Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Tường thuật cuộc tọa đàm về Tiểu thuyết Lịch sử "KIM THIẾP VŨ MÔN" tại Đại Học KHXH&NV-ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI



07/05/2017
Ngụy Hữu Tâm
Cuộc tọa đàm, diễn ra sáng 5.5.2017 tại Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đã thành công hết sức tốt đẹp.
Từ trái qua: GS.TS Trần Ngọc Vương, Trần Gia Ninh, GSTS Trần Nho Thìn

Cuộc tọa đàm „Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử“ do Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, và Nhà xuất bản Văn học đồng tổ chức. Đây có thể nói là một trường hợp hy hữu trên văn đàn Việt nam hiện nay khi một quyển sách ra đời thầm lặng cách đây hai năm, của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, một cái tên lạ hoắc trong giới văn chương, lại gây được sự chú ý của người đọc, của các văn sĩ và của giới học thuật. Thật ra thì tác giả quyển sách không phải là xa lạ, ông vốn là một nhà khoa học khá nổi tiếng, nguyên là Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN.
Ông tên thật là Trần Xuân Hoài, lấy bằng Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học (Dr.habil) tại trường Đại Học Humboldt, Berlin, từng là Giáo sư thỉnh giảng (visiting Professor) của nhiều trường đại học châu Âu.
Rất nhiều những nhân vật tên tuổi, nổi trội trong văn chương, học thuật đã đến dự và phát biểu, tham luận, tranh luận rất sôi nổi.
Mở đầu, TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, vui mừng thông báo, sau hai năm, cuốn sách „Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn” đã được tái bản.
TS. Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc NXB Văn Học
GS. Trần Ngọc Vương, chủ toạ cuộc tọa đàm, giới thiệu sơ lược về tác giả cuốn tiểu thuyết. Ông cho biết, tác giả xuất thân gia đình Nho học lại có thời gian dài tuổi thơ học ở Lư Sơn và Quế Lâm, Trung Quốc nên có vốn Hán văn, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ phương Tây cho nên có nhiều điều kiện để tích lũy kiến thức, tư liệu văn hóa. Là nhà khoa học tự nhiên có nhiều công trình khoa học giá trị, đồng thời là nhà báo với nhiều bài báo nhân học văn hóa, như những công bố gần đây của ông về mối liên hệ Bách Việt - Hán đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi. Tác giả là nhà khoa học phản biện thẳng thắn, quen thuộc của giới trí thức nước nhà. Như nhiều khoa học lớn tuổi khác, bên cạnh chuyên môn lại hết sức đam mê văn học và dù viết tiểu thuyết này ở tư cách là nhà văn nghiệp dư, vẫn hết sức thành công. GS Vương đánh giá đây không phải chỉ là một tác phẩm hư cấu văn học mà còn là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới hình thức tiểu thuyết lịch sử.
GS. Trần Nho Thìn (Bộ môn Văn học Trung đại): Cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, nhưng hấp dẫn và gợi cho ta suy nghĩ mới về lịch sử, chẳng hạn vì sao Lê Lợi thắng, GS Thìn nói: "Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng, khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử".
Nhà Hán học, dịch giả Trần Đình Hiến (đã dịch rất nhiều sách của Mạc Ngôn như „Báu vật của đời“, „Đàn Hương Hình“...) với trải nghiệm 70 năm sống và nghiên cứu ở Trung Quốc, đánh giá tác giả có kiến thức địa lý tự nhiên và nhân văn vùng miền rất tốt, đã nghiên cứu kỹ cổ sử Trung Quốc. Còn về hư cấu: Tam Quốc là 70%, thậm chí 90% nên hư cấu và lịch sử là đa dạng, được phép. Tuy nhiên hư cấu như Chính phủ Trung Quốc đang làm từ nhiều năm nay như đề nghị UNESCO công nhận Vua Hùng là ở Vân Nam, Trống đồng không phải ở Đông Sơn mà là ở Trung Quốc... thì không thể chấp nhận được.
Nhà Hán học, Dịch giả Trần Đình Hiến
GS. Trần Đình Sử (ĐHSP HN) cho biết: Với tư cách là một người đọc ông đã rất hứng thú khi đọc vì hết sức hấp dẫn, có cái nhìn mới về lịch sử Tàu xâm lược, về Lê Lợi khi chú ý đến yếu tố vũ khí. Tác giả đã dẫn giải nhiều tư liệu ghi trong Minh thực lục, Minh Sử chí. Đặc tả về thác Vũ Môn, gợi lại cội nguồn của xứ sở nhà chế súng Cao Thắng... Rất nhiều tiểu thuyết hiện nay, độc giả thường chỉ đọc mấy trang đầu rồi bỏ. Cuốn tiểu thuyết này thì lại khác, dù không dễ đọc, nhưng không thể bỏ.
GSTS Trần Đình Sử (ĐHSP)
Nhà giáo kiêm Sử gia Vũ Thế Khôi nói rằng ông rất thích thú và tin cậy khi đọc cuốn sách này. Tư liệu điền dã và lịch sử rất công phu. Theo ông Dã sử cũng là đối chứng cho lịch sử. Quyển sách này là một xu hướng mới cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.
Nhà giáo kiêm Sử gia Vũ Thế Khôi 
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Văn Thành (nguyên phó Viện trưởng viện Sân khấu và Điện ảnh) kể rằng rất khó tìm mua quyển sách này. Ban đầu, ông không biết tác giả là ai. Nhiều người, nhiều nhóm chuyền tay nhau đọc những bản copy.
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Văn Thành (nguyên phó Viện trưởng viện Sân khấu và Điện ảnh)
Bản thân ông cùng nhiều người bạn sau khi đọc xong đã từng nhiều lần rủ nhau lần về vùng Hoan Châu chiêm bái những địa danh, chứng tích đã được mô tả trong tiểu thuyết. Nhiều người yêu thích vì nó nói lên lòng yêu nước, lòng yêu quê hương. Có bạn đọc bình dân đã mua cả chục cuốn để cho bè bạn.
Đại tá, nhà văn Phạm Quang Đẩu
Bình luận của nhà văn Phạm Quang Đẩu vắn tắt nhưng hàm xúc: Ông đánh giá hết sức cao cuốn sách. Đó là một quyển tiểu thuyết lịch sử LẠ, MỚI, SINH ĐỘNG, HẤP DẪN. Quyển sách là một hiện tượng bất ngờ, thú vị cho nền văn học nước nhà hôm nay.
TS. Nguyễn Thế Hùng, một nhà kỹ thuật, kiêm nhà văn, nhà báo phát biểu: Ông ấn tượng về con số 6: những sự kiện hủy diệt văn hóa lần thứ nhất 600 năm  trước (1407-2017) thời Nhà Minh và sự hủy lần thứ hai 60 năm qua (1957-2017) thời CCRĐ-Nhân văn Giai Phẩm. Bí quyết trường tồn của văn hóa Việt là gì?
Nhà NC Văn hóa, Sử gia Bùi Thiết (đang phát biểu)

Nhà nghiên cứu Văn hóa Sử Bùi Thiết: Tiểu thuyết này đúng là một công trình khoa học lịch sử. Tác giả hiểu rõ sử-địa địa phương. Những tư liệu về sắt (sinh thiết-thép), những quê hương của Mỏ sắt Thạch Khê, của vùng Vân Tràng thợ rèn, trung tâm luyện sắt xưa của Việt thường. Nên đọc cuốn sách và quảng bá cho con cháu đọc.
TS Trịnh Văn Định, p Trưởng phòng NCKH, Đại học KHXHNV
TS. Trịnh Văn Định kể những chi tiết khi đi tìm quyển sách theo dư luận lan truyền, tìm đọc bản photo của cuốn sách, lần mò các nguồn tin để tìm ra được tác giả và từ đó đã mới có dịp gặp gỡ trao đổi trực tiếp.
GSTS Nguyễn Bá Thành, Bộ môn Văn học Hiện Đại
GS Nguyễn Bá Thành (Bộ môn Văn học hiện đại) kể rằng ông đã đọc hết quyển sách (bản photocopy) và rất thú vị khi được đọc những mô tả văn chương chính xác, tuyệt vời về thác Vũ Môn, về núi Giăng Màn hùng vĩ, về sông Ngàn Sâu hung dữ và thơ mộng... Ông đã bỏ dở buổi chấm luận án tiến sĩ để về cuộc tọa đàm, chỉ vì lý do đơn giản Vũ môn, Giăng Màn, Ngàn Sâu chính là quê hương của ông. Ông muốn biết ai là tác giả của quyển sách. Hóa ra hai người là cùng quê, sống rất gần nhau mà bây giờ mới biết nhau. Sáu bảy mươi năm ly tán, âu cũng là số phận chung!
P GS Phạm Văn Thach., Chủ nhiệm Khoa Văn Học, tổng kết tọa đàm
PGS Phạm Xuân Thạch kết thúc buổi tọa đàm với kết luận tiểu thuyết viết về cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, chứng minh được rằng dù bị ngàn năm độ hộ, văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại. Cuốn sách còn đi được vào những góc khuất lịch sử, nêu lên được những vấn đề lớn, nói lên được giá trị của tiểu thuyết.
Phạm văn Thiều, TBT Vật lý và Tuổi trẻ


TS. Ngụy Hữu Tâm, nhà Vật lý kiêm nhà dịch thuật, viết văn

Trung Tá Minh Ngọc, P GĐ Bảo tàng Quân sự

Nhà dân tộc học Tạ Đức

GSTS Trần Nho Thìn

GSTS Trần Ngọc Vương

Đại Tá Mạnh Kính

Trao đổi ngoài hội trường

Trên sân trường Đại Học KHXH&NV, Đại Học QG Hà Nội

Trong buổi tọa đàm, tôi, Ngụy Hữu Tâm cũng đã có một bài tham luận ngắn, với nhan đề “ VĂN CHƯƠNG LÀ HỒN, LỊCH SỬ LÀ CỐT”, xin chép ra đây hầu quý vị.
(Bài tham luận này đăng trên TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHÊ AN, xin mời đọc ở bài tiếp-Tran Gia ghi chú)

Nguồn: (https://boxitvn.blogspot.com/2017/05/ve-cuoc-toa-am-hu-cau-va-su-that-trong.html)
Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét