HOA HUỆ MƯA
( Chuyện cổ.) Trần Gia Ninh kể lại
Trang Sinh người Phủ Hà Yên ven dãy Đại Khai Trướng, là hậu duệ trong gia tộc họ Trang nổi tiếng với nghề làm thuốc , đặc biệt là thuốc trị bệnh và tăng cường gân cốt. Vì vậy con cháu họ Trang chẳng những giỏi chữ nghĩa thơ phú, y dược mà còn là những võ sư chân truyền, gân cường cốt tráng. Trang Sinh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ , càng lớn càng tuấn tú, mắt sáng như sao mũi cao, môi đỏ , má hồng như hai quả táo đắp, văn võ song toàn, lại phong lưu trang nhã . Bình sinh ngoài việc chế thuốc cứu người, đọc sách ngâm thơ thì có thú vui sưu tầm hoa thơm cỏ lạ, sống độc thân, chẳng màng đến chuyện thê nhi. Đặc biệt yêu thích hoa huệ, lập hẳn cả một khu vườn chỉ chuyên các giống huệ, gọi là Huệ Viên. Một hôm vào tiết lập thu, Sinh lên núi Nam Hoa trong dãy Đại Khai Trướng hái thuốc, đang ngồi nghỉ bên gốc đại thụ bất chợt thấy một đại hán râu ria tua tủa , thân hình lực lưỡng vác một người bị trói chân tay , miệng bị nhét giẻ, chạy như bay, mặc cho người bị vác ra sức dãy dụa. Theo sát là một nam tử cầm côn. Thấy lạ, Sinh bèn nhảy ra cản đường. Nam tử chạy sau vung côn chống trả, Sinh né được, tung ngay một chưởng trúng mặt, y ngã gục liền. Kẻ vác người vội nhanh chân chạy nhưng bị Sinh đuổi kịp, y bèn bỏ người xuống, quay lại chống trả. Kẻ cầm côn đã kịp bò dậy, cả hai vây đánh Trang Sinh. Chẳng hề e sợ, Sinh tung cước đả bay côn của kẻ này, lại vung chưởng đánh quỵ tên kia. Biết gặp phải cao thủ, hai tên nhanh chân lẩn mất vào núi. Khi mở trói, mới biết đấy là một cô gái chừng 15, 16 tuổi, Sinh bỗng giật mình, sau những mảnh áo đan bằng sơi gai tả tơi lộ rõ một vóc dáng như ngọc, khuôn mặt dẫu bị che dưới mái tóc dài rũ rượi mà vẫn sóng sánh ánh mắt tựa nước sương mai , thật như tiên nữ giáng trần.… Chờ cho thiếu nữ hoàn hồn, hỏi nguồn cơn , nàng kể: “Tiểu nữ là Huệ Nhi sống với Sư nương ở một Am tiên trong núi gần đây từ khi lọt lòng. Hôm nay bỗng nhiên bị hai tên cướp từ đâu đến xông vào thiền am, hành hung sư nương, rồi bắt tiểu nữ vác chạy đến đây. May nhờ công tử ra tay cứu nạn, mới thoát khổ nạn này”. Nói rồi thiếu nữ vội đứng dậy định chạy đi, nhưng không đứng vững được, quỵ xuống. Sinh vội đỡ dậy, hỏi định đi đâu. Đáp rằng “ Không biết sư nương sống chết ra sao, muốn nhanh quay về thiền am”. Sinh bèn bảo” Nàng đang bị thương. Để ta dìu nàng về”. Vất vả lắm, đêm khuya hai người mới về được đến nơi. Cửa thiền am không đóng, Sư nương già đang nằm bất tỉnh dưới đất, Sinh sờ thấy còn hơi thở, sẵn túi thuốc cây cỏ mang theo, ra tay cấp cứu, hồi lâu tỉnh dần, mới biết là còn sống. Đêm đó Sinh thức trắng đêm cứu chữa băng bó vết thương, chăm sóc, chờ cho hai người ngủ yên rồi thì Sinh bước ra ngoài vườn, mệt quá thiếp đi trên cây cỏ. Sương đêm thẩm lạnh làm chàng tỉnh giấc, mặt trời đã quá ngọn cây. Nhìn quanh, Sinh kinh ngạc nhận ra là mình đã nằm tựa vào một luống hoa của một vườn đầy các loài hoa huệ, không khác chi huệ viên của chàng. Sư nương và cô gái cũng đã tỉnh. Sinh là thần y diệu thủ hồi xuân, sau nửa ngày dùng thuốc lá băng bó , vết thương đã liền, chỉ vài chiêu điểm huyệt, nắn bóp xương cốt thì sư nương và thiếu nữ đã đi lại được bình thường. Từ đó giao tình giữa hai nữ nhân một già một trẻ với Sinh ngày một thân thiết. Mỗi khi lên núi hái thuốc, Sinh thường ghé thiền am thăm hỏi, được mời uống sữa dê núi, mật ong cùng rau ngon quả lạ của núi rừng. Sinh là người giữ lễ, ngoại chuyện phải chữa trị vết thương cho hai người ra thì vẫn giữ khoảng cách thụ thụ bất thân. Thiếu nữ từ nhỏ lớn lên với Sư nương trong núi, sống giữa thâm sơn, thơ ngây hoang dại, chẳng biết e dè là gì, lần đầu tiên gặp được nam tử thì như hoa xuân bung hương mật chờ ong tới vờn nhuỵ ngọt, thường vuốt ve yêu chiều Sinh lắm . Thấy Sinh cứ cố tránh né, nàng ngạc nhiên bèn hỏi “ Sao công tử cứ lánh xa tiểu nữ như vậy “ , đáp rằng “ Ta là phàm tục, nàng là đạo nhân, sao dám mạo phạm”. Nàng bèn cười khanh khách bảo rằng “ Tiểu nữ được sư nương nuôi nấng từ khi lọt lòng, không biết cha mẹ là ai. Sư nương tu tập theo đạo tiên thánh, gọi là Thiên huệ tiên giáo. Giáo quy chỉ cho nhập đạo khi nào tiểu nữ đủ 16 tuổi. Giờ tiểu nữ còn thiếu ít ngày nữa , nên vẫn chỉ là người phàm tục, Sư nương dạy rằng đạo quy không có giới pháp gì với tiểu nữ cả.” Một hôm đi hái thuốc thì Sinh bất ngờ gặp thiếu nữ đang chờ bên bờ suối. Hôm đó là đã cuối thu, rừng thu đã chuyển màu quan san,, nắng vàng xuyên kẽ lá càng thêm óng ả soi bóng suối lung linh như kim chi ngọc diệp. Nàng kéo Sinh ngồi lên tảng đá, ôm lấy chàng mừng rỡ nói : “Tiểu nữ chờ chàng mãi”. Sinh hỏi : “Sao nàng biết ta đến đây”. Thiếu nữ cười: “Sao lại không biết. Tiểu nữ thuộc khu rừng này như lòng bàn tay, nhìn dấu chân biết chàng hay đến ngồi đây mà. Ngày mai là tiểu nữ được nhập đạo rồi. Sư nương bảo từ ngày mai sau khi xuống tóc bái tiên, không còn gọi tiểu nữ là Tiểu Huệ nữa , mà ban cho đạo hiệu là Huệ Vũ“ . Sinh giật minh thốt lên “ Thế à ! Sao lại lấy đạo hiệu là Huệ Vũ ?” Nàng đáp: “Vì Sư nương đạo hiệu là Huệ Vân mà. Hôm nay là ngày cuối cùng tiểu nữ được gặp chàng, ngày mai đã là đạo tiên, phải tránh xa phàm nhân đó , không được ôm ấp chàng nữa đâu”. Nói rồi nàng càng xiết chặt Sinh trong vòng tay mềm mại. Sinh vốn xưa nay xa lánh nữ sắc, nay bất ngờ được cuốn vào tấm thân nhi nữ ôn hương nhuyễn ngọc thế này , toàn thân chàng bỗng nóng rực, mồ hôi toát ra ướt đẫm. Huệ Nhi ngây thơ bảo : “Chàng thấy trời nóng quá chăng, chúng ta xuống suối vục nước đi”. Nói rồi buông tay đứng dậy, nhanh nhẹn bỏ xiêm áo đan bằng sợi gai xuống. Nhìn thấy vóc dáng thanh tân, cảnh xuân lồ lộ, tóc dài óng mượt xoã xuống như liễu rũ trong gió phủ lên tấm thân trần băng thanh ngọc khiết, Trang Sinh ngơ ngẩn như trời trồng không động đậy được nữa. Huệ Nhi thấy Sinh vẫn đứng nguyên liền kéo tay : “Sao chàng còn đứng đấy mà chưa bỏ y phục ra”. Rồi nàng nhanh tay lần gỡ giúp. Trang Sinh chỉ đứng yên mặc nàng , rồi bất ngờ ôm ghì , vầy vò tấm thân băng cơ ngọc cốt của nàng, điên dại như trời xui đất khiến , tự nhiên dẫn vào giao hoan, âm dương giao hòa , điên loan đảo phượng *). ..Sinh thì thào “ Nàng thật là tiên dung ngọc cốt, ta thật may mắn được giao hoà cùng tiên nữ giáng trần ! “ . Nàng mỉm cười trong mãn nguyện hỏi rằng “ Thế tiên nữ khác phàm trần thế nào ? “ đáp: “ Ta đã ân ái bao giờ đâu mà biết, đây là lần đầu tiên trong đời.”. Huệ nhi nghe thế thích lắm, đáp “ Thiếp tình nguyện để chàng bẻ nhuỵ hoàng hoa , cũng là do thiên định. May mà chàng đã ra tay nghĩa hiệp cứu nguy, nếu không thì thiếp đã rơi vào tay bọn phàm phu tục tử, còn đâu nhuỵ vàng mà dành cho người tình chung như chàng“. Nói rồi dắt tay Trang Sinh, lúc xuống suối vục nước, lúc lên nằm sưởi nắng, cùng thiếp đi mơ màng trên tảng đá xanh, thức dậy lại quấn quýt không rời , ríu rít dắt nhau dạo bước rừng hoang , âm dương giao hoà , ân ái giao hoan trên thảm lá thu, như đôi dê núi trời sinh, tận hưởng lạc thú trần gian thiên phú . Ác đã ngả non đoài, đến lúc cũng phải chia tay. Sinh nâng mái tóc mây “ Ta chỉ tiếc mái tóc tiên nữ này mà phải cắt bỏ “. Nước mắt đầm đìa ướt đẫm ngực trần chàng, nàng thổn thức: “Duyên số phải thế, từ mai không được gặp chàng nữa rồi. Sư nương dặn, bảo chàng trong vòng chín tuần trăng tròn, chàng không được đến Am tiên, nếu không sẽ nguy hiểm cho chàng, và thiếp không bao giờ tu tập được vào tiên giới”.
Giữ lời, hơn chín tháng sau vào tiết lập thu , Sinh mới lại lên núi đến Am tiên. Lạ chưa, ở chỗ am xưa giờ lại là một ngôi điện thờ lớn lộng lẫy, cột ngọc phỉ thuý , tường đá cẩm thạch, lợp ngói lưu ly, trần gian chưa hề gặp. Chỉ có vườn huệ vẫn như xưa. Huệ Nhi cũng không thấy đâu, chỉ còn sư nương già Huệ Vân đang chờ. Thấy chàng đang ngẩn ngơ, Sư nương bảo : “ Ta biết hôm nay công tử thế nào cũng đến đây”. “ Bạch sư nương, Huệ Vũ có ở trong điện thờ không ?”. “ Không đâu, Huệ Vũ đã về tiên giới rồi “ . Trang Sinh sững người thốt lên “ Nàng là tiên nữ giáng phàm thật ư ?”.
“ Công tử hãy ngồi xuống , bình tĩnh để nghe ta kể đầu đuôi.
Mười sáu năm trước , ta đang niệm tiên kinh buổi đêm, bỗng nhiên mơ màng thiếp đi, thấy một cặp vợ chồng cưỡi hạc bế một trẻ sơ sinh bay đến am tiên gặp ta nói : Chúng ta là tiên đồng ngọc nữ trốn tiên giới xuống tận hưởng hoan lạc trần gian, sinh được đưa bé này. Nay phải trở về, đứa trẻ này là kết tinh của lạc thú phàm trần, mang nghiệp trần gian chưa thể bay cùng về tiên giới. Chúng ta gửi nhà ngươi nuôi giúp cho đến khi đến tuổi nếm trải hoan lạc nhân gian rồi nhập đạo tu tiên, sẽ đến đón và hậu tạ. Chúng ta sẽ khiến dê núi đến cho sữa , ong cho mật, lúa gạo rau đậu tốt tươi để hai người sinh sống. Nói rồi trao đứa trẻ cho ta, cưỡi hạc bay đi với chớp sáng loá mắt. Ta đỡ lấy đưa trẻ, mở choàng mắt thì chẳng thấy gì nữa, thì ra chỉ là một giấc mộng. Bỗng nghe thấy tiếng trẻ khóc bên bậu cửa, hoá ra là một bé gái mới sinh, chính là Huệ nhi mà công tử đã cứu đó. Huệ nhi kể cho ta đã cùng công tử ái ân giao hoan trong núi, nếm trải lạc thú hồng trần rồi , nên ta cho Huệ nhi xuống tóc, nhập đạo tu tiên, đạo hiệu Huệ Vũ. Theo cầu xin được giữ lại mái tóc đã cắt dành cho công tử, ta cho phép Huệ Vũ chôn các lọn tóc quanh huệ viên. Huệ Vũ từ đó chuyên tâm tu luyện, chẳng mấy chốc đã đạt được cảnh giới phi phàm. Rồi một đêm chớp giật sáng loà, hai vị tiên năm xưa cưỡi hạc bay đến và nói xin tạ ơn ta, rồi đón Huệ Vũ như năm xưa đã hẹn . Huệ Vũ còn dặn với rằng, tiết lập thu này thể nào chàng cũng đến, dẫn chàng ra Huệ Viên chỉ cho chàng nơi chôn tóc, Huệ Vũ sẽ báo tin cho chàng. Nói rồi cùng hạc bay đi. Ta giật mình chạy theo thì vấp ngã, tỉnh dậy thì hoá ra lại là giấc mộng. Nhưng Huệ nhi thương yêu của ta thì đã biến mất thật . Nhìn quanh thì thấy ta đang ở trong ngôi điện nguy nga tráng lệ như công tử thấy đấy .”
Nói rồi Sư nương đẫn Trang Sinh ra Huệ Viên. Thoáng nhìn , Trang Sinh đã chỉ tay và ngồi sụp xuống bên một thảm xanh trông như cỏ với lá nhỏ dài xanh, mềm mại xoã ra như mái tóc, từ gốc mỗi chùm vươn lên một cọng cỏ tròn, phía đầu cọng là một nụ chúm chím màu tím đỏ chưa bung cánh. Sinh vuốt ve nâng niu từng nhành cỏ mảnh mai, thốt lên “Đây phải chăng là từ mái tóc của tiên nữ dành cho ta ?”. Sư nương đáp lời “ Đúng đấy, sau khi cưỡi hạc về tiên giới ,những chỗ mà Huệ Vũ chôn tóc đã mọc lên những cây hoa này”. Trang Sinh xem kỹ lưỡng từng nhánh lá, cọng cây, bèn nói “ giống hoa cỏ này là thuộc giống hoa huệ mà chưa ai từng biết, chưa được đặt tên.”
Đêm đó trong điện ngọc, Trang Sinh mơ màng, thoảng thoảng mùi hương , thấy bóng hạc bay qua vọng lời tiên nữ: “ Chàng hãy nán lại điện ngọc xem hoa nở nhuỵ , chính là ta đó. Nếu có nhớ ngày cùng ta hoan lạc thỉ chỉ cần tiết lập thu ngắm nhuỵ hoa này là ta mãn nguyện. Một ngày tiên giới dài hơn trăm năm phàm trần. Một giờ phút ân ái giao hoan hưởng lạc thú hổng trần thì ngàn năm ở cõi tiên chẳng bao giờ có được. Nhân sinh như mộng, hãy quên đi tất thảy để mà hưởng lạc thú trần gian”. Trang Sinh bừng tỉnh thì tiên nữ đã mất bóng , chỉ còn thoang thoảng hương xưa. Sinh dụi mắt bước ra vườn thì thấy thảm hoa đã bung nhuỵ. Những bông hoa mới nở hình chuông , bung đều ra như những ngôi sao 6-8 cánh trên cuống hoa dài nhưng vẫn hơi khum khum e ấp. Các cánh hoa dầy và bóng, đầu cánh hoa màu hồng tím biếc , ở giữa đài hoa thì cánh hoa màu trắng làm nổi bật nhụy hoa vàng óng. …cái nhuỵ hoàng hoa của tiên nữ dành cho chàng bẻ ngày nào . Hôm sau trời đổ mưa , càng mưa nhìn hoa chàng càng nhớ nước mắt đẫm ngực chàng khi chia ly, vẻ u sầu của tiên nữ càng đẹp như lê hoa đái vũ **). Từ đó hoa có tên là HOA HUỆ MƯA nhưng với riêng mình thì chàng thầm gọi là HOA TÓC TIÊN. Không ngờ cái tên thầm gọi TÓC TIÊN đó lại phổ biến khắp trời nam, ai cũng biết , còn HUỆ MƯA - RAIN LILY thì chỉ thông dụng ở xư sở bọn hồng mao xa xôi !
VĨ THANH
Trang Sinh từ đó bỏ nhà cửa vào Tiên điện tu tiên học đạo, nối nghiệp mở mang Thiên huệ tiên giáo, đặt tên điện là Huệ Vũ. Sinh ngộ ra rằng nhân sinh như mộng, khi trong mộng thấy ta hoá thành bướm, tỉnh dậy vẫn thấy là ta, biết đâu chẳng phải bướm đang mộng biến thành ta chăng. Chẳng biết đâu là hư đâu là thực. Tất cả chỉ là cảm giác . Cho nên cái cảm xúc lạc thú hồng trần là hư trong thực , thực trong hư, ai không biết nếm trải thực là uổng cả giấc mộng nhân sinh.
Từ đó, Trang Sinh san đính kinh sách truyền bá cho thiên hạ , với triết luận NHÂN SINH NHƯ MỘNG /HOAN LẠC HỮU TÌNH/ DU NHIÊN DI SINH. ***)
Anh thư hào kiệt, nam thanh nữ tú tầm đạo tu tiên theo Trang Sinh nhiều không kể xiết. Vì chưng lạc thú trần gian có ai không muốn tận hưởng.
Ai không tin hãy lên điện Huệ Vũ trên núi Nam Hoa trong dãy Đại Khai Trướng xin một cụm TÓC TIÊN về trồng mà coi.
Hoa thường nở từ cuối hè đến suốt mùa thu là mùa có những trận mưa lớn. Hoa sai đến độ nếu trồng nhiều tạo thành thảm thì vùng đó trở thành một thảm hoa màu hồng tuyệt đẹp. Cây hoa nhỏ khiêm nhường , thân thảo , nhưng sức sống mãnh liêt, chỉ trồng một lần, nở hoa kết củ, củ lại sinh cây mới, hàng mấy chục năm , mà mỗi năm vẫn lại xanh tươi, bắt đầu nở hoa vào tiết lập thu. Mỗi khi hoa nở ,là dấu hiệu gọi mưa tới cho nên có tên là RAIN LILY. Mỗ đã trồng dãy hoa này không nhớ rõ là hai mươi hay ba mươi năm rồi, hôm trước nó nở hoa ( ảnh), hôm nay thì mưa, thật kỳ diệu TÓC TIÊN-HUỆ MƯA
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.(Nguyễn Du)
*) 颠鸾倒凤
**) lúc khóc vẫn xinh đẹp như hoa lê trong mưa.
***) Đời người như giấc mộng. Yêu nhau hãy cùng hưởng lạc thú giao hoan. Cứ thản nhiên như thế mà sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét