Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Hành trình hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học

01:51-11/01/2013

Hành trình hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học

Trần Xuân Hoài 

Khảo sát các bản hiến pháp của Việt Nam có thể thấy rõ biểu hiện của yêu cầu ”Độc lâp”, “Tự do”, “Bình đẳng” tương đối ổn định. Riêng “Dân chủ” trong hành trình hiến pháp Việt Nam có sự biến đổi bất thường nhất. Trong các phiên bản ban đầu - 1946, 1960 - phạm trù này được nhấn mạnh nhiều, sau đó thì giảm mạnh.

1- Tiên đề của khoa học

Khoa học là công cụ tư duy để con người lý giải và làm chủ tự nhiên cũng như xã hội. Mọi ngành khoa học đều được xây dựng từ những tiên đề (axioms), là những chân lý vạn năng tự thân không cần chứng minh[1]. Từ lớp 7 phổ thông ai cũng biết tiên đề Euclide về đường thẳng song song là nền tảng cho hình học cổ điển. Đó là loại tiên đề của tư duy toán học. Bảo toàn năng lượng và bảo toàn vật chất là những tiên đề nền tảng cho Vật lý. Tốc độ ánh sáng trong chân không là cực đại và hằng số trong mọi điều kiện là tiên đề cho thuyết tương đối Einstein. Những tiên đề đó là của thế giới tự nhiên. Xã hội con người cũng là một đối tượng của khoa học. Muốn xây dựng một tập hợp con người thành một hệ thống xã hội văn minh cũng cần có những tiên đề, tạm gọi là Tiên đề xã hội. Nói một cách dễ hiểu, đó là những lẽ phải không ai chối cãi được (Hồ Chí Minh)[2]. Từ các tiên đề xã hội sẽ xây dựng nên Hiến pháp, luật pháp, quy tắc của xã hội đó. Tiên đề xã hội được thể hiện trong các niềm tin tôn giáo hoặc các tuyên ngôn xã hội. Khác với tôn giáo cần cách diễn đạt càng mờ ảo thì càng lôi kéo được niềm tin, các tuyên ngôn xã hội là khoa học, nên rất rõ ràng, không thể đánh tráo. Không kể thời trung cổ thì cho đến nay có 3 tuyên ngôn xã hội phổ biến nhất mà các xã hội văn minh chọn các tiên đề ở đó làm cơ sở cho Hiến pháp:Tuyên ngôn độc lập Mỹ (1776), Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền Pháp (1791 ) và Tuyên ngôn Công sản (1848).

2- Tiên đề xã hội cho các hiến pháp của Việt Nam



Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945[2] là bản tuyên ngôn xã hội chính thức duy nhất của nước Việt Nam cho đến nay. Điều rất đặc biệt là ngay những dòng đầu tiên bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đó đã chọn những tiên đề xã hội của Tuyên ngôn độc lập Mỹ[3]: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyên Pháp[4]:”Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Tuyên ngôn độc lập Việt Nam đã khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Hiến pháp Việt Nam đã có hành trình gần 70 năm, với ít nhất 4 phiên bản chính thức vào các năm 1946, 1960, 1980, 1992[5], và 1 dự thảo sửa đổi 2013[6], không kể các sửa đổi nhỏ 2001. Với các tiên đề xã hội như Tuyên ngôn Độc lập 1945 đã khẳng định, thì các quyền hiển nhiên như Độc lập, Tự do, Bình đẳng, Dân chủ là những điều khắc sâu trong lòng Việt Nam, tất phải thể hiện thành lời trong Hiến pháp Việt Nam vì Hiến pháp là văn bản pháp lý tối cao, với kỳ vọng là được bắt nguồn từ những lẽ phải không ai chối cãi được đó.

Người Đức có câu tục ngữ rất hay: Điều gì khắc ở trong tâm thì cũng bộc lộ nên lời. Theo triết lý đó của người Đức, chúng ta làm một thống kê nhỏ mà kết quả trình bày trong bảng dưới đây, cho ta thấy số lần xuất hiện và xác suất hiện diện của các phạm trù đó trong các văn bản Hiến pháp Việt Nam. Vì các văn bản có độ dài ngắn khác nhau, nên để định lượng cần phải tính xác suất hiện diện của chúng bằng cách tính tỷ lệ (phần nghìn) của số lần xuất hiện chia cho tổng số từ. Để dễ nhận biết, xác suất của sự hiện diện được trình bày rõ thêm bằng đồ thị kèm theo.



Hiến pháp
Tổng số từ
“Độc lập”
“Tự do”
“Bình đẳng”
“Dân chủ”
Số từ
Xác suất ( o/oo)
Số từ
Xác suất
o/oo)
Số từ
Xác suất
 ( o/oo)
Số từ
Xác suất
o/oo)
1946
3348
2
0. 59
10
1. 49
2
0. 59
13-8
1. 49
1960
8277
10
1. 2
8
0. 96
6
0. 72
79-48
3. 74
1980
14510
19
1. 3
15
1. 03
7
0. 48
12
0. 83
1992
13514
11
0. 81
10
0. 73
7
0. 52
7
0. 52
2013(Dt)
13866
14
1
14
1. 01
10
0. 72
11
0. 79



Nhìn biểu đồ thấy rõ sự biểu hiện của yêu cầu”Độc lâp” có biến đổi ít nhiều nhưng không một chiều, “Tự do” năm 1946 là rất cao sau đó ổn định suốt nhiều thập kỷ. “Bình đẳng” tương đối ổn định. Riêng “Dân chủ” trong hành trình hiến pháp Việt Nam có sự biến đổi bất thường nhất. Trong các phiên bản ban đầu, 1946, 1960 phạm trù này được nhấn mạnh nhiều, sau đó thì giảm mạnh. Lưu ý rằng trong các thống kê này, cụm từ dân chủ nằm trong tên gọi quốc gia “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, đã được đưa ra khỏi số liệu thống kê. Tuy chỉ là một phương pháp tư duy hình thức, gần giống như một trò chơi ngôn ngữ, nhưng số liệu thống kê giản đơn như vậy cũng gợi ý để tìm hiểu kỹ hơn, đặc biệt về nội hàm “Dân chủ” trong Hiến pháp.

3- Sự định danh của một quốc gia và Hành trình dân chủ trong các Hiến pháp Việt Nam


•    Việt Nam, với tư cách là một quốc gia (nhà nước), được định danh trong các Hiến pháp như sau:

Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa (điều 1, Hiến pháp 1946)
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. . , là một nước dân chủ nhân dân (điều 2 Hiến pháp 1960)

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. . . (Điều 2, HP 1980)

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước (gì?) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. . . (điều 2, HP 1992)

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. . . (điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2000).

•    Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước chuyên chính, là một bước ngoặt lớn, có thể hiểu là Hiến pháp được xây dựng lại trên cơ sở những tiên đề xã hội khác trước. Có lẽ hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước chuyên chính như Hiến pháp 1980 của nước ta. Nên nhớ rằng, “chuyên chính” là xuất xứ từ nguyên gốc Latin “Dictatura”, trong mọi ngôn ngữ thông dụng đều có duy nhất một nghĩa là đối nghịch với “Dân chủ - Democracy”, rất phản cảm trong xã hội văn minh[7]. Vì là từ mượn, trong tiếng Việt, nhờ sử dụng thủ thuật “từ đồng nghĩa- Synonyms” cùng gốc Hán- Việt nên chữ “Chuyên chính” đã được dùng thay cho chữ “Độc tài”, và do vậy không gây phản cảm trong xã hội Việtnam. Trong giao tiếp, quảng cáo, tuyên truyền chính trị, những thủ thuật ngôn ngữ được dùng để dễ thuyết phục một cách nhất thời như vậy không phải là điều cấm kỵ, nhưng trong một văn bản luật cao nhất như Hiến pháp của một quốc gia mà định danh một quốc gia như vậy thì rất lạ.

•    Hiến pháp 1992 một lần nữa định danh lại: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. . . ”. Cần nhớ rằng mệnh đề này là trích trong diễn văn Gettysburg (1863) của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, dùng để định danh một chính quyền, nguyên văn:”… - government of the people, by the people, for the people - Chính quyền của dân, do dân và vì dân”[8]. Không phải là vô tình mà A. Lincoln định danh đó cho chính quyền chứ không phải cho nhà nước. Vì nếu là nhà nước (quốc gia) thì định danh như vậy thật vô nghĩa. Coi Chính quyền đồng nghĩa là Nhà nước (quốc gia), là một sự cố tình nhầm lẫn tai hại trong chính giới và chuyển thành thói quen cả ở trong ngôn ngữ dân gian. Như vậy, thực chất Hiến pháp 1992 của Việt Nam không định danh nhà nước Việt Nam là nhà nước gì, không biết là dân chủ hay là chuyên chính hay là cái gì đó khác…!

•    Có lẽ nhận thấy sơ suất này nên năm 2001 đã sửa lại Việt Nam là “. . là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. . . ”. Hiến pháp là  văn bản pháp luật tối cao khởi thủy cho mọi văn bản pháp luật khác. Về khoa học, bất kỳ một định danh nào đều phải dẫn chiếu đến một khái niệm đã được định danh trước đó hoặc diễn dịch từ những “sự thật không thế chối cãi –tức tiên đề xã hội”. Vì vậy cần giải thích rõ “Nhà nước pháp quyền XHCN” là gì trước khi định danh cho một nhà nước.

•    Qua sự định danh quốc gia trong Hiến pháp, ta có thể tóm tắt hành trình dân chủ theo con đường tiến hóa gần 70 năm như sau:

Dân chủ cộng hòa (46) --> Dân chủ nhân dân (60) --> Chuyên chính vô sản (80) --> không định danh (92) --> Pháp quyền XHCN (2001)…

Điều này lý giải cho biểu đồ về sự biểu hiện “Dân chủ" trong hiến pháp Việt Nam và hiển nhiên đã dẫn dắt sự thực thi trong xã hội chúng ta.

4- Thay lời kết

Trước một đối tượng quan trọng như chọn cơ sở nào để xây dưng Hiến pháp, trong xã hội tất phải có nhiều quan điểm khác nhau. Dưới quan điểm chính trị, Hiến pháp phải xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền lực thống trị. Theo mục tiêu kinh tế, Hiến pháp phải được tạo ra theo lợi ích của việc điều khiển và thao túng đồng tiền. Lấy mục đích tuyên truyền làm chính, Hiến pháp sẽ được xây dựng bằng các thủ thuật ngôn ngữ. Điều thống nhất là tất cả các quan điểm khác nhau đều tự tuyên bố là vì quyền lợi của toàn dân. Tất nhiên thôi, vì về danh nghĩa, Hiến pháp là của toàn dân. Về nguyên tắc, Hiến pháp phải được toàn dân chấp nhận.

Khi Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở những lẽ phải không thể chối cãi được, thì việc chấp thuận của toàn dân là một lẽ tự nhiên. Còn khi cơ sở là những lý lẽ dễ bị chối cãi, dù cho Hiến pháp đó bằng cách này hay cách khác tuyên bố được nhân dân chấp thuận, thì đó chỉ là sự áp đặt khiên cưỡng. Một Hiến pháp như vậy chỉ là hình thức, chỉ để tuyên truyền và tất nhiên không thể thực thi làm nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững và thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc.

Chắc là không có ai, ngoài vài ba nhà khoa học, lại ngây thơ tin rằng Hiến pháp của một quốc gia chỉ được xây dựng trên một cơ sở duy nhất, là cơ sở của những lẽ phải không thể chối cãi được.

Nhà Vật lý vĩ đại Albert Einstein đã từng thổ lộ:. “Tôi không bao giờ ngại ngần và cũng chẳng bỏ lỡ một cơ hội nào để thẳng thắn nói lên niềm tin của mình, vì tôi coi đó là nghĩa vụ phải làm. Tuy nhiên, theo lẽ thường thì một tiếng nói đơn lẻ luôn luôn chìm trong tiếng ồn ào của số đông “

Chú thích

[1] axioms: a self-evident or universally recognized truth

[2] http://dangcongsan. vn/cpv/Modules/News/NewsDetail. aspx?co_id=30196&cn_id=119997

[3] “We hold these truths to be sacred and undeniable self evident, that all men are created equal and independent; that from that equal creation they derive in rights inherent and inalienable, among which are the preservation of life, and liberty and the pursuit of happiness”; http://www. princeton. edu/~tjpapers/declaration/declaration. html

[4] „Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. “ http://www. assemblee-nationale. fr/histoire/dudh/1789. asp

[5] http://vanban. chinhphu. vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=view&org_group_id=0&type_group_id=1&category_id=0

[6] http://vietnamnet. vn/vn/chinh-tri/103390/du-thao-sua-doi-hien-phap-lay-y-kien-nhan-dan. html

[7] Tiếng Anh: Dictatorship, Pháp:Dictature, Nga:диктатура, Đức: Diktatur, Trung quốc: 独裁 (âm Hán Việt:độc tài)

[8] “. . . and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth. ” http://showcase. netins. net/web/creative/lincoln/speeches/gettysburg. htm

Bình luận

Hà sĩ Phu (BauxiteVN)


Ai bảo Toán học chỉ là khoa học tự nhiên?
Bởi tin rằng “Điều gì đã khắc ở trong tâm thì (nhất định) cũng bộc lộ thành lời (thành chữ)”, nên TSKH Trần Xuân Hoài đã thống kê tần suất những từ ngữ chính trị xuất hiện trong chuỗi các Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay, xem những con số, những biểu đồ toán học khô khan có nói lên quy luật gì hữu ích không?
Kết quả là, những con số cùng những gợi ý rất nhẹ nhàng và khách quan của tác giả, đã khiến ta dễ dàng đạt tới những nhận thức vô cùng thú vị:
1/ Tần suất những chữ ”Độc lập”, “Tự do”, “Bình đẳng” thì tương đối ổn định. Riêng từ “DÂN CHỦ” được nhấn mạnh trong HP 1946, nhưng sau đó thì liên tục “giảm mạnh” ! Đúng là Nhân quyền bị “teo dần trong Hiến pháp” (GS TS Hoàng Xuân Phú).
2/ Theo thời gian, sự giảm dần của yếu tố Dân chủ lại tương ứng với sự tăng dần của yếu tố Cộng sản và Chuyên chính thể hiện ở cách đặt tên nước, từ một nước dân chủ cộng hòa (1946), dân chủ nhân dân (1960), sang Nhà nước chuyên chính Vô sản (1980), Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (1992), rồi Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (2000, tu chỉnh). Ý thức hệ đúng là yếu tố “làm teo” Nhân quyền!
3/ “Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước CHUYÊN CHÍNH, là một bước ngoặt lớn”, “hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước CHUYÊN CHÍNH như Hiến pháp 1980 của nước ta” (nguyên văn TXH, HSP nhấn mạnh). Từ một Hiến pháp năm 1946 dựa trên những tiên đề “không ai có thể bác bỏ” đã du nhập thêm những tiên đề rất dễ bị bác bỏ, nhiều người muốn bác bỏ. Càng củng cố được quyền lực, sự Chuyên chính càng bộc lộ một cách trực diện, ngang nhiên và được pháp chế hóa thẳng thừng.
4/ Chuyên chính tăng lên thì Dân chủ giảm đi là dễ hiểu, nhưng lạ một điều càng Chuyên chính thì Hiến pháp càng tô rõ thêm hai chữ Nhân dân là vì sao, có mâu thuẫn gì ở đây? Bởi theo lý thuyết Mác-xít thì Chuyên chính không mâu thuẫn gì với “Nhân dân” cả: Đảng Cộng sản chỉ Dân chủ với “Nhân dân” nhưng quyết chuyên chính với “kẻ thù”. Trong nhân dân nếu có ai chống lại Đảng thì Đảng đẩy nó thành “kẻ thù”, không cho nó thuộc về “nhân dân” nữa, thế là “nhân dân” thì luôn trong sạch, luôn theo Đảng, và Đảng chẳng bao giờ phải chuyên chính với “nhân dân”!
Đọc bài Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong Hiến phápcủa báo Quân đội nhân dân ta sẽ hiểu ngay “nhân dân phải mang tính giai cấp”, chỉ có những người theo Đảng làm cách mạng lập ra chế độ dân chủ cộng hòa mới là “nhân dân”, và Hiến pháp 1946 đã khẳng định không được dân chủ đa nguyên! (Vậy những ai muốn trở về Hiến pháp 1946 chớ có ảo tưởng nhé).
Nghĩa là các khái niệm Dân chủ và Nhân dân đã bị đánh tráo. Đồng thời hai chữ ĐỘC TÀI nghiễm nhiên đi vào Hiến pháp do được nghệ thuật phù phép ngôn từ thay bằng hai chữ CHUYÊN CHÍNH của Trung Hoa cho đỡ phản cảm, mặc dù tất cả các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới đều biết Chuyên chính = độc tài = Dictatura, từ một chữ Latin nghĩa là phi dân chủ!
Việc nhập nhằng giữa khái niệm Nhà nước với Chính quyền, giữa quyền Con người với quyền Công dân, giữa quyền độc lập của một Dân tộc với quyền độc lập của mỗi cá nhân… cũng là những thủ thuật pháp lý láu cá, đánh tráo khái niệm.
Tác giả biết rằng nếu Hiến pháp xây dựng trên cơ sở những chân lý “không ai chối cãi được” thì đương nhiên được toàn dân chấp nhận, nhưng khi người ta cần mưu lợi về chính trị, cần kinh tế, cần tuyên truyền… tức là đặt cơ sở trên những điều “có thể chối cãi”, do xuất phát từ chủ quan những người soạn thảo và quyết định Hiến pháp thì… (xin chấm than!). Chính vì thế mà chừng nào việc soạn thảo và quyết định Hiến pháp còn do một tập thể mà tuyệt đại đa số là người của một phe, một đảng thì… xin đừng tranh biện làm gì cho hoài công? Song song với yêu cầu sửa đổi nội dung Hiến pháp, không thể không đề cập mạnh đến nhu cầu cốt tử này từ những sức mạnh của xã hội công dân, mà việc ký kiến nghị đông đảo và lên tiếng trên mọi diễn đàn cũng là những cố gắng.
Là nhà khoa học tự nhiên, TSKH Trần Xuân Hoài chỉ nói ít, nhưng những con số và đồ thị thuần toán học, như đứng ngoài chính trị, lại có sức mạnh lột trần những tâm can cơ hội chính trị sâu kín, mà nếu không hiểu được rõ, không vạch được rõ, e sẽ không thể luận bàn Hiến pháp.
Hà Sĩ Phu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét