Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước


Từ khi mà những vấn đề cốt lõi về cải cách hệ thống chính trị còn bị coi là cấm kỵ, thì bằng trí tuệ mẫn tiệp, một tấm lòng đầy thiện chí, GS Hoàng Tụy đã đặt ra thảo luận rằng cần phải “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống”.

Đối với quyền lực, lời nói thẳng thường khó nghe, chưa nói rằng sự kiêu ngạo quyền lực luôn không chịu chấp nhận sự thật do những bộ óc sáng suốt của trí thức chỉ ra. Ít ai biết rằng, nhiều thập kỷ trước, các GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Hoàng Phương… từng bị đấu tố dữ dội vì tội hữu khuynh trong đào tạo, chỉ trọng chuyên coi nhẹ hồng. GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy bị buộc rời khỏi công việc giảng dạy và điều đi khỏi trường Đại học Tổng hợp.

Nhưng chỉ khi nhìn thẳng thắn, mới nhận diện được vấn đề cốt lõi ngăn cản dân tộc phát triển.

Hãy cùng đọc lời bàn của GS Trần Xuân Hoài về cuốn sách "Xin được nói thẳng", tập sách giúp chúng ta hiểu rõ nhiều điều tâm huyết của một nhà toán học lỗi lạc, một trí thức chân chính, một kẻ sĩ hiếm có thời nay.


GS Hoàng Tụy: Một trí thức lớn, một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước

14/06/2019 08:35 - Trần Xuân Hoài
Thật khó mà có thể điểm qua, dù là sơ sài nhất những bài viết vô cùng mẫn tiệp của một bộ óc sáng láng, một tấm lòng đầy thiện chí, luôn canh cánh trong lòng vì dân vì nước của Giáo Sư Hoàng Tụy.

Với tư cách Tổng bí thư (TBT) và Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đặt ra ở Hội nghị Trung ương X, tháng 5/2019 vừa qua ba câu hỏi:
“Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”
“Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”
“Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?”
Những câu hỏi đó là những vấn đề cốt lõi về tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống nhà nước, trước đây thường được coi là cấm kỵ. Thế nhưng Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi tiếng, một trí thức tiêu biểu, luôn dấn thân cho sự tiến bộ xã hội, ngay từ 7 năm trước, 2012, trong một số báo xuân của Tia Sáng đã trình bày những tư tưởng mạnh dạn đó trong bài viết “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống”.
Tác giả đã viết: “…Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân…”. Giá như những lời tâm huyết, nói thẳng đó được các cấp lãnh đạo nhà nước lưu tâm, như TBT và CTN Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra câu hỏi trong những ngày vừa qua, thì ít nhất nước Việt chúng ta không mất thêm ít nhất là 7 năm (và có thể hơn nữa) chỉ để chính thức nhận ra vấn đề cốt lõi ngăn cản dân tộc phát triển.

KIẾP NHÂN SINH

KIẾP NHÂN SINH NHƯ NGỌN ĐÈN, NHƯ MÂY NỔI, NHƯ LỬA ĐÁ, NHƯ CHIÊM BAO !

Cuối những năm 80, mỗi khi ghé qua Mạc Tư khoa tôi thường ghé thăm gia định Trần Định, khi đó ở cùng chung cư của nhà khách sứ quán Việt Nam. Hết thời hạn Đại diện thường trú Báo Ảnh VN , Định trở về nước. Khoảng năm 94, 95 gì đó, tôi từ CHLB Đức về , đang đi trên đường bỗng có tiếng gọi giật giọng, quay lại nhìn, hóa ra Định đang chạy theo. 
-Ơ Định, sao nhếch nha nhếch nhác thế này?
-Em vừa ở Hỏa Lò ra.
-Tác nghiệp gì ở đấy, sao không mang máy ảnh đồ nghề ?  Định cười hồn hậu:
- Em bị giam mấy ngày ở đấy, vừa được thả ra lại gặp ngay Anh.
Tôi há hốc mồm, ngạc nhiên không thể nói nổi. Định lại cười, kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. 
- Mấy hôm trước em được công an mời lên đồn, tra hỏi em, nói rằng em có kể chuyện tiếu lâm chính trị về chuẩn bị Đại Hội Đảng. CA họ nói rằng, họ đã điều tra nguồn gốc chuyện tiếu lâm này và người ta khai ra rằng, họ nghe em kể trong quán cafphe. Bây giờ em phải khai ai là người sáng tác ra chuyện đó hay là nghe ai kể. Trời đất ơi, khai thế nào bây giờ đây ?
- Thế em khai thế nào? Bọn nhà báo chúng mày thì tán láo, kể tiếu lâm chính trị ở Nga quen rồi chứ gì ?
- Nào em có phải là thằng sáng tác đâu. Mấy thằng nhà báo hèn bị nó dọa quá, khai ra cho em đấy chứ. Em biết thừa thằng nào khai, thằng nào kể, nhưng em không khai.
- Sao vậy.
- Em đâu có phải thằng hèn, khai để hại chúng nó à! Em chỉ bảo em có nghe chuyện tào lao ai đó kể trong quán cafphe nhưng quên mất , không biết là ai. Họ dọa mãi không được, và nói anh không nói ra đầu mối thì chính anh là người sáng tác. Anh có khai không, nếu không chúng tôi sẽ bắt nhốt anh. Em nhất định không khai, thế là họ nhốt em vào Hỏa Lò thật. Nhưng chẳng ăn thua, em chẳng nói gì, chán quá họ vừa thả em ra đây này...
Đấy, Trần Định ,Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng là như vậy. Luôn hồn hậu, xả thân cho nghệ thuật, vô tư lo lắng giúp đỡ mọi người, nhận cái thiệt thòi về mình. Định từng nằm chờ từ 3,4 giờ sáng bên hồ để rình chụp cho được một giọt sương trên cánh sen lúc tia nắng đầu tiên rọi tới. Mười năm được phân công và theo nguyện vọng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Định cầm máy theo chân Đại tướng ghi lại những khoảnh khắc hoạt động và đời thường, là người duy nhất có bộ sưu tập ảnh đồ sộ về cuộc đời Đại tướng. Đã từng là một trong những người khởi xướng và là nghệ sĩ nhiếp ảnh chính một thời của Tạp Chí “ĐẸP”, Nghệ sĩ Trần Định đã để lại cho đời những bức hình đẹp cả tâm hồn và khuôn hình thiếu nữ tuyệt đỉnh sáng tạo của tạo hóa. Thế rồi có lần Định than thở, “em chẳng làm cho tạp chí đó nữa , tạp chí giờ thành cái máy in tiền nên chúng nó đẩy em ra , em cũng chẳng cần .” Thế đấy ,Định luôn luôn quên đâu là đời thực, đâu là cuộc sống mơ mộng, cảm tính của một nghệ sĩ. Nhớ một năm nào đó, Định gọi điện cho tôi:
- Anh ơi, em bị họ bắt tống lên xe bus rồi...và tắt máy cái rụp. Tối khuya, Định về gặp tôi kể, em vừa cầm máy ra gần SQ Trung quốc để chụp cảnh người biểu tính chống dàn khoan TQ, thì bị CA bắt tống lên xe bus chở lên tận Đông Anh giữ cả ngày rôi thả ở đó, em lân mò vừa về đến Hà Nội.
- Lần sau, phải khôn khéo nhé, ai lại cầm cái máy to tướng của mày để hành nghề lại chui lên đầu cả đoàn biểu tình thì họ tóm ngay.
Lần sau, thì Định cẩn thận hơn, năm 2014, vào dịp tưởng niêm 35 năm TQ xâm lăng biên giới , cuộc tưởng niệm công khai bị cấm. Tôi bảo “đi theo anh” , và hai anh em chúng tôi vẫn tìm cách tham gia tưởng niệm và chụp được những bức ảnh để đời. Đó là những bức ảnh tưởng niệm bên Tháp Bút và ảnh có mặt của ông anh của Định với những người trẻ tuổi TQ đang theo dõi cuộc tưởng niệm tự phát của dân Hà Nội.
Mười giờ đêm thứ năm vừa rồi  Định bỗng vào fac của tôi , viết comment và like hơn hai chục stt của tôi đăng trước đó, như kiểu duyệt lại fac của tôi vậy, thấy lạ quá. Cũng khuya đó thấy Định share bài khảo cứu mới nhất của tôi về nghề luyện sắt của tổ tiên người Việt vừa đăng trên TIA SÁNG…Thế mà ba giờ sau đó… Định ơi , cậu em thân thiết của tôi , đứa con cháu hiếu thảo của dòng tộc Trần (xuân) Gia Phố đã đột ngột ra đi…và ra đi mãi mãi. Định ơi, hai anh em mình đang dự định tháng sau cùng mấy anh em dòng tộc Trần Gia Phổ con cháu cụ Trần Xuân Đào từ khắp đất nước cùng về quê, tưởng niệm 65 năm nhà chúng mình bị bom Pháp tàn phá và giết hại mẹ tôi…Hết rồi , cả kế hoạch  sau đó mấy anh em sẽ cùng nhau đi chiêm bái núi Giăng Màn,  Miệu Trầm Lâm, Sơn Phòng Hàm Nghi, Chùa Am của quận chúa Huy Chân, đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện, Thành Lục niên của Lê Lợi, Lam Thành ,….những chứng tích, địa danh, đền thờ của những sự kiện, nhân vật lịch sử sáu trăm năm có lẻ, được kể lại trong tiểu thuyết lịch sử “KIM THIẾP VŨ MÔN”. Định sẽ kể lại câu chuyện lịch sử đó bằng ảnh , như anh em mình từng ấp ủ. Thế là hết, anh viết tiểu thuyết KIM THIẾP VŨ MÔN, thi sĩ Trần Dương Long đã chuyển nó thành thơ lục bát, Định sẽ chuyển nó thành quyển truyện bằng ảnh và các nghệ sĩ khác cùng anh em mình đang ấp ủ làm bộ phim lịch sử hoành tráng…Nhưng em đi rồi…biết làm sao đây?!!
Con cháu chắt gia tộc cụ Trần Xuân Đào ở Hà Nội 2010. Định ngồi thứ 2 từ trái sang

Định với tôi sống với nhau từ tấm bé. Cha tôi là anh ruột cha của Định. Mẹ của tôi là em họ mẹ của Định. Trong máu thịt của Định có dòng máu của họ Trần Gia Phố nổi tiếng Hương khê với những nhà Nho ẩn dật, của những nhà giáo, những kỹ sư, nhà khoa học, nhà văn nhà báo, không màng danh lợi. Có dòng máu của họ Phạm (ông ngoại Định) danh giá với những tên tuổi lớn như ông Phạm Khắc Hòe, Đạo diễn Phạm Thị Thành, nhà báo Phạm Khắc Lãm…và họ Hoàng Xuân , một dong họ quý tộc (bà ngoại Định)     mà các tên tuổi như Hoàng xuân Hãn, Hoàng xuân Nhị, Hoàng xuân Tâm…ai cũng biết. Cả hai họ Phạm và Hoàng đều ở Kẻ Trổ (chợ Trổ nay là Đức Nhân) Đức thọ. Cho nên anh em chúng tôi thường tự giới thiệu là mẹ Đức Thọ bọ Hương Khê. Chúng tôi sinh trưởng ở miền núi, uống nước Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La mà lớn lên, tuy cũng không nhiều. Cha tôi ở lại trong nam chiến đấu, Tôi theo mẹ chạy loạn từ Đà Lạt về năm 46, cuối năm đó cha mẹ Định cũng chạy loạn từ Phan Rang về quê. Cha tôi con cả nên mẹ con tôi ở với ông bà nội trên ba gian nhà chính. Gia đình Định ở nhà ngang, cùng chơi trên một sân chung. Định sinh ở quê năm Hợi, 1947, lúc đó tôi đã 6 tuổi.
Chạy giặc từ Phan Rang về quê với ông bà nội ở Gia Phố. Ông nội bế Định khoảng năm 1949-1950
Khi Định 5 tuổi, mới biết chạy đuổi theo tôi, thì tôi đã rời quê hương sang Lư Sơn. Về nước thì quê nhà tan nát, vì CCRD ập đến , ông Nội bị vây hãm đấu tố chết đói trong cô đơn. Cha Định dạy học trong núi sâu và nhà Định chuyển theo cha, thoát được CCRD , nhưng cuối cùng cũng phải chạy khỏi quê hương ra Hà Nội. Năm 63,64 tôi về Hà Nội dạy trường Đại Học Tổng Hợp, cha Định    đi dạy học ở Ghi-Nê tận châu Phi xa xôi, gửi Định lại cho cha tôi nuôi dạy và nhờ tôi kèm cặp.
Những năm đầu thập kỷ 60, Định( áo đen) ở với tôi ở 278 Hàng Bột. 
Định vừa 14,15 tuổi nghịch ngợm, ngỗ ngược..như bất kỳ đứa trẻ nào vào tuổi đó. Tôi thường bắt Định ngồi học trước mặt tôi, nhưng có lần bạn gái tôi đến, loắng một cái Định đã thừa cơ biến mất, trốn đi chơi tối mới lò dò về, nhìn anh cười khì khì …Ôi , biết bao kỷ niêm thời thơ ấu, anh em sống với nhau. Tôi sang Đức, khi về thì Định đã học xong ĐH Ngoại ngữ khoa tiếng Nga, rồi máu nghệ sĩ nổi lên, bỏ nghề phiên dịch, đi học nhiếp ảnh trở thành phóng viên ảnh của VNTTX. Định trở thành Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh từ đó.
Định ơi! Dòng họ Trần nhà ta, người miền núi, đều sống thọ 95-100 tuổi cả. Cha em cũng hưởng dương 95 tuổi. Năm nay là năm hợi , đúng tuổi của em.
Mông hai tết Kỷ Hợi 2019
Tết năm hợi vừa qua , anh cùng em vừa thưởng thức bạch trà mở đầu cho một năm mới đầy dự định . Thế mà giờ đây, tiếc thương, tiễn đưa em về cõi vĩnh hằng, khi em chưa hưởng được trọn tuổi trời. Ôi cuộc đời thật vô thường !  Trời xanh ơi, sao lại nỡ ngoảnh mặt với người giàu tình nặng nghĩa như vậy…
ÔI, KIẾP NHÂN SINH LÀ THẾ, NHƯ NGỌN ĐÈN, NHƯ MÂY NỔI, NHƯ LỬA ĐÁ, NHƯ CHIÊM BAO !

Vĩnh biệt em, Trần xuân Định !