Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013


            
THƯ NGỎ CỦA NHÀ BÁO TRẦN ĐÌNH BÁ 
GỬI TBT ĐẢNG CSVN NGUYỄN PHÚ TRỌNG   

      Trần Đình BḠlà một sĩ quan quân đội, nguyên phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Ông là một trong những cây bút điều tra gạo cội với nhiều bài báo chống tiêu cực, tham nhũng hữu hiệu đã đăng tải trên nhiều báo khác nhau. Chuỗi những bài điều tra, tham gia“phá án” của Trần Đình Bá đã hơn một lần được tập hợp, in thành sách như là những giáo trình hướng dẫn làm phóng sự điều tra đối với  không ít sinh viên và những nhà báo trẻ. Trần Đình Bá thuộc lớp những nhà báo vua biết mặt – chúa biết tên. Cách đây hơn hai năm ông đã từng gửi tới tổng bí thư đảng csvn – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng những tâm tư, trăn trở của một nhà báo nhiều thâm niên bằng một bức thư riêng. 
            Bức tâm thư của ông bị rơi vào quên lãng.
           Chiều 11-5-2013, trong nỗi ưu tư, đượm buồn sau khi chứng kiến cuộc tường thuật phiên bế mạc hội nghị trung ương 7 ĐCSVN, Trần Đình Bá trao quyền cho tôi chuyển những tâm sự, trăn trở của ông thành Thư ngỏ gửi TBT Nguyễn Phú Trọng với những dòng tâm sự:
          “ - Với mong muốn các nhà lãnh đạo chúng ta cũng biết tiếp thu những ý kiến chân thành của con dân họ như Tổng thống Mỹ B.Clinton đã từng viết thư trả lời thư của một Việt kiều khi anh đề nghị Tổng thống Mỹ nên cho xây dựng những tượng đài kỷ niệm cuộc chiến tranh Mỹ- Việt. Gần đây Tổng thống Nga V. Putin đã cho thực hiện ngay lập tức đề nghị của một cháu bé muốn có một sân chơi tập thể cho các bạn cháu cùng trang lứa ở một vùng quê xa  xôi hẻo lánh của nước Nga… nên tôi cho công bố bức thư này để bạn đọc gần xa lượng định”. 
                Tiếng nói Trần Gia xin đăng tải nguyên văn bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đình Bá gửi TBT Nguyễn Phú Trọng.
                                                                             (Trần Định- Nhà báo, NS Nhiếp ảnh)
                                                         *
*            *
Cột mốc cũ ở khu vực Thác Bản Giốc với những chữ Trung quốc
Nhà báo TRẦN ĐÌNH BÁ














                        Hà nội ngày Mồng một Tết Tân Mão ( 3/2/2011)
                        Kính gửi:   Tổng bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
          Nhân ngày đầu xuân Tân Mão, cho phép tôi được gửi tới Tổng Bí thư – Chủ tịch Quốc hội và gia đình lời chúc sức khỏe đầu năm, toàn gia An khang Thịnh vượng. Tôi vô cùng tâm đắc khi nghe lời phát biểu, căn dặn, nhắc nhở, động viên các cán bộ nhân viên, phục vụ bảo vệ khu Di tích Bác Hồ tại nhà sàn Bác ngày 30 Tết Tân Mão của Tổng Bí thư - Chủ tịch Quốc hội. Vì vậy tôi xin được gửi tới Tổng Bí thư – Chủ tịch Quốc hội thư này với một số ý kiến như sau:
          I- Về đối nội
          1. Đảng ta luôn lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của  mình.
          1.1.  Về Chủ nghĩa Mác -Lênin: Nhiều nguyên lý cơ bản nhất, nhiều nội dung chủ yếu nhất của Chủ nghĩa Mác –Lênin đã không còn phù hợp trong thời đại hiện nay và thực tế Đảng ta cũng đã từng điều chỉnh nên mới thu được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế và xã hội như trong những năm Đổi Mới vừa qua.
          Một thực tế khác là: Cu ba, Triều Tiên vì quá  máy móc, giáo điều, không chịu điều chỉnh về kinh tế xã hội… nên đất nước họ trì trệ kéo dài, cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực lầm than.
          1.2. Về tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo tôi tư tưởng của Bác Hồ như một bầu trời đầy sao lấp lánh. Ánh sáng của muôn vàn vì sao đó không chỉ soi rọi con đường giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, xây dựng con người của Việt Nam chúng ta mà còn có tác dụng lớn lao cho toàn nhân loại.. Nhưng trước hết và lớn nhất tư tưởng của Ngưởi là Xây dựng Nước,  Xây dựng Đảng , Xây dựng lực lượng vũ trang
          Về xây dựng nước: Bác đã nêu rất rõ khi người khai sinh ra Nước ngày 2/9/1945…
          VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
          ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC
          Nghĩa là: thể chế nước là DÂN CHỦ CỘNG HÒA. Mục đích, mục tiêu là DÂN TỘC ĐỘC LẬP DÂN QUYỀN TỰ DO, DÂN SINH HẠNH PHÚC.
          Về xây dựng Đảng: Người cũng đã nêu rất rõ, khi Người đặt tên Đảng là ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM có nghĩa Đảng của chúng ta là Đảng của  những người lao động, vì hạnh phúc của người lao động.
          Về xây dựng lực lượng vũ trang: Bác đã chỉ rõ: “ Quân đội ta trung với NƯỚC, hiếu với DÂN…”. Lẽ nào học tập tư tưởng Bác mà chúng ta lại dám khi quân, sửa cả lời dạy của Bác: “ Quân đội ta trung với ĐẢNG…
           Tôi hy vọng rằng trong nhiệm kỳ XI này, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy trả lại tên Nước, tên Đảng đúng như tên Bác Hồ đã đặt ra.
            Nếu Đảng ta dũng cảm và kiên quyết dám nhìn nhận và sửa chữa sai lầm như Đảng đã từng làm thời Bác Hồ thì chắc chắn và dứt khoát không có một thế lực nào phá hoại được, thay thế được sự lãnh đạo của Đảng.
             Muốn làm được điều đó tôi nghĩ Đảng ta cần thực hiện được ba điều kiện, ba yêu cầu có tính tiên quyết sau đây:
1. Công tác cán bộ: Mặc dầu Đảng ta rất chú trọng, rất quan tâm, mất nhiều tiền của công sức để đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ rất hùng hậu, nhưng thực tế cho thấy còn lâu, còn lâu lắm chúng ta mới có một đội ngũ cán bộ có đức, có tài toàn tâm toàn chí vì Nhân Dân, vì đất nước như đội ngũ cán bộ thời Bác Hồ.
2- Dân chủ trong Đảng : Lâu nay có một thực tế làm cho dư luận hết sức quan tâm, bức xúc. Riêng tôi rất băn khoăn và có cả sự đau lòng. Đó là một số cán bộ cao cấp khi không còn giữ quyền lực đã có một số việc làm, một số phát biểu hoàn toàn trái ngược với quan điểm, đường lối chính thống. Tôi chưa đủ trình độ để thẩm định sự đúng sai của những việc làm, những quan điểm đó. Điều tôi quan tâm là những việc làm, những quan điểm của những nhà lãnh đạo đó đã nói lên một điều rất hệ trọng đó là tính chiến đấu, tinh thần phê và tự phê của các vị đó lúc còn đương chức rất yếu kém. Phải chăng việc thực hiện dân chủ trong Đảng kể cả trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của Đảng trong thời gian qua là có vấn đề, là chưa tốt. Chúng ta còn nhớ trước đây ông Trần Xuân Bách đã sẵn sàng từ bỏ quyền lực, quyền lợi để bảo lưu quan điểm của mình. Tôi không đủ trình độ để thẩm định về đúng sai của quan điểm, nhưng về bản lĩnh con người của ông Trần Xuân Bách thật đáng trân trọng.
Tôi hy vọng rằng, những nhà lãnh đạo khi còn đương chức nên sẵn sàng bày tỏ thể hiện quan điểm của mình, sẵn sàng tranh luận nội bộ về những quan điểm đó. Biết đâu từ những việc làm thẳng thắn cởi mở và xây dựng của những cán bộ cao cấp, đương chức, Đảng ta sẽ có những biện pháp phù hợp hơn với tình hình của xã hội, của Đất Nước và xu thế của thời đại.
3. Về phòng chống tham nhũng: Nạn tham nhũng hiện nay là cực kỳ nguy hiểm, đó thực sự là một hiểm họa đe dọa sự ổn định và phát triển của Đất Nước, đe dọa sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay của chúng ta theo tôi, còn mang nặng tính hình thức. Nhiều thế lực tham nhũng, nhiều vụ tham nhũng lớn, cực lớn vẫn chưa ai đụng chạm tới, vẫn tha thồ tác oai, tác quái, mặc sức hoành hành tàn phá đất nước.
              Kính thưa Tổng Bí thư - Chủ tịch Quốc hội!
Nhiều người cho rằng: Nếu cứ để tình trạng tham nhũng như hiện nay hoành hành, Đảng, Nhà nước không ngăn chặn được, không đẩy lùi được thì sự ổn định và phát triển của Đất nước và phát triển của Đảng rất khó được bảo đảm về tính bền vững.
          II. Về đối ngoại:
              Lịch sử mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ cho thấy công tác đối ngoại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Lịch sử cũng cho thấy trong công tác đối ngoại khi nào chúng ta giữ vững được nguyên tắc độc lập tự chủ thì chúng ta thành công và ngược lại.
              Liên quan đến công tác đối ngoại, tôi thấy phương Tây có một câu châm ngôn triết lý: “ Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn…”
Thật tiếc rằng, trong một thời gian khá dài, từ sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất Đất Nước đến hết thế kỷ XX, kéo thêm dăm bảy năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của chúng ta đã không ý thức được một cách sâu sắc ý nghĩa của câu châm ngôn đó làm cho đất nước đã phải gánh chịu thêm tổn thất về người, về của, về biên giới, hải đảo.
              Cũng trong công tác đối ngoại, nhằm tranh thủ đối tác, tranh thủ người đối thoại lâu nay trong nhiều văn bản, nhiều lời phát biểu, nhiều lời tuyên bố của nhiều nhà lãnh đạo thường dùng cụm từ: “ Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” . Tôi nghĩ dùng cụm từ đó hoàn toàn không ổn, hoàn toàn không chuẩn về triết học, về lịch sử, đặc biệt về mặt tình cảm, trong đó có cả yếu tố tâm linh. Theo tôi ta nên thay đổi từ đó  bằng cụm từ: “ Không để quá khứ cản trở ( hoặc làm ảnh hưởng) đến mối quan hệ ( hoặc sự hợp tác) trong hiện tại và tương lai”.
              Trong công tác đối ngoại, tôi nghĩ xử lý mối quan hệ với Trung quốc là khó khăn nhất, là phức tạp nhất, là quyết định nhất. Về quan hệ đối ngoại với Trung quốc tôi thấy trong một thời gian khá dài ( khoảng trên 30 năm) chúng ta làm chưa tốt, lúc thì quá cứng, lúc lại quá mềm. Thật may mắn vài năm gần đây chúng ta đã kịp thời điều chỉnh nên phần nào đã ngăn chặn được nhiều hành động ngông cuồng của Trung quốc trên biển Đông.
               Mối quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam mang tính đặc thù về lịch sử, về địa lý, về xã hội, về chính trị và bao trùm lên tất cả Trung quốc là một nước láng giếng khổng lồ với một tư tưởng xuyên suốt từ ngàn đời nay là ĐẠI HÁN BÀNH TRƯỚNG
            Về mặt lịch sử xã hội: Với hơn một ngàn năm Bắc thuộc và vài ba trăm năm của các triều đại sau đó, có thể nói rằng hầu hết người Kinh của chúng ta hiện nay đều có nguồn gốc từ người Trung quốc. Về mặt địa lý với hai con sông lớn nhất của Việt Nam là sông Hồng và sông Cửu Long đều có khởi nguồn nằm sâu trong lãnh thổ của Trung quốc. Qua hàng triệu năm bồi lắng và chở nặng phù sa, một phần đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội và một phần đồng bằng sông Cửu Long đều được bồi đắp bởi một phần phù sa từ Trung quốc. Như vậy, về con người, về đất đai quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc là mối quan hệ hết sức mật thiết.
              Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ đã tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ vô cùng to lớn của Trung quốc. Có thể nói không sai rằng nếu không có lương thực, thực phẩm, thuộc men, vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác của Liên Xô, Trung quốc cung cấp, chúng ta khó lòng chiến thắng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
             Trung quốc, Liên Xô và nhiều anh em bè bạn ủng hộ chúng ta đánh Mỹ và chúng ta đã thắng Mỹ giải phóng được dân tộc, thống nhất được Đất Nước. Có một thực tế rất chua chát rằng Trung quốc giúp chúng ta đánh Mỹ nhưng Trung quốc không muốn chúng ta thắng Mỹ, không muốn chúng ta thống nhất đất nước. (Thật đáng thương cho nhân dân Triều tiên khi những nhà lãnh đạo của họ, để giữ được quyền lực “cha truyền con lối” đã buộc lòng phải biến mình thành con bài, con rối trong tay nhà cái). Trung quốc chỉ muốn Mỹ sa lầy ở Việt Nam để Mỹ suy yếu, để họ mặc cả, để họ vươn lên. Thực tế chúng ta thắng Mỹ, Trung quốc đã thu được “siêu lợi nhuận”. Trung quốc không muốn ai lớn mạnh trừ họ. Một bằng chứng hùng hồn, một bài học lịch sử mà các thế hệ người Việt Nam phải khắc sâu vào khối óc trái tim đó là sau khi chúng ta thắng Mỹ thống nhất Đất Nước, Trung quốc đã nuôi dưỡng bọn Pôn Pốt gây ra cuộc diệt chủng khủng khiếp cho người dân Campuchia, gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với chúng ta và sau đó họ trực tiếp mang 60 vạn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc của chúng ta. Có một nguồn tin đưa ra một con số: số thương vong của chúng ta (trong hai cuộc chiến tranh biên giới và giúp Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt) gấp ba lần số thương vong của chúng ta trong chín năm đánh Pháp.
              Kính thưa đồng chí Tổng Bí Thư-Chủ tịch Quốc hội !
              Những gì tôi diễn giải nêu trên về Trung quốc để đi đến một điều là tình hình Hải đảo và biển Đông. Có thể khẳng định dứt khoát rằng: Tham vọng bành trướng của Trung quốc ở biển Đông không bao giờ thay đổi và ngày nay khi họ có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng hậu thì tham vọng đó càng có điều kiện bùng lên mạnh mẽ.
              Cách đây khoảng 20 năm, trong một bức thư gửi các đồng chí ủy viên Bộ chính trị, đề cập đến các dự án dầu khí, tôi có viết (đại ý): Theo tôi, trong thời gian trước mắt việc tranh chấp biên giới trên đất liền của chúng ta ít có khả năng xảy ra, còn việc tranh chấp trên biển Đông rất dễ xảy ra. Nếu việc đó xảy ra thì lực lượng Hải quân của chúng ta chắc chắn không đủ sức để đương đầu với họ. Vì vậy để đối phó với những tình huống xấu đó, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng:
1. Các dự án dầu khí lớn, chúng ta cần giành sự ưu tiên đặc biệt cho các tập đoàn lớn của các cường quốc lớn.
2. Cần xây dựng những hải đoàn dân quân tự vệ trên biển. Nếu theo luật pháp quốc tế tàu đánh cá của ngư dân không được trang bị vũ khí. Thì lực lượng này nằm trong sự chỉ huy kiểm soát của hải quân hoặc bộ đội biên phòng các tỉnh có biển, coi như đây là lực lượng quân đội làm kinh tế.
Kính thưa Tổng Bí thư- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng !
Suốt đời tôi làm lính không có thời gian và điều kiện để học hành tử tế, nên sự hiểu biết, nền kiến thức của tôi còn rất nông cạn. Nếu những gì tôi nêu trong bức thư này là chưa phù hợp, chưa chín chắn, rất mong được Tổng Bí thư–Chủ tịch Quốc hội lượng thứ.
Một lần nữa cho phép tôi trân trọng kính chúc Tổng Bí thư- Chủ tịch Quốc hội và gia đình  khỏe mạnh hạnh phúc !
                                Viết xong Rằm tháng Giêng Tân Mão                                                                                                        Kính thư 



                                                                    TRẦN ĐÌNH BÁ
                           ______________________________________________

1 nhận xét: