Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

"Hư cấu và Sự thật trong TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ"- Tọa đàm về tiểu thuyết "Huyền thoại KIM THIẾP VŨ MÔN" của Thâm Giang TRẦN GIA NINH





KIM THIẾP VŨ MÔN , Nhà Xuất Bản Văn Học
In lần thứ 1: 2015
In lần thứ 2: 2017
__________________________________________________________
Lời Nhà xuất bản
 (cho lần in  thứ 2)
Trước khi in bất kỳ tác phẩm nào, đối với Nhà xuất bản Văn học, câu hỏi quen thuộc nhất là: Quyển sách này dành cho ai và ai có thể hứng thú để đọc quyển sách này? Với Kim Thiếp Vũ Môn dù rằng tác giả ngay cuối lời cẩn bạch đã nói rõ quyển sách này chỉ là để góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du. Nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này. Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc hết đến những trang cuối cùng. Độc giả đang cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết. Vâng, đúng thế, quyển sách này thuộc thể loại tiểu thuyết, nhưng là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử.
Vì vậy, sẽ không dễ đọc những trang viết ở Kim Thiếp Vũ Môn nếu đọc nó như đọc một quyển tiểu thuyết bình thường. Vì chưng đây là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế, là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời... Và hy vọng nó cũng sẽ gửi đến cho độc giả không chỉ có văn chương mà còn những chiêm nghiệm khác ngoài văn chương. Nhà xuất bản Văn học trân trọng mời quý độc giả khám phá, tìm hiểu những điểm rắc rối, khó khăn và thú vị trong mê trận của thời cuộc, sử liệu cùng truyền thuyết. Chúng tôi cũng mong chờ sự kiên nhẫn của độc giả khi phải tìm hiểu những rắc rối, ẩn ức, kỳ bí đằng sau mỗi câu, mỗi chữ, mỗi chương, mỗi hồi ở quyển sách này. Thời gian của những chuyện ghi chép ở đây lùi lại từ mấy trăm năm trước, kéo cho đến tận ngày nay. Chuyện không chỉ ở Giao Chỉ mà còn kéo từ Yên Kinh của Trung Hoa, sang tận Cao Ly, Nhật Bản... Có lúc rõ ràng như sử sách ghi chép, có khi ẩn hiện như rồng trong mây, có nhiều hồi nhiều lớp... Tiếc thay, cũng không mấy dễ đọc, khi mà cuộc đời hối hả, còn nhiều thứ dễ đọc, dễ cảm hơn!
Việc cảm nhận, đánh giá và chia sẻ là tùy thuộc vào độc giả sau khi khám phá đến những trang cuối cùng của cuốn sách!
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 Nhà xuất bản Văn học

Mấy lời cẩn bạch
(cho lần in  thứ 2)
Khi nói đến trí tuệ, văn minh phương Đông, thiên hạ hay nhắc đến bốn phát minh vĩ đại nhất - gồm có la bàn, làm giấy, nghề in và thuốc súng. Nhờ có thuốc súng, nhiều dân tộc đã chế ra được các hỏa khí như hỏa tiễn, hỏa pháo rồi đến súng thần công. Vào đầu thế kỷ 15, nhà Minh Trung Hoa đã có trong tay một loại súng gần như súng hỏa mai mà họ gọi là Thần Cơ Thương - tức súng thần, mạnh hơn cung kiếm, đánh cho quân Tacta thua tơi tả. Đây là một phát minh thần kỳ, làm thay đổi lịch sử chiến tranh của nhân loại. Sách “Minh Sử” của Trung Hoa chép: “Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập”. - Minh Thành Tổ chiếm Giao Chỉ năm 1407. "Đại Việt sử ký toàn thư" tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết"... Như vậy, người Giao Chỉ, tức người Việt, đã sáng tạo ra súng thần cơ ít nhất là cuối thế kỷ 14, cuối đời Trần. Nhà Minh đã giấu kỹ bí kíp Thần cơ đã chiếm đoạt được của nước Việt. Nhưng rồi nó cũng bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với Tacta. Cho nên hơn năm chục năm sau, vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman, rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo khẩu súng hỏa mai (matchlock musket) đầu tiên. Rồi từ đó phương Tây phát triển tiếp bao nhiêu loại vũ khí cho đến ngày nay.
Tiếc thay, các vương triều cầm quyền nước Nam xưa thường vẫn có truyền thống ngưỡng mộ, sùng bái đạo thánh hiền, chỉ chăm chú vào thi thư lễ nghĩa, tầm chương trích cú, mà vùi dập, coi thường tài năng của dân Việt, cho nên những sáng tạo của người Việt cũng lụi tàn theo thời gian. Còn sử sách nước Việt cũng không chép lại. Quyển sách này cố chép lại những điều mà chính sử đã quên lãng đó. Bạn có thể thấy nó dài dòng, vô bổ hoặc cũng có thể thấy đó là những chiêm nghiệm đáng suy ngẫm... Đơn giản, quyển sách này chỉ mong góp được một vài mẩu vụn vặt cho kẻ sĩ khi nhàn du gẫu chuyện với tri kỷ mà thôi. Bạn có thể đọc quyển sách này mà không cần chú ý đến những chú thích cuối trang hoặc cuối sách (in chữ nhỏ). Chỉ khi bạn hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì hãy đọc những phần này. Trong lần in này hồi 1 và hồi 2 đã được viết lại, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ. Tác giả xin chân thành cảm ơn các góp ý của bạn đọc, của bạn bè, các học giả, nhà văn... để hoàn thiện quyển sách cho lần in này. Đặc biệt xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn học về cặp mắt xanh và những công việc quý giá, thầm lặng mà thiếu nó quyển sách này không thể được hoàn thiện và ra đời. Khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả.. của người đi trước cũng như của người đương thời. Số lượng quá lớn, tên tuổi quá nhiều đến mức không thể kể ra đây hết được. Do vậy, người viết chỉ dám xin đa tạ công lao của các bậc tiền bối, của các tác giả đương thời. Nếu có ai nhận ra một ý, một câu chữ, lời lẽ của mình trong quyển sách này, thì xin nhận cho một lời cảm ơn chân thành, và xin lượng thứ cho sự mạo muội của người viết quyển sách này đã không thể xin phép trước.
Thâm Giang TRẦN GIA NINH  Cẩn bút


Thâm Giang TRẦN GIA NINH tự giới thiệu:
Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh. Cha tôi vốn là một công trình sư thời Pháp thuộc, tham gia kháng chiến và là lãnh đạo xây dựng ngành giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến, mẹ bị bom Pháp giết hại lúc chúng tôi còn nhỏ. Tôi được gửi vào Trường thiếu sinh, năm 1953 sang Lư Sơn, Trung Quốc từ khi mới hơn 10 tuổi, may mắn được hưởng sự giáo dục đầy đủ lúc nhỏ, lớn lên được đào tạo và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới. Tôi nhận học vị Tiến sĩ rồi Tiến sĩ khoa học đều ở Đại Học Humboldt, Berlin, Đức, là Giáo sư mời (Visiting Professor) của một vài trường đại học ở châu Âu. Từ trước đến nay, tôi chỉ làm việc trên giảng đường và phòng thí nghiệm, cho đến giờ vẫn đang cầm mỏ hàn, gõ bàn phím, dù rằng tôi mấy chục năm là Viện trưởng ,Chủ tịch HĐKH Viện Vật Lý Ứng Dụng và Thiết Bị Khoa Học, Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam...Tôi có viết khoảng hơn năm chục công trình gồm sách và báo chuyên môn, bằng sáng chế.. chủ yếu bằng tiếng Anh, Đức, Nga…
Tôi là người nghiệp dư, viết tiếng Việt những vấn đề về xã hội, cuộc sống liên quan ít nhiều đến khoa học thì dùng tên thật là Trần Xuân Hoài. Bút danh Trần Gia Ninh được dùng khi viết những vấn đề ngoài khoa học, có thể kể vài công bố gần đây như: KIM THIẾP VŨ MÔN (tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn Học 2015), NHÌN LẠI LỊCH SỬ BÁCH VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH HÁN HÓA BÁCH VIÊT (Tia sáng 2016), LẠM BÀN VỀ DẠY VÀ HỌC TIẾNG TRUNG QUỐC Ở VIỆT NAM (Tia sáng 2016), CẦN MỘT GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ KHOA HỌC MỚI (Tia sáng 2013)….


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét