Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

CÀ PHÊ THỨ BẢY
THƯ MỜI
CÀ PHÊ VĂN HỌC

Anh chị và các bạn thân mến!
Vào 14h30 chiều thứ bảy ngày 20/05/2017
tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
Số 3A Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Buổi CÀ PHÊ VĂN HỌC với chủ đề:

VĂN CHƯƠNG VỚI LỊCH SỬ VÀ KHOA HỌC
(về Tiểu thuyết KIM THIẾP VŨ MÔN của Thâm Giang Trần Gia Ninh)

Chủ trì: GS CHU HẢO
Với sự góp chuyện của tác giả Thâm Giang TRẦN GIA NINH

Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp

GĐ CPTB
Dương Thụ
_____________________________________________________________________ 

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Văn chương là hồn, lịch sử là cốt







Văn chương là hồn, lịch sử là cốt
(Cảm nhận khi đọc tiểu thuyết HUYỀN THOẠI KIM THIẾP VŨ MÔN)
  NGỤY HỮU TÂM
  • Chủ nhật, 07 Tháng 5 2017 10:23
                    

Tác giả Thâm giang Trần Gia Ninh - Trần Xuân Hoài

Khi cầm quyển sách trên tay và lật giở mấy trang , cảm nhận đầu tiên, như nhà văn Phạm Quang Đẩu đã viết, là “lạ và mới ở một quyển tiểu thuyết Lịch sử, một quyển sách sinh động và hấp dẫn“[1]. Nhà báo và phê bình văn học Hồng Sơn của báo QĐND thì nhận xét là quyển sách “đã dựng lên những thân phận con người những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng, đọc rất hấp dẫn”[2]. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của các anh, đó là Lạ, Mới, Sinh động, Hấp dẫn. Tuy nhiên tôi muốn bổ sung một nhận xét khác nữa, mà các anh chưa đề cập tới.
Trang mạng “Những quyển sách yêu thích -  www.lovelybooks.de”   của nước Đức gần đây có tổ chức  cho độc giả bình chọn các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử  hay nhất (Autoren, die die besten historischen Romane schreiben). Tiêu chí hay (tiếng Đức:gut) để bình chọn là „ Những tiểu thuyết lịch sử hay là khi nhà văn dẫn chúng ta lạc vào thời quá vãng và làm cho chúng ta cảm nhận rằng, đúng là lịch sử được tái hiện thực sự chính xác như thế- Historische Romane sind dann gut, wenn die Autoren es schaffen uns in vergangene Jahrhunderte zu entführen und wir dabei das Gefühl bekommen, genau so muss das damals gewesen sein. “[3] . Kết quả bình chọn, thì Alexandre Dumas dù là tác giả lừng danh của những „Ba chàng Ngự lâm pháo thủ“, „Hoàng Hậu Margo“… chỉ được xếp thứ 13. Không có gì lạ, Dumas đã từng tuyên bố:  "Lịch sử là cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi". Aragon với “Tuần lễ thánh” và “Vũ Như Tô” hay “Đêm Hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác… cũng theo cách hư cấu như vậy. Xếp hạng hàng đầu thực sự hay theo tiêu chuẩn như trên là dành cho những tiểu thuyết lịch sử thực sự, trong đó tác giả tôn trọng, coi lịch sử không phải chỉ là cái đinh, mà là một cơ thể; văn chương chỉ được phép khoác cho nó bộ trang sức hư cấu lung linh đủ để thổi hồn cho cơ thể lịch sử phục sinh như nó đã từng sống mà thôi. Cũng giống như độc giả ngày nay, Maxim Gorky ngày trước đã đánh giá trong văn học Nga, “ Pie Đại đế” của Alexei Tolstoi mới thực sự là tiểu thuyết lịch sử. Nếu độc giả Á Đông tham gia đánh giá, chắc là bộ “Tam quốc Diễn Nghĩa” bảy thật ba giả của La Quán Trung cũng được xếp hạng cao theo tiêu chí Tiểu thuyết Lịch sử thật sự hay này. Dễ hiểu là những tiểu thuyết lịch sử thực sự, khi hư cấu bị tác giả tự hạn chế, là rất khó viết và thành công lại càng hiếm hoi, đặc biệt là trên văn đàn nước Việt xưa nay. Tôi cho rằng, ở một chừng mực nào đó, KIM THIẾP VŨ MÔN đã cố gắng để tiếp cận tiêu chuẩn này.
Nhà văn Phạm Quang Đẩu kể rằng, khi vừa đọc hết quyển sách, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Hán ngữ nổi tiếng Trần Đình Hiến đã phải thốt lên “Nguồn tư liệu từ sử sách và điền dã  cực tốt!”.  Quả thật mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của tiểu thuyết đều được xây dưng sống động trong khung cảnh của những sự biến lịch sử thật sự. Đây là một điểm son làm nên giá trị về nội dung của Huyền thoại KTVM. Với một bút pháp văn chương, như nhà báo Hồng Sơn nhận xét, đậm màu của một thời quá vãng, ngôn từ và cách diễn đạt mang dáng dấp xưa mà không cổ, tiết tấu nhanh và tiết giản, khiến cho người đọc bị cuốn hút như được xem một cuốn phim sống động với nhiều scene lãng mạn kỳ thú, kể về những nhân vật và diễn biến lịch sử bi hùng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu thế kỷ XV. Sách được viết theo thể chương hồi gồm 14 chương 37 hồi. Thể loại tiểu thuyết này rất thích hợp cho các tiểu thuyết võ hiệp biên niên sử, nhưng rất khó viết cho các loại tiểu thuyết về nhân thế, tình yêu, thân phận con người. Có thể nói tác giả đã khá thành công khi sử dụng thể loại chương hồi khô khan mà vẫn dựng lên được những thân phận, những câu chuyện lịch sử lãng mạn, bi tráng. Nhờ thể loại chương hồi, tác giả không hề phải lộ diện, mà để cho lịch sử và nhân vật tự kể chuyện mình. Người đọc không khỏi ngậm ngùi  cho một tráng sĩ  không gặp chủ cũng không gặp thời như Đặng Dung, đã phải vạch đá ghi những vần Cảm Hoài hào sảng ai oán. Những trường đoạn tả về thác Vũ Môn lồng lộng trong hình ảnh của đôi trẻ Hà Ất-Mai ly “lồ lộ hai tấm thân trần non tơ ríu rít bên nhau mơn mởn căng tràn nhựa, thanh khiết giữa trời mây non nước…“ đã dẫn dắt độc giả vào một mối tình hoang sơ, lãng mạn vô chừng. Có được mối tình như duyên trời định với quận chúa Huy Chân mà dũng tướng Nguyễn Tuấn Thiện đành vì đại nghĩa dằn mình chịu dang dở nhìn nàng  phải lên bành voi về cung thành thân với Lê Lợi khiến ai cũng tiếc nuối.…Đó là những nốt lặng văn chương, những giây phút đắt giá trong cơn lốc vó ngựa dồn dập của sự biến lịch sử.  Nhân vật lịch sử có số phận gây nhiều tranh cãi như Phan Liêu, tuổi trẻ tài cao, lạc lối giữa thù hận và trách nhiêm, cùng với mối tình đam mê oan trái với Xuân Liên cũng được khắc họa rất nổi bật. Giá như tác giả đẩy bi kịch số phận những nhân vật Tuấn Thiện, Phan Liêu,…lên cao trào hơn nữa thì sẽ tuyệt vời hơn ! Và nếu vào tay những cây bút thời thượng, chắc sẽ viết sexy hơn nữa cho hợp trào lưu văn học đương đại (nhưng tôi thì không muốn Trần Gia Ninh viết như vậy)!
Khác với khi đọc các tiểu thuyết khác, đọc KTVM độc giả còn được tiếp nhận nhiều điều bổ ích và lý thú từ kho tàng văn chương, lịch sử, minh triết cổ kim đông tây mà tác giả đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm, cùng nhiều chú giải tỷ mỉ, đến độ mà có cảm tưởng như đang đọc một khảo luận khoa học bằng văn chương.
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà bình luận Nguyên Hải trên tờ Tia Sáng, khi thốt lên “tổ tiên ta giỏi quá”. Còn nhà văn Nguyễn Thế Hùng trên báo Văn Nghệ Công An đã viết rất chí lý rẳng  đọc Kim Thiếp Vũ Môn “ để  tin và yêu thêm đất nước mình”
Ngay cả chữ KIM THIẾP ở tên sách cũng chỉ được giải mã khi ai đó đã đọc hết quyển sách. Cũng không có gì lạ, vì tác giả vốn dĩ là một nhà khoa học và ông coi đây là một tiểu thuyết khảo luận, học thuật. Tác giả còn lo rằng, vì thế mà với nhiều độc giả, quyển sách này có thể sẽ rất khó đọc. Tôi, người viết bài này, vốn dĩ cũng là một người cùng nghề làm khoa học tự nhiên như tác giả, cho nên rất hiểu tâm trạng và cảm xúc của một nhà khoa học toán lý cầm bút, luôn tự biết mình là kẻ ngoại đạo văn chương. Vì vậy, dù trong lời Cẩn Bạch, tác giả thổ lộ rằng “chỉ mong góp được vài mẩu vụn vặt cho ai đó khi gẫu chuyện với  tri kỷ mà thôi “ . Tôi thì không nghĩ thế mà cho rằng mọi độc giả đều có thể và nên đọc quyển tiểu thuyết lịch sử có phần độc đáo này và chắc chắn sẽ không thất vọng vì sự hấp dẫn, kỳ thú của quyển sách mà tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã mượn văn chương để thổi hồn cho lịch sử sống động và còn gửi gắm nhiều hơn thế, tùy cảm nhận của từng người đọc... Có bạn đọc kể rằng, sau khi đọc xong quyển sách quá hấp dẫn này, liền thực hiện chuyến hành hương về Hoan Châu, đến tận đôi bờ sông Lam, sông La, ngược lên thung lũng Ngàn Sâu, Ngàn Phố để chiêm bái các địa danh, chứng tích và kỷ niệm của lịch sử đã trải sáu trăm năm có lẻ mà quyển sách đã kể lại. Đó có lẽ là thành công ngoài mong đợi của bất kỳ tác giả nào. Và cũng nên nói thêm, trong tình trạng  văn đàn  hiện nay, việc nhà xuất bản Văn Học cho ra đời  quyển tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn” quả là có con mắt xanh, một điểm son đáng ghi nhận. Chỉ tiếc là số lượng in quá khiêm tốn, khiến độc giả nay không thể tìm đâu ra sách, nhiều nhóm phải photocopy để chuyền tay nhau đọc.




[1]  Theo bài bình luận của nhà văn Phạm quang Đẩu về quyển sách “Huyền thoại KTVM” đăng trong Bán Nguyệt San "TINH HOA VIỆT" trang 15, số 6, ra ngày 25/6/2015).
[2]  Hồng Sơn,Đọc HT KTVM: Một khúc bi tráng,Sự Kiện& Nhân Chứng ,báo QĐND, trang 39
[3] http://www.lovelybooks.de/autoren/historische-romane/Autoren-die-die-besten-historischen-Romane-schreiben-464890264/


Tường thuật cuộc tọa đàm về Tiểu thuyết Lịch sử "KIM THIẾP VŨ MÔN" tại Đại Học KHXH&NV-ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI



07/05/2017
Ngụy Hữu Tâm
Cuộc tọa đàm, diễn ra sáng 5.5.2017 tại Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đã thành công hết sức tốt đẹp.
Từ trái qua: GS.TS Trần Ngọc Vương, Trần Gia Ninh, GSTS Trần Nho Thìn

Cuộc tọa đàm „Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử“ do Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, và Nhà xuất bản Văn học đồng tổ chức. Đây có thể nói là một trường hợp hy hữu trên văn đàn Việt nam hiện nay khi một quyển sách ra đời thầm lặng cách đây hai năm, của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, một cái tên lạ hoắc trong giới văn chương, lại gây được sự chú ý của người đọc, của các văn sĩ và của giới học thuật. Thật ra thì tác giả quyển sách không phải là xa lạ, ông vốn là một nhà khoa học khá nổi tiếng, nguyên là Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN.
Ông tên thật là Trần Xuân Hoài, lấy bằng Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học (Dr.habil) tại trường Đại Học Humboldt, Berlin, từng là Giáo sư thỉnh giảng (visiting Professor) của nhiều trường đại học châu Âu.
Rất nhiều những nhân vật tên tuổi, nổi trội trong văn chương, học thuật đã đến dự và phát biểu, tham luận, tranh luận rất sôi nổi.
Mở đầu, TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, vui mừng thông báo, sau hai năm, cuốn sách „Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn” đã được tái bản.

"Hư cấu và Sự thật trong TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ"- Tọa đàm về tiểu thuyết "Huyền thoại KIM THIẾP VŨ MÔN" của Thâm Giang TRẦN GIA NINH





KIM THIẾP VŨ MÔN , Nhà Xuất Bản Văn Học
In lần thứ 1: 2015
In lần thứ 2: 2017
__________________________________________________________
Lời Nhà xuất bản
 (cho lần in  thứ 2)
Trước khi in bất kỳ tác phẩm nào, đối với Nhà xuất bản Văn học, câu hỏi quen thuộc nhất là: Quyển sách này dành cho ai và ai có thể hứng thú để đọc quyển sách này? Với Kim Thiếp Vũ Môn dù rằng tác giả ngay cuối lời cẩn bạch đã nói rõ quyển sách này chỉ là để góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du. Nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này. Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc hết đến những trang cuối cùng. Độc giả đang cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết. Vâng, đúng thế, quyển sách này thuộc thể loại tiểu thuyết, nhưng là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử.
Vì vậy, sẽ không dễ đọc những trang viết ở Kim Thiếp Vũ Môn nếu đọc nó như đọc một quyển tiểu thuyết bình thường. Vì chưng đây là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế, là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời... Và hy vọng nó cũng sẽ gửi đến cho độc giả không chỉ có văn chương mà còn những chiêm nghiệm khác ngoài văn chương. Nhà xuất bản Văn học trân trọng mời quý độc giả khám phá, tìm hiểu những điểm rắc rối, khó khăn và thú vị trong mê trận của thời cuộc, sử liệu cùng truyền thuyết. Chúng tôi cũng mong chờ sự kiên nhẫn của độc giả khi phải tìm hiểu những rắc rối, ẩn ức, kỳ bí đằng sau mỗi câu, mỗi chữ, mỗi chương, mỗi hồi ở quyển sách này. Thời gian của những chuyện ghi chép ở đây lùi lại từ mấy trăm năm trước, kéo cho đến tận ngày nay. Chuyện không chỉ ở Giao Chỉ mà còn kéo từ Yên Kinh của Trung Hoa, sang tận Cao Ly, Nhật Bản... Có lúc rõ ràng như sử sách ghi chép, có khi ẩn hiện như rồng trong mây, có nhiều hồi nhiều lớp... Tiếc thay, cũng không mấy dễ đọc, khi mà cuộc đời hối hả, còn nhiều thứ dễ đọc, dễ cảm hơn!
Việc cảm nhận, đánh giá và chia sẻ là tùy thuộc vào độc giả sau khi khám phá đến những trang cuối cùng của cuốn sách!
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 Nhà xuất bản Văn học

Mấy lời cẩn bạch
(cho lần in  thứ 2)
Khi nói đến trí tuệ, văn minh phương Đông, thiên hạ hay nhắc đến bốn phát minh vĩ đại nhất - gồm có la bàn, làm giấy, nghề in và thuốc súng. Nhờ có thuốc súng, nhiều dân tộc đã chế ra được các hỏa khí như hỏa tiễn, hỏa pháo rồi đến súng thần công. Vào đầu thế kỷ 15, nhà Minh Trung Hoa đã có trong tay một loại súng gần như súng hỏa mai mà họ gọi là Thần Cơ Thương - tức súng thần, mạnh hơn cung kiếm, đánh cho quân Tacta thua tơi tả. Đây là một phát minh thần kỳ, làm thay đổi lịch sử chiến tranh của nhân loại. Sách “Minh Sử” của Trung Hoa chép: “Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập”. - Minh Thành Tổ chiếm Giao Chỉ năm 1407. "Đại Việt sử ký toàn thư" tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết"... Như vậy, người Giao Chỉ, tức người Việt, đã sáng tạo ra súng thần cơ ít nhất là cuối thế kỷ 14, cuối đời Trần. Nhà Minh đã giấu kỹ bí kíp Thần cơ đã chiếm đoạt được của nước Việt. Nhưng rồi nó cũng bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với Tacta. Cho nên hơn năm chục năm sau, vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman, rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo khẩu súng hỏa mai (matchlock musket) đầu tiên. Rồi từ đó phương Tây phát triển tiếp bao nhiêu loại vũ khí cho đến ngày nay.
Tiếc thay, các vương triều cầm quyền nước Nam xưa thường vẫn có truyền thống ngưỡng mộ, sùng bái đạo thánh hiền, chỉ chăm chú vào thi thư lễ nghĩa, tầm chương trích cú, mà vùi dập, coi thường tài năng của dân Việt, cho nên những sáng tạo của người Việt cũng lụi tàn theo thời gian. Còn sử sách nước Việt cũng không chép lại. Quyển sách này cố chép lại những điều mà chính sử đã quên lãng đó. Bạn có thể thấy nó dài dòng, vô bổ hoặc cũng có thể thấy đó là những chiêm nghiệm đáng suy ngẫm... Đơn giản, quyển sách này chỉ mong góp được một vài mẩu vụn vặt cho kẻ sĩ khi nhàn du gẫu chuyện với tri kỷ mà thôi. Bạn có thể đọc quyển sách này mà không cần chú ý đến những chú thích cuối trang hoặc cuối sách (in chữ nhỏ). Chỉ khi bạn hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì hãy đọc những phần này. Trong lần in này hồi 1 và hồi 2 đã được viết lại, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ. Tác giả xin chân thành cảm ơn các góp ý của bạn đọc, của bạn bè, các học giả, nhà văn... để hoàn thiện quyển sách cho lần in này. Đặc biệt xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn học về cặp mắt xanh và những công việc quý giá, thầm lặng mà thiếu nó quyển sách này không thể được hoàn thiện và ra đời. Khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả.. của người đi trước cũng như của người đương thời. Số lượng quá lớn, tên tuổi quá nhiều đến mức không thể kể ra đây hết được. Do vậy, người viết chỉ dám xin đa tạ công lao của các bậc tiền bối, của các tác giả đương thời. Nếu có ai nhận ra một ý, một câu chữ, lời lẽ của mình trong quyển sách này, thì xin nhận cho một lời cảm ơn chân thành, và xin lượng thứ cho sự mạo muội của người viết quyển sách này đã không thể xin phép trước.
Thâm Giang TRẦN GIA NINH  Cẩn bút


Thâm Giang TRẦN GIA NINH tự giới thiệu:
Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh. Cha tôi vốn là một công trình sư thời Pháp thuộc, tham gia kháng chiến và là lãnh đạo xây dựng ngành giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến, mẹ bị bom Pháp giết hại lúc chúng tôi còn nhỏ. Tôi được gửi vào Trường thiếu sinh, năm 1953 sang Lư Sơn, Trung Quốc từ khi mới hơn 10 tuổi, may mắn được hưởng sự giáo dục đầy đủ lúc nhỏ, lớn lên được đào tạo và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới. Tôi nhận học vị Tiến sĩ rồi Tiến sĩ khoa học đều ở Đại Học Humboldt, Berlin, Đức, là Giáo sư mời (Visiting Professor) của một vài trường đại học ở châu Âu. Từ trước đến nay, tôi chỉ làm việc trên giảng đường và phòng thí nghiệm, cho đến giờ vẫn đang cầm mỏ hàn, gõ bàn phím, dù rằng tôi mấy chục năm là Viện trưởng ,Chủ tịch HĐKH Viện Vật Lý Ứng Dụng và Thiết Bị Khoa Học, Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam...Tôi có viết khoảng hơn năm chục công trình gồm sách và báo chuyên môn, bằng sáng chế.. chủ yếu bằng tiếng Anh, Đức, Nga…
Tôi là người nghiệp dư, viết tiếng Việt những vấn đề về xã hội, cuộc sống liên quan ít nhiều đến khoa học thì dùng tên thật là Trần Xuân Hoài. Bút danh Trần Gia Ninh được dùng khi viết những vấn đề ngoài khoa học, có thể kể vài công bố gần đây như: KIM THIẾP VŨ MÔN (tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn Học 2015), NHÌN LẠI LỊCH SỬ BÁCH VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH HÁN HÓA BÁCH VIÊT (Tia sáng 2016), LẠM BÀN VỀ DẠY VÀ HỌC TIẾNG TRUNG QUỐC Ở VIỆT NAM (Tia sáng 2016), CẦN MỘT GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ KHOA HỌC MỚI (Tia sáng 2013)….