Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Lên Ải Bắc (phần cuối)



Thứ Sáu, ngày 14 tháng 3 năm 2014


LÊN ẢI BẮC - Ký sự của TS. XUÂN HOÀI ( Phần cuối)


Xứ Lạng một buổi trưa mùa xuân
                                                            Bài và ảnh:  Xuân Hoài 


Ts.Xuân Hoài
Rời Khánh Khê , thắp được nén hương ở đài kỷ niệm, cũng thấy đỡ nặng lòng hơn ,để về Lạng Sơn. Tuy vậy , không tìm được nơi quy tập mộ các LS hy sinh ở đây , vẫn thấy  áy náy. Nhất là mấy đứa TSQ khu 4 , như Khoa Phi, Uy Liêm, Hồng Nhật và tôi , vì chúng tôi biết , trong số 635 liệt sĩ của Sư đoàn 337 ngã xuống nơi đây , có rất nhiều đồng hương của mình . Sư đoàn 337 là của quân khu 4, được điều gấp trong 5 ngày ra đây đánh trận này. Các anh ở lại nơi nào , có được về với quê cha nghèo mẹ khổ không !
Chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn , nơi quy tập các liệt sĩ của địa phương suốt các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp, Mỹ và Trung quốc.
 Có một ngôi mộ hình tháp đặc biệt nằm riêng biệt. Đến gần đọc mới biết đây là nơi yên nghỉ của một người bạn Nhật , nhà báo Y SAO  TAKANO, báo Akahata, hy sinh tại thị xã Lạng sơn ngày 7/3/1979. Nguyệt Ánh kể cho biết khi làm cuốn phim nổi tiếng “ Thị xã trong tầm tay “đạo diễn Đặng nhật Minh , anh ruột của Nguyệt Ánh, vừa là đạo diễn đồng thời cũng thủ vai nhà báo này.
Chúng tôi chia nhau đi thắp hương trên mồ các Liệt sĩ , đặc biệt khu mộ các liệt sĩ hy sinh năm 1979 và về sau đều nằm ở phía ngoài , gần lối vào nên có lẽ chúng tôi thắp được gần hết. Hương hoa được Hà , Bích Ngân, Thu Giang cẩn thận chuẩn bị từ Hà Nội . Vào nhà Bia ghi tên các Liệt sĩ mới thấy hết sự mất mát ,hy sinh của dân tộc ta  lớn chừng nào. Chỉ một thị trấn, bây giờ là Thành Phố Lạng Sơn thôi mà có đến hàng ngàn liệt sĩ có tên tuổi, còn bao nhiêu người liệt sĩ vô danh  nữa nằm rải rác khắp đất nước. Không biết ai đó đã phát hiện thấy có một chuyện nhỏ nhưng không bình thường , đó là các liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh chông Pháp ,Mỹ thì ghi rõ ràng là Liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ . Còn liệt sĩ hy sinh năm 1979 và về sau thì chỉ ghi là liệt sĩ bảo vệ TQ. Mọi người tỏa ra xem, thì thấy tất cả bảng ghi tên liệt sĩ của các phường thuộc TP Lạng Sơn đều ghi như vậy , có vài bảng thì ghi rõ hơn là liệt sĩ bảo vệ tổ quốc chứ không viết tăt là TQ.