Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

THẰNG NGỐ TÀU- CHƯƠNG MỞ ĐẦU

 


THẰNG NGỐ TÀU 

 


THẰNG NGỐ TÀU

(Truyên dài)

1

mở đầu

 

Năm ấy cha tui đã ngoại bảy mươi, khỏe mạnh lắm. Hàng ngày cụ vẫn chơi quần vợt, cuối tuần đi chơi Golf với mấy đại gia hàng con cháu. Ngày trước bọn này chịu ơn cha tui nhiều nên giờ chúng bao hết. Dân nam bộ chịu chơi và tình nghĩa lắm, tuy cụ tui là người Bắc. Tui và đứa  em gái út sinh ra tại Sài Gòn, trở thành dân Nam kỳ hết trọi, nói tiếng Sài Gòn ngọt hơn dân gốc, thậm chí có lúc gấp, còn đọc bản tin thay cho biên tập viên chính thức.. Hai chị tui sinh ra ở Bắc khi cụ còn ở ngoải, mãi sau này ổn định công tác ở Sài Gòn cụ mới đón mẹ vào. Nên các chị lớn hơn tui cả chục tuổi, đều đã thành gia thất. Tui là con trai độc nhất nên cụ cưng lắm, học xong là có việc làm ngon. Mẹ tui mấy năm sau sinh tiếp đứa em gái khi bả đã xấp xỉ năm mươi. Cả thời tuổi trẻ vất vả, lam lũ, lại sinh con lúc đã có tuổi, nên mẹ tui ốm đau suốt, dù đầy đủ thuốc men , bệnh viện cao cấp, nhưng chống được bệnh chứ sao chống được mệnh, mẹ đã bỏ chồng con ở lại mà ra đi, khi đó cô út mới mười hai mười ba tuổi..., Rồi tui cũng lập gia đình, chiều lòng vợ tui xin ra ở riêng, cha tui cũng thoáng lắm, chẳng những không phản đối mà còn mua cho vợ chồng tui một căn hộ, còn cụ ở với cô út, giờ cũng đã khá tuổi rồi mà vẫn chưa chịu lấy chồng.  Sài Gòn nắng nóng là chuyện thường, cụ vẫn  quần đùi cởi trần. Nhưng chiều hôm ấy, trời trở mát, cha tui bỗng ho sặc sụa. Kéo dài mãi đến tối vẫn không dứt. Nhận được điện cô út gọi, tui vội vàng rời bàn dựng, phóng xe về ngay, may lúc đó tui đã hết phiên trực biên tập lên sóng. Cụ mệt và khó thở lắm. Cả nhà bèn đưa  cụ đi bệnh viện Thống nhất kiểm tra. Tui có mấy thằng bạn ở đó nên thủ tục rất nhanh, chẳng mấy chốc đã lấy máu đem đi xét nghiệm. Rồi sang siêu âm, chụp X  - quang. Ngồi chờ kết quả khá lâu, ông cụ vẫn ho và mệt rũ rượi. Rồi thằng bạn bác sĩ ra gặp tui, ngoắc tay gọi tui ra một chỗ khuất. Hắn bảo:

   -    Nói riêng với mi, chúng tao đọc phim, thấy có chuyện khó nên phải đọc đi đọc lại.

   -    Mi cứ nói thật đi, ông cụ tau bị cái gì

Hắn ngập ngừng, tui phải dục, hắn nói nhỏ

   -  Chúng tao thấy tim phổi bình thường, nhưng có một vết lạ nằm ngoài giữa tim và phổi, chúng tau nghĩ...

Tui bắt đầu sốt ruột và lo lắng, gặng hỏi

   -     Nghĩ gì , nói nhanh lên, mi dấu tau làm gì .

   -   Mi đừng nói cho ai vội, chúng tau nghĩ là ông cụ nhà mi có một khối u trung thất, chưa biết u ác hay u lành. Chờ giáo sư chủ nhiệm khoa sáng mai đến hội chẩn đã. Mi để cụ ở lại bệnh viện để bọn tau theo dõi, rồi mai chụp MRI. Bây giờ tạm thời chúng tau cấp cho cụ ít thuốc ho, giảm đau và thuốc ngủ đã. Chuyện này không đơn giản đâu, nằm ngoài chuyên môn của Bệnh viện này, nên chúng tau sẽ phải gửi cụ sang Bệnh viện chuyên khoa. Bên đó không có tiêu chuẩn cao cấp hay dân thường đâu, nên ông già mi dù có tiêu chuẩn cao cấp, nhưng cũng không có được phục vụ như ở đây, tau sẽ nói với mấy thằng bạn bên ấy giúp. Ngoài ra tau cũng gửi các xét nghiệm ở đây sang cho bạn tau, để bớt được tiền xét nghiệm phần nào, dù có bảo hiểm. Bên ấy ngoài tầm với của chúng tau, tau chỉ giúp được đến vậy, mi nhớ nhập gia tùy tục nhé.

Tui hiểu ý gật đầu. Bạn bè dân Sài Gòn mấy khi nói dối nhau.

Cụ tui bị ung thư ác tính thật, không mổ ngay thì không có cách gì nữa. Dù có bạn bè, nhưng muốn mổ ngay, chúng tui xin mổ dịch vụ, dù tốn cả trăm. Mọi việc xẩy ra suôn sẻ, sau khi qua mấy ngày nằm phòng hậu phẫu chăm sóc đặc biêt, mà họ gọi là ICU (Intensive Care Unit), cụ được đưa về phòng bệnh thường để hồi phục. Phòng bệnh này có người đã mổ lẫn bệnh nhân chờ mổ. Dù nhà có osin, chúng tui không yên lòng để chị ấy phục vụ cụ lúc hiểm nghèo này. Hai anh em tui chia nhau túc trực bên cụ, em gái tui trực ban ngày, tui lo ban đêm. Tối khuya, như bao người đi chăm bệnh nhân khác, tui trải mảnh chiếu nhựa tàu dưới đất, nửa dưới gầm giường , nửa ở khoảng trống giữa hai giường bệnh, lâu dần cũng quen, ngủ ngon lành. Giường bệnh sát cạnh là một bênh nhân từ địa phương lên. Ông có lẽ cũng sáu bảy mươi như cha tui, da ngăm đen vì nắng, khuôn mặt phúc hậu, mũi cao mắt sáng, chắc thời trẻ cũng thuộc loại đẹp trai. Ông bệnh nhân này nói tiếng bắc, chị vợ và mấy đưa con chia nhau lên chăm sóc thì nói rặc nam kỳ. Bà vợ còn khá trẻ so với ông bệnh nhân, mới nhìn thoáng bà thì ước độ 55   - 60 là cùng. Tui thấy vóc người bà dong dỏng, cặp mắt hiền dịu, buồn thầm kín. Tóc chỉ mới lơ thơ mấy sợi bạc . Nhìn dáng người thanh mảnh, da trắng và thoạt nghe tiếng nói , tui đoan chắc là người miền tây. Tui lân la làm quen:

   -    Cô ở miền tây lên à

   -    Không , tui ở Tây Ninh xuống.

   -    Thế mà con cứ tưởng cô là người miền Tây.

   -   Ủa , cậu tài thật. Đúng tui là dân miền tây, tận Cà mâu cơ, nhưng lưu lạc lên miền núi Tây Ninh, ở đó lâu lâu lắm rồi. Ở Cà Mâu chẳng còn bà con họ hàng nào nữa cả, chiến tranh mà con ! Cô là con thứ tư trong nhà.

   -   Dạ, cô Năm, Chú chữa trị bệnh gì hả cô, chắc chú là cựu chiến binh vì con thấy người đến thăm chú toàn nói về thời đánh nhau.

   -   Đúng đấy con ạ. Chú Tư nhà cô là thương binh, cựu chiến binh, xuống đây để chờ mổ. Người ta chẩn trị là ung thư ruột, ruột non hay ruột già gì đấy. Chờ hơn hai chục ngày mà lúc nào hỏi cũng bảo chưa đến lượt. Khổ lắm con ạ. Nhà thì xa, cô thì bị bệnh tim, chẳng làm ăn được gì, chỉ ăn nhờ vào lương hưu và tiền trợ cấp thương binh của chú thôi. Chú thì lo cô đau tim, không cho cô xuống thăm, nhưng hôm nay có việc quan trọng nên từ ba giờ sáng, hai mẹ con đã lai nhau xuống đây. Chú thì nóng tính như lửa, chuyện này mà cô không xuống để lựa lời khuyên giải, thì nhận được tờ giấy thông báo quyết định không giải quyết khiếu nại đền bù của chú, chắc chú sẽ đập nát cái gường bệnh và cái phòng bệnh này mà lao ngay về được thua với ông quan chức ở tỉnh mất.

Chiều hôm đó , khi tui vào thay em gái, thì thấy ngồi trên dường bệnh chú thương binh là một ông mặc quân phục không đeo sao , vạch gì cả. Ông túm tay chú Tư, nói oang oang

  -  Sao mày không báo cho anh em bọn tao ngoài bắc biết. Nghe tin thằng Uẩn nó nói, mày gặp bạo bệnh, đang chờ mổ tao vội vàng bay vào ngay sợ không kịp, gặp mày chốc lát rồi phải bay về ngay, công việc đang chờ. Đây có ít quà chè Tân Cương mà mày vẫn thích, tao mang cho mày đây. Nhớ là có chuyện gì thì báo ngay.

   -   Tao đã mệnh hệ gì đâu mà bọn mày lo thế, mấy chục năm bom đạn không chết sao mà giờ dễ chết vậy. Mày đừng lo.

   -   Thôi tao phải ra sân bay ngay cho kịp. Mày bướng lắm. Thời thế bây giờ nó khác, phải theo thời thế thôi, sống cái đã, chuyện gì thì bàn sau. Chết rồi thì còn gì nữa.

Ông bạn to lớn đó chia tay. Thằng con trai đầu trọc cỡ 40   - 45 tuổi , nói:

   -  Lâu rồi ba không uống chè Tân cương, con pha cho ba một ấm nhé. Chú thương binh gật đầu. Một lúc thấy nó kêu lên:

   -   Ba ơi, không phải chỉ có chè Tân Cương đâu, có cả một phong bì dày lắm bác ấy dấu vào đây này....úi ba ơi mười lăm triệu ba ạ

   -  Con làm gì mà sợ phát hoảng lên như thế, bác ấy là bạn ba từ thời thiếu sinh quân tóc còn để chỏm. Vào sinh ra tử với ba, tình nghĩa như anh em ruột thit. Bác ấy ra quân, lên núi trồng chè, nay thành đại gia số một sản xuất xuất khẩu chè Tân Cương, đang xây nhà máy chế biến chè xuất khẩu, bận thế mà vẫn cố bay vào đây gặp ba mấy phút. Trong tủ đồ còn nhiều phong bì của bọn CCB ba còn chưa bóc. Nhân tiện con bóc ra để vào một chỗ đưa cho má con.

Loay hoay một lúc, nghe tiếng cậu nói nhỏ “ Tổng cộng lại, hơn hai mươi lăm triệu ba ạ”.

Gần tối , khi hai mẹ con chuẩn bị lai nhau về, tui tranh thủ gặp bà vợ nói nhỏ:

   -   Cô Năm ơi, cô nghe lời con, chú Tư có nằm đó chờ cả tháng cũng không được mổ đâu. Con chăm ba con ở đây con biết. Cô khuyên chú nên tình nguyện đăng ký xin mổ dịch vụ đi, con có bạn bè ở đây, con giúp chỉ cho, muốn mổ ngay ngày mai cũng được. Cô tin con đi, con là nhà báo, ba con là cán bộ cao cấp mà con còn phải xin mổ dịch vụ cho ba con, thì chú Tư còn phải chờ đến bao giờ nữa. Con đồ rằng, mổ ung thư ruột cùng lắm dịch vụ cũng không quá năm chục đâu, còn hơn chờ đợi hàng tháng, chăm sóc, nhà ở Sài Gòn còn đỡ. Cô chú ở tận tỉnh xa sao gánh nổi.

   -   Ờ, cô cũng nghe người ta đồn thế. Giờ thì cô tin con rồi. Cô sẽ khuyên chú đừng bướng nữa, nay còn ai thương đến thương binh nghèo nữa đâu. Trăm sự nhờ con giúp cô chú.

   -   Vâng ạ.

Mọi chuyện suôn sẻ, chú Tư được hẹn chuẩn bị, hai hôm nữa sẽ mổ dịch vụ.

Hôm sau, cả nhà gồm hai cô con gái, hai trai một lớn đầu trọc, tui gặp nhiều lần, cậu con trai đang học ở Cần Thơ tui mới gặp lần đầu. Cô năm cứ ngồi bên cạnh, nắm tay chú Tư khóc thút thít. Chú ngồi dậy, choàng vai cô, một tay run run chùi nước mắt cô. Tui không dám nhìn, vì lần đầu tui gặp cảnh thương yêu câm lặng mà cảm động đến vậy. Rồi chú lên tiếng

   -  Thôi, má mi đừng khóc nữa, cứ ký vào cái giấy cam kết đồng ý mổ, lỡ có gì không may thì không kiện cáo thôi mà, họ đưa cho mình đó, để mai sớm tui được mổ.  Tui còn sống sờ sờ đây nè. Tui cho gọi cả nhà xuống đây, vì sắp có trận đánh lớn. Má con mi không nhớ tui là chỉ huy tác chiến mà, nên trước trận đánh phải lo kế hoạch , kể cả sau khi kết thúc chớ.

Cô Năm cứ run run cầm bút mãi không ký được, chú Tư bảo “thôi, để thằng hai ký thay cũng được, rồi đưa cho họ ngay đi.” Một lúc sau, nó trở lại, bảo tiền mổ là bốn lăm triệu, tiền thuốc thang, nằm viện trong định mức thì có bảo hiểm trả, không phải lo. Chú Tư nghe xong thì cười tươi:

   -  Tiền bạc thế là khỏi lo rồi nhá, bạn bè anh em cho được gần ba chục rồi, còn bao nhiêu nữa cũng vay mượn đủ cả. Mổ xong mà trời cho sống thì còn lương hưu, trợ cấp thương tật , dành trả dần cũng đủ. Lỡ ra mổ có chuyện gì thì má con mi lấy tiền phúng viếng mà trả...

Cô Năm đã thôi khóc, nghe thế lại đấm lưng chú Tư thùm thụp:

  -   Phỉ phui, người ta đang lo thúi ruột thúi gan đây mà ba mi còn giỡn được..

   -   Ba nói nghiêm chỉnh đây má và các con nghe cho rõ. Nếu cha có mệnh hệ nào thì má với các con nhớ đem tro cốt ba về Bằc Giang đặt nằm bên ông bà nội. Nhà ta có mảnh đất và căn nhà ở phố, tuy bị bọn chính quyền nó cướp không 25 m2, nhưng vẫn còn giá trị lớn. Chuyện đòi cho được 25m2 đó ba làm chưa xong, nay giao cho thằng út lo tiếp tục. Út là đứa có học nhất trong nhà, giá nào thì cả nhà cũng phải lo cho nó học xong Đại Học để tiếp bước cha đòi lại công bằng. Nhớ chưa?

Cả nhà chẳng ai nói lời nào. Rồi chú Tư lại nói tiếp, đúng là giọng của ông tiểu đoàn trưởng chỉ huy tác chiến.

  -  Giờ đến chuyện nhà cửa. Nhà đất nội thành đang có giá. Má con tụi mi hãy tìm mối bán đi ngay, rồi nhân lúc đất rẫy ven đô đang nhiều, giá thấp, chọn mua lấy một miếng. Chuyện này ba đã bàn với má các con rồi, má với ba cũng đã đi tìm được mấy cái rẫy ưng ý, giá thấp, các con cứ theo ý má mà làm. Mua cái rẫy rồi cất cái nhà nhỏ, chắc còn thừa nhiều tiền. Nếu ba được trời phù hộ, thì Ba má giữ một nửa dưỡng già. Một nửa còn lại thì chia đều cho bốn đứa, trai gái như nhau. Thằng út thì lấy tiền đó để lo học cho xong. Thằng hai không muốn lập gia đình, muốn lên núi đi tu hay tu ở nhà với ba má tu thì cũng được, ba không phản đối. Nếu ba không may thì tiền tuất của ba và tiền dưỡng già của ba má phải dành cho má các con. Nhà ta tuy nghèo nhưng giàu tình nghĩa, các con nhớ giữ truyền thống giúp đỡ thương yêu nhau. Nghe rõ chưa. Hết.

Tui nghe mấy tiếng “dạ” nho nhỏ, mà muốn ứa nước mắt.

Chú Tư ngồi lặng một lúc, tựa lưng vào thành dường, thở gấp. Cả bệnh phòng không hiểu sao mà im phăng phắc, dường như nghe cả tiếng lá rơi nghiêng ngoài cửa sổ , như nhà thơ nào đó viết, dù tiếng nói của chú Tư rất nhỏ, chắc chỉ có tui ngồi sát giường bên cạnh nghe rõ. Hết mệt rồi chú lại nói tiếp:

   -   Chiều nay cả nhà về hết đi, chỉ có thằng Hai ở lại với Ba. Mấy ngày tới, không đứa nào được đưa má xuống nữa. Ở nhà mấy đứa phải chăm sóc má. Má các con bệnh tim, phải giữ sức khỏe, không để má phải lo lắng. Các con nghe lời Ba, chăm sóc má, thế là ba hạnh phúc lắm rồi.

Hôm sau chú tư đi mổ, nghe cậu con cả đầu trọc nói là thành công, đưa về khu ICU rồi. Cậu thu dọn đồ đạc, rồi chào tui, bảo” tui lên gần phòng ICU cho tiện, không được vào nhưng bên ngoài có cái hành lang rộng, đêm tui trải chiếu nằm cũng tốt”. Chỗ gường bệnh trống chú Tư để lại, chốc lát đã có bệnh nhân mới tiếp quản. Từ hôm đó tui không còn gặp chú Tư và gia đình đó nữa.

Bẵng đi hai năm, thằng bạn cùng học báo chí với tôi năm nào , nay đã là chân lãnh đạo ngành tuyên giáo nằn nì với tui:

   -   Mi cho ekips của mi sáng mai lên đây giúp tau đi, có chuyện gấp.Tau sẽ cho xe đưa rước.

   -    Chuyện chi hả.

   -   Thì cứ lên đây đã, nhớ đủ cả đạo diễn, quay phim và biên tập viên nhé.

Đến nơi lúc bảy giờ mới biết, hóa ra hôm ấy có cuộc tiếp xúc cử tri, có cả cấp cao nhất nhì trung ương về dự. Thằng bạn tuyên giáo trong ban tổ chức, hắn nằn nì tui rằng tuy tỉnh có đài tỉnh, nhưng đưa được tin lên VTV và HTV vào giờ vàng thời sự thì vẫn oai hơn. Sau chầu cafe giải nhiệt thịnh soạn, tui cho ekip dàn dựng máy quay, thu âm và giao cho BTV tập tài liệu , diễn văn, khách mời, khách chủ, kịch bản dự kiến...mà thằng bạn tuyên giáo đã chuẩn bị sẵn cho tui. Xong việc đâu đấy, thì cũng gần đến giờ. Người tham dự cũng đã lục tục kéo đến, an ninh, kiểm tra làm việc như cái máy. Thế mà bỗng nhiên có đứa dáng vẻ như an ninh bảo vệ hớt hải chạy vào phòng ban tổ chức, kêu toáng lên với thàng bạn tuyên giáo: “Chết rồi, toang rồi các ông ơi. Không biết bọn vòng ngoài làm sao mà để lọt lão già này vào rồi, hắn ngồi ngay hàng đầu không sao đuổi đi được”.

Cả ban tổ chức cuống quýt. Đầu tiên thằng bạn tuyên giáo ra lệnh, chưa khai mạc vội, chúng mi cứ mời các đại biểu VIP ngồi trong phòng khách, tiếp đón thật trang trọng, và nhắn thầm cho Chủ tịch cố tìm cách nói chuyện lâu với các VIP, khi nào mời ra sẽ báo. Tôi phục cái tài chỉ huy tháo vát của thằng bạn tuyên giáo này quá chừng, mọi người nghe răm rắp.

Tui theo thằng bạn chạy ra hội trường xem chuyện gì. Cậu AN ninh bảo vệ chỉ tay nói “ Đấy, cái lão già mặc quân phục đeo huân chương ngồi ngay hàng đầu đấy”. “Các cậu công an đâu, đuổi không ra thì cưỡng chế”. Thằng bạn tui nói.

  -  Dạ, không được ạ, chẳng ai dám động đến đâu. Nói bằng lời lẽ thì lão ta bác được hết. Tui đã gọi cho Công an phường ép vợ lão ta gọi điện bảo có việc gấp, nhưng lão ta nói gấp chi mà gấp, bọn nó ép bà gọi chứ gì.

  -  Lão già ni mà ngồi đây  rồi phát biểu thì toang hết.  Thôi, gọi cho giám đốc Công An tỉnh đến gặp tui mau lên.

Ông Giám đốc đến liền, to nhỏ gì đấy với thằng bạn, tui không nghe rõ, chỉ loáng thoáng nghe ông Giám đốc nói để tui chỉ thị gọi ngay Trung tá Đường bên cơ động đến ngay giải quyết việc này, trong lúc chờ không được manh động. Tôi thấy lạ, vội chạy xuống hội trường đến chỗ ông lão, thoáng thấy mặt quen quen. À, nhớ ra rồi, tôi vội chạy ra ngồi sát bên:

  -   Ủa , chú Tư đây à, chú không nhận ra con ư ?

  -   Này, mi là ai, tau quen biết mi chi đâu?

  -  Chú quyên con thật rồi. Hồi chú nằm chờ mổ, con chăm ba con bên cạnh giường chú đó.

  -  Chui cha, mi đó hả con, quên sao được. Cô Năm cứ ân hận không hỏi tên con để tạ cái ơn con đã giúp chú. Này cha con sức khỏe thế nào ?

  -  Dạ, cha con mất đã hơn năm rồi...

  -  Trời ơi, sao lại...

Chú chưa nói dứt lời thì đã thấy thằng bạn và mấy người trong ban tổ chức kéo đến. Tôi bảo :

  -  Đây là chú Tư, thương binh, cựu chiến binh, người lương thiện tui quen biết mà. Sao các anh hỗn với chú Tư thế, lại còn kêu Cơ động...

Chưa nói hết câu thì đã thấy một anh Trung tá cùng mấy trợ thủ đến. Anh Trung Tá nắm lấy tay chú Tư, máu nhà báo nổi lên, tôi đứng chắn ngay ở giữa rồi trừng mắt, rút thẻ nhà báo ra nói: “Đồng chí Trung Tá, đồng chí định làm gì với chú Tư...”

Anh Trung tá bất ngờ lúng túng “ Ơ, ơ...tui có làm chi đâu, ba à ba nói một câu với nhà báo giúp con đi ...”

Chú tư nói” Mi đến đây làm chi, phận sự của mi ở đây hả”

  -  Ba ơi, ba thương con với, ba ra đây với con, con có chuyện muốn thưa.

  -   Không đi mô hết, nói chi thì nói đi

Rồi chú Tư quay lại nói với tui:

  -  Nó là con rể của tui đó”

  -  À , thế mà con không biết, lại cứ tưởng..

  Anh trung tá như bắt được vàng, vội chắp tay nói với tôi “ tôi lạy nhà báo, nhờ nhà báo nói giúp tôi nói với ba tôi, là ba ra ngoài có chuyện nhà muốn thưa, có nhà báo chứng kiến”. Tui lúng túng quá chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà lại nói với chú Tư:

  -  Chú Tư ơi, chắc có chuyện gì khó nói ở đây, thôi thì chú ra góc nói chuyện vậy, không bước ra ngoài cửa đâu, xong lại vô thôi mà.

  Chú Tư ngẫm nghĩ rồi từ từ đứng dây. Cậu Trung tá quay ra nói mấy cậu CA đi theo “ Các đồng chí đi ra ngoài đi, đừng lảng vảng ở đây nữa”. Tôi dắt chú Tư đi đến góc nhà vắng vẻ, sau mấy cái pano. Cậu Trung tá đi theo sát. Ra sau tấm pano rồi, cậu trung tá sụp quỳ xuống miệng lẩm bẩm:

  -  Con lạy ba, ba thương con gái ba, thương sắp nhỏ cháu ba, thương con rể của ba, ba về đi. Ba mà còn ngồi đây thì họ sẽ kỷ luật con, đuổi ra khỏi ngành, bơ vơ ai nuôi vợ con đây.

  Chú Tư hơi gắt:

 -  Ai bày cho mi cái mưu kế ni hả”. “ Ông Giám đốc CA tỉnh đã nói với con như thế, họ nói là họ làm đấy. Ba có thương chúng con không, con lạy ba.”

 Tình cảnh thật oái ăm, tôi bỗng thấy tay chú Tư mà tôi đang nắm run lên nhè nhẹ, rồi run lên bần bật. Chú mím môi như ghìm cơn tức giận, à mà không phải, tôi thấy nước mắt chú rơi không kìm được, cả anh Trung Tá cũng cúi gằm khóc nức nở. Tay vẫn run, nước mắt vẫn rơi, trời ơi, nước mắt của hai người đàn ông rắn rỏi đành buông theo số phận, sao mà đau lòng đến vậy ! Lau nước mắt cho chú Tư, anh trung tá, giờ tôi biết tên là Đường cũng tự lau khô nước mắt, tôi dắt tay chú Tư, run run bước ra cửa, anh Đường cũng bước theo. Ui chao ơi, một cuộc tiếp xúc cử tri công khai mà đau xót đến thế này ư.

Chúng tôi bước ra ngoài trong im lặng. Không ai nói một lời, trước lúc chia tay hai cha con, bỗng chú Tư lên tiếng:

  -   À chú quên hỏi tên con.

  -  Dạ con tên Tuấn, thứ ba trong nhà ạ. Con là nhà báo ở đài truyền hình dưới thành phố

  -  Tư Tuấn này, xong việc thì rẽ qua rẫy nhà chú chơi nhé, bảo thằng Đường nó ghi địa chỉ và điện thoại cho, đến rẫy nhà chú, không có tên phố , số nhà đâu, cứ hỏi nhà chú Tư thủy lợi là ai cũng biết.

  -   Dạ, nhất định xong việc ở đây, con đến thăm cô chú ngay.

Hội nghị tiếp xúc cử tri khai mạc, mọi việc diễn ra đúng như kịch bản. Người nào phát biểu, ai chất vấn điều gì, ai ca ngợi thế nào, ai kiến nghị ... đều rất hoàn hảo. Phần tui cũng rứa. Góc máy quay chỗ nào, điểm nhấn cận cảnh nhắm vào ai, toàn cảnh ra sao, dừng ở đại biểu nào...đều không sót. Tui cũng chẳng mấy để ý đến hội nghị, cầm luôn tài liệu đã chuẩn bị sẵn, rồi gõ bàn phìm hơn trăm chữ , giao cho cô trợ lý biên tập lại cho chỉn chu.  11 giờ đã giải tán, ai nấy đều phấn khởi. Cử tri lục tục ra về. Đại biểu và quan chức được mời cùng sang nhà khách tỉnh. Cỗ bàn đã dọn sẵn. Tui cùng ekip xem lại cảnh quay, rồi tui chỉ đạo đưa đoạn nào, chuyển cảnh ra sao...nhất nhất trợ lý biên tập ghi lại, tính toán cho vừa đúng hai phút lên hình. Tui bảo bây giờ các cô cậu ăn tạm cái gì đó rồi về Thành Phố ngay, sao cho kịp đến đài trước 4g30 chiều, dàn dựng, ghép lên chương trình xong trước 6 giờ để còn kịp duyệt. Tui còn có việc ở lại đây ít bữa, mọi chuyện theo điều hành của trợ lý biên tập.

Vừa dăn dò anh em xong, thằng bạn tuyên giáo đến vỗ vai kéo tui ra bảo:

  -  Mi vừa cứu tau một bàn thua trông thấy. Không có mi giúp tống khứ cái lão già ấy thì toang hết, tỉnh toang, sự nghiệp của tau cũng đi tong, giờ sang nhà khách ăn trưa đi. Chiều anh em mình đi nhậu chết bỏ, cho mi biết mùi núi Bà đen..há há

Tôi sầm  mặt lại:

  -  Sao mi nói hỗn với chú Tư thế.

  - Kể ra mi trách tau cũng đúng thôi, nhưng quen đi mất rồi. Thời buổi bây giờ mà ổng còn dám công khai phê bình cả bí thư , cả chủ tịch…lại còn đòi làm cho đúng luật pháp, chỉ thị nghị quyết thì ai mà chịu nổi. Tau cũng xấu hổ lắm, biết ông cụ này đúng 100%, nhưng mà nếu tau không làm vừa lòng mấy ổng ở trên thì ăn cám à. Mi làm đúng nghề báo chí sướng quá chứ tao phải chạy vạy sầy vai trợt vẩy mới được cái chức vụ này, chẳng lẽ lại để tuột à.

Thấy nó buồn buồn, tui cũng thấy thương thương. Ừ, có lẽ nó nói cũng đúng, như người xưa bảo ,thời thế thế thế thời phải thế. Máu nghề nghiệp nổi lên, tui chợt nghĩ, chuyện ông cụ này chắc có điều đáng tìm hiểu lắm đây, thế nào mình cũng phải gặp khai thác, bèn bảo hắn:

  -  Tau đã đăng ký cho mi 2 phút, tin xếp hàng thứ ba, giờ vàng thời sự toàn quốc. Mi lo cho quân tau nó sẽ về ngay để làm chương trình cho kịp. Mà tối nay không đi nhậu được đâu. Tau có việc. Mi kiếm cho tau một cái xe, Hon da cũng được.

  -  Không cho thêm lên ba phút hay hai phút rưỡi được à.

  -  Không được đâu, hai phút là quá hậu hỉ cho tình nghĩa anh em rồi.

Hắn nhét vào túi của tui cái gì cồm cộm, tủm tỉm cười

  - Yên tâm đí, dân núi Bà biết chơi đẹp mà. Tau điều cho mi hẳn cả cái xe công vụ mới coóng của tỉnh. Còn đây là lộc của địa phương cho mi.

Tui yên lặng, đúng là như các cụ nói “ thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” thôi mà. Cái nước mình nó vốn thế !

Ba giờ chiều, tôi đưa cho cậu lái xe trẻ cái địa chỉ mà anh Trung tá Đường ghi cho hồi sáng. Nhìn một lúc, cậu lái xe nói: “Chỗ ni hơi xa thành phố và cũng còn heo hút lắm. Không có số nhà, đường phố hả chú”. “Ừ không lo đâu, cứ đưa đến đó, có mấy nóc nhà thôi mà, hỏi tên chủ nhà thì ai cũng biết.”

Xe chạy chừng nửa tiếng thì đến nơi bìa rẫy, đường đất. Tui bảo lái xe dừng lại, hỏi một chị đang lúi húi trong vườn. Chị nhìn chúng tôi ngạc nhiên, nhưng hồ hởi chỉ tay:

  -   Há há, nhà ông Tư thủy lợi há, đó đó, nhà có cái mái đỏ, thứ hai ở cuối đường đất .

Tôi nhìn thấy cái nhà rồi, ước cách chỗ xe đỗ 50 m. Tui bảo cậu lái xe, tui xuống đây, cậu về đi, có khi túi ni tui ngủ lại đây, nếu cần về thì tui gọi.

  -   Dạ được chú ạ. Con được phân công phục vụ chú 24/24 giờ, con ngủ và trực luôn ở cơ quan tỉnh ủy, lúc nào chú gọi là con có mặt liền.

Tôi lững thửng đi bộ đến trước cửa nhà. Ngôi nhà nhỏ nhưng kiến trúc rất bắt mắt. Vườn cây rộng, hơi có vẻ âm u vì có nhiều cây lớn phía vườn sau . Sân trước có dàn phong lan, đang nở mấy nhành hoa hồ điệp tím biếc pha nhụy trắng rủ xuống, hàng rào cây cắt xén gọn gàng, dưới hàng hiên treo vài lồng chim cảnh, tuy ở rẫy nhưng vẫn không có vẻ quê mùa, trái lại trông rất phong lưu nho nhã. Tôi nhìn qua khe cổng, thấy có người đang lúi húi bên cái chuồng nuôi thú, nhìn kỹ thì đúng là cô Năm, cô vẫn cái dáng dong dỏng, không thay đổi mấy so với khi gặp ở bệnh viên. Tôi đẩy nhẹ cổng bước vào:

  -    Con chào cô Năm ạ.

Cô Năm giật mình, ngước mắtt lên nhìn, vẫn đôi mắt phụ nữ miền Tây buồn thăm thẳm ấy.

  -   Ủa, ai gọi đấy.

  -   Con đây, cô năm không nhận ra con à

  -  À à, Cô nhận ra rồi, có phải gặp con hồi ở bệnh viện không đấy, quên sao được, trông bây giờ rắn rõi quá!  - rồi cô luống cuống quay vào phía trong gọi to

  -  Ông ơi, ông ơi, khách quý đến nhà đây rồi.

Đẩy cửa bước ra, chú Tư mặc độc chiếc quần xà lỏn, một vết sẹo to bên sườn trái, có lẽ là dấu vết của một mảnh đạn, nên nhìn hơi vẹo người. Tôi vội vàng chạy đến, hai chú cháu ôm nhau, chú Tư nói to:

  -   Má nó ơi, thằng Tư Tuấn nó đến rồi đây nè, bà khỏi tiếc là không kịp hỏi tên nó, nó đây nè. Bà có cái gì cho chú cháu tui lai rai thì vô dọn mau lên. Đi vô đây con.

Vừa định bước theo chú, chợt thấy trong chuồng một con trăn đất to tướng đang cuộn tròn ngủ.

  -   Nhà chú nuôi trăn à?

  -   Ừ, nuôi nhiều thứ lắm, đây con xem nè

Rồi chú dẫn tôi xem một chuồng nuôi hai ngăn, mỗi ngăn một cặp nhím. Lai một chuồng khác, chú hỏi “có biết con gì đây không? “ .Tôi ngần ngừ “ Có phải rắn mối không chú.” Chú cười ha hả:

  -   Đúng là dân Sài Gòn chính hiệu. Đó là bầy tắc kè hoa , nuôi loại này khó lắm , không dễ như rắn mối đâu. Chú chắc là người đầu tiên nuôi được tắc kè. Nó quý lắm đó, để làm thuốc mà, không biết nuôi nhốt chất lượng có bằng tắc kè tự nhiên không.

Chú kể say sưa như quên mất tui là khách đến chơi, cô Năm lại chạy ra dục:

  -   Ơ hay, ông vừa dục tôi, mà rồi quên, không mời thằng Tư vô nhà à. Nước nôi , đồ nhậu đã dọn lên rồi cho hai chú cháu lai rai. Vào nhà đi con, chú Tư con cứ hay vô ý vô tứ như thế đấy.

Vào nhà, chú vơ vội cái áo khoác vào, giờ trông chỉn chu, quắc thước, không như một ông già gầy gò, vẹo vọ, gân guốc lúc cởi trần.

  -   Sáng nay ghe con nói mới biết cụ thân sinh ra con mất rồi, chú chưa kịp hỏi gì thì bọn nó đã đến....

Cô Năm vừa bưng  đồ nhậu ra, đứng sững lại :

   -   Cụ mất rồi hả con. Hôm ấy thấy cụ mổ xong, hồi phục tốt mà.

  -   Dạ, ông già con sau khi mổ lành thì phải chuyển sang bện viện Thống nhất hóa trị. Một năm đầu thì phấn khởi lắm, nhưng năm sau thì yếu dần, u hạch nổi khắp nơi, cụ đau đớn lắm rồi mất...

  -   Namo Adidda Phật..cầu cho vong linh cụ siêu thoát về với cửa Phật  - cô Năm rơm rớm nước mắt- may mà chú Tư mổ xong càng ngày càng khỏe ra, chú bảo vì chú là lính chiến mà, trời phật còn thương.

  Chú Tư cũng rầu rầu nói:

 -   Trời kêu ai người nấy dạ thôi con à. Cùng là bộ đội cả nhưng ba con là bộ đội cao  cấp, chú là lính chiến, màn trời chiếu đất, thịt da cứng như hòn gạch nung quá lửa, cái con ung thư nó chưa gặm nổi thôi. Con là dân thành phố, chú hỏi thật, cô chú mời con ở đây chơi với chú ít bữa, giữa rừng giữa núi, nghe chim kêu vượn hót, cùng lai rai nói chuyện, con có chịu được không?

  -   Dạ con là nhà báo, lang bạt khắp nơi, chịu được chứ ạ, con cũng muốn nghe chú kể chuyện đời chinh chiến của chú lắm. À mà nghe nói chú người Bắc Giang, ba con nói ba má con đều ở Bắc Giang. Con chưa có dịp ra Bắc Giang, nhưng con muốnnghe chuyện quê mình lắm.

  -    Ủa, sao kỳ vậy, chú cứ tưởng con là dân Sài Gòn, nghe dọng con nói tiếng Sài Gòn còn ngon hơn dân Sài Gòn chính hiệu.

  -   Dạ con sinh ra ở Sài Gòn mà chú.

Cô năm bưng ra một bình rượu nhỏ màu nâu nâu đen đen. Chú bảo:

    -   Nói thật với con, từ ngày bị bệnh chú mới phải bớt rượu đi. Ngày trước cũng là tay chơi rượu có hạng. Bắc giang vốn nổi tiếng với rượu Làng Vân, lại có dân trại người Dao, Cao Lan có nhiều bài thuốc bí truyền ngâm rượu lắm. Đơn vị chú ngày xưa có mấy cậu dân tộc, đi xuyên rừng núi Trường sơn biết lắm thứ thuốc quý lẩn khuất trong rừng, tâm đắc với chú lắm. Thế rồi xin chú giải ngũ kéo nhau lên rừng mở lò rượu núi. Có được thứ gì đặc biệt đều chia sẻ với nhau. Nhưng bây giờ cô Năm canh chú dữ lắm, chú chỉ thỉnh thoảng uống trộm. Cô Năm đang ngồi trỏng canh chừng chú đấy nhá.

Tôi nhìn bình rượu ngâm vàng óng sóng sánh, chỉ nhận ra có tay gấu, tắc kè...còn bao nhiêu thứ khác nữa thì không biết là gì. Chú cháu cụng ly, tôi làm một ực hết, một cảm giác đê mê nhẹ nhàng lan tỏa. Chú Tư uống khác kiểu nam bộ, nhấp từng ngụm nhỏ, khoan thai đĩnh đạc như tiên ông. Hóa ra chú vẫn giữ được phong thái sĩ phu Bắc hà. Chú bảo nhậu đi, khô nai đấy, Sài Gòn không có đâu. Rượu ngon quá, chẳng dấu gì, tui cũng thuộc hàng bợm rượu, tửu lượng khó ai bì, Maccalan, Chivas, Mao đài, AmaKoong, Minh mạng nhất dạ ngũ giao... đều đã từng thâu đêm. Nhưng chưa bao giờ nếm cái rượu có hương vị nồng nàn, êm dịu mùi hương như mùi thảm cỏ sườn đồi lúc mờ sáng. Uống đến đâu ngấm đến đấy, chất lừ, khiến uống hết ly này rồi đến ly khác , càng uống càng tỉnh, không say. Còn chú Tư uống ít, kể nhiều chuyện đời mê đắm. Tôi hỏi chú:

  -   Chuyện chú kể kỳ lạ lắm , đời làm báo con đi nhiều, nghe nhiều. Nghề nghiệp mách bảo phải nhớ kỹ chuyện này. Chú có ngại khi con xin phép chú cho con ghi âm lại chuyện chú kể, được không ạ?

  -     Ngại chi mà ngại, trước bàn dân thiên hạ chú phát biểu phê phán chủ tịch tịch tỉnh đỏ cả mặt. Chú mắng cho con mẹ phó bí thư không còn lỗ nẻ mà chui...thì chú còn ngại chi. Chuyện chú là chuyện thật, cả thị xã này ai mà chẳng biết, con cứ ghi âm hay làm gì cứ làm.

Đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, hai chú cháu ngồi đối ẩm, rượu càng uống càng ngấm. Trước khi chia tay chú lại rót cho tui một cốc rượu đặc biệt, màu óng ánh như mật ong, tôi làm một hơi hết sạch, cảm thấy nó ngấm khắp mọi nơi trong cơ thể. Hỏi chú rượu gì lạ vậy, chú bảo bọn chú đặt tên là rượu “Quỳnh Tương”. Ngồi trên xe về Sài Gòn mà cứ thấy rừng rực, lâng lâng, yêu đời, khoan khoái vô chừng. Lúc chia tay, cô Năm gói cho một bọc khô nai, chú tặng tôi một chai rượu ngâm vàng óng, còn dặn nhỏ, “rượu Quỳnh tương đấy nhớ, đừng uống nhiều một lúc, chỉ một ly nhỏ thôi, mà dấu nhẹm không cho con vợ nó biết nhé, chú không nói giỡn đâu !” Tôi thầm nghĩ, úi trời , còn thế nữa kia chứ.

Về đến nhà, vợ tôi đã cho con ăn cơm xong. Hai mẹ con đang xem TV. Thằng Bôn nhà tui đã gần mười tuổi, nó reo lên “ a a, Ba đã về”. Vợ tôi lườm tôi một cái sắc lẹm,” sao anh đi lâu thế , nói đi có một ngày mà ba ngày mới về”. Tôi nhìn vợ, sao mà thấy yêu nàng thế, cái liếc mắt sao mà thương thế, cái dọng trách móc thật dễ thương ..., không hiểu sao, nhìn nàng lúc này quá đẹp, chỉ muốn cắn xé nàng thôi. Vợ tôi bảo “Anh đi tắm rửa đi, để em chuẩn bị cơm nước cho anh và ra bài cho Bôn học. Anh nghỉ đi, khi nào xong em lên gọi.”

Lên phòng tắm rửa xong, trời Sài Gòn vẫn nóng nực, chỉ mặc mỗi cái quần sịp, ngả mình trên dường , một chốc đã thiu thiu. Vợ tui đẩy cửa bước vào, tui mơ màng như thấy một tiên cô lả lướt, cho đến khi nàng lay tôi. Chẳng biết vì sao tôi vòng tay kéo nàng, hôn lên vai lên cổ , lên dưới vành tai trai trắng nõn của nàng rồi kéo nàng nằm vật xuống, vầy vò nàng như con mèo nhỏ. Nàng ú  ớ , rồi bảo nhỏ , để em ra cài cửa đã, cu Bôn đang làm bài tập. Cơn điên của tui đã nổi lên rồi, nàng vừa nằm xuống tôi đã ghì chặt, hôn lên khắp người nàng. Tôi thấy nàng cư run lên nhẹ nhẹ, nhè nhẹ, mùi hương cơ thể nàng dìu dịu ôm chặt lấy tui...nóng rực. Chưa kịp buông nhau ra thì tiếng cu Bôn gọi ngoài cửa, mẹ ơi con làm xong bài rồi...Vợ tôi giật mình vơ vội chiếc áo, rồi nói ,ờ ờ, mẹ biết rồi, con đi đánh răng rồi vào phòng con đi, chờ chút xíu, mẹ sang đọc chuyện với con.... Quay lại nhìn tôi nàng nở nụ cười thiên thần “ khiếp quá, anh làm em vã cả mồ hôi đây này. Em làm cơm xong rồi, anh xuống ăn đi. Tôi trả lời” Anh không đói, anh chỉ đói em thôi”. Vợ tôi nguýt một cái dài : “sức đâu mà lắm thế”. Rồi nàng đi ra, chỉ khoác cái sơ mi của tôi vắt ở thành dường. Tôi nằm tận hưởng cái cảm giác lâng lâng, khoan khoái, mắt vẫn trâng trâng nhìn lên trần nhà, nhìn các bức tranh mà bạn tôi tặng treo quanh tường, thấy nó khác hẳn trước kia, cái nào cũng đẹp cũng duyên giáng lung linh. Nghĩ sao nàng làm gì mà lâu thế. Rồi nàng cũng đẩy cửa bước vào, bưng một khay bánh xèo thơm phức với với mấy lon tiger. Em khẻ nói,” Bôn ngủ rồi, em biết anh không xuống ăn, em hâm lại mấy cái bánh xèo em mua trưa nay, anh ăn tạm , uống bia cho đỡ đói”. Nàng kéo tôi dậy, nói thôi anh đừng lười nữa, ăn bánh uống bia đi, em đi tắm rửa vù tí thôi, cả ngày chưa tắm rửa, mồ hôi ướt cả áo. Tôi lười biếng ngồi dậy, nấm nháp mấy miếng bánh xèo, xưa nay tôi vẫn thich. Nàng bước từ buồng tắm ra, với một váy liền áo ngủ bằng voan tím mỏng dính. Nàng bưng khay bánh mà tôi đã chén sạch, thủng thẳng bước ra cửa, tui gọi với, “để đó mai dọn “ nhưng nàng quay lại cười âu yếm mà như trêu ngươi,” để em dọn dẹp đi cho khỏi mùi nước mắm, cái mùi nó quấy rầy chúng mình”.

Quay lại phòng, nàng bảo tui cho nhiệt độ điều hòa thấp xuống, bảo tui với cái dọng Sài gòn trong veo “ em thích ngủ lành lạnh đắp chăn chung lắm cơ”. Rồi nàng chầm chậm tự tay bật đĩa nhạc “Solveig’s song”. Tui làm theo ý nàng, thầm nghĩ sao phụ nữ họ không vội vàng mà lại chăm sóc tỉ mỉ  từng chi tiết nhỏ thế nhỉ. Chui vào chăn, nàng kéo tui nằm xuống và bảo anh tắt đèn đi. Vừa vươn người lên tắt đèn, nằm xuống thì tài thật, cai váy áo ngủ sexi của nàng đã biến đâu mất. Tiếng hát thì thầm, da diết của nàng Solveig “ Tình này em xin hiến dâng/ Có bao giờ nhạt phai trong lòng/Tình em bên anh không phai…”, như kéo hai cơ thể hòa vào nhau hài hòa làm một, như nhịp điệu dập dìu của trời đất, ngây ngất mê say . Tui ngủ thiếp đi khi nào không biết, rồi khi đang trong mơ sâu, không biết biết nàng làm gì khiến tui tỉnh giấc, trời đã gần sáng rồi. Bên tui là một cơ thể trần mềm mại ấm nóng. Nàng thì thầm: “ anh, anh ơi, anh có yêu em không”. Tui tỉnh hẳn: “ ơ, ơ sao em lại hỏi thế”. Nàng lại càng ép chăt lấy tôi : “em, em yêu anh quá, quá.” Tui ôm chặt nàng hơn thủ thỉ vào tai nàng, “ anh xin lỗi em, anh sợ lắm, anh sợ thất hứa với em”. “Thất hứa chuyện gì?” “Anh hứa với em, chúng mình chỉ sinh một con thôi, tối qua anh liều quá, thiên thần của anh, anh yêu em lắm “. Nàng bỗng cười, hôn lên khắp người tui rồi nắm tay tui đặt lên ngực căng mọng của nàng :” Anh ngốc ơi, thây kệ cái kế hoạch đấy, vỡ kế hoạch thì đã sao, cu Bôn có thêm em càng vui, anh , anh… anh yêu em đi, nhanh lên, em chỉ biết anh yêu em, yêu mãi mãi như hôm nay là hạnh phúc nhất rồi”. Ôi lời thủ thủ thỉ sao mà dễ thương thế, lời mời gọi của cơ thể nóng hổi, trong ánh mờ ban mai, đẹp như thiên thần, ôi vệ nữ của tui, nàng Lisamona xinh đẹp hiền dịu của tui , sao mà tôi có thể cưỡng lại sự quyến rũ thiên thần của nàng...và chúng tôi lại yêu nhau, nóng bỏng và nồng nhiệt như chưa bao giờ từng yêu nhau như thế.

Sáng sớm, khi vợ đã dưa con đi học rồi đi làm, tôi một mình ở nhà, với cái cơ thể đã được vắt kiệt, nhưng hưng phấn lâng lâng chỉ muốn làm ngay một việc gì đó. Tui bèn ngồi vào máy tính, rồi nghe liên tục bản ghi âm câu chuyện với chú Tư, càng nghe càng hay, thỉnh thoảng lại cười thầm, chú Tư ơi chuyện của chú hay lắm, nhưng rượu Quỳnh Tương  của chú thì thật là số dách, Amakoong hay Minh mạng thang chỉ là chuyện đồn thổi mà thôi! Rượu Quỳnh Tương của chú làm cho vợ chồng cháu còn hơn tuần trăng mật mười năm trước.

Và tui quyết định bắt tay vào viết. Nhưng chợt giật mình, viết gì đây, chẳng lẽ một bài báo. Hay là ký sự, cũng không được vì mình có trực tiếp chứng kiến đâu. Hồi ký thì chú Tư hổng có nhờ mình viết. Hay là ta thử sức văn chương vậy. Hồi học báo chí–ngữ văn, thầy dạy chúng tôi, một nhà lý luận phê bình văn học lừng danh đã bảo rằng: Các em học báo chí thì nên nhớ bài báo là thông tin, tuy cũng là chữ nghĩa nhưng đừng lầm lẫn với văn chương. Lâu đài Văn chương chỉ có bốn loại là Tản văn, Tiểu thuyết, Thơ ca và Kịch nghệ, tiếng Anh họ viết là Prosa, Novel, Poem and Drama, trong đó tiểu thuyết là đệ nhất của văn chương. Chuyện của chú Tư tất nhiên không phải là tản văn và kịch nghệ rồi, thơ thì tôi không có hồn để viết, còn viết cái số một, khó nhất của văn chương là tiểu thuyết thì có lẽ quá sức của một anh nhà báo vô danh. Tôi không quên lời thầy dạy rằng viết tiểu thuyết, cũng như truyện ngắn, tức là đoản thiên tiểu thuyết, phải xây dựng nhân vật, cốt truyện, sự kiện, tình tiết…một cách kỳ thú chặt chẽ. Mấy tiêu chuẩn này tôi đều bó tay. Thôi thì cứ viết đại, không theo phong cách cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại..., chỉ là kể chuyện bình dân. Cũng không theo thể loại nào cả, chuyện dài hay là chuyện vừa tùy theo khi viết xong nó dài hay không quá dài. Quan trọng là  tui không xen vào câu chuyện của chú , cứ để chú tự kể chuyện mình.

Chú Tư kể nhiều lắm, cái nọ níu vào cái kia. Công việc của tui là lục tung cả núi các mẩu chuyện lên, xếp nó vào theo nội dung tương đối có dính líu với nhau thành từng chương, đặt cho nó một cái tên, biên tập lại cho rõ ý , rõ nghĩa, dễ đọc. Vì thế mà nó không phải là truyện ký, có hỏi có đáp như thường thấy.  Từ đây nhân vật “Tôi” tức là chú Tư , một người miền bắc, kể vài câu chuyện trong đời của chú, xin mời các bạn đọc tiếp nhé.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét