm 1615 tại Hội An-Đàng Trong;
và năm 1627, lần đầu tiên đến Cửa Bạng, Thanh Hoá-Đàng Ngoài. Vì vậy , những người Châu Âu lúc đó cũng đã phân biệt Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lúc bấy giờ họ gọi Đàng Trong là Cochinchina
và Đàng Ngoài là Tunquins, như ghi
chép trong quyển sách “An Account of the Empire of China-Bút ký về Đế quốc
Trung Hoa”[[5]] của tác giả người Tây Ban Nha Dominick Fernandez Navarrete (1616-1686): “Vương quốc Cochinchina nằm giữa Tunquins [tức
Tonkin-Đông Kinh] và Champa. Đất nước tốt đẹp và nhiều tơ lụa và họ mang sang
buôn bán với Manila…”. Tunquins
hay Tonkin xuất xứ từ tên gọi kinh
thành Đông Kinh thời Lê (tức Đại La, Thăng Long thời trước nhà Lê) .
Vậy là từ đầu thế kỷ 17, nước ta được người phương Tây gọi
chung là AN Nam, và tên Cauchy China hay Cochinchina trước đấy hơn một thế kỷ gọi
cả nứơc Việt ta thì bây giờ dành riêng gọi cho Đàng Trong, và một tên mới
Tunquin (tứcTONKIN) là dành cho Đàng Ngoài
.
Cho đến trước khi sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài chấm
dứt, Gia Long lên ngôi thì tên An Nam
vẫn được người nước ngoài dùng để gọi nước Việt, kể cả thời Tây Sơn.
Gia Long lên ngôi 1802, liền cho sứ thần sang Trung Hoa để
xin sắc phong. Đại Nam thực lục chép rằng: “Vua
[Gia Long] hạ lệnh cho bọn Quang Định đem quốc thư và phẩm vật (…) đi xin phong
và xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt”…
” Vua Thanh trước cho rằng chữ Nam Việt
giống [dễ lẫn] chữ Đông Tây Việt [của Trung Hoa-TGN] nên không muốn cho. Vua [ Gia Long] hai ba lần phục thư để biện giải,
lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu [thụ] phong. Vua Thanh sợ mất
lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam
để đặt tên nước, gửi thư lại nói, rằng khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam
Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai
mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng
thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới
để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ
nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa [tức Đông Việt,
Tây Việt củaTrung Quốc] lại phân biệt hẳn. Đến đây vua Thanh sai Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong, lại cho
gấm đoạn và đồ khí mãnh (…)
(…) Tháng 2, ngày Mậu thìn,[vua Gia Long] xa giá đến Kinh sư [Phú Xuân]. Ngày Quý dậu
vua yết Thái miếu. Đặt quốc hiệu là Việt
Nam… Xuống chiếu bố cáo trong ngoài. Chiếu rằng : “…lấy ngày 17 tháng 2 năm
nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc
gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ bố cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm
tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.[[6]]
Như vậy là từ ngày 17/2/Mậu thìn (1804) nước ta chính thức là
Việt Nam, bãi bỏ tên An Nam .
Thực ra tên nước Việt
Nam không hề được nhà Nguyễn sử dụng sau đó. Gia Long mới lên ngôi, có lẽ vì muốn giữ hòa khí với
Trung Hoa mà miễn cưỡng tạm chấp thuận
quốc danh Việt Nam do nhà Thanh ban
cho . Sự suy đoán này là có cơ sở , bởi đến năm 1812, nhà Nguyễn không thông báo cho nhà Thanh mà tự mình sửa lại thành Đại Việt.[[7]]
Đến đời vua Minh Mạng năm thứ
12, Mậu Tuất ( 1838) , lại đặt tên nước là Đại
Nam và quyết định áp dụng từ năm sau đó[[8]].
Với việc vua Minh Mạng lấy quốc danh mới, từ lúc đó cho đến khi Pháp chiếm được
cả nước, tất cả các sách được biên soạn
của Quốc sử quán triều Nguyễn đều ghi hai chữ Đại Nam, như Đại Nam thực lục, Đại
Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sự lệ, v.v…Tại khoản 1 hòa ước Patenôtre
1884 cũng viết:”Nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp bảo hộ.”[[9]]
Và ngay sau đó thì cả tên và nước Đại Nam cũng không còn tồn
tại. Người Pháp đã xóa bỏ nước Đại Nam thống nhất, chia ra làm ba phần, đặt tên
theo các tên có sẵn của toàn bộ hoặc một phần của giải đất hình chữ S đã có trước
đó là TONKIN (Bắc Kỳ) ,ANNAM (Trung Kỳ), COCHINCHINE (Nam Kỳ), Ba phần này cùng
với Lào và Cambodge lập thành INDOCHINE- Đông Dương thuộc Pháp.
Phải mất gần hơn 70
năm nữa, một tên nước Mới mà Cũ đã xuất hiện. Đó là tên nước Việt Nam, (do nhà Thanh ban cho Gia Long năm 1804 và bị nhà
Nguyễn năm 1812 hủy bỏ sau 8 năm miễn cưỡng
chấp nhận), lần đầu tiên được chính thức công bố bởi Chính phủ Bảo Đại-Trần trọng
Kim vào ngày 10/4/1945, với tên gọi ĐẾ QUỐC VIỆ T NAM. Sau 5 tháng tồn tại,
ngày 19/8/1945 Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ và ngày 2/9/1945 Nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời do Chủ Tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, với
Tuyên Ngôn Độc Lập tuyên cáo chính thức cùng thế giới. Văn bản ngoại giao quốc
tế đầu tiên với danh xưng Việt Nam
có lẽ là hiệp định Sơ Bộ ký ngày 6/3/1946 giữa Đại diện chính phủ Pháp J.R.
Sainteny với đại diện phía Việt Nam là Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, có sự chứng kiến của đại diện Anh, Mỹ, Trung
Hoa. Hiệp định này sau đó đươc chính phủ Pháp tại Paris thông qua.
Vậy là sau hơn hai ngàn năm lận đận, quốc gia của người Việt
từ đây mới có được môt tên gọi thống nhất, được trong nước và quốc tế chính thức
công nhận và sử dụng cho đến ngày nay và chắc là cả trong tương lai. Đó là VIỆT NAM [[10]]!
VÀI LỜI VỀ NGUỒN GỐC TẤM BẢN ĐỒ
Gần hai mươi năm trước, một người bạn
lâu năm là công chúa Iren of Greece, em gái hoàng hậu Sophia của nước Tây Ban
Nha có mời tôi đến Tây Ban Nha. Công chúa sống cùng Hoàng tộc tại Hoàng cung hiện
tại củaTây Ban Nha ở Madrid, nhưng hoàng gia còn có một cung điện khác lâu đời
, nguy nga hơn, là cung điện El Escorial (ảnh A) nằm cách Madrid 45 km về phía
đông bắc , được xây dựng từ năm 1563 dưới triều vua Felipe II,( Tiêng Anh gọi
là Philip II, biệt danh “The Pruden-Người khôn ngoan” . Felipe II là Hoàng đế của
Tây Ban Nha, vua của Bồ Đào Nha, vua của Naples, vua của Sicily và vua trên
danh nghĩa ủy quyền của Anh và Ái Nhĩ Lan. Nhà vua cũng đồng thời là Công tước
Milan và là lãnh chúa của 17 vùng đất Hà Lan. Tên của vua được đặt cho thuộc địa
Philippin). Công chúa Iren (ảnh B) là chủ tịch của tổ chức nhân đạo “ WORLD IN
HARMONY-Thế giới hài hòa”, một tổ chức đã giúp đỡ cho nhiều người nghèo trên thế
giới. Với Việt Nam công chúa đã trợ giúp nhiều triệu US$ cho phụ nữ và trẻ em
nghèo.
Lần này công chúa đã dẫn tôi đi thăm cung điện
El Escorial. Là khách của Hoàng gia nên được ưu đãi đến mọi khu vực của cung điện.
Tại phòng riêng của vua Felipe II , tôi chợt thấy trên tường treo một bản đồ
hàng hải nhỏ, nhìn kỹ là có một phần vẽ về vùng biển đông của nước ta. Dù là
người của Hoàng Gia nhưng cũng không được phép chụp ảnh, tôi tiếc lắm. Ít lâu
sau, ĐSQ Tây Ban Nha ở Hà Nội có gửi cho tôi một bưu kiện ngoại giao, với bản
copy tấm bản đồ đó kèm theo bức thư (ảnh C) cho biết theo thỉnh cầu của công
chúa Iren, vua Joan Carlos đã lệnh cho làm một copy mầu nguyên bản để gửi cho
tôi. (xem bản đồ ở trên). Là quà của Hoàng gia gửi cho nên tôi giữ riêng không
công bố. Gần đây , được biết tấm bản đồ này đã một lần được vẽ lại (redrawn)
vào năm 1619 nằm trong bộ sưu tập của học giả, luật gia người Anh là John
Selden , hiện lưu trữ tại thư viện Bodleian ,Đại Học Oxfort nước Anh, đã được
phục chế lại và mới công bố gần đây . Vì vậy , bây giờ tôi nghĩ cũng là lúc nên
giới thiệu bản đồ cổ này và đặc biệt là kho lưu trữ lớn tại cung điện El
Escorial ,có nhiều tài liệu quý về nước ta để những người quan tâm tham khảo.
Dịch theo bản tiếng Anh: Polo, Marco. The Travels of
Marco Polo. Translated by Henry Yule. Edited and Annotated by Henri Cordier.
John Murray, London, 1920, Book 2, Chapter 56.
[[2]]
Dịch theo bản tiếng Anh “The Suma
Oriental of Tome Pires…” NXB The Hakluyt
Society, London 1944.
[[3]]
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: Nhâm Ngọ, [622], (Đường Vũ Đức năm thứ
5). Nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam
đô hộ phủ.
Từ đó về sau, các triều đại Trung Hoa đều gọi nước Việt ta là An
Nam. Ngay cả khi nhà Minh đã đánh chiếm nước ta, đặt làm quận Giao Chỉ , vẫn
dùng tên An Nam, như trong mật lệnh của Hoàng đế Vĩnh Lạc đã viết: 但是
安
南
所
立
者
悉
壞之
。
一
字
不
存-
còn
các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn (Theo Lý Văn Phượng 李文 鳳, Việt
kiệu thư 越 嶠 書
(1540) Q. 2; tờ 31a )
Đời nhà Thanh: Mậu
Thân (1788) Càn Long năm thứ 53.Tháng 11. Nhà
Thanh sách phong nhà vua làm An Nam quốc vương. Trước kia, Sĩ Nghị xuất quân,
vua Thanh giao cho sách văn và ấn chương, rồi dụ bảo Nghị khi đã
khôi phục được kinh đô thì phong ngay cho Lê Tự
Tôn (tức Lê Chiêu Thống) làm An Nam quốc
vương để ràng buộc lấy lòng người.(theo
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XLVII tr.987)
[[4]
] xem: Augustin de Backer, Bibliothèque des Ecrivains de la Compagnie de Jésus,
quyển I, Paris 1869, tr.121 – Carlos Sommervoguel, Bibliothèque de la Compagnie
de Jésus, Nouvelle édition, Louvain 1960 cột số 261-262 – D.Barbosa Machado,
Bibliotheca Lusitana, quyển II, Lisbõa, 1747, tr.331-332 – E.Teixeira, Macou e
sua diocese VII, Padres da diocese de Macau, 1967 tr.548.
D.Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, quyển I,
Lisbõa, 1741 tr.214-215.
[[5]]
Nguyên văn tiếng Anh: “The Kingdom of Cochinchina lies between
Tunqins and Champa; the Country is good, and abounds in Silks they trade from
thence to Manila…” Xem “An Account of the Empire of China” Chapter XXXI p.345 ,bản tiếng Anh, in trong “A Collection of Voyages and
Travels, Some Now First Printed from Original Manuscripts”, Vol.1, printed for Awnsham and John Churchill. London 1704
[[6]]
Đại Nam Thực Lục Đệ nhất kỷ - Quyển XIX
- Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế, Gia Long năm thứ nhất, Nhâm Tuất 1802. Bản dịch
của Viện Sử học.
[[7]]
Theo bản dịch “Quốc sử di biên 國史遺編-”,
của Viện Sử Học, ”, NXB Văn Hóa Thông Tin ,Hà Nội 2009, tr. 132.
[[8]]
Đại
Nam thực lục, II, quyển 190, tr. 1a~2a; Đại Nam thực lục, II, quyển 200,
tr.. 8a~b; Quốc sử di biên, NXB VHTT
HN 2009,tr. 337.
[[9]]
Xem “Dương
Sự Thủy Mạt” bản dịch của Đông Hào, Trương Sĩ Hùng, Hàn Khánh, NXB Thế Gới
2016, tr. 167
[[10]
] Cần phải lưu ý rằng tên gọi Việt Nam
trước khi được chính phủ Bảo Đại-Trần Trọng Kim chính thức đặt tên cho quốc
gia, thì cũng đã được nhiều tổ chức bí mật
sử dụng. Sớm nhất có thể kể đến Việt Nam
quang phục hội do Phan Bội Châu
thành lập 1912, Việt Nam Quốc Dân Đảng
1927 của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Toàn
quốc Cách Mạng Đảng 1927 của Nguyễn Hải Thần, Đảng Cộng Sản Việt Nam 1930
do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Việt Nam Cách
Mạng Đồng Minh(Việt Minh) 1941 do Hồ Chí Minh sáng lập.
Sau năm 1945 tình hình chiến tranh trên cõi Việt Nam đã
tao nên những thể chế chính quyền quốc gia khác như chính quyền của Bảo Đại có
tên gọi “Quốc Gia Việt Nam”(1948-1955) hay “Viêt Nam Cộng Hòa” từ vĩ tuyến 17
trở vào (1955-1975), đều lấy tên nước là Việt Nam.
Một tư liệu quý, một sự phân tích rất khoa học của tác giả. Cảm ơn anh Trần Gia Ninh
Trả lờiXóaCảm ơn Trần Gia Ninh.
Trả lờiXóaBài viết rất công phu và nhiều tư liệu mới mẻ, giúp mở rộng những liên hệ về chính sử VIỆT NAM giai đoạn đầu!