Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

THẰNG NGỐ TÀU- CHƯƠNG 1

 




2

Phúc và Phận

 

 

 

Tôi đưa cho vợ cuốn sổ hưu trí vừa nhận, bảo:

-  Em cầm lấy, từ nay anh giao hết tiền này cho em.

-  Ưở, sao anh lại giao hết cho em, anh chi tiêu bằng gì ?

Hôm đó vợ tôi làm một bữa cơm gia đình thịnh soạn, mời ông anh cả vợ , một giáo viên  trước 75, đến dự. Ông anh cả vợ tôi ngạc nhiên hỏi:

-          Chú mới 50 , sao đã được về hưu ?

Ông anh này kém tôi vài tuổi, nhưng theo lệ là anh vợ , vẫn kêu tôi bằng chú. Dù là giáo viên trước bảy lăm, nay vẫn tiếp tục được dạy học.

-            Tui năm 17 tuổi, khai tăng một tuổi gia nhập quân ngũ, xuất ngũ sau 25 năm đánh nhau, là thương binh, đủ niên hạn nghỉ rồi, nhưng chưa đến tuổi hưu , xuất ngũ về làm nhân viên thị xã cho đủ tuổi năm mươi,  về hưu chính thức chớ không thì ai cho lĩnh hưu trí..

Tôi rót đầy chén rượu mời anh, uống cạn một hơi ông anh trầm ngâm:

-        Tui sau khi cải tạo hơn hai năm về, được kêu ra dạy lại, đến nay cũng được 13 năm, phải mười hai năm nữa mới đủ tuổi sáu mươi, không biết có được lương hưu không nhỉ, thời dạy học trước bảy lăm nhất định không được tính rồi, phải không chú ?

Tôi lặng thinh chẳng biết trả lời sao, chỉ biết rót rượu tràn ly, hai anh em uống cạn hết bình rượu đế. Tôi nháy mắt ra hiệu, vợ hiểu ý mang hũ rượu ngâm đặc biệt gia bảo ra, vợ tôi cũng nhâm nhi chút ít, làm cho má hồng môi thắm, tôi chưa thấy nàng đẹp như thế bao giờ.

Đêm ấy rượu ngấm, nàng thủ thỉ , giọng miền Tây ngọt lịm:

-          Anh ơi, chúng mình sinh đứa nữa đi anh

-            Ấy chết, ba đứa đã quá quy định hai con rồi, nay thêm đứa nữa sao được.

-             Sao anh ngố thế, bây giờ nghỉ hưu rồi, có phải lo bị kỷ luật như hồi sinh đứa thứ ba đâu mà sợ. Mình đẻ mình nuôi, ai cấm. Em thích nhiều con lắm cơ.

Vừa thủ thỉ nàng vừa rúc vào người tôi, dịu dàng âu yếm. Trời đất ơi, dân bắc kỳ có biết được gái miền Tây nó ngọt ngào cuốn hút thế nào không. Thiên hạ đồn thổi quả không ngoa chút nào. Tôi ôm riết nàng vào lòng rồi, nhưng chợt  nghĩ mình về hưu mà còn sinh con ư, thiên hạ dị nghị chết, khổ , cái lũy tre làng bắc bộ nó cứ gắn vào mình . Dân miền tây họ thoáng hơn nhiều, mà nàng lại còn kém tôi đúng một giáp. Dẫu biết vậy mà tôi vẫn cố chấp kiểu bắc bộ:

-             Thêm đứa nữa lấy gì mà nuôi, anh thì chỉ còn có tí lương hưu thôi.

-             Em nuôi, bao nhiêu đứa em nuôi được tất. Em không cầm sổ hưu của anh đâu, anh cứ giữ lấy mà chi dùng.

Vừa ôm chặt vừa  hôn lên khắp người nàng như thuở mới cưới, tôi nói trong hơi thở gấp gáp:

-                 Em giữ lấy để nuôi con. Anh chẳng có chi tiêu gì cả đâu.  Anh có sổ trợ cấp thương tật rồi. Chừng này tiền thương tật, một vài năm góp lại đủ  một chuyến ra bắc, thăm quê hương xứ sở , tụ tập anh em bạn bè thời thiếu sinh quân thơ ấu. Thế là mãn nguyện, em yêu.

Rứa là bây giờ vợ chồng tôi có bốn đứa con hai trai hai gái

Tôi gom tiền thương tật đủ ra bắc một chuyến, gặp lại anh chị em trong gia đình tuổi thơ, ấy là họp mặt thiếu sinh quân Quế Lâm ngày trước, lần đầu tiên sau khi nghỉ hưu. Khi vào cuộc liên hoan, bạn lớp trưởng cũ, một đương kim thứ trưởng, đứng lên mở đầu lời phát biểu, không ngờ lời đầu tiên bạn lại nói về tôi:

  -  Hôm nay bọn chúng ta đón một bạn đặc biệt lặn lội từ miền đông Nam bộ ra. Từ ngày  chia tay, đây là lần đầu tiên được gặp bạn ấy. Bạn Nguyễn Bắc Thuần bằng xương bằng thịt đây này, chúng ta cứ tưởng bạn ấy đã nằm lại trong rừng phương nam từ lâu rồi, nhưng may mắn chỉ bỏ lại một phần xương máu thôi, còn có thể về lại gặp chúng ta. Các bạn biết không, sau khi rời trường, chúng ta về nước đều được đi học tiếp và trưởng thành. Trong khi đó, chỉ mấy tháng sau khi về nước bạn Thuần đã gia nhập quân đội, chiến đấu khắp trong nam ngoài bắc, cả Lào và Campuchia nữa, cho đến nay. Bạn ấy đây.

Cậu bạn thứ trưởng quay lại nhìn tôi :

-                      Thuần, cậu đứng dậy cho anh em nhìn cái nào….đây, một tấm gương về ý chí chiến đấu về lý tưởng cách mạng…mà chúng ta và con cháu chúng ta phải noi theo….

Mọi người vỗ tay rầm trời, bia rượu được rót ra , chúc tụng tôi tối cả mắt mũi. Tôi được mời đáp lời:

  -     Cảm ơn các bạn. Có lẽ đúng, tôi là đứa đi bộ đội đầu tiên trong lứa Quế Lâm chúng mình.Nhập ngũ giữa thời bình, ngay khi mới về nước 16 tuổi, đã  có lý tưởng, ý thức gì cao cả đâu  chỉ là sự trôi dạt của số phận  thôi mà….

Bữa tiệc đang vui, ồn ào bỗng nhiên lặng thinh, tôi giật mình, chết thật,  mình lỡ lời rồi.

   Thật tình là đúng như vậy. Hết học kỳ một lớp bảy ở Quế Lâm , trường giải tán, về nước , tôi về nhà ở Bắc Giang với mẹ, định để học tiếp một học kỳ cho hết lớp 7, thi tốt nghiệp cấp 2. Gia đình đông con, trừ chị tôi đã có chồng , còn bốn anh chị em, kể cả tôi đều đang đi học. Bố tôi thì đang tại ngũ, mọi thứ đè lên vai mẹ tôi. Tôi mới về nước ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thấy mẹ khó khăn quá, tôi đi tìm bố tôi lúc đó đang đóng quân ở Thái Nguyên. Bố tôi  chỉ huy đơn vị, phụ trách quân khí, hậu cần của quân khu. Gặp bố ngay ở công trường  xây hầm chứa quân khi. Ông ngạc nhiên hỏi:

-          Ơ Thuần , không ở nhà đi học à, lên đây làm gì ?

-            Bố ơi, không ở nhà đi học được. Con không có học bổng như trước khi về nước trường đã hứa. Mẹ và cả nhà khổ quá, không nuôi nổi thêm một đứa đi học nữa.

 Bố tôi thừ ra một lúc chẳng biết nghĩ gì, rồi bảo tôi:

-             Không học ở Bắc Giang được thì ở với bố, ngày đi làm, tối học bổ túc văn hóa của đơn vị bố tổ chức.. Bố sẽ thu xếp con  làm chân phụ hồ cho công trường quân sự, ăn lương công nhật 1 đồng ngày.

Không ngần ngừ, tôi đồng ý ngay. Tôi đã học chính quy gần xong lớp bảy rồi, thuộc loại giỏi suốt mấy năm cấp 2, giờ chỉ mấy tháng bổ túc nốt, thi tốt nghiệp cấp 2 tôi đứng đầu so với cả học sinh phổ thông. Lúc đó cũng đã sang tuổi 17, to lớn, hùng dũng như một đại hán. Thế là tôi được tuyển chính thức làm công nhân quốc phòng, lương 35 đ một tháng , hơn lương công nhật đến gần chục đồng, khai tăng một tuổi thành mười tám, thâm niên được tính từ ngày làm công nhật. Con trai thủ trưởng mà, ký xoẹt một cái là xong.

Năm sau đó trường sĩ quan lục quân tuyển sinh khóa 3, quân nhân tại ngũ và công nhân quốc phòng  chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 cũng được thi,  đỗ sẽ được học tiếp văn hóa cho hết cấp ba trong ba năm học quân sự, học sinh chay muốn thi vào thì phải tốt nghiệp cấp 3. Tôi nghiễm nhiên được thi tuyển, không ai kêu ca gì. Mọi tiêu chuẩn đều đạt, còn tố chất, thể lực thì vượt xa , nhờ năm năm ăn bánh bao, uống sữa đậu nành  bác Mao.  Nhập học, nghiễm nhiên được chỉ định làm tiểu đội trưởng. Ba năm học tập, huấn luyện tôi cũng đã học xong cấp ba. Lúc ở bên Quế lâm tôi được cô giáo Trung quốc dạy chơi violon mấy năm, nay  tôi không chơi violon nữa mà gom tiền tiêu vặt được cấp cho học viên sĩ quan mua chiếc đàn ghita, tự học theo sách mua được ở cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền Hà Nội, tôi nhớ là quyển Carulli thì phải. Từ bé đã được cô giáo Trung Quốc dạy hát múa, nhạc lý cẩn thận, nên học chơi ghi ta cũng dễ, chiếc đàn ghi ta này theo tôi mãi đến tận quãng giữa đường Trường Sơn mới mất, tôi sẽ kể sau . Tiếng đàn ghita đã đưa tôi cùng Ái thành đôi bạn tri âm. Cùng trung đội và khác tiểu đội, Vương Trần Ái, hơn tôi ba bốn tuổi, quê miệt  Cần Thơ. Ái chẳng những chơi đàn hay mà hát, đặc biệt là ca vọng cổ thì rắn trong hang cũng chui ra. Hắn lại có biệt tài biến cây ghita thùng gỗ thành Ghita chơi kiểu Hawainian sầu thảm tôi học mãi không được. Khi song tấu, hắn chơi melodi bè chính kiểu Hawaii, tôi giữ nhịp chơi bè phụ. Mỗi khi chơi như thế, cả đại đội đều xúm lại, im phăng phắc. Ái tâm sự, thuở nhỏ  ở miền Tây, theo các anh chị đi hát tài tử thâu đêm, nó học lỏm đàn ghita từ đó.

Guitar Hawaii có được âm sắc phong phú, uyển chuyển, mỗi nốt chơi là một hòa âm  lan tỏa rung động, thao thức cả không gian. Đêm khuya và nhất là khi trăng đã lên ,vạn vật chìm trong im lìm,  đâu đó một âm điệu Guitar Hawaii lan tỏa rung rinh, ngay lúc đó  ta hầu như thảng thốt chết lặng vì  sóng âm nhung lụa mịn màng đầy quyến rũ và mê hoặc của nó. Cây đàn có 6 giây chơi bằng chặn phím (block) và móng cho nên  dễ phối các hợp âm, tạo được hòa âm êm ái dịu dàng.

Đóng quân ở Sơn Tây, ngày nghỉ phép đầu tiên, rủ tôi đi  Hà nội, Ái bảo :

-                      Hồi ở trong nam, tụi tao đã biết tiếng đàn Guita Hawaii  Hà nội   rất nổi tiếng ngày  trước, chắc nay chỉ còn là vang bóng vàng  son. Chúng minh đi tìm các lò đàn may chi học được những gì còn sót lại.

Lang thang các phố Hà Nội, nơi có những lò dạy đàn nổi tiếng đầu phố Trần quốc Toản, Hàng Trống, Cao bá Quát, Cầu Gỗ...Chúng tôi không có tiền để học thầy, chỉ ngồi vỉa hè, thềm nhà nghe lỏm, may ra có chỗ nhòm được thầy dạy trò... Ái chớp được đoạn  hay liền bấm  tôi:

-        Có nhận ra không, đoạn này nghe như tiếng rì rào của đồng lúa, đấy là ngón kỹ xảo dân chơi đàn  gọi ngón vê  . Để ý nhé, có tiếng đanh sắc như tiếng xé lụa, đấy là dùng cách búng.

Tôi dần dần nhận ra các kỹ xảo mà nhiều lần theo Ái nghe lỏm tiếng đàn , như ngón vuốt phát ra âm bềnh bồng sóng biển , ngón hài âm (harmony)  trong vắt như gõ bình pha . Một hôm ở Hà Nội về Ái bảo tôi lấy đàn ra chơi ngay.

-          Học được ngón tủ của Hà Nội rồi,  tau thử nghe coi há.

Ái chơi một đoạn nhạc buồn rồi đột ngột bùng lên một tiếng đàn nghe như một tiếng nấc nghẹn ngào. Ái hỏi :

-          Có gì đặc biệt không ?

-          Nghe như tiếng ai khóc nghẹn bật ra.

Ái bảo:

-            Nhận xét tinh tế đấy, đúng là tiếng nấc mà dân trong nghề gọi là  nốt nhạc Staccato , ngày trước tau đã nghe rồi mà không biết họ chơi bằng cách nào. Hôm nay  nhìn trộm thầy đàn ở phố Trần Quốc Toản, học được rồi, được rồi ... khi chơi phải để móng sát vào chân ngựa rồi mới bật giây như thế này này .

Sắp có buổi liên hoan tình nghĩa quân dân, hai chúng tôi cùng luyện lại bản đàn “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/Năm ớ canh chày...”, Thường đến đoạn trầm “ em nhớ tới chàng” xuống thấp nhất thì qua một nốt lặng sẽ dùng kỹ thuật vuốt luyến lên cao với âm thanh to hơn ứng với lời ca “ ..hãy nín nín di con…” Nhưng lần này  đúng  vào ca từ “ hãy nín…” Ái chơi một  nốt nhạc Staccato.... đột ngột  bật vang lên như một tiếng nấc  nghẹn ngào, Tôi ồ lên :

-          Hay quá, tuyệt hay Ái ơi !

Ái bỗng dừng lại,  nhìn sang thấy nó khóc…tôi khẽ hỏi:

  -   Sao thế Ái

  -  Tao nhớ nhà quá, nhớ mẹ, nhớ hai em gái tao. .. Không biết giờ má tao sống chết ra sao, có bị lùa vào ấp chiến lược hay không. Mấy hôm nay tao nháy mắt liên tục, lòng dạ cứ bồn chồn không yên.

Tôi yên lặng chăm chú nghe nó thủ thỉ:

  -   Nhà tao ở miệt Cần Thơ, tao ở đó với má, với hai em gái tao. Ba tao thì vào bưng chiến đấu lâu rồi. Thỉnh thoảng đêm tối ổng tạt qua nhà. Năm tao 16 tuổi, học xong trung học đệ nhất cấp, sợ tao năm sau phải đăng lính, ổng về bàn với mẹ tao, đưa tao theo vô bưng, làm liên lạc. Thế rồi một đêm, tao nhớ trước đình chiến một tháng chi đó, đơn vị khiêng ba tao về...tao nhào vô kêu “Ba ơi...” Ổng mở mắt trừng trừng nhìn tao...rồi cựa quậy bàn tay. Tao vội nắm lấy bàn tay ông, ghé sát miệng ông...”Con..con nhớ lấy ....giấu, giấu..má con.” rồi ông buông tay, mắt vẫn mở...tao vuốt mắt cho ông. Tao không bao giờ quên cái đêm hôm ấy...Đêm qua tao lại mơ thấy như vậy...không biết là điềm gì..

Tôi an ủi:

  -    Mộng mị ấy mà, không can chi đâu.

Ái bảo:

  -  Ờ, ờ, tao cố quên đi , nhưng sao chơi đến đoạn nhạc này thì không quên nổi....

Ái đưa tay quệt nước mắt, cố chơi tiếp nhưng cả hai chúng tôi không sao chơi tiếp được nữa, lững thững vác đàn lên vai, tôi hỏi  :

  - Trước khi đi tập kết, có gặp được má không ?.

  -   Có , tao lẻn về gặp má được một hôm, cố giấu má, bảo ba con không về được, vì phải chỉ huy đón tàu Ba Lan..Hai năm nữa thống nhất , hai cha con sẽ về với má. Đến giờ tao vẫn ân hận, sao tao nỡ lừa má...Tao chỉ mong học xong mau mau, để tao về  tống cổ bọn đã giết cha tao,… tao sẽ ôm lấy má tao ..tao sẽ khóc hết mức ..để mong má tao tha cho tao cái tội đã lừa má, đã làm cho má tin chờ hai năm nữa cha con tao sẽ về...Thế là đã trễ hẹn 7 năm rồi.

Suốt ba năm, tôi là học viên xuất sắc, lại là thiện xạ số một của toàn trường, luôn giật giải , và bắn biểu diễn toàn quân. Cả súng trường bắn tỉa K44, tiểu liên AK47 lẫn 12ly7 địa chiến lẫn phòng không tôi đều thuộc hàng khá trở lên. Ái cũng không kém. Thế là ra trường, hai đứa nghiễm nhiên mang hàm thiếu úy, còn các bạn khác chỉ được phong chuẩn úy mà thôi. Hồi những năm ở trường lục quân, các cô gái thường ghẹo bọn học viên trẻ:

Chiều chiều ra đứng bờ ao

Ngắm anh chuẩn úy không sao em buồn

Một sao một gạch em thương

Hai sao một gạch dễ thường sóng đôi

Thế là mình mới chớm 21 tuổi, mà đã một sao một gạch, lương 40 đồng, thuộc loại được con gái thương rồi, cố phấn đấu vài năm lên một sao nữa thế nào cũng kiếm được vợ !

Ra trường, Ái và mấy anh lớn miền nam lập tức tình nguyện vào Nam. Buổi chia tay hai đứa chỉ biết ngồi chơi đàn. Tôi còn nhớ, bài cuối cùng hai đứa chơi là bài  “ Ngày về “ của Hoàng Giác . Bài này hai đứa đã từng nghe lỏm mỗi khi ra Hà Nội, ngồi trên vỉa hè phố cầu gỗ. Quen đến mức về sau khi thấy hai thằng bộ đội đến ngồi vỉa hè là chủ nhà ra mời vào. Bài “Ngày về” soạn cho song tấu ghi ta gỗ và Hawaii cực hay, lời cũng bay bổng da diết “ Tung cánh chim bay về tổ ấm. Nơi biết bao ngày giờ đằm thắm...” . Khổ nỗi bài “Ngày về” hay như thế lại bị đài quân đội Sài Gòn lấy làm nhạc hiệu, nên ít người dám hát hay chơi đàn công khai. Hai đưa chơi trộm bản nhạc này như là một lời chia tay của hai kẻ tri âm, kỷ niệm ngày về quê của Ái, dù câm lặng, dường như hẹn nhau sẽ gặp lại đâu đó rất mơ hồ, nhưng nhất định sẽ gặp lại. Thế rồi Ái về Nam còn tôi được phiên chế vào đơn vị chiến đấu ngay.

Trận chiến đầu đời mà tôi tham dự, oái oăm thay, lại nằm trên đất Lào. Chiến dịch mà tôi được mang ra thử lửa ở trên đất Lào đó kéo dài vẻn vẹn có hai tuần , mật danh là chiến dịch 128, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Pathét Lào tại khu vực đường 8 đến đường 12 để phá âm mưu chiếm đóng Trung Lào của Koongle do Mỹ hỗ trợ. Trận đánh đầu đời nên tôi còn nhớ rất rõ.

Lẽ ra cấp hàm thiếu uý là cấp trung đôi, nhưng tôi, một anh thiếu uý non choẹt như chim con mới ra ràng tình nguyện xin nhận làm tiểu đội trưởng thôi. Chỉ một tiểu đội tôi chỉ huy mà đã phục kích đánh tan cả trung đội lính Koongle, lại còn bắt sống được hơn chục tên. Chiến dịch thành công, giữ được vùng đất Trường sơn Tây cho đường HCM. Khi bình công tiểu đội tôi được ghi công là xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi may mắn được hưởng lây thành công này,  cả trung đội tôi không có thương vong. Nghĩ lại là vì quân Koongle  quá yếu và nhát chứ mình thì tài giỏi, dũng cảm gì đâu. Tôi được phong trung uý trước hạn, và thăng chức Trung đội phó, đúng là trời thương chứ đâu có phải là mình có công trạng!

 Trở về Việt Nam , cấp trên phổ biến  tin quân Mỹ đang chuẩn bị ném bom miền Bắc,  đổ  bộ vào miền Nam. Đơn vị tôi nhận lệnh luyện tập phòng không ngay lập tức, lúc này tôi đã là trung đội trưởng. Khi đã thuần thục, thì cũng vừa lúc sự kiện Vịnh Bắc bộ nổ ra. Lấy cớ đó, ngày 5/8/1964 máy bay Mỹ và không quân Sài Gòn bắt đầu oanh tạc miền Bắc. Trung đội tôi được phân công bảo vệ phà Bến Thủy. Trận chiến đầu tiên trung đội do tôi chỉ huy đã bắn rơi một A37. Phấn khởi vô cùng vì mình đã trực tiếp bắn vào bọn xâm lược. Trận thứ hai một tuần sau đó, Mỹ ném bom dữ dội, một quả nổ ngay gần đài chỉ huy, một đồng đội hy sinh , tôi bị sức ép ngã gục  vùi trong đống đất, không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong hầm quân y viện, tai ù chẳng nghe thấy gì cả. Nhưng sức trẻ đã chiến thắng, tôi dần hồi phục, một bên tai mất thính lực 30%, một bên vẫn còn tốt. Cầm tờ giấy xuất viện sau hai tuần điều tri, tôi giật thót mình thấy họ ghi thương tật 30%. Hoảng quá, chạy vội lên chỉ huy quân y viện, chìa cái giấy chứng nhận ra:

-            Trăm ngàn lạy bác sĩ, xin bác sĩ sửa lại cho em, ghi cho em thế này thì chết em mất rồi.

Ông bác sĩ chủ nhiệm, chừng hơn ba mươi tuổi, ngạc nhiên:

-          Tôi ký thế này có gì sai mà đồng chí yêu cầu sửa

-            Báo cáo, ghi là thương tật 30% thì chết em, họ coi em là thương binh mất, em khỏe mạnh lành lặn thế này mà. Xin Bác sĩ hạ xuống cho em.

Ông bác sĩ trợn tròn mắt nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh:

-            Đồng chí bị sức ép mạnh, bom vùi bất tỉnh hai ngày liền, máu chảy cả ra ra lỗ tai, cữu chữa mãi mới ổn. Chấn thương này rất nặng, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, tuy bề ngoài không nhìn thấy gì,  30% là đúng rồi

-            Dù sao thì cũng xin bác sĩ thương em, hạ mức thương tật xuống cho em.

-            Đồng chí ngố ơi là ngố, người ta mong ghi tăng lên không được,  thì   lại xin hạ mức thương tật xuống. Thế đồng chí muốn ghi bao nhiêu nào ?

-            Dạ, báo cáo bác sĩ, bao nhiêu cũng được, miễn không phải là thương binh.

Chần chừ một lát, ông ghi cho tôi 12%.

Sướng quá, cảm ơn ông bác sĩ tốt bụng, cầm tờ giấy xuất viện tôi xin về lại ngay đơn vị. Trung đội mất một người nhưng đã bắn rơi được 2 máy bay, được khen thưởng toàn trung đoàn, riêng tôi được chỉ định làm đại đội phó. Chiến sự lan rộng, đầu năm 65 Mỹ đổ bộ quân vào Đà Nẵng và máy bay đã oanh tạc ra quanh Hà Nội, Hải Phòng. Đầu năm 66, đơn vị được điều động ra Hà Nôi, tôi chỉ huy đại đội 37mm, giờ  đã là Đại đội trưởng, hàm Thượng úy, lo bảo vệ vùng trời từ cầu Tế Tiêu đến cột ăng ten Mễ Trì. Nhiệm vụ là không được để cho Tiếng nói Việt Nam tắt sóng, dù máy bay Mỹ có đánh phá dữ dội đến mấy, cũng phải ngăn cản được.  Lán chỉ huy của tôi đặt ở cánh đồng Mễ Trì, cách xa khu dân cư, phía xa xa, có đến gần cây số, cạnh con đường 70, lúc đó còn là đường đất, có một trạm bưu điện nhỏ, đó là hàng xóm gần nhất của tôi. Trận địa và doanh trại bố trí xong xuôi, tôi và một cậu binh nhất trẻ đi nắm tình hình xung quanh (quy định của đơn vị là đi ra ngoài phải có hai người), ghé qua trạm bưu điện. Đó là một ngôi nhà nhỏ, tường gạch con kiến, lợp tranh, cửa gỗ mỏng. Bên trong chia làm hai phòng, một phòng có quầy bưu điện, một phòng là phòng cho hai nhân viên nữ ăn ngủ luôn tại trạm. Mễ trì bây giờ là khu đô thị, nhưng thời đó là nơi nông thôn xa xôi, hẻo lánh bậc nhất Hà Nội. Bên kia đường 70 đã là đất tỉnh Hà Đông rồi. Trạm có một cái xe đạp Phượng Hoàng biển xanh , dựng ngay sau quầy dịch vụ. Ngoài dịch vụ bưu điện thì hai cô cũng có một tủ nhỏ đựng mấy cái kẹo bột, gói chè bồm, cái điếu cày cùng thuốc lào, ấm chè xanh để phục vụ người qua đường. Chắc đó là kế hoạch ba của hai cô gái này, một cô hơi cứng tuổi, trạc tuổi tôi, trông người rất thon thả, nhẹ nhàng, tóc dài mượt, kẹp ngang lưng càng làm cho cô có một vẻ đẹp kín đáo; cô kia cỡ 19, 20 tuổi mạnh khỏe, rực rỡ tuổi thanh xuân, không xinh lắm nhưng cũng có duyên, chắc là xuất thân đồng ruộng, tính tình xởi lởi. Vừa thoáng thấy hai chúng tôi bước vào cô trẻ đã cười tươi: “Chúng em chào hai anh bộ đội, mời hai anh ghé chân xơi nước, hút thuốc”. Rồi cô xăng xái bày chén. Cậu binh nhất khoái lắm, tiêm điếu thuốc lào rít một hơi, ngửa mặt nhả khỏi mơ màng, đưa điếu cho tôi” Đúng là thuốc lào Tiên lãng, không như thuốc lào của mình, thủ trưởng rít một hơi thử coi”. Tôi cầm điếu, vỗ mạnh miệng điếu rồi cũng vê một viên, đuốc đã sẵn lửa, rít một hơi dài, đã quá . Cô gái lại rót nước ủ trong cái ấm giỏ ra, màu vàng xanh nóng hôi hổi, mời tôi, còn cậu binh nhất thì đã làm hết một nửa chén rồi. Tôi đón cái chén từ tay cô gái, đưa lên miệng, nhấp một ngụm rồi vội đặt xuống. Nước chè xanh đậm đặc chát lắm, cô gái thấy vậy hỏi:

  -   Anh không thích chè xanh à, chè đây em hái ngay sau nhà ai cũng khen.

  -  Anh bị đau dạ dày, thích chè xanh lắm nhưng không dám uống chè xanh đặc, uống vào là biết ngay.

 Nói chuyện một lúc, chúng tôi ra về, khi rút ra mấy hào trả tiền chè nước, cả hai cô nhất định không chịu, tôi nhanh trí bèn đưa cho cậu binh nhất năm hào, bảo mua mấy gói thuốc lào, mấy cái kẹo bột về cho anh em, và bảo:

  -   Đây là tôi mua cho đơn vị đấy nhé, thì phải nhận chứ.

Thế là yên, chào từ biệt hai cô gái tôi nói:

  -   Khi nào rỗi, mời hai cô rẽ qua chỗ chúng tôi chơi, chúng ta bây giờ là hàng xóm rồi.

Chỉ mấy ngày sau, khi đã xâm xẩm tối, lúc này thường ít khi có báo động máy bay Mỹ, nghe tiếng cậu trực ban: Đứng im! Cô là ai, gặp ai có việc gì? Tôi vội ngoảnh ra nhìn thấy cô gái trẻ vội bước ra. “Chào em”, rồi quay lại nói với anh chiến sĩ gác trực:

  -  Hàng xóm của chúng ta đây mà, cô bưu điện ở ngoài đường phía đầu kia đấy.

Cậu lính trẻ lúng túng:

  -   Báo cáo thủ trưởng, em không biết ạ nên có to tiếng. Mời cô vào chơi với thủ trưởng và anh em chiến sĩ chúng tôi.

Cô gái xách cái làn nhỏ vui vẻ bước vào lán. Tất cả cán bộ chiến sĩ chúng tôi đều trải bạt nằm đất, cô ghé ngồi vào tấm bạt cạnh mấy chiến sĩ như người nhà, không ngại ngùng, e lệ gì cả. Rồi cô rút trong làn ra một nải chuối, miệng xởi lởi: “Cây nhà lá vườn, chị em chúng em mời các anh ạ”. Rồi cô kéo ra một cái lọ thủy tinh có bịt miệng bằng mảnh ni lon, trao cho tôi bảo:

  -    Chị Vân em nói đau dạ dày thì nên uống nghệ, ông bố chị ấy cũng đau dạ dày nặng, nhờ uống nghệ mà khỏi. Chị ấy bày em cách chế biến thuốc nghệ đấy. Sẵn có nghệ trong vườn em làm cho thủ trưởng thuốc nghệ này để thủ trưởng dùng thử. Em có cho tí chút rượu vào cho nó dẫn thuốc, chị ấy bảo đau dạ dầy vẫn uống được đấy.

Tôi đỡ lấy lọ thủy tinh chứa chất nước màu vàng óng, chưa kịp nói gì thì cậu binh nhất cùng đi hôm nọ đã nhanh nhảu:

  -   A, chị ấy tên là Vân à, trông xinh và duyên quá nhỉ!

  -  Chả phải à, chị ấy người gốc Hà Nôi đấy, ở đâu mạn Chèm Vẽ thì phải,

  -  Thế cô ở đâu ?

  -  Em ở Bắc Ninh, nhà em làm ruộng.

  - Tiếc quá, tôi quê Thái bình không được làm đồng hương rồi. Anh em ơi, ai quê Bắc Ninh nhận đồng hương này.

Các chiến sĩ đồng loạt hô lên, tôi, tôi đồng hương Bắc Ninh đây, có cả mấy cậu giọng trọ trẹ. Cô gái nhìn quanh thấy có chiếc đàn Ghita treo trên cọc trụ lán thì ngạc nhiên lắm:

  -  Ồ, ở đây các anh cũng chơi nhạc à, ai chơi Ghita đấy?

Mọi người nhao nhao:

  -  Thủ trưởng đấy, thủ trưởng ơi, đàn hát đi, mấy khi có người đẹp đến nhà.

Một cậu nhanh nhảu rút cây đàn xuống, dí vào tay tôi, giọng trọ trẹ:

  -  Thủ trưởng ơi, mần tới đi !

Tôi vui lây, thử lại giây đàn rồi dạo nhịp ¾, thế là anh em chiến sĩ đã quen rồi, hễ tôi dạo nhịp valse là lập tức hát bài “ làng tôi xanh bóng tre...”. Cô gái cũng hồ hởi hát theo, giọng kim lanh lảnh, vượt lên trong hỗn hợp âm thanh vịt đực, thuốc lào nghe vui ra phết. Bài hát kết thúc, tôi khen làm quà “em hát hay quá”. Cô gái bẽn lẽn: “Thủ trưởng cứ khen làm em xấu hổ quá. Em dân Kinh Bắc thích hát lắm. Thủ trưởng có chơi được bài quan họ nào không ?”.

Tôi bèn vỗ đàn dạo nhịp, anh em cũng quen rồi bèn bắt ngay “Tình bằng có cái trống cơm..” và hát vang, có lẽ đến cô Vân trong trạm bưu điện cũng nghe thấy. Không khí đang vui bỗng lắng xuống, khi cô gái nói như thủ thỉ với tôi: “Mẹ em, con gái làng Lim, cũng thích hát lắm, giờ có tuổi rồi vẫn còn hay hát thầm. Thủ trưởng ơi, thủ trưởng có biết bài này không, bài này mẹ em đến giờ vẫn còn hát, có khi hát xong còn lau nước mắt, nó như thế này“ . Rồi cô cất giọng nho nhỏ “ Bèo dạt mây ờ trôi..anh ơi em vẫn đợi ơ bèo ợ dạt...” Tôi bấm phím đệm theo, bài này tôi với Ái đã tập nhiều rồi, dẫu lâu ngày không đàn nhưng melody và phối âm vẫn khớp. Cô gái hát to dần, anh em ngồi lắc lư im phăng phắc, điệu nhạc đều đều, buồn man mác, cô cứ hát như không phải hát mà như rút từ lòng mình thành lời ca điệu nhạc, tôi đệm đàn ngẫu hứng cũng tự nhiên, dường như quên hết mình là quân nhân trực chiến, quên hết cả mọi sự xung quanh...Ôi cuộc đời mới đẹp làm sao, dù thấm đẫm nước mắt trong mòn mỏi mong chờ, dù chiến tranh chết chóc đang đợi...!

Trời đã tối sẫm, tôi bảo hai chiến sĩ đưa cô gái về trạm. Cô chối đây đẫy, nhưng cuối cùng cũng chịu “em chào thủ trưởng, em chào các anh, em về”. Một lúc hai chiến sĩ trở về, nhìn nhau tủm tỉm cười:

  -   Báo cáo, nhiệm vụ đã hoàn thành vượt mức !.

Tôi bật cười:

  -    Vượt , vượt cái gì ?

  -   Báo cáo thủ trưởng, đã áp tải đối tượng về đúng nơi chỉ định, ngoài ra đã khai thác triệt để đối tượng. Tôi đùa theo:

  -   Khai thác được gì nào, báo cáo đi.

  -   Đối tượng tên là Xuyền, Hoàng thị Xuyền ở Thuận Thành Bắc Ninh. Chúng tôi hỏi sao lại tên là Xuyền, đối tượng khai rằng do bố mẹ đặt, sau này bạn bè khuyên nên đổi là Xuyến, Hoàng thị Kim Xuyến. Cùng lắm thì là Kim Xuyên cũng được. Thích tên Xuyến lắm nhưng xã không cho sửa lại Chứng minh thư, đành chịu...À quên, bố đối tượng là liệt sĩ, nhà có mẹ và hai em gái, làm nông cả.

Cả lán cười ầm ĩ, cậu lém lĩnh báo cáo tiếp:

  -   Đối tượng cũng không dễ khai thác, mà còn dùng nhiều mưu mô để đánh trống lảng, Tỷ như cứ nói “Thủ trưởng các anh đẹp trai quá nhỉ, còn trẻ thế mà đã ba sao, lại còn đàn hay, cười cứ như con gái ấy”. Báo cáo đồng chí này  - chỉ tay vào cậu kia  - lúc đó đã thiếu cảnh giác để lộ tên tuổi quê quán của thủ trưởng ạ. Đồng chí ấy còn nói sai, bảo thủ trưởng đã 27, 28 tuổi. Em phải cải chính thủ trưởng chưa đầy 25 tuổi đâu. Có đúng không ạ ?

Cậu kia lại cướp lời:

  -   Báo cáo do bất ngờ nên thiếu chủ động thôi ạ, vì lần đầu tiên khai thác đối tượng con gái. Nhưng em đã lập công khai thác thêm là cô Xuyền tốt nghiệp trường Sơ cấp Bưu điện ở Hà Nam, mới về đây được nửa năm, thay cho một chị khác về quê sinh con. Còn đồng nghiệp tên Vân đã ở đây hai năm rồi, chị ấy có người yêu là phi công, hiện đang đi bổ túc lái tiêm kích ở Liên Xô, hẹn một năm nữa về sẽ cưới chị ấy. Còn nữa, người yêu của chị ấy cũng là thượng úy, nhưng già hơn thủ trưởng nhiều lắm, to lớn nhưng đen thui, mũi tẹt, không như thủ trưởng đâu ạ, ấy là cô ấy tự khai thế...Cô Xuyền này cũng không phải loại vừa đâu ạ, cứ toàn lái sang chuyện thủ trưởng, chúng em nghi là có âm mưu gì đấy, đề nghị thủ trưởng đề phòng...

Tôi phì cười rồi vội giả vờ nghiêm mặt quát:

  -  Thôi được rồi, không được lạc đề nữa. Toàn đơn vị ăn cơm tối đi, phân công trực như cũ. Đề phòng đêm nay giặc cắn trộm.

Từ đó chúng tôi và trạm bưu điện là hàng xóm thân thiết. Vì chúng tôi luôn phải trực chiến nên thỉnh thoảng mới ra chơi, đa phần là các cô vào, có lúc cả hai chị em Vân -Xuyền củng v đi. Lâu lâu không gặp Xuyền đã thấy sao sao ấy. Một lần cũng đã tối muộn, chỉ có mình Xuyền vào, xách theo một cái làn khá nặng. Cô nói:

  -   Chị Vân bảo đau dạ dày nên ăn nếp. Hôm nay nhà chị ấy có nếp mới, chị ấy bảo em mang vào biếu thủ trưởng vài cân.

Anh em nhao nhao:

  -   Lúc nào cũng ưu tiên thủ trưởng, quà của chúng tôi đâu?. Cô cười toáng lên:

  -   Chưa chi đã kêu, ai quên các anh đâu mà. Rồi cô rút ra mấy gói thuốc lào, kẹo bột: “Này em có quà cho các anh đây”.

Tôi lúng túng quá vội nói:

  -   Không được, không được, gạo quân đội có khẩu phần đầy đủ, dân thì chỉ có tem phiếu, mà nếp thì phải đổi gấp rưỡi tiêu chuẩn phiếu gạo, không thể nhận số gạo nếp này. Chỉ có thể đổi gạo lấy nếp thôi.

 Xuyền chưa kịp trả lời vì mấy cậu chiến sĩ trẻ chưa buông tha. Trong lúc các chiến sĩ đang níu  lấy trêu chọc Xuyền, tôi rỉ tai cậu cấp dưỡng, nói cậu cân số nếp này rồi cân gấp rưỡi gạo đổ vào làn này cho tôi.

Lúc chia tay, cậu đại đội phó nói :

  -   Hôm nay phiên tôi trực, thủ trưởng đưa cô Xuyên về đi, tối lắm rồi. Thủ trưởng mang theo bộ đàm, mọi chuyện tôi chịu trách nhiệm. Anh em đồng ý không.

  Mọi người gào lên: Đúng rồi, thủ trưởng đưa người ta về đi. Tôi giả vờ ngần ngừ giây lát, rồi bảo cậu binh nhất xách làn cùng đi với tôi. Nhìn thoáng thấy đôi mắt Xuyên sáng lên rực rỡ. Ba người đi được một đoạn thì cậu binh nhất hốt hoảng đưa cái làn cho tôi: Chết rồi em quên tắt cái bếp dầu rồi, thủ trưởng và chị Xuyền cứ đi đi, em chạy vù về một cái rồi quay lại, chân em khỏe lắm sẽ đuổi kịp ngay, đừng chờ em.

  Tôi chưa kịp phản ứng thì cậu ta đã bỏ chạy mất tăm. Cô bảo tôi:

  -   Ta đi chầm chậm thôi anh, kẻo nó chạy trở lại không kịp.

  Lần đầu tiên cô gọi tôi bằng anh. Vừa nói vừa nhìn tôi, trời đã tối mịt, nhưng cặp mắt long lanh, âu yếm thì tôi không quên được. Tuy đi chậm, nhưng hai người cứ im lặng, tôi có đèn pin nhưng không dám soi đường, bỗng có tiếng sột soạt, bóng một con gì đó chạy vọt qua chân, Xuyền dật mình chới với, như một phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay ra nắm bàn tay Xuyền kéo lại. Lần đầu tiên trong đời, tôi nắm tay một cô gái, một bàn tay nóng ấm mềm mại, như có một luồng điện nhè nhẹ chạy khắp cơ thể. Xuyền cũng để yên bàn tay cho tôi nắm, và cứ thế tay trong tay chúng tôi đi chầm chậm, dường như quên mất phải chờ cậu binh nhất, mà thật ra cậu ấy có quay lại đâu. Đã đến gần trạm, nhìn thấy ánh đèn dầu leo lét và cái bóng mờ trên vách của Vân, tôi dừng lại, đưa cái làn gạo cho Xuyền:

  -   Này, em cầm lấy, không ăn hết thì để lại cho người khác, có ít tiền tiêu. Nói dối vừa vừa chứ, chị Vân ở mạn Chèm Vẽ, làm gì có ruộng mà nói là nếp của nhà chị Vân. Anh lương thượng úy 73đ, làm gì không nuôi nổi vợ.

Xuyền nguýt xéo một cái rất dễ thương:

  -    Ứ, nói dễ nghe chưa, ai là vợ cho nuôi mà đã đòi nuôi.

  -    Ừ , thôi thì không nuôi nữa nhé.

  -    Ứ, ứ, ...anh về đi không chị Vân lại thấy.

 Nói thế nhưng tay cứ nắm chặt tay tôi như chẳng muốn rời.

  Vâng chuyện trai gái thời ấy chỉ đến thế thôi, hai đứa bịn rịn chia tay. Về đến lán, bọn trẻ nó khúc khích thì thầm: “ Thủ trưởng hôm nay bị đau chân chúng mày ạ”. “Sao mày biết?”. “ Có mấy trăm mét mà thủ trưởng đi mất hơn một giờ thì không đau chân là gì?”. Rồi chúng nó trùm chăn khúc khích cười với nhau. Tôi chỉ cười thầm, chẳng nói gì, cứ  ngồi im ngẫm nghĩ những giây phút hạnh phúc huyền diệu vừa trải qua. Lại càng nghĩ càng thương đồng đội của mình. Tôi chợt lo lắng, với cái tính xởi lởi, chắc đêm nay chị Vân sẽ mất ngủ để nghe Xuyền tâm sự đây...khéo lộ chuyện mất. Rồi lại tủm tỉm cười nghĩ “có sao đâu nhỉ”. Cuộc đời chinh chiến mà có chiến hữu, bầu bạn chăm lo cho mình thì bao người nằm mơ mà cũng chẳng thấy !

Hà Nội tạm bình yên được mấy tháng thì giữa năm 1966, Mỹ cho máy bay ném bom hàng loạt cơ sở quanh Hà Nội. Kho xăng Đức Giang bị trúng bom, lửa cháy rực trời đêm Hà Nội. Vùng trận địa phía Tây Hà Nội , nơi đại đội cao xạ 37 mà tôi phụ trách được tăng thêm lực lượng pháo 57 , thành một tiểu đoàn. Tôi và một một số cán bộ chỉ huy và chiến sĩ kỹ thuật không trắc, thông tin, được lệnh bàn giao cho đơn vị mới, trở về đại bản doanh, biên chế vào trung đoàn tên lửa 3 để chuẩn bị đi Liên Xô tập huấn về tên lửa. Bàn giao xong, tôi được nghỉ phép 3 ngày, lúc đó mới vác balo sang gặp Xuyền.

Vừa bước vào, nhìn thấy tôi ba lô, quần áo chỉnh tề chuẩn bị đi xa, Xuyền vội chạy ào đến: “Anh, anh sắp đi đâu đấy? “. Tôi thì thầm “Yên nào, anh, anh đến chia tay...” .Chưa kịp nói hết câu, Xuyền ôm chặt lấy tôi, òa lên khóc, trước cái nhìn hốt hoảng của chị Vân. Biết chuyện rồi, chị Vân bào Xuyền:

  -  Nín đi, khóc gì nữa, chuyện quân sự sao em lại trách anh ấy không báo cho em trước, thôi bây giờ phải lo ngay, Xuyền đưa anh ấy về nhà ra mắt gia đình đi...Đi ngay còn kịp đến trong buổi sáng. Lấy cái xe đạp của trạm mà đi, mấy ngày cũng được, ở đây mặc chị lo.

Thế là hai đứa luống cuống giắt cái xe Phượng Hoàng ra, rồi tôi ra sức đạp, Xuyền ngồi sau,  chỗ vắng người cứ ôm chặt lấy tôi, úp mặt vào lưng thút thít, nước mắt ướt đẫm cả lưng áo. Xuyền lo lắng nói:

  -  Em lo mẹ em lắm, Anh làm thế nào cho bà bằng lòng thì anh đi cùng trời cuối đất em vẫn là vợ anh, em cũng chờ anh cả đời.

  -   Sao em lại lo mẹ em ?

  -  Bố em hy sinh khi mẹ em chưa đầy 30 tuổi. Mẹ em cứ nói , mẹ em lo em sẽ khổ như mẹ em. Mẹ em bảo mẹ sẽ từ em khi em mà lấy chồng, không nghe lời mẹ.

Tôi đã đạp rất nhanh, mấy chục cây số mà đã qua được cầu Long Biên lúc trời mới hửng nắng. Bây giờ tôi mới hỏi đi đâu bây giờ.

  -   Nhà em ở làng Liễu , Thuận Thành, gần chợ Đậu đấy.

  -   Anh có biết Thuận Thành với Làng Liễu, chợ Đậu nào đâu. Giờ qua cầu rồi, đi lên cầu Đuống hay rẽ đường 5 nào ?

  -   Ôi, em đoảng quá, anh đến cầu chui rồi rẽ phải theo đường 5, đi độ 10 cây số qua trường Đại Học Nông Lâm, đi tiếp một đoạn nữa, thì có con đường đất, đến đó em chỉ cho. Từ đó vào nhà em độ 8, 9 cây số, nhưng em muốn rẽ qua chợ Đậu mua cái gì đó về nấu cơm trưa, từ chợ Đậu đến nhà chỉ hơn cây số thôi, anh chịu khó tý nhé.

Tôi cười bảo:

  -  Thêm một cấy số, chứ thêm cả trăm cây số anh vẫn muốn đi, cứ đi hai đứa như thế này thì đi đến cùng trời cuối đất cũng đi

Xuyến đấm lưng tôi cười khúc khích:

  -  Nỡm ạ ! Chỉ được cái dẻo mồm. Học đâu mà lãng mạn thế anh yêu...

  -   À, À , nói yêu rồi đấy nhé, có giữ lời không ?

Xuyến dúi đầu vào lưng, hai tay ôm chặt tôi:

  -   Ứ, ứ,... anh ơi !

Về đến nhà, một mái tranh nhỏ, có cây cau bể nước như bất cứ nhà nào ở đồng bằng bắc bộ. Hai cô em, 14,15 tuổi hồ hởi đón chị, chưa kịp xuống xe, một cô em đã đón lấy con gà mà Xuyền đã ghé qua chợ Đậu mua vội mua vàng. Một cô đã kịp bưng ra một thau nước và khăn mặt , Xuyền bảo tôi rửa chân tay mặt mũi đầy mồ hôi rồi nghỉ ngơi. Bà mẹ đi làm hợp tác xã đến trưa mới về. Tôi ngồi trên nhà, ba chị em xúm xít làm gà, thổi cơm hay chuyện trò gì trong bếp trong bếp. Loáng thoáng nghe thấy cô em nói:

“Được đấy chị ạ, em cho 7 điểm”. “Không 6 điểm thôi, hơi gầy và hơi đen”. “Không phải đâu, mặt hơi đen thôi vì nắng gió đấy, mày không thấy từ vai xuống khuỷu tay trắng thế à”...Rồi nghe tiếng cười rúc rích ...”Chị ơi, muốn sang hành chính/Muốn xúng xính lấy công an/ Muốn để tang lấy bộ đội”. Tôi giật mình. Mặt trời đã đứng bóng. Xuyền đã tắm rửa thay quần áo xong, ra bảo tôi:

  -  Mẹ em sắp về rồi đấy. Trăm sự anh lo nhé, em sợ lắm! Cầu trời khấn phật...

Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng trẻ con “ bà ơi, chị Xuyền vừa về đấy, hôm nay bà có khách “. Lại nghe có đứa nói” có cả một chú bộ đội oai lắm. Tiếng một người phụ nữ: Khách nào, lại bộ đội hả...

Xuyền và hai cô em vội chạy ra ngõ, tôi lúng túng không biết nên làm thế nào, đành đứng dậy bước ra sân. Đã nghe tiếng bà mẹ :

  -   Xuyền về hả con, cả năm nay con trốn biệt đi đâu mà bây giờ mới ló mặt về hả ?

  -  Con , con mới nhận công tác, không có lúc nào rảnh mẹ ạ

  Me, mẹ, con, con cái gì! Mày định trốn cái nhà này hả.

 Tiếng mấy cô em: Mẹ ơi, mẹ vào rửa chân tay nghỉ ngơi đã. Nhà ta hôm nay có khách...

  - Khách, khách nào, khách của con Xuyền mang về hả?

Tôi bắt đầu lo, rồi mạnh dạn đi nhanh ra, mau mắn chào:

  -   Chào Cô ạ!

 Xuyền đã kể cho tôi biết mẹ chỉ mới hơn bốn mươi, trẻ hơn mẹ tôi nhiều, nhưng vừa nhìn thấy bà, tôi giật mình ngạc nhiên gặp một người phụ nữ dáng người khắc khổ, đen đúa trông già hơn tuổi nhiều. Bà đáp lại với giọng chua chát, tôi cảm nhận thế, không biết đúng hay sai:

  -   Chào đồng chí bộ đội. Anh lại nhà chơi với mẹ con tôi, quý hóa quá.

Rồi bà quay lại nói với Xuyền và hai cô em: “đi vào nhà trong đi, để tôi thưa chuyện với đồng chí bộ đội”. Xuyền rơm rớm nước mắt, nói khẽ” Mẹ, mẹ vào nhà rửa ráy nghỉ ngơi đã, cơm nước các em đã chuẩn bị rồi”. Bà quát : “đã bảo vào nhà đi”

 Tôi lo thật , nguy to rồi, như là đã bị đánh phủ đầu, mất thế chủ động rồi. Tôi cố chủ động bắt chuyện:

  -  Hợp tác xã ta làm đồng vất vả quá, đến quá trưa mới được nghỉ ạ. Không biết công xá có cao không, thưa cô.

  -  Đồng chí bộ đội thấy đấy, làm gì còn đàn ông con trai đi làm đồng nữa. Đi hết rồi, đến đàn ông bốn mươi cũng động viên hết rồi. Giờ chỉ toàn đàn bà con gái làm đồng thôi.

  -   Thời buổi chiến tranh mà cô, ở quê cháu Bắc Giang cũng thế. Mẹ cháu hơn 50 rồi mà ngày nào cũng phải theo công điểm HTX.

Rồi bà ngồi phệt xuống bậc thềm nhà, vừa quạt vừa nói:

  -   Đến cái nhà dột cũng không biết làm thế nào. Đàn bà chúng tôi khổ lắm đồng chí bộ đội ơi. Chồng tôi hy sinh ở đường 5, lúc tôi vừa sinh con bé út bây giờ đấy, lúc đó tôi mới 26 tuổi. Tôi không còn nước mắt khóc nữa khi chôn chồng tôi. Nửa năm sau thì hòa bình, mình tôi chèo chống nuôi ba đứa con gái. Gia đình liệt sĩ, liệt sĩ thì được cái gì, ai nuôi con cho tôi, nó đói sữa , nó khóc ngằn ngặt cả đêm, khản tiếng như con mèo hen...Cái Xuyền cũng chỉ mới hơn 5 tuổi đã phải trông em cho mẹ đi chạy chợ kiếm cái cho vào bụng...

Rồi bà khóc, khóc thê thảm khiến tôi cũng muốn rưng rưng. Xuyền và hai cô em chạy ra ôm lấy mẹ, cũng chỉ khóc mà gọi “mẹ, mẹ, mẹ ơi...”. Bà mẹ hất tay ra bảo: “vào nhà đi, để mẹ nói chuyện với đồng chí bộ đội”. Bà tiếp tục:

  -   Đồng chí bộ đợi ơi, đồng chí thương mẹ con côi cút chúng tôi với, không gì khổ hơn gái góa trẻ nuôi bầy con nhỏ một mình...Đời cứ như bèo dạt mây trôi, chẳng biết trôi đến đâu. Nói không phải đồng chí bỏ quá cho, đồng chí tha cho con Xuyền nhà tôi, lấy chồng bộ đội...ôi, nó lại theo số phận của tôi thôi....

Tôi đang ngớ người thì thấy Xuyền chạy ra ôm mẹ, khóc ầm lên. Bà gạt xuyền ra:

  -   Nó đấy, nó lừa tôi, nó trốn tôi. Người ta đã xin tôi đưa cỗ dạm hỏi nó từ hai năm trước. Thằng bé 16, 17 tuổi người bên làng Đồng Kỵ, ngoan ngoãn, có nghề mộc gia truyền, kiếm được tiền, lại hơi tí ty tật nguyền ở con mắt, chắc chắn không phải đi bộ đội, thế mà nó chê thằng chột, nó không chịu. Chột đâu mà chột, chỉ mắt to mắt bé, hơi lác tí thôi. Rồi nó trốn nhà theo bạn xuống Hà Nam thi sơ cấp bưu điện. Từ đó nó trốn biệt, cuối năm nó về nó bảo con có học bổng, học xong có lương...Hôm nay nó lại đưa đồng chí bộ đội về đây...

Tôi chưa kịp nói câu nào thì bỗng bà quỳ xuống sân , trước mặt tôi:

  -  Tôi cắn rơm cắm cỏ lạy đồng chí bộ đội, đồng chí tha cho mẹ con chúng tôi, tha cho con Xuyền nhà tôi.

Rồi bà vụt chạy vào nhà, khóc hu hu trước bàn thờ có ảnh một thanh niên mờ mờ, không rõ nét:

  -   Ông ơi, ông sống khôn chết thiêng,  ông phù hộ cho mẹ góa con côi, ông giải bùa mê thuốc lú cho con Xuyền. Ông bảo cho đồng chí, đồng đội của Ông đi đi, đừng ám mẹ con tôi nữa. Đừng để con gái ông thành gái góa.

Tôi nghe thấy tiếng mấy cô gái góc ầm lên, tiếng Xuyền nức nở “ Ôi, mẹ ơi, mẹ ơi,...mẹ giết con rồi, bố ơi, bố ơi bố cứu con với..”

Không biết sự thể lại ra thế này, tôi vừa buồn vừa nhục, vùng đứng dậy, chạy vội vào túm lấy cái ba lô khoác lên rồi nhanh chân chạy ra ngoài...Tôi sợ chậm nữa, nghe tiếng Xuyền khóc thì tôi gục mất. Hai cô em Xuyền chạy ra , níu chặt lấy tôi: “ Anh ơi, anh ơi, cơm nước xong rồi , anh ăn với chúng em bữa cơm đã, bụng đói thế đi đâu...” Tôi chỉ kịp nói” Các em chăm chị Xuyền giùm anh, thôi cho anh vĩnh biệt...”.

Rồi tôi chạy, chạy như ma đuổi, chỉ sợ Xuyền chạy theo đuổi kịp, lòng rối bời, chẳng biết nghĩ gì nữa, chỉ thấy sao làm một thằng bộ đội mà lại nhục thế này cơ chứ. Vừa chạy vừa ôm bụng đang đau quặn, cái bệnh dạ dày, khổ quá, sao lại phát ra hành hạ tôi lúc này,  tôi vẫn cố cắn răng lết được độ chừng ba cây số thì không lết nổi, ôm bụng ngồi tựa lưng vào gốc cây bên đường, chẳng biết gì nữa. Mở mắt ra, thấy mấy cô gái, bà già đang xúm xung quanh. Thấy tôi ôm bụng, mở mắt, một giọng con gái reo lên “ tỉnh rồi, anh bộ đội tỉnh rồi..”. Tôi cố lảo đảo đứng dậy, nhưng lại ngồi bệt xuống. Một cô gái nói “ Chắc là đói và mệt quá nên kiệt sức..” .Một cô khác đưa cho tôi củ khoai nóng bảo” anh bộ đội ăn tạm đi”. Đúng là tôi vừa đói vừa đau, từ sáng đến giờ đã có gì vào bụng đâu. Tôi ăn ngấu nghiến củ khoai nóng, thấy người dần dần đỡ hơn, nhưng cái dạ dày vẫn đau rát không chịu nổi. Tôi cám ơn, đã đứng vững định đi. Một cô hỏi, anh bộ đội định đi đâu. Tôi bảo tôi muốn ra đường 5 bắt xe về đơn vị, từ đây ra đường năm còn bao xa. “ Còn gần chục cây số nữa anh bộ đội ạ. Anh đang thế này làm sao đi được”. Các cô bàn nhau, bảo tôi chờ một lát, rồi hai cô chạy về nhà , lấy hai cái xe đạp, một cô lai tôi và một cô đi theo, đưa tôi ra đến đường năm, còn dúi cho mấy củ khoai. Quả là quân với dân như cá với nước, lúc này tôi mới thấm.

Ngồi ở mép đường 5, trời đã dần tối, lác đác đã có xe chạy, tôi cố vẫy mãi nhưng chẳng có xe tải nào dừng.

May sao có một xe com măng ca biển đỏ dừng lại, một đồng chí Trung tá ghé đầu ra hỏi” Đồng chí Thượng Úy, đồng chí về đâu?” . Tôi nói địa chỉ, phiên hiệu. Lập tức ông Trung Tá nói: Mời đồng chí lên xe, tôi cũng về gần đấy, sẽ đưa đồng chí về đơn vị. Lên xe, tôi gần như ngất xỉu, về đến đơn vị thì không còn biết gì nữa. Nằm trạm xá mấy ngày, cái dạ dày vẫn đau không ăn uống gì được. Đơn vị chuyển tôi lên bệnh viện. Khi ngủ thiếp đi thì thôi, cứ tỉnh dậy là lại nghĩ đến Xuyền, không biết giờ em ra sao. Tôi ân hận đã làm khổ em, bỏ chạy để em lại một mình với mẹ em. Cứ nghĩ thế là  bụng lại đau thắt như dao cắt. Rồi có lúc tôi chợt nghĩ, có khi mình bỏ chạy lại may, không phải bắt em phải chọn giữa mẹ em và tôi. Nghĩ được như thế tôi thấy người đỡ dần. Hóa ra, người ta nói đúng, bệnh dạ dày bị cái tâm bệnh nó khống chế, thoát được tâm bệnh thì dạ dày bớt đau. Tôi vui vì dần dần khỏe lên, nhưng thật ra với bản thân thì đáng buồn. Thế là hết, đơn vị đi Liên Xô, mình tôi ở lại. Tuổi trẻ hãnh tiến, tuy không dám nói với ai, nhưng cũng tiếc các lời tán tụng rằng  năm năm quân ngũ thăng hai cấp, không thể tiếp tục. Khi đã bớt đau, ra viện tôi lên bộ tư lệnh xin nhận công tác chiến đấu tiếp. Chỉ huy đơn vị tiếp tôi rất chân tình:

  -   Đồng chí sức khỏe thế chưa ra chiến trường được. Chúng tôi biệt phái đồng chí sang làm giáo viên quân sự và chỉ huy trưởng tiểu đoàn dự bị tại trường Trung cấp Thủy lợi 1, họ đang có công văn xin và quân đội cũng đang cần tổ chức các tiểu đoàn dự bị, ở đó có gần ngàn học sinh, giáo viên, một lực lượng mạnh.

Đành vác balo sang trường, vẫn hưởng lương thượng úy lại còn thêm 10 đ phụ cấp giáo viên, quá ưu tiên rồi.

Biết làm sao nữa, Phận đến đâu, Phúc dừng đấy thôi!


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét