Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Lên Ải Bắc (phần II)


LÊN ẢI BẮC - Ký sự của TS. XUÂN HOÀI . ( Phần II )

Dọc đường Biên cương
Ghi chép của XH

Mờ sáng 28/2/2014 , chúng tôi lên xe rời TP Cao Bằng. Trong ánh mờ sương ban mai , xe chạy dọc tường thành Cao Bằng. Thành khá cao và dài , một bên vốn là sông Bằng Giang, thế nhưng nay rẻo đất hẹp giữa tường thành và sông , nhà cửa lều quán chen gần hết, chỉ thỉnh thoảng có một khoảng trống , nhìn thấy dòng sông cạn khô , có ít nước đang chảy về phương Bắc. Cụ Ngô Trí Hưng (K4) suốt ngày hôm qua ngồi lặng lẽ và mất dạng trong buổi chiều hôm, bây giờ mới lên tiếng “giải trình”. Khi vừa đến KS, sở dĩ hai cựu chiến binh Ngô Trí Hưng và Nguyễn Bá Tuân vội chạy ra bờ sông Bằng Giang này, là sợ trời tối mất. Nguyên Ngô Trí Hưng , sau khi ở Quế Lâm về, học hết lớp 7 thì do hoàn cảnh gia đình phải thôi học, đi học nghề và gia nhập quân đội năm 1961 . Có lẽ đây là một trong những người lính đầu tiên trong hội LSQL ta, không biết Quang Trung và Huy Châu nhập ngũ năm nào nhỉ , chắc là khoảng 1962-1964 gì đó. Những năm 63-64 , Trí Hưng là lính lái đại xa của TC Hậu Cần , đóng ở Cao bằng , bên bờ Bằng Giang này. Hưng rủ bạn là Bá Tuân (K4), cựu chiến binh và thương binh , nguyên là lính bảo vệ TƯ Cục Miền nam ở Tây Ninh , chạy ngay ra bờ Băng Giang để tìm lại chốn xưa. Thật là cảm động, trên xe im phăng phắc, một ai đó lên tiếng “có tìm được không”.“Bến sông thì vẫn như xưa, tuy vẫn nhận ra , nhưng cảnh và người thì chẳng còn dấu tích, khác hẳn rồi.Xưa bờ sông rộng, xa xa chỉ vài ngôi nhà lá thôi, còn bây giờ thì..”.Lại im lặng..Tôi hỏi, sau những năm đó cậu làm gì? “ Thì lái xe đi khắp mọi con đường, chiến trường nam bắc. Đóng lại ở miền Nam và xuất ngũ không quân hàm cấp bậc vào năm 1981. Nhưng tính ra do tính cả độ nguy hiểm , độc hại ..vẫn đủ 25 để hưởng mấy đồng bạc còm trợ cấp hưu trí , lúc 42 tuổi. Các anh biết rồi đó, hưu trí của lính trơn từ những năm đó là bao !". Một ai đó lên tiếng , nhưng Hưng là giáo viên Toán nổi tiếng mà ? Đúng thế , cuộc mưu sinh đời thường khiến tôi trở thành một giáo viên luyện thi Toán cấp hai nổi tiếng Hà nội, nhiều khi phải từ chối học sinh. Cũng là do tự học và sự giúp đỡ của thầy Hàn Liên Hải ,dạy toán chúng ta hồi Quế Lâm.Và , điều ngạc nhiên nữa, Ngô Trí Hưng, với nhiều cảm xúc và nỗi thăng trầm của cuộc đời , đã kết đọng lại trên đầu ngọn bút và trở thành một nhà văn lúc nào không biết. Đến nay , Hưng đã có 5,6 đầu sách , tuyển tập đã xuất bản.Và cảm động hơn nữa, người động viên và đỡ đầu Hưng viết lách chính là nhà văn nổi tiếng  Nguyên Kiên, tức thầy Hưởng phụ trách thiếu nhi khăn đỏ của chúng  ta ngày xưa đó. “Xin tặng các bạn tuyển tập truyện ngắn gần đây  nhất của tôi, do nhà XB lao động ấn hành 2010”. Thế là cả hội LSQL ồ lên, nhận quà và Hưng phải ký tặng mỏi tay. Cuộc đời thật kỳ lạ , phải không ? Nguyễn Bá Tuân ngồi cạnh thì thầm, trợ cấp thương binh của tôi được 1 triệu, đủ cho tôi mỗi năm mua vé 3 lần ra Bắc. Khi nào có chuyến đi đâu, các anh nhớ gọi tôi. Vâng ,tất nhiên rồi , chúng ta là gia đình LSQL mà ! Thật là ý nghĩa khi đoàn hành hương  có hai cựu chiến binh cùng tham gia để thắp nén hương cho đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường chống Trung quốc xâm lược , 35 năm trước. Ai có thể quên, có thể giấu , nhưng chúng tôi, tất cả gia đình LSQL chúng tôi không bao giờ lãng quên !

Trời sáng rõ. Đường số 4a Cao Bằng Lạng Sơn chạy giữa khe núi dọc theo biên giới Việt Trung. Phía bắc là những rặng núi đá vôi cao sừng sững như bức trường thành. Cứ nghĩ , không hiểu làm sao mà quân TQ lại bất ngờ đưa được cả xe tăng vượt núi vào đây. Anh lái xe của đoàn, vốn là cựu chiến binh năm 79 kể cho cả đoàn nghe rằng có nơi quân TQ dùng tời thả xe tăng trên núi xuống. Giá mà hồi ấy iphone ,Ipad thịnh hành như bây giờ thì có khối ảnh minh chứng. Và cũng phải nói thêm rằng, đội quân thứ 5 của TQ rất thiện nghệ. Họ đã nằm vùng từ lâu, lòng sông ,khe suối, đường mòn nào cũng thuộc lòng , cho nên ngay giai đoạn đầu, từ ngày 17 dến ngày 28  hôm nay 35 năm trước quân Trung Quốc đã chiếm được các thị xã Lào Cai, Hà Giang ,Cao Bằng, và một số thị trấn như Đông Khê cách Cao Bằng 50 km trên đường 4a, nơi chỉ còn mấy phút nữa chúng tôi sẽ dừng chân.

LÊN ẢI BẮC - Ký sự của XUÂN HOÀI ( phần 1)



Thứ Ba, ngày 04 tháng 3 năm 2014




ĐƯỜNG LÊN ẢI BẮC MÙ SƯƠNG
                                                                 Ghi chép của Xuân Hoài 
Mông mênh miền biên giới
Rầu rầu nghẹn tiếc thương
 Lom khom nấm mộ cỏ
Rõi rõi theo dọc đường 

                       (Thơ Song Thu)
Ngồi trước màn hình , nhiều cảm xúc quá , mãi mà chưa biết bắt đầu viết về chuyến hành hương như thế nào thì nhận được email của Song Thu : “… anh vào Blog em đọc thơ thẩn của em nhé!”. Bài thơ dài man mác, các bạn vào “Hoa sim tím” mà đọc nguyên văn. Với tôi , chỉ hai mươi chữ này thôi , đã đủ lay động lòng người, đã nói giùm cả con đường biên giới mông mênh, chứ không phải mênh mông đâu, mênh mông là trời biển kia…còn đây là con đường biên giới len lỏi giũa những đèo cao,vực sâu , khe núi hẹp , lên rồi lại xuống mông mênh, bồng bềnh trên mây ngàn , dập dình theo bánh xe lăn , chênh vênh như lòng người hành hương lên ải bắc mù sương. Ai đó lại hỏi , sao lại nói là lên ải Bắc. Đúng quá bạn ơi. Đích đến hôm nay là Cao Bằng. Thành lũy ở Cao Bằng đã từng  là hoàng cung của một quốc gia. Nhiều giả thuyết cho rằng Cao Bình xưa đã từng là cố đô của Thục Phán nước Âu Việt- về sau hợp nhất với Lạc Việt của Vua Hùng ,thành An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, thiên đô về Cổ loa. Đến đời nhà Lý năm 1038 Nông Tồn Phúc cát cứ vùng này, xưng đế hiệu, đặt tên nước là Trường Sinh. Năm sau, vua Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên, nhưng đến năm 1041 con Nông Tồn Phúc là Nông Trí Cao lại dấy binh, đặt tên nước là Đại Lịch, vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về Thăng Long, rồi dùng chính sách chiêu an tha cho về phong làm Quảng Nguyên mục, sau gia phong tước Thái Bảo. Năm 1048 Nông Trí Cao xưng là Nhân Huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, đem quân sang đánh nước Tàu, chiếm 8 châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, nhà Tống phải cử tướng Địch Thanh thảo phạt. Bị thất bại, Nông Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý và bị bắt giết. Hơn bốn trăm năm sau, Nhà Mạc bị nhà Lê đánh đuổi cũng rút lên đây, nhà Mạc lập cung điện tại Gò Long trong thành Nà Lữ của Nông Trí Cao. Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ Vạn Ninh, trước khi chết để di chúc cho Mạc Kính Cung: "Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời, dân ta vô tội mà để phải mắc nợ binh đao, sao lại nỡ thế. …Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng" (theo Đại Việt sử ký toàn thư - NXB VHTT năm 2000, tập 3, trang 294). Đại Việt và vùng Cao Bằng bất đắc dĩ đã là hai quốc gia, nên quân lính Việt lên Cao bằng là lên nơi biên ải, có câu ca não nuột khi anh lính chia tay vợ con: Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa  chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.