Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

NĂM MƯƠI NĂM VIỆN VẬT LÝ VÀ BA MƯƠI NĂM TỪ CHỨC , RỜI VIỆN VẬT LÝ

https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=2414224535457803&id=100006108397631

NĂM MƯƠI NĂM VIỆN VẬT LÝ VÀ BA MƯƠI NĂM TỪ CHỨC , RỜI VIỆN VẬT LÝ
Trần xuân Hoài

Hôm qua được mời dự lễ 50 năm thành lập Viện Vật lý, nơi mình đã dành hết 20 năm tuổi trẻ sáng tạo nhất với tư cách trưởng PTN Vật lý Chất Rắn và Phó Viện trưởng thường trực.


Đối với một người làm khoa học, xây dựng được một PTN mạnh là ước mơ lớn nhất và khó nhất. Năm đó 1989 vì nhiều lý do, mình đã từ chức p Viện trưởng. Dù đã từ bỏ chức vụ rồi nhưng không ngờ lúc đang công tác ở nước ngoài thì PTN cũng bị giải tán (bằng cách sáp nhập và cử trưởng phòng khác).

“Chúng tôi nhất trí bầu đồng chí Trần xuân Hoài làm trưởng phòng, phụ trách khoa học. Vì đồng chí Hoài hiện nay đang đi công tác vắng, do đó chúng tôi muốn chờ đồng chí Hoài về để cùng thảo luận về phương hướng nhiệm vụ của phòng”....( đoạn gạch đỏ )
May mắn sao các cộng sự trẻ của mình đã bất chấp mọi áp lực quyết bảo vệ PTN và trưởng phòng thí nghiệm. Sau này nhiều người thắc mắc sao mình không nhận những chức vụ cao được bố trí trong bộ máy nhà nước hoặc không ra nước ngoài theo lời mời hấp dẫn. Mình nợ các cộng sự khoa học đã cùng mình xây nên PTN và bảo vệ mình lúc bị đàn áp. Vì vậy mình tuy đã rời bỏ VVL nhưng không đi đâu cả , mà dù gặp vô cùng khó khăn , đã cùng nhiều cộng sự rời VVL và lập nên Viện Vật lý Ứng Dụng và thiết bị khoa học ngày nay. Tình người, tình bạn, tình đồng nghiệp đó là cái quan trọng nhất của cuộc đời.

CHÂN DUNG MỘT NHÀ PHÁT MINH VỪA ĐOẠT GIẢI NOBEL


CHÂN DUNG MỘT NHÀ PHÁT MINH VỪA ĐOẠT GIẢI NOBEL
https://www.facebook.com/100006108397631/posts/2402967553250168/
Trần Gia Ninh
Vào cuối thập kỷ 40, một chàng trai xấp xỉ 30 tuổi đến xin ghi tên vào hoc ngành Vật Lý ở Đại Học Chicago, viên chức phụ trách đăng ký mỉa mai hỏi “ Này anh bạn , anh có biết có ai đã làm nên điều gì hay ho khi ở tuổi của anh bạn mà mới đăng ký học Vật Lý ?” . Anh bạn trẻ lúc đó đã kể lại chuyện này chính là J.B. Goodenought, năm nay 97 tuổi

, hôm qua 9/10/2019  vừa được trao giải Nobel Hóa học 2019 về những đóng góp phát triển nên Pin Li-ion, mà chỉ riêng năm nay doanh số trên thế giới đã xấp xỉ 100 tỷ USD. Thực ra thì  ông có rất nhiều đóng góp quan trọng cho các lĩnh vực vật lý, hóa học và kỹ thuật nổi tiếng trong cộng đồng học thuật, còn phát minh nổi tiếng mà công chúng biết đến chỉ là về công nghệ tạo nên pin lithium-ion phổ biến hiện nay. Kích thước và hình dạng của pin này chỉ cỡ một thanh kẹo cao su, bề ngoài nhìn như miếng nhựa và kim loại nhỏ nhoi, nhưng  đó là trái tim đang đập của điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số của bạn, thậm chí cả máy khoan điện, xe điện… của bạn. Ở cùng độ tuổi của ông ấy, hầu như tất cả các đồng nghiệp đã rời nhiệm sở và PTN từ lâu, nhưng Goodenough vẫn làm việc toàn thời gian, công bố phát hiện của mình và hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ. Ông đang muốn tạo ra một bước đột phá lớn về dự trữ năng lượng khác nữa, một cái gì đó cỡ pin lithium-ion, khiến cho thiết bị điện tử tiêu dùng với giá cả phải chăng và sử dụng thuận tiện. Ông tâm sự “Tôi đang cố gắng hết sức để đưa chúng ta đến điểm mà chúng ta có thể tự cai sữa khỏi nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta không có nhiều thời gian nữa đâu”
Con đường học hành của Goodenought thật quanh co. Lớn lên vào những năm 1920 tại một khu nhà ở nông thôn bên ngoài New Haven, Connecticut, là một đứa trẻ tò mò, và khát vọng nghề nghiệp đầu tiên của cậu vào năm 10 tuổi, là trở thành một nhà thám hiểm.
Mặc dù cha cậu, một giáo sư lịch sử tại Yale, đã kiếm được một mức lương tốt, nhưng bố mẹ cậu đã chi tiêu vượt quá khả năng của họ và cuộc hôn nhân của họ thật khốn khổ , cuộc sống gia đình luôn căng thẳng. Goodenough nhớ về những ngày đó,và biết rằng thời đó khó mà ai có thể ly hôn.
Chẳng may là  Goodenough mắc chứng bệnh undiagnosed dyslexia (chứng khó đọc vô căn ?), khiến việc đọc trở nên khó khăn. Suốt thời gian đi học phổ thông, Goodenough được coi là một học sinh kém, mang danh là “khuyết tật học hành “ ( learning disability). “Tôi biết tôi không thông minh” Goodenough tự thú nhận. Thì ca và thần học (poetry and religious philosophy) là hai hứng thú đeo đẳng với chàng trai này suốt đời. Goodenough nói rằng đối với anh ta công việc và đức tin luôn song hành. Có hai loại kiến thức: kiến thức tâm linh và kiến thức trí tuệ, và mỗi loại đều có chỗ của nó trong cuộc sống.
Anh học toán tại Đại học Yale, tự  trả học phí  bằng tiền dạy kèm. Thế chiến II nổ ra, anh nhập ngũ và phục vụ quân đội với tư cách là một nhà khí tượng học. Sau khi giải ngũ, anh đang định về học trường luật thì một cựu giáo sư đề nghị anh tham gia một chương trình liên bang đưa các cựu chiến binh vào học sau đại học (graduate  & Ph.D) về toán và vật lý. Chỉ với một vài lớp học khoa học đại cương (undergraduate), anh đã thiếu chuẩn bị khi đăng ký vào Đại học Chicago và bị nhân viên tuyển sinh mỉa mai. Goodenough đã coi đó như một thách thức và đã nỗ lực mạnh mẽ , hoàn thành khóa học tiến sĩ của mình một cách xuất sắc . Anh cũng gặp một sinh viên tốt nghiệp lịch sử tên là Irene Wiseman. Cô thích tranh luận về triết học và tôn giáo cũng giống như anh, và họ đã yêu nhau qua các cuộc thảo luận kéo dài hàng giờ tại khuôn viên International House. Họ đã có một đám cưới nhỏ vào năm 1951, và sau đó họ chuyển đến Boston nhận công việc đầu tiên của Goodenough tại MIT. Ở đó, anh ta chuyên về  bộ nhớ cho máy  tính thời kỳ sơ khai. Vào những năm 1950, máy tính có kích thước khổng lồ , được tạo thành từ khoảng 18.000 ống chân không thủy tinh tương tự như bóng đèn. Nhưng đèn điện tử chân không tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và chiếm nhiều không gian và thường xuyên quá nóng. Vì vậy, Goodenough và nhóm của ông đã tìm ra một thứ tốt hơn bóng chân không nhiều: đó là  bộ nhớ bằng lõi từ tính. Hệ thống này đã sử dụng một loạt các vòng từ tính để lưu trữ dữ liệu. Lõi từ nhanh hơn, rẻ hơn và đáng tin cậy hơn, và nó đặt nền tảng cho bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) mà tất cả chúng ta dùng ngày nay.
Sau khi đột phá bộ nhớ lõi từ, Goodenough đã xuất bản một quyển sách về cách thức hoạt động của từ tính ở cấp độ nguyên tử. Định luật Goodenough-Kanamori đã trở thành một bước ngoặt của nghiên cứu hóa học và vật lý chất rắn và cho đến tận ngày nay vẫn là cẩm nang cho các nhà nghiên cứu từ trường và vật liệu từ.
Vào mùa thu năm 1973, 12 quốc gia Trung Đông đã cắt dòng chảy dầu sang Hoa Kỳ để phản đối quốc gia hỗ trợ quân sự của Israel. Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu,  đã khiến Goodenough suy nghĩ. Điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió được hứa hẹn, nhưng chưa ai tìm ra công nghệ để làm cho các lựa chọn thay thế này có giá cả phải chăng và có thể mở rộng đại trà. Goodenough băn khoăn , liệu ta có thể là người làm việc đó không?
Ngay khi Goodenough đang suy ngẫm về những câu hỏi đó, Quốc hội đã thông qua dự luật yêu cầu các phòng thí nghiệm do quân đội tài trợ, bao gồm Phòng thí nghiệm Lincoln lab của Goodenough tại MIT, tập trung vào nghiên cứu với các ứng dụng quốc phòng. Công việc năng lượng lý thuyết như Goodenough, được xem là quá trừu tượng để đầu tư. Ông bắt đầu tìm kiếm các công việc khác và tìm thấy một cơ hội hấp dẫn ở Teheran. Iran và Hoa Kỳ là đồng minh và Goodenough đã mơ ước được đưa công việc của mình đến các nước đang phát triển từ lâu. Nhưng Irene còn phân vân khuyên không nên. Nghe lời vợ, thay cho việc sang Iran, Goodenough đã chấp nhận đến làm việc tại Đại học Oxford. Sau đó, Shah bị phế truất, Hoa Kỳ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao, và đất nước rơi vào hỗn loạn và bạo lực của Cách mạng Iran. Goodenough đã rút ra kết luận “ Hãy luôn vâng lời vợ. Cô ấy đã cứu tôi khỏi phạm nhiều sai lầm tai hại! “
Năm 1976, năm Goodenough chuyển đến Oxford, Exxon chế tạo  pin lithium-ion có thể sạc lại đầu tiên nhờ vào công việc của một nhà hóa học tên là M. Stanley Whittingham (cũng được Nobel năm nay). Nhưng pin của  Whittingham có một lỗi thiết kế lớn: Nó thường phát nổ. Với hy vọng tìm ra thứ gì đó ổn định hơn, Goodenough và các nhà nghiên cứu của ông đã bắt đầu mày mò hướng về một nhóm các hợp chất hóa học gọi là oxit kim loại có tính chất chèn Li (Intercarlar) . Phải mất bốn năm, vào năm 1980, cuối cùng họ đã thắng lợi: đó là tìm ra oxit coban.
Đó là Cathode (cực âm) cho pin lithium-ion đầu tiên có công suất và hiệu suất lớn, đủ để cung cấp năng lượng cho cả các thiết bị nhỏ gọn và tương đối lớn, chất lượng cao, đã làm cho nó vượt trội hơn bất cứ thứ gì trên thị trường. Nó sẽ tạo ra một pin có năng lượng gấp hai đến ba lần so với bất kỳ pin nhiệt độ phòng có thể sạc lại nào khác, với kích thước nhỏ hơn nhiều và nhưng lại có hiệu suất tương đương hoặc tốt hơn. Kết quả này đúng là bom tấn !
Trong vòng một thập kỷ, thiết kế Goodenough đã có hàng triệu thiết bị điện tử dùng đến nó. Điện thoại di động, máy ảnh và máy tính đều trở nên nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn và phổ biến hơn nhờ cực âm coban-oxit và Goodenough sớm được biết đến là cha đẻ của pin lithium-ion. Nhiều đồng nghiệp của anh thời đó đã cho rằng nếu giải thưởng Nobel không được trao cho phát kiến này thì giải thưởng này là một trò hề.

Dù rằng mọi người cho rằng đây  là thành tựu sáng giá nhất của Goodenough, một thành tựu nổi tiếng đáng tự hào nhất. Nhưng Goodenough lắc đầu nói rằng “Không phải thế, sở dĩ tôi nổi tiếng chẳng qua là vì họ kiếm được bộn tiền nhờ thành tựu đó thôi mà ! "(Trong khi các công ty như Sony kiếm được hàng tỷ đô la, thì Goodenough đã không được một xu tiền bản quyền! ). Ông nói rằng, ông tự hào hơn về những đóng góp của mình cho khoa học cơ bản và những nhịp cầu mà ông đã kết nối giữa vật lý, hóa học và kỹ thuật. Những khám phá đó ít hấp dẫn hơn và ít lợi nhuận hơn, và chúng không pải là những đề tài dễ dãi cho truyền thông đại chúng..
Trong đời ,ông đã nhận nhiều sự tri ân của nước Mỹ như Huy chương Khoa học Quốc gia năm 2011 và Huy chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia năm 2010,  nhận Huy chương từ Tổng thống Obama trong Phòng phía Đông Nhà Trắng vào ngày 1 tháng 2 năm 2013.
Trong 29 năm làm việc ở Đại học Texas (UT), Goodenough đã giành được gần như mọi giải thưởng lớn về khoa học và kỹ thuật của thế giới. Giải thưởng Nhật Bản, Giải thưởng Enrico Fermi và Giải thưởng Charles Stark Draper, chỉ là một trong những giải thưởng danh giá nhất. Năm 2012, Tổng thống Obama bắt tay và choàng vào cổ ông Huân chương Khoa học Quốc gia. Hàng trăm sinh viên mà ông ấy đã góp sưc đào tạo, giúp đơ nay đều đang phát triển sự nghiệp rực rỡ. Nhưng thật bất ngờ, khi bạn hỏi các đồng nghiệp và bạn bè về Goodenough, thì họ không nói nhiều về  những thành tựu này. Thay vào đó, họ chỉ luôn luôn ca ngợi về nhân cách của ông: Ông là một hình mẫu cho sự cố gắng và  tận tâm. Ông ấy rất tốt bụng và không có gì khiến ông ấy thất vọng. Hiếm có một con người như thế trên thế gian này. Những thành tích khoa học của ông ấy quá lớn, nhưng điều đáng ngưỡng mộ nhất là trái tim và lòng tốt của ông ấy. Từ ông ấy, chúng ta học được cách tập trung vào công việc, sống tích cực mỗi ngày và rồi những điều tốt đẹp sẽ tiếp nối.
Mỗi chiều lúc 4:00, Goodenough lái chiếc Honda Accord của mình từ văn phòng đến viện dưỡng lão North Austin nơi Irene hiện đang sống. Bà ấy đang ở giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, và mặc dù không thể nói được nữa, bà  ấy siết chặt tay ông trong khi họ xem tin tức. Hơn 64 năm kết hôn, họ đã cùng nhau ăn tối mỗi tối và điều đó đã không thay đổi, ngoại trừ việc bây giờ ông phải đút cho bà ăn, vì bà không thể tự ăn được nữa. Ông vẫn đánh dấu sinh nhật của bà và kỷ niệm ngày cưới của họ bằng cách mang cho bà một bó hoa và một bài thơ viết tay. Ông tâm sự : “Với tôi mỗi tối đên với cô ấy là rất quan trọng.Tôi đến mỗi tối để cô ấy biết rằng tôi yêu cô ấy. Chúng tôi không có con cái, vì vậy những gì chúng tôi có là chúng tôi có nhau.”
Goodenough thường đi ngủ sớm, sau đó thức dậy và đến văn phòng muộn nhất là 7:30. Ông ấy nói rằng ông ấy chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu: “Tôi muốn trở nên hữu ích cho đến cuối đời.” Hiện nay ông ấy lại đang nghiên cứu một loại pin thông minh hơn, hiệu quả hơn. Kể từ khi phiên bản pin lithium-ion của ông được tung ra thị trường vào năm 1991, các nhà nghiên cứu khác đã có thể có nhiều cải tiến    khá lớn
Mở pin Li-ion ra, bạn chỉ thấy ba tấm mỏng như ba tờ giấy cuộn lại. Trên ba lá mỏng đó chứa tất cả những điều bí mật kỳ diệu.

Ghép các pin Li-ion lại có thể nên một bộ accu lớn đủ để chạy cả chiếc xe bus. Tương lai nhân loại đang chờ đợi những phát minh tiếp theo.
. Theo Goodenough “ Pin mỗi năm lại nhỏ hơn và nhẹ hơn một ít, nhưng sự thay đổi này không đủ cơ bản để biến ô tô điện trở thành một lựa chọn khả thi cho hầu hết các lái xe. Những gì chúng ta cần không phải là một sự cải tiến dần dần, mà là một bước nhảy vọt,. Xã hội của chúng ta vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chúng ta phải sớm tìm được một giải pháp thay thế. Sự nghiệp này bất cứ ai cũng có thể làm được, nhưng không phải là Goodenough nữa. Tôi chẳng qua là may mắn ở đúng nơi, đúng lúc. Tôi không nghĩ rằng tôi đã tìm ra một cái gì đó, tôi chỉ nghĩ rằng tôi chỉ đóng góp chút gì thêm  vào đó thôi  (. “I happened to be in the right place at the right time. And I don’t think about what I get out of something, I think about what I put into it.”) .

(Lược thuật theo bài The Inventor BY ROSE CAHALAN in FEATURES, JULY | AUGUST 2015 ON JULY 1, 2015 đăng trên Texas Exes. . Lưu ý bài này rất dài,  viết năm 2015 lúc đó Goodenough 93 tuổi, nay ông 97 tuổi , mới được trao giải nobel . Trộm nghĩ bài gốc vừa dài vừa viết theo văn phong Mỹ, khá khó cho người dù biết tiếng Anh nhưng không phải là dân bản xứ , cho nên tôi mạo muội lược viết lại chứ không lược dịch nguyên văn, xin được lượng thứ)

P/S: PIN Li-ion vùa được tôi trình bày tại Semina của CafeVL ngày 3/10/2019 ,tại Viện Vật Lý. Cho đến hiện nay dù rất tốt nhưng PIN chỉ đạt chưa nổi một nửa chất lượng theo lý thuyết. Con đường còn rất dài và cửa còn rất rộng mở cho các nhà Vật lý-Hóa Hoc-Công nghệ trẻ của VN tham gia, và là một miếng bánh rất tốt và đầy tiềm năng sinh lời cho các nhà doanh nghiệp có tham vọng. Tiếc răng hơn 25 năm trước tôi đã viết giới thiệu và khuyến cáo Vietnam nên nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực này, vì rất tiềm năng và dễ đồng hành cùng thế giới. Không ai thèm nghe. Lúc bấy giờ TQ còn là số không. Bây giờ họ gần như là số 1 thế giới. Dù ai chê bai Tàu, nhưng cũng phải khâm phục sự nhạy cảm của họ.


.

TRÍ THỨC – HÈN YẾU HAY HÈN HẠ




https://www.facebook.com/100006108397631/posts/2385149718365285/

TRÍ THỨC – HÈN YẾU HAY HÈN HẠ ?
(Thế sự phiếm đàm hay nôm na là Tán gẫu chuyện đời. Bài dài, khó đọc. Người viết đã mệt óc, người đọc sẽ mệt hơn. Xin cân nhắc trước khi đọc , kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe)

Martin Luther King nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Nhưng vì sao người tốt lại thường phải im lặng ?

STASI là tên gọi tắt của Staatssiherheitsdienst, cơ quan mật vụ Đông Đức ,từng  là một cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới. Mức độ kìm kẹp của STASI đối với trí thức Đức phải nói là rất khiếp, chặt chẽ hơn ta nhiều. Tôi mời bạn tôi sang VN làm việc, mọi thứ xong xuôi nhưng ông bạn không được sang VN vì máy bay thời đó phải transit Karashi, và ông này trong danh sách của STASI là không được phép qua một nước thuộc phe bên kia. STASI báo cho ông ta biết như vậy, không dấu giếm. Nước Đức rất sợ trí thức bỏ chạy, vì họ biết rõ vai trò trí thức. Vào năm 1989, tôi từng cãi nhau với cậu bạn W. phụ trách đối ngoại của viện Hàn Lâm kh Đức, mà cậu ta không dấu diếm là STASI. Tôi bảo rằng DDR chắc chắn sẽ sụp. Cậu ta bảo tôi, không bao giờ, DDR không phải Balan, vì trí thức Đức vẫn im lặng. Nhưng chỉ mấy tuần sau đó, khi mà Hungari mở cưa biên giới với Áo, thì hàng vạn kỹ sư, Bác sĩ, nhà khoa học Đông Đức ùn ùn kéo nhau theo đường Hungari sang Tây Đức. DDR tê liệt. Lúc đó thì cậu ta mới thừa nhận là đã nhận định sai. Chỉ ít lâu sau là bức tường Berlin sụp đổ.
Tôi còn nhớ rất rõ , Chiều 22/8/1968 sau khi từ giảng đường khoa Vật Lý của trường Đại Học Humboldt trở về, hai anh bạn của tôi ở cùng phòng thí nghiệm vội vàng thu dọn đồ đạc. Một anh vừa bảo vệ tiến sĩ xong, còn anh nữa thì sắp bảo vệ. Họ bảo:
- Tran (họ gọi tên tôi như vậy), từ biệt mày nhé, mai chúng tao đi rồi. Tôi hỏi sao vậy ? Lutzt, anh bạn sắp bảo vệ nói,
- Chúng tao nay thuộc diện politischer Unzuverlässigkeit (Không đáng tin cậy về mặt chính trị). Mày biết rồi đấy, hôm qua quân đội Liên Xô và khối Warzava kéo vào Tiệp Khắc rồi. Bọn tao được lệnh không được phát biểu gì khi sinh viên hỏi. Nhưng tao thì tao không chịu, sáng nay giờ lên lớp, tao bảo với sinh viên là tao phản đối quân đội DDR tham gia kéo quân vào Praha. Nước Đức không được xâm lược một nước khác nữa, ít nhất là phải như vậy. Thế là chúng tao không được phép giảng dạy nữa và phải đi khỏi trường.
- Mày đi đâu bây giờ ?
- À, không lo, Giáo sư chủ nhiệm đã giới thiệu tao về nhà máy WF, nơi ông ta kiêm Giám đốc Kỹ Thuật.
- Mày bỏ luận án ư ?
- Không ,ông GS bảo tiếc là ông ấy không được quyền giữ tao lại trường, nhưng hứa vẫn tạo điều kiện để tao hoàn thành luận án. Còn thằng kia, nó xong Tiến sĩ rồi, ông GS giới thiệu nó về Viên Hàn Lâm.
-  Thế thì chúng mày sướng rồi, về đó lương cao hơn nhiều mà !
-  Nhưng giờ chúng tao được STASI ghi vào hồ sơ là politischer Unzuverlässigkeit! Thây kệ, tao cóc cần, không ai có thể bắt tao thay đổi quan điểm cả !
Tôi  nhận thấy , dù là được STASI tin tưởng hay nghi ngờ thì họ vẫn làm việc hết sức có trách nhiệm, công hiến hết mình cho xã hội, không ai muốn ăn bám cả. Phải chăng đó là một đặc điểm của trí thức Đức.
Họ cũng HÈN vì yếu thế, không chống lại được quyền lực, nhưng họ không HẠ mình khuất phục quyền lực.
(Nói chuyện ngoài lề một chút: Ông thầy của tôi, Robert Rompe, vốn là một nhà Vật lý Đức bị bắt về Liên Xô sau chiến tranh, như là chiến lợi phẩm cho bên thắng trận. Thế mà dù là tù nhân, ông vẫn hết long ,hết sức làm việc, cống hiến cho nền khoa học và công nghiệp Liên xô, đến mức được LX tặng huân chương Lenin và bầu làm Viện sĩ VHLKHLX. Hết hạn tù ,ông lại xin trở về Đức. Cũng lạ là những nhà KH Đức bị bắt về Mỹ thì cũng đóng góp rất lớn cho khoa học và công nghiệp của Mỹ, nhưng khi hết hạn tù thì đa số đều ở lại Mỹ, không về lại Tây Đức, như W. von Braun trở thành cha đẻ của tên lửa và du hành vũ trụ Mỹ. Có thể tinh thần tự do dân chủ của Mỹ hợp với trí thức hơn. )
Cũng có thể là STASI của Đức kìm kẹp rất mạnh, nhưng truyền thống văn minh của Đức là ngăn chặn sự phản kháng chứ không phải là tìm mọi cách khuất phục tư tưởng của họ. Có thể vì vậy mà Angela Merkel, là một nhà Vật Lý  ở Đông Berlin cùng thời đó, về sau đã trở thành một thủ tướng có uy tín, lâu đời nhất của nước Đức thống nhất bây giờ.
Cũng nên nhớ rằng , thời đó nhờ có một đội ngũ trí thức chuyên môn cao mà nền kinh tế DDR là dẫn đầu phe XHCN, vượt xa Liên Xô rất nhiều, mặc dù Liên Xô có nền khoa học khá cao và đội ngũ trí thức đáng nể
Nói đến Liên Xô, kỷ niêm đáng nhớ bất ngờ nhất với tôi là một lần ngẫu nhiên được làm thượng khách của …Goorbachev. Đó là vào mùa hè năm 1977, tôi nhận được giấy mời sang Moscow dự hội nghi khoa học, vé và ăn ở do LX đài thọ. Như mọi lần, sau khi check-in lên máy bay của AEROFLOT, tôi loay hoay tìm chỗ ngồi, thì bỗng nghe loa gọi tên tôi yêu cầu ra khỏi máy bay, có việc. Lo lắng đi ra thì thấy nhân viên hỏi tên tuổi , xem vé và yêu cầu tôi chỉ cho họ hành lý của tôi. Họ rút hành lý ra, tôi lo quá, nhưng rồi thấy họ lại mời tôi lên tàu bay, ngồi vào ghế hạng nhất…cả đời chưa được hưởng, lạ thật. Hạ cánh, đã có người cầm biển đề tên mình đứng đón, đưa hộ chiếu cho họ rồi được dẫn qua phòng VIP. Một lát sau đã được mời lên xe nhận lại hộ chiếu và điểm qua hành lý đã được mang lên xe sẵn, chạy về KS Russia sang trọng nhất Moscow thời bấy giờ. Hóa ra cuộc hội nghị này không bình thường mà là hội nghị thế giới về giải trì quân bị do Goorbachev chủ trì. Khách dự hội nghị được mời đích danh, là các nhân sĩ ,trí thức, nhà văn, nhà khoa học …của gần trăm nước trên thế giới.(chẳng hiểu vì sao mình lại lọt vào đây !). Hội nghị tổ chức trong điện Kremlin. Ghế đã ghi tên từng người, tôi thấy có đến gần 300 đại biểu. Ngày đầu là nghe một bài diễn văn suốt buổi sáng của Goorbachop về giải trừ vũ khí và chính sách bảo vệ hòa bình cungf các đề xuất của Liên Xô. Buổi chiều nghe tham luận của một số tên tuổi nổi tiếng như Graham Green nhà văn Anh (tác giả Người Mỹ thầm lặng), Klaus Fuchs (nhà Vật lý Đức hai mang làm bom Nguyên Tử cho Mỹ, Anh và nghe nói lam gián điệp nguyên tử cho LX) và vài người nữa tôi quên mất tên…Ngày thứ hai là hoạt động của các sections, tôi được phân vào sections Khoa Học và Giải trừ quân bị, nhóm chuyên môn chủ yếu là các nhà Vật lý. Buổi chiều và tối là thông qua tuyên bố ủng hộ Gooorbachev và chiêu đãi .May mắn là tôi cùng nhóm với Klaus Fuchs (mà tôi đã gặp ở Berlin) và một nhân vật đặc biệt là Andrey Sakharov, cha đẻ của bom nhiệt hạch Liên xô, anh hùng lao động, giải thưởng Lenin, Viện sĩ Viên Hàn Lâm. Ông là người từ năm 1973  lúc đương chức , đã phê phán sự độc tài mất dân chủ của chế độ Soviet, chống lại sự đàn áp nhân quyền ở Liên Xô và từ 1980 bị quản thúc ở Gorki. Nửa năm trước, tức cuối 1986 đầu 87 Goorbachop đã ra lệnh thả ông .
Bấy giờ, lúc tôi ngồi đối mặt với ông thì ông đã là một cụ già 76 tuổi , nhưng rất minh mẫn, đã thuyết trình hàng giờ tại thảo luận về xu hương phát triển bom nguyên tử-khinh khí và kiến nghị Liên Xô-Mỹ cần ký hiệp định giải trừ tai họa này như thế nào. Thật đáng khâm phục , một trí thức lớn, đang ở đỉnh cao quyền lực và danh vọng mà đã từ bỏ để đấu tranh cho quyền con người; bị dụ dỗ rút lui ý kiến không thành, nên bị đàn áp tinh thần rồi giam cầm cả thập kỷ, ba bốn lần tuyệt thực để bảo vệ chính kiến…Xã hội Liên Xô và cả thế giới phải cảm ơn ông, một trí thức Nga chân chính. Nước Nga không thiếu những trí thức như ông. Nhà thiết kế máy bay nổi tiếng Tupolev bị Stalin bắt giam năm 1937 vu cho tội danh gián điệp và ủng hộ đảng phản động (thực ra là  vì bất đồng chính kiến), nhưng ở trong tù, khi tổ quốc lâm nguy, ông vẫn tiến hành thiết kế máy bay chiến đấu. Stalin phải ra lênh lập cho ông phòng thiết kế ở trong tù , điều đến tất cả các kỹ sư cũ của phòng thiết kế mà ông từng lãnh đạo để cùng ông làm việc…Những máy bay chiến đấu Nga nổi tiếng ra đời và sau chiến tranh là loạt máy bay dân dụng TU xuất xưởng mang tên ông, ba lần anh hùng lao động, 7 lần huân chương Lenin, thế nhưng mãi đến khi Stalin chết năm 1953 ông mới chính thức được tha. Một trí thức chí khí, bất khuất nhưng giàu lòng yêu nước, đã đóng góp bao nhiêu thành quả khoa học và công nghiệp cho đất nước. Còn có thể kể thêm rất nhiều thí dụ nữa về trí thức Nga, ví dụ như Boris Pasternak tác giả tiểu thuyết Dr, Zhivago nổi tiếng (XB ở nước ngoài), với tư tưởng tự do bác ái,  chống lại khuynh hướng văn học Soviet đương đại. Ông đoạt giải thưởng nobel, ông thà không đi nhận nobel chứ không chịu rời đất nước, tổ quốc của ông, vì nếu ông ra khỏi biên giới thì không được quay về nước Nga nữa. Những trí thức nga , họ có tư tưởng triết lý sống của họ bất chấp đàn áp  dù họ có thể HÈN vì không chống lại được kẻ áp bức , không chống lại được KGB, nhưng họ không HẠ mình khuất phục cường quyền. Và đó chính là những đốm lửa nhỏ để đốt lên ngọn lửa làm động lực đưa xã hội tiến lên nền văn minh cao hơn. Nên nhớ KGB là cực kỳ kinh khủng, là thầy của STASI, còn STASI là một trong các thầy của mật vụ Việt Nam.
Tuy là học trò nhưng mật vụ Vietnam lại có thể xem là cao tay hơn trong xử lý trí thức, nhờ vận dụng truyền thống phương đông .
Năm vừa qua, tại khu VIP của BV Việt Xô, nơi mà các bệnh nhân chúng tôi thường nói đó là chút dấu tích cuối cùng của ân huệ bao cấp, tôi gặp một bênh nhân đặc biệt. Ông người nhỏ nhắn, cặp mắt sắc tinh nhanh, dáng đi nhanh nhen. Suốt ngày ông không nằm một chỗ mà đi lại khắp hành lang bện viện. Gặp tôi, ông hồ hởi bắt tay và tự giới thiệu bằng giong trọ trẹ:” Tôi, Bộ Trưởng XYZ đây, xin chào, anh có khỏe không”. Tôi biết ông này, nhưng không nghĩ ông lại biết mình, ông chỉ hơn kém tôi vài tuổi. Vừa định nói chuyện với ông, thì chị áo vàng (tức là Oshin người nhà thuê phục vụ ở BV) hớt hải chạy tới, nói rằng ông không biết gì đâu, chỉ suốt ngày đi vòng quanh, cháu theo bở hơi tai mà cũng không kịp, gặp ai ông cũng chỉ nói một câu như thế. Hỏi, người ta bảo ông BT bị bệnh gì trong não nên sinh ra hành động vô thức như vậy, mặc dù trông ông rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn…Ông này là một trí thức hiếm hoi, dòng giõi trâm anh của đất Nghê Tĩnh, học rất giỏi, một Tiến sĩ luật của Liên Xô, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Tuy LX đào tạo, nhưng Ông thông hiểu luật pháp cả phương Tây lẫn phương Ta, tư duy sáng sủa và  tư tưởng khá độc lập, chẳng hiểu làm sao mà người như ông ta lọt lưới được TW cho làm đến chức BT, và Ông đã có khá nhiều đóng góp thầm lặng khi đã “gài” đươc nhiều điều khoản khá tiến bộ vào hiến pháp và các bộ luật lớn. Tất nhiên ông cũng không đủ khả năng để chống lại các điều khoản phi lý . Đấy là lúc đương chức. Khi đã về “làm người tử tế” thì ông đã có điều kiện và không ngần ngại đấu tranh cho quan điểm của mình. Ông đã công khai yêu cầu bỏ điều 4 hiến pháp. Ông là một thành viên trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức năm 2013 đệ trình chính thức với nhà nước và quốc dân đồng bào một bản kiến nghị về sửa đổi hiến pháp  kèm theo một bản dự thảo hiến pháp hoàn chỉnh do nhóm 72 độc lập soạn thảo . Chính Ông là người đại diện chính thức của nhóm 72 trao bản kiến nghị kèm hiến pháp đó cho QH nhân dịp lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp 2013. Sau này người ta quen gọi đấy là Kiến nghị 72.  Chuyện này đã một thời xôn xao chính trường và công luận Việt Nam, làm lãnh đạo nhà nước đau đầu. Một người bạn tôi, cũng là bạn thân của ông BT đồng thời là một thành viên tích cức trong nhóm soạn thảo kiến nghị ( kèm Hiến Pháp ) 72, kể cho tôi nghe rằng hầu hết các quan chức cao cấp từ tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch quốc hội lẫn những thành viên cao cấp đương chức và về hưu của nhà nước VIệt Nam đã thay nhau đến nhà ông vận động ông rút lại ý kiến, rút khỏi hoạt động của nhóm 72 nhân sĩ trí thức, nhưng vô hiệu, ông vẫn giữ ý kiến của mình. Nhưng rồi một hôm bỗng thấy ông xuất hiện trên TV trong một cuộc phỏng vấn, và ông biện minh loạnh quanh và cuối cùng gần như đồng ý làm theo những gì người ta yêu cầu ....Clip này chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên TV. Mọi người giật mình, ngán ngẫm và chê trách ông BT này HÈN HẠ quá…Bạn tôi sau đó nói cho tôi biết rằng đừng nên trách ông ấy nữa mà tội nghiệp…Không ai làm ông lay chuyển được thì có cơ quan chức năng ra tay. Con trai ông là một thường dân , nghe nói là doanh nhân ,nhân viên hay một quản lý cấp thấp trong một DNNN gì đó. Ở ta, thường dân ai mà chẳng là một tù nhân dự bị, nhất lại là doanh nhân hay cán bộ quèn của DNNN ! Và cơ quan chức năng  đã “nói chuyện “ với thường dân…và họ cũng đã đến gặp ông…hoặc là ông nghe lời, hoặc là con ông sẽ…. Ông phải lựa chọn. Cá nhân ông có thể chịu mọi thứ được, nhưng là người cha , ông không thể nhìn con ông vì ông mà chịu truy tội oan uổng được….Ông đã bị bẻ gãy, hạ mình khuất phục, lên TV và nói... Ông bất lực, đau buồn , tức giận và ân hận…  Rồi ông ấy trở nên người ngây dại, vô thức vì bị bệnh gì đó trong não, …chỉ có y học hiện đại hay có trời mới biết được. Nhưng có điều chắc chắn biết được, đó là căn bệnh của ông nay vô phương cứu chữa. Than ôi, số phận một trí thức có trách nhiệm ! Thương thay !
Như bất kỳ ở đâu, trí thức Việt Nam cũng HÈN vì yếu thế, không đủ sức chống lại quyền lực. Nhưng khác ở chỗ trí thức Việt Nam bị bẻ gãy ý chí, phải HẠ mình khuất phục quyền lực, bị kẻ cầm quyền coi khinh
Vì sao trí thức Việt Nam nói chung không những HÈN YẾU mà còn HÈN HẠ, dễ bị khuất phục và bị những kẻ nắm quyền lực coi thường ? Và vì sao lựa chọn của trí thức Việt Nam duy nhất là an phận, thủ thường, trẻ hoặc già, cao hay thấp, vô danh hay nổi tiếng cũng vậy cả !
John Adams (1735 - 1826) tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ đã nói: Sự sợ hãi là nền tảng của hầu hết các bộ máy chính quyền.(Fear is the foundation of most governments.). Và các chính quyền phong kiến ngày xưa hay chuyên chính ngày nay ở Phương Đông đặc biệt vận dụng nguyên lý này rất xuất sắc , nhờ đã  tận dụng tối đa truyền thống đàn áp của phương đông.


Hình luật của các chế độ phong kiến Trung quốc cũng như Việt nam xưa vận hành theo kiểu tộc hình, dựa trên nguyên tắc pháp lý lấy gia tộc làm cơ sở.  "一榮俱榮,一損俱損-Nhất vinh câu vinh, nhất tổn câu tổn-Vinh cùng hưởng, mất cùng chịu mất”." Một người làm quan (vinh) đặc quyền lan tới tận tam thân lục thích . Một người có tội thì bố mẹ vợ con đều liên đới chịu trách nhiệm. không chỉ nhục tổ tông mà vạ đến người thân, liên lụy đến cả gia tộc. Tộc hình thường sử dụng nhất  là “tru di tam tộc”. tức là diệt  ba họ bao gồm bố mẹ, vợ con, anh em. Vào cuối triều đại Tần, thừa tướng Li Tư và hoạn quan đã giết Lý Tư là Triệu Cao đều bị tru di tam tộc. Ngoài ra còn có hình phạt tru di ngũ tộc, thất tôc, cửu tôc v.v. Ví dụ như thái tử nước Yên sau vụ Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành, phải chịu tội tru di thất tộc. Ở Việt Nam thì vụ án Lệ Chi Viên, tru di cả ba họ Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ là một thí dụ điển hình.
Trong lịch sử luật hình sự Trung Quốc (VN ta chép nguyên luật này), ngoài hình thức tru di tam tộc còn có thêm các quy định gọi là Thân tộc liên tọa 親族連坐 (hay còn gọi là Duyên tọa緣坐) ,Tịch Một 籍沒 (kê biên và tịch thu)  v.v. Duyên tọa 緣坐, tức một người phạm tội thì kéo theo truy tội cả thân thuộc, gia tộc. Tịch một籍沒 là chế tài kê biên và tịch thu mọi tài sản của mọi thành viên gia đình sung công, kể cả gia nhân và nô bộc. Từ sau thời nhà Đường thì hễ xử duyên tọa 緣坐 thì đều đi kèm tịch một籍沒 , cho nên theo thói quen nói duyên tọa cũng tức là đồng nghĩa với tịch một.
Miếng võ này của ngày xưa đã được các cơ quan quyền lực của các chế độ chuyên chính phương đông ngày nay (Trung quốc, Triều Tiên, Việt Nam…) kế thừa, thành thục và  và phát huy hết công lực , đặc biết là đối với trí thức, vị trí số một trong “Trí, Phú,Địa, Hào”. Điều đó giải thích vì sao ở ta có rất nhiều trí thức có hiểu biết, có chính kiến nhưng không dám lên tiếng khi đương chức đã đành , ngay cả khi đã về vườn, tự do không ràng buộc cũng không dám lên tiếng. Trí thức nào mà chẳng có gia đình, người thân !
Miếng võ này không có ở văn hóa Âu Tây (Đức, Nga,…) . Ở đó ai làm kẻ ấy chịu. Vì thế , dù cũng trong cái nôi chuyên chính, toàn trị, Trí thức Nga, Đông Đức, Ba lan, Hung, Tiệp…chỉ HÈN YẾU mà Không HÈN HẠ. Còn trí thức ta thì không những HÈN YẾU mà còn HÈN HẠ vậy !. Họ chỉ có lựa chọn duy nhất là  IM LẶNG. Dù ai cũng biết rằng

“Sự áp bức chỉ tồn tại được nhờ sự im lặng.
Oppression can only survive through silence.”

Trần Gia Ninh

P/S:
HÈN HẠ: Yếu kém và đáng khinh. . Despicable Weakness, contemptible Weakness; 可鄙弱性 (khả bỉ nhược tính)
HÈN YẾU: không đủ sức và khả năng để làm việc gì. Weakness; 弱性 (nhược tính)

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

65 năm ngày mẹ bị giặc Pháp sát hại

MẤT CẢ MỘT BẦU TRỜI

1955 cuối xuân , đã hai năm trên đất Trung hoa ,còn đất nước mình thì đã hòa bình một năm rồi. Hoa trúc đào tím ngát quanh sân trường Quế lâm. Cả lớp đang mải mê chơi đùa bỗng thấy chị Quế đến sát bên cạnh , đặt tay nhè nhẹ lên vai  “Em ra đây chị bảo” . Giật mình líu ríu đi theo chị. Vào nhà , chị nắm chặt vai và rưng rưng ngẹn ngào :” Em..Em…em bình tĩnh..Mẹ em..giặc Pháp đã ..”Chị chưa nói hết lời , nhìn tay chị run rẩy cầm trang thư mực tím..tôi bỗng khuỵu xuống, gục đầu vào lòng chị ôm chặt và òa lên khóc. Không biết tôi đã khóc bao nhiêu lâu..Khi nhìn lên thấy chị Quế mắt đỏ hoe , các bạn đã lặng lẽ kéo vào tự lúc nào đang đứng ,ngồi vòng quanh , nhiều bạn chưa lau kịp nước mắt. Thế là tôi đã mất mẹ rồi.. Mẹ bị bom pháp giết hại chỉ một tháng trước khi ngừng bắn..hơn một năm sau tôi mới được biết... Phút chốc bỗng mồ côi vì chiến tranh trong thời bình, gia đình thất tán... ..Trời đã tối ,vắng vẻ, lặng im phăng phắc, ngước nhìn trời...trời ơi, trời có thấu nỗi buồn cuộc đời này chăng !
Bốn năm trước, khi tôi lên 11 tuổi. rời xa nhà đi theo TSQ khu 4, bóng mẹ chạy theo đầu ngõ là hình ảnh cuối cùng mà mãi đến bạc đầu tôi vẫn không quên được. Trong quyển sổ nhỏ , giờ tôi còn giữ ,mẹ viết dặn tôi “ khi còn mồ hôi, đang nóng ,con đừng có tắm”. Mãi mãi con không bao giờ còn có thể đưa cho mẹ xem những điều con ghi chép trên quyển sổ nhỏ này nữa !



Cả nhà  ở  Dalat 1945

Ảnh Mẹ khoảng năm 1944/45

Ảnh cha tôi khi bị bắt năm 1930, số tù 2217, lúc còn là sinh viên.
Ảnh do Bảo tàng Soviet Nghệ tĩnh cũng cấp ( từ hồ sơ của CP Pháp trao lại cho CP Việt nam sau năm 2000)

Ảnh cũ của cha mẹ, khoảng cuối thập kỷ 30
Nhà tôi ở trong một thung lũng miền núi, nằm trên dãy Trường sơn , nơi vốn là cứ địa Hương khê của nghĩa quân Phan đình Phùng. Tôi cũng ít biết về quê vì vốn cả nhà ở Đà lạt trước 45. Tôi chỉ được nghe kể cha tôi là chủ tịch UBCM tỉnh Lâm viên và thành phố Đà lạt. Khi Pháp chiếm Nam bộ rồi đánh ra miền Trung-Tây nguyên, cha tôi ở lại chiến đấu, lùi về khu 5 ,làm chủ tịch tỉnh Bình Định còn mấy mẹ con thì chạy về quê nội cuối năm 46. Tôi không nhớ gì về những ngày chạy giặc này, vì còn bé quá. Chỉ còn nhớ là về sống với ông bà nội ,bên dòng sông Ngàn sâu.Thế là tôi từ 5 tuổi lớn dần lên bên dòng sông thơ mộng này cho đến năm 11 tuổi.
Với tuổi lên mười ,tuy trí nhở non nớt nhưng chuyện mẹ kể cha lấy mẹ thì tôi không bao giờ quên. Mẹ kể ngày xưa cha học giỏi nhất quốc học Vinh , được ông hiểu trưởng người Pháp quý mến khuyên rằng cậu nên ra Hà nội học ngay vì ở Vinh cậu cầm đầu biểu tình ( sau này tôi mới biết là đòi thả Phản Bội Châu ) nên không thể tốt nghiệp được . Cha ra Hà Nội học và sau trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương (École Supérieure des Travaux Publics de l’Indochine) . Sắp được nhận bằng Công trình sư công chính (Diplôme d’Études Supérieures, École des Sciences Appliquées- Section du Cours Supérieur des Travaux Publics ) thì bị bắt va xử tù cuối năm 1930 . Khi ra tù vào năm 33 thì về quê, ông nội bắt lấy vợ rồi mới được ra  Hà Nội. Ông đưa cha tôi xuống Đức thọ, đến gia đình cụ bạn đồng khoa để xin cưới người con gái mà hai bên đã hẹn ước. Nhưng cha tôi là tội phạm chống chính quyền Pháp, còn bên nhà gái là quan án sát, nên không cưới được (!), trên đường về gặp một cô gái đang giặt lụa  trên sông La, hỏi ra mới biết là con gái của học trò ông tôi , thế là vào nhà học trò chơi và ngỏ ý muốn dạm hỏi. Hai người nên duyên từ ngày ấy, me lúc đó 17 tuổi . Bố tôi lại được ông cho ra Hà Nội , và lạ thật, nhà trường Pháp nhận lại cho tham gia thì tốt nghiệp và cấp bằng. Sau này đọc lịch sử và được bảo tàng Soviet Nghệ tĩnh cung cấp ảnh và tư liệu tôi mới biết cha tôi cùng chi bộ và cùng bị bắt  bị xử cùng các đàn anh lớn tuổi hơn như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt,,,trong bản án Tân Việt (tức Đông Dương CS Liên đoàn, xử ngày 31/10/1930 tại Vinh ) .
Chạy giặc về Gia phố  ở nhà ông nội  1949-1950

Ở nhà ông nội , xã Gia phổ HK, khoảng 1949/50. Vẫn còn bóng dáng của người thành thị (Đà Lạt) chạy giặc về quê.
Chạy giặc về quê, cha thì đi đánh giặc ở nơi nao không biết. Mấy mẹ con phải tự kiếm sống. Tôi nhớ mãi cả làng rất nghèo , khi đó, chúng tôi cứ chạy theo một đứa bạn “nhà giàu” để xin cho được thử xỏ chân một tý vào đôi dép râu của nó, đó là đôi dép duy nhất của làng (cậu bạn này cũng bị bom chết cùng đợt với mẹ tôi). Trời miền núi rét căm căm, chỉ có cách đốt lửa sưởi, thú vui là đếm hoa lửa trên đùi (tĩnh mạch gặp nóng nổi hằn vết tím) xem đứa nào nhiều hơn. Cho đến khi vào TSQ tôi vẫn chưa biết quần dài là gì. Giờ nghĩ lại thấy tài thật!
Mẹ dặn tôi trước khi xa mẹ, năm 11 tuổi.
Năm 1954 ở Quế Lâm

Quế Lâm 1955

Hà Nội 1958
Vốn là dân lao động nuôi tằm dệt lụa thời con gái, tuy mười mấy năm nội trợ theo chồng sang Lào rồi về Đà lạt, nay chạy loạn về quê Mẹ tôi lại nuôi tằm dệt lụa nuôi con. Tôi lúc đó 10-11 tuổi cũng ngày ngày quay tơ, đánh suốt phục vụ cho mẹ và chị dệt vải, lụa , và theo anh tôi câu cá, bắt ếch, đi rừng chặt củi....Đến giờ ,khi đã đi khắp thế giới , tôi vẫn khâm phục và nghĩ mãi không ra ,sao mà một người thợ dệt thủ công nghèo như mẹ tôi ,trong lúc gian khó như vậy, vẫn mời thầy dạy anh chị em tôi học chữ học Nhạc, Họa, Ngoại ngữ từ tấm bé, không kém các cháu tôi bây giờ.
1958 năm đầu tiên về lại đất nước. Mùa hè đó ,tôi về quê. Việc đầu tiên nhất định phải làm là đi tìm lại mộ mẹ và cải táng đưa về quê. Sau khi bị bom , mẹ tôi bị thương nặng, phải thuê thuyền dọc theo sông Ngàn sâu  qua sông La để sang sông Lam đến thủ đô kháng chiến Thanh Chương Nghệ an, nơi có quân y viện để cứu chữa.Con đường sông dài hơn 300km, nhưng đi được đến đoạn giữa sông La,( Đức thọ) thì mẹ tôi qua đời trên thuyền. Anh tôi, 15 tuổi, ôm mẹ khóc lạy nhà thuyền xin quay lại nhưng không được. May nhờ dân làng thương tình giúp đỡ kêu xin, họ cho thuyền về gần quê ngoại ,giúp đỡ mai táng trên bờ, cách nhà tôi khoảng 150 km. Hai anh em tôi khăn gói đi bộ hai ngày đêm,băng rừng tìm đến được nơi chôn cất. Tấm mộ chí bằng gỗ anh tôi khắc tạm lúc chôn vẫn còn. Tôi nghe nói rằng người mẹ không gặp con khi tắt thở thì khi người con có mặt lúc cải táng mẹ sẽ hiện về cho con nhìn mặt trong chớp mắt.Tôi hồi hộp mong chờ đước thấy lại bóng hình mẹ năm xưa. Than ôi, chỉ thêm đau lòng nhìn những hài cốt,bọc trong áo quần mục nát tả tơi, duy chỉ mái tóc dài là còn nguyên vẹn. Anh em chúng tôi lại thay nhau gánh hài cốt mẹ, xuyên rừng cắt lối đi suốt hai ngày đêm, không dám nghỉ ở gần nhà dân nào, đưa được mẹ về quê nội ,an nghỉ trên một ngọn đồi lộng gió, phía xa xa là một ngôi chùa nhỏ thanh vắng . Nhìn cảnh chùa, chợt nhớ câu thơ đã đọc thời thơ ấu , nay bỗng vận vào mình Lam đến thủ đô kháng chiến Thanh Chương Nghệ an, nơi có quân y viện để cứu chữa.Con đường sông dài hơn 300km, nhưng đi được đến đoạn giữa sông La,( Đức thọ) thì mẹ tôi qua đời trên thuyền. Anh tôi, 15 tuổi, ôm mẹ khóc lạy nhà thuyền xin quay lại nhưng không được. May nhờ dân làng thương tình giúp đỡ kêu xin, họ cho thuyền về gần quê ngoại ,giúp đỡ mai táng trên bờ, cách nhà tôi khoảng 150 km. Hai anh em tôi khăn gói đi bộ hai ngày đêm,băng rừng tìm đến được nơi chôn cất. Tấm mộ chí bằng gỗ anh tôi khắc tạm lúc chôn vẫn còn. Tôi nghe nói rằng người mẹ không gặp con khi tắt thở thì khi người con có mặt lúc cải táng mẹ sẽ hiện về cho con nhìn mặt trong chớp mắt.Tôi hồi hộp mong chờ đước thấy lại bóng hình mẹ năm xưa. Than ôi, chỉ thêm đau lòng nhìn những hài cốt,bọc trong áo quần mục nát tả tơi, duy chỉ mái tóc dài là còn nguyên vẹn. Anh em chúng tôi lại thay nhau gánh hài cốt mẹ, xuyên rừng cắt lối đi suốt hai ngày đêm, không dám nghỉ ở gần nhà dân nào, đưa được mẹ về quê nội ,an nghỉ trên một ngọn đồi lộng gió, phía xa xa là một ngôi chùa nhỏ thanh vắng . Nhìn cảnh chùa, chợt nhớ câu thơ đã đọc thời thơ ấu , nay bỗng vận vào mình
Chuông chùa lạnh rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ.
Mất cả một bầu trời !
Anh cả và ba bố con tôi viếng mộ mẹ 2011


Mộ mẹ và nghĩa trang đã tôn tạo 2013 (chụp ngày 25/6/2019)

Được mấy ngày ở lại quê hương, có quê mà không có nhà. Bom đạn chiến tranh cày nát vườn nhà cũ và CCRD dỡ nốt ngôi nhà  của ông nội để chia quả thực. Tôi lại ra đi biền biệt từ đấy, mẹ lại cô đơn nằm giữa ngọn đồi với rừng cây bao quanh. Chiến tranh lại tiếp diễn, quê hương lại tan nát một lần nữa. Sau chiến tranh, với khẩu hiệu “mo cơm , quả cà với tấm lòng CS ,toàn dân đi xây dựng quê hương mới” toàn xóm bờ sông Ngàn Sâu phải phá nhà phá vườn để trồng ngô, toàn dân lên núi ở. Các chú bác ở quê cũng quy tập mộ tổ tiên đưa lên núi, thế là nơi mẹ tôi nằm trên đỉnh đồi trở  thành nghĩa trang dòng họ, không quá hoang lạnh hương khói , chúng tôi cũng yên lòng. Năm 1988 sau 30 năm đưa mẹ về quê, tôi lại có dịp cùng con trai đầu đã 18 tuổi ,được thắp hương trên mộ mẹ và ông bà. Quê nhà giờ đã vào núi, vẫn rất nghèo. Thị trấn Huyện chuyển tử Chu Lễ về Gia Phố được mấy năm, trụ sở UB Huyện còn lợp tranh. Mấy năm sau 1991 lần đầu tiên đưa được vợ tôi, con gái Hà Nội , là con dâu đầu tiên về thăm quê nghèo của chồng và thắp nén hương tưởng niệm người đã khuất. Thị trấn đã hình thành, trụ sở UB đã tường gạch mái ngói.
 Thế rồi dịp Sáu mươi năm…một lục thập hoa giáp 1953-2013 kể từ ngày rời đất nước, tôi đã trở thành bậc trưởng lão trong dòng họ Trần và được cử đứng ra tổ chức  tôn tạo nghĩa trang dòng tộc. Mẹ ơi con lại về đây. Nhà ta tuy không còn gì nữa, nhưng các con cháu mẹ đều đã trưởng thành , khôn lớn cả. Mẹ cho phép con được sửa sang vun đắp lại phần mộ, để chúng con luôn  nhớ đến  một bầu trời hạnh phúc tuổi thơ đã không bao giờ trở lại.

25/6/2019  (23/5 kỷ Hợi)- 65 năm mẹ bị Pháp sát hại. Hai anh em bên mộ mẹ

Gặp mặt ở Gia Phố giỗ mẹ 2019 tại KS

Hôm nay 25/6/2019 tức 23/5 Kỷ Hợi, đúng 65 năm trước mẹ tôi bị giặc Pháp sát hại. Chỉ còn Tôi và cậu em út từ Sài Gòn ra là còn đủ sức khỏe để về quê thắp hương trên mộ mẹ. Những dòng này được viết ở Thị trấn Hương Khê, khi hai anh em vừa thắp hương trên mộ mẹ xong. Trời nóng như một chảo lửa. Có quê không còn nhà, chỉ có cách nhờ KS chuẩn bị cho cỗ xôi con gà và làm một bữa cơm nhỏ mời bạn bè, anh em họ Trần đến KS gặp nhau, ôn lại chuyện nhà, chuyện quê hương sáu mươi lăm năm trước. Sáu mươi lăm năm mà tôi đã không bao giờ được gọi một tiếng “mẹ ơi” mà mong có lời đáp nữa. Ôi mất mẹ, thật sự là mất cả một bầu trời !

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước


Từ khi mà những vấn đề cốt lõi về cải cách hệ thống chính trị còn bị coi là cấm kỵ, thì bằng trí tuệ mẫn tiệp, một tấm lòng đầy thiện chí, GS Hoàng Tụy đã đặt ra thảo luận rằng cần phải “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống”.

Đối với quyền lực, lời nói thẳng thường khó nghe, chưa nói rằng sự kiêu ngạo quyền lực luôn không chịu chấp nhận sự thật do những bộ óc sáng suốt của trí thức chỉ ra. Ít ai biết rằng, nhiều thập kỷ trước, các GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Hoàng Phương… từng bị đấu tố dữ dội vì tội hữu khuynh trong đào tạo, chỉ trọng chuyên coi nhẹ hồng. GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy bị buộc rời khỏi công việc giảng dạy và điều đi khỏi trường Đại học Tổng hợp.

Nhưng chỉ khi nhìn thẳng thắn, mới nhận diện được vấn đề cốt lõi ngăn cản dân tộc phát triển.

Hãy cùng đọc lời bàn của GS Trần Xuân Hoài về cuốn sách "Xin được nói thẳng", tập sách giúp chúng ta hiểu rõ nhiều điều tâm huyết của một nhà toán học lỗi lạc, một trí thức chân chính, một kẻ sĩ hiếm có thời nay.


GS Hoàng Tụy: Một trí thức lớn, một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước

14/06/2019 08:35 - Trần Xuân Hoài
Thật khó mà có thể điểm qua, dù là sơ sài nhất những bài viết vô cùng mẫn tiệp của một bộ óc sáng láng, một tấm lòng đầy thiện chí, luôn canh cánh trong lòng vì dân vì nước của Giáo Sư Hoàng Tụy.

Với tư cách Tổng bí thư (TBT) và Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đặt ra ở Hội nghị Trung ương X, tháng 5/2019 vừa qua ba câu hỏi:
“Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”
“Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”
“Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?”
Những câu hỏi đó là những vấn đề cốt lõi về tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống nhà nước, trước đây thường được coi là cấm kỵ. Thế nhưng Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi tiếng, một trí thức tiêu biểu, luôn dấn thân cho sự tiến bộ xã hội, ngay từ 7 năm trước, 2012, trong một số báo xuân của Tia Sáng đã trình bày những tư tưởng mạnh dạn đó trong bài viết “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống”.
Tác giả đã viết: “…Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân…”. Giá như những lời tâm huyết, nói thẳng đó được các cấp lãnh đạo nhà nước lưu tâm, như TBT và CTN Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra câu hỏi trong những ngày vừa qua, thì ít nhất nước Việt chúng ta không mất thêm ít nhất là 7 năm (và có thể hơn nữa) chỉ để chính thức nhận ra vấn đề cốt lõi ngăn cản dân tộc phát triển.

KIẾP NHÂN SINH

KIẾP NHÂN SINH NHƯ NGỌN ĐÈN, NHƯ MÂY NỔI, NHƯ LỬA ĐÁ, NHƯ CHIÊM BAO !

Cuối những năm 80, mỗi khi ghé qua Mạc Tư khoa tôi thường ghé thăm gia định Trần Định, khi đó ở cùng chung cư của nhà khách sứ quán Việt Nam. Hết thời hạn Đại diện thường trú Báo Ảnh VN , Định trở về nước. Khoảng năm 94, 95 gì đó, tôi từ CHLB Đức về , đang đi trên đường bỗng có tiếng gọi giật giọng, quay lại nhìn, hóa ra Định đang chạy theo. 
-Ơ Định, sao nhếch nha nhếch nhác thế này?
-Em vừa ở Hỏa Lò ra.
-Tác nghiệp gì ở đấy, sao không mang máy ảnh đồ nghề ?  Định cười hồn hậu:
- Em bị giam mấy ngày ở đấy, vừa được thả ra lại gặp ngay Anh.
Tôi há hốc mồm, ngạc nhiên không thể nói nổi. Định lại cười, kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. 
- Mấy hôm trước em được công an mời lên đồn, tra hỏi em, nói rằng em có kể chuyện tiếu lâm chính trị về chuẩn bị Đại Hội Đảng. CA họ nói rằng, họ đã điều tra nguồn gốc chuyện tiếu lâm này và người ta khai ra rằng, họ nghe em kể trong quán cafphe. Bây giờ em phải khai ai là người sáng tác ra chuyện đó hay là nghe ai kể. Trời đất ơi, khai thế nào bây giờ đây ?
- Thế em khai thế nào? Bọn nhà báo chúng mày thì tán láo, kể tiếu lâm chính trị ở Nga quen rồi chứ gì ?
- Nào em có phải là thằng sáng tác đâu. Mấy thằng nhà báo hèn bị nó dọa quá, khai ra cho em đấy chứ. Em biết thừa thằng nào khai, thằng nào kể, nhưng em không khai.
- Sao vậy.
- Em đâu có phải thằng hèn, khai để hại chúng nó à! Em chỉ bảo em có nghe chuyện tào lao ai đó kể trong quán cafphe nhưng quên mất , không biết là ai. Họ dọa mãi không được, và nói anh không nói ra đầu mối thì chính anh là người sáng tác. Anh có khai không, nếu không chúng tôi sẽ bắt nhốt anh. Em nhất định không khai, thế là họ nhốt em vào Hỏa Lò thật. Nhưng chẳng ăn thua, em chẳng nói gì, chán quá họ vừa thả em ra đây này...
Đấy, Trần Định ,Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng là như vậy. Luôn hồn hậu, xả thân cho nghệ thuật, vô tư lo lắng giúp đỡ mọi người, nhận cái thiệt thòi về mình. Định từng nằm chờ từ 3,4 giờ sáng bên hồ để rình chụp cho được một giọt sương trên cánh sen lúc tia nắng đầu tiên rọi tới. Mười năm được phân công và theo nguyện vọng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Định cầm máy theo chân Đại tướng ghi lại những khoảnh khắc hoạt động và đời thường, là người duy nhất có bộ sưu tập ảnh đồ sộ về cuộc đời Đại tướng. Đã từng là một trong những người khởi xướng và là nghệ sĩ nhiếp ảnh chính một thời của Tạp Chí “ĐẸP”, Nghệ sĩ Trần Định đã để lại cho đời những bức hình đẹp cả tâm hồn và khuôn hình thiếu nữ tuyệt đỉnh sáng tạo của tạo hóa. Thế rồi có lần Định than thở, “em chẳng làm cho tạp chí đó nữa , tạp chí giờ thành cái máy in tiền nên chúng nó đẩy em ra , em cũng chẳng cần .” Thế đấy ,Định luôn luôn quên đâu là đời thực, đâu là cuộc sống mơ mộng, cảm tính của một nghệ sĩ. Nhớ một năm nào đó, Định gọi điện cho tôi:
- Anh ơi, em bị họ bắt tống lên xe bus rồi...và tắt máy cái rụp. Tối khuya, Định về gặp tôi kể, em vừa cầm máy ra gần SQ Trung quốc để chụp cảnh người biểu tính chống dàn khoan TQ, thì bị CA bắt tống lên xe bus chở lên tận Đông Anh giữ cả ngày rôi thả ở đó, em lân mò vừa về đến Hà Nội.
- Lần sau, phải khôn khéo nhé, ai lại cầm cái máy to tướng của mày để hành nghề lại chui lên đầu cả đoàn biểu tình thì họ tóm ngay.
Lần sau, thì Định cẩn thận hơn, năm 2014, vào dịp tưởng niêm 35 năm TQ xâm lăng biên giới , cuộc tưởng niệm công khai bị cấm. Tôi bảo “đi theo anh” , và hai anh em chúng tôi vẫn tìm cách tham gia tưởng niệm và chụp được những bức ảnh để đời. Đó là những bức ảnh tưởng niệm bên Tháp Bút và ảnh có mặt của ông anh của Định với những người trẻ tuổi TQ đang theo dõi cuộc tưởng niệm tự phát của dân Hà Nội.
Mười giờ đêm thứ năm vừa rồi  Định bỗng vào fac của tôi , viết comment và like hơn hai chục stt của tôi đăng trước đó, như kiểu duyệt lại fac của tôi vậy, thấy lạ quá. Cũng khuya đó thấy Định share bài khảo cứu mới nhất của tôi về nghề luyện sắt của tổ tiên người Việt vừa đăng trên TIA SÁNG…Thế mà ba giờ sau đó… Định ơi , cậu em thân thiết của tôi , đứa con cháu hiếu thảo của dòng tộc Trần (xuân) Gia Phố đã đột ngột ra đi…và ra đi mãi mãi. Định ơi, hai anh em mình đang dự định tháng sau cùng mấy anh em dòng tộc Trần Gia Phổ con cháu cụ Trần Xuân Đào từ khắp đất nước cùng về quê, tưởng niệm 65 năm nhà chúng mình bị bom Pháp tàn phá và giết hại mẹ tôi…Hết rồi , cả kế hoạch  sau đó mấy anh em sẽ cùng nhau đi chiêm bái núi Giăng Màn,  Miệu Trầm Lâm, Sơn Phòng Hàm Nghi, Chùa Am của quận chúa Huy Chân, đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện, Thành Lục niên của Lê Lợi, Lam Thành ,….những chứng tích, địa danh, đền thờ của những sự kiện, nhân vật lịch sử sáu trăm năm có lẻ, được kể lại trong tiểu thuyết lịch sử “KIM THIẾP VŨ MÔN”. Định sẽ kể lại câu chuyện lịch sử đó bằng ảnh , như anh em mình từng ấp ủ. Thế là hết, anh viết tiểu thuyết KIM THIẾP VŨ MÔN, thi sĩ Trần Dương Long đã chuyển nó thành thơ lục bát, Định sẽ chuyển nó thành quyển truyện bằng ảnh và các nghệ sĩ khác cùng anh em mình đang ấp ủ làm bộ phim lịch sử hoành tráng…Nhưng em đi rồi…biết làm sao đây?!!
Con cháu chắt gia tộc cụ Trần Xuân Đào ở Hà Nội 2010. Định ngồi thứ 2 từ trái sang

Định với tôi sống với nhau từ tấm bé. Cha tôi là anh ruột cha của Định. Mẹ của tôi là em họ mẹ của Định. Trong máu thịt của Định có dòng máu của họ Trần Gia Phố nổi tiếng Hương khê với những nhà Nho ẩn dật, của những nhà giáo, những kỹ sư, nhà khoa học, nhà văn nhà báo, không màng danh lợi. Có dòng máu của họ Phạm (ông ngoại Định) danh giá với những tên tuổi lớn như ông Phạm Khắc Hòe, Đạo diễn Phạm Thị Thành, nhà báo Phạm Khắc Lãm…và họ Hoàng Xuân , một dong họ quý tộc (bà ngoại Định)     mà các tên tuổi như Hoàng xuân Hãn, Hoàng xuân Nhị, Hoàng xuân Tâm…ai cũng biết. Cả hai họ Phạm và Hoàng đều ở Kẻ Trổ (chợ Trổ nay là Đức Nhân) Đức thọ. Cho nên anh em chúng tôi thường tự giới thiệu là mẹ Đức Thọ bọ Hương Khê. Chúng tôi sinh trưởng ở miền núi, uống nước Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La mà lớn lên, tuy cũng không nhiều. Cha tôi ở lại trong nam chiến đấu, Tôi theo mẹ chạy loạn từ Đà Lạt về năm 46, cuối năm đó cha mẹ Định cũng chạy loạn từ Phan Rang về quê. Cha tôi con cả nên mẹ con tôi ở với ông bà nội trên ba gian nhà chính. Gia đình Định ở nhà ngang, cùng chơi trên một sân chung. Định sinh ở quê năm Hợi, 1947, lúc đó tôi đã 6 tuổi.
Chạy giặc từ Phan Rang về quê với ông bà nội ở Gia Phố. Ông nội bế Định khoảng năm 1949-1950
Khi Định 5 tuổi, mới biết chạy đuổi theo tôi, thì tôi đã rời quê hương sang Lư Sơn. Về nước thì quê nhà tan nát, vì CCRD ập đến , ông Nội bị vây hãm đấu tố chết đói trong cô đơn. Cha Định dạy học trong núi sâu và nhà Định chuyển theo cha, thoát được CCRD , nhưng cuối cùng cũng phải chạy khỏi quê hương ra Hà Nội. Năm 63,64 tôi về Hà Nội dạy trường Đại Học Tổng Hợp, cha Định    đi dạy học ở Ghi-Nê tận châu Phi xa xôi, gửi Định lại cho cha tôi nuôi dạy và nhờ tôi kèm cặp.
Những năm đầu thập kỷ 60, Định( áo đen) ở với tôi ở 278 Hàng Bột. 
Định vừa 14,15 tuổi nghịch ngợm, ngỗ ngược..như bất kỳ đứa trẻ nào vào tuổi đó. Tôi thường bắt Định ngồi học trước mặt tôi, nhưng có lần bạn gái tôi đến, loắng một cái Định đã thừa cơ biến mất, trốn đi chơi tối mới lò dò về, nhìn anh cười khì khì …Ôi , biết bao kỷ niêm thời thơ ấu, anh em sống với nhau. Tôi sang Đức, khi về thì Định đã học xong ĐH Ngoại ngữ khoa tiếng Nga, rồi máu nghệ sĩ nổi lên, bỏ nghề phiên dịch, đi học nhiếp ảnh trở thành phóng viên ảnh của VNTTX. Định trở thành Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh từ đó.
Định ơi! Dòng họ Trần nhà ta, người miền núi, đều sống thọ 95-100 tuổi cả. Cha em cũng hưởng dương 95 tuổi. Năm nay là năm hợi , đúng tuổi của em.
Mông hai tết Kỷ Hợi 2019
Tết năm hợi vừa qua , anh cùng em vừa thưởng thức bạch trà mở đầu cho một năm mới đầy dự định . Thế mà giờ đây, tiếc thương, tiễn đưa em về cõi vĩnh hằng, khi em chưa hưởng được trọn tuổi trời. Ôi cuộc đời thật vô thường !  Trời xanh ơi, sao lại nỡ ngoảnh mặt với người giàu tình nặng nghĩa như vậy…
ÔI, KIẾP NHÂN SINH LÀ THẾ, NHƯ NGỌN ĐÈN, NHƯ MÂY NỔI, NHƯ LỬA ĐÁ, NHƯ CHIÊM BAO !

Vĩnh biệt em, Trần xuân Định !

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG ĐI KHÔNG CẦN TÌM ĐÂU XA MÀ NGAY Ở DƯỚI CHÂN MÌNH !


ĐƯỜNG ĐI KHÔNG  CẦN TÌM ĐÂU XA MÀ NGAY Ở DƯỚI CHÂN MÌNH !



Người xưa nói rằng “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn. “. Nhưng nếu đã thắng kẻ thù nhỏ mà quên rằng  “Anh hùng một khắc cũng ngàn năm “ thì cái thắng đó cũng chẳng ích gì nhiều cho dân cho nước.
Với tư cách TBT và CTN, ông Nguyễn Phú Trọng sau khi bước đầu “đốt lò” thành công, đã dũng cảm đặt ra ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua ba câu hỏi cấm kỵ , hiếm có xưa nay:
"Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?"
"Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?"
"Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?"
Tất nhiên ông biết chắc, sẽ chẳng có ai trả lời cho ông là “có” hay “không”. Những người có vị trí trong đảng của ông thì cũng thừa kinh nghiệm để hoài nghi rằng biết đâu đây chỉ là phép thử để bộc lộ quan điểm như kiểu phát động trăm hoa đua nở ngày trước, hoa nào nở sẽ bị buộc tàn ngay lập tức . Những đảng viên bình thường thì đã quen tin rằng ý kiến của họ chẳng có ý nghĩa gì với cấp trên, phát biểu đúng sai chỉ mang họa vào thân. Còn người dân ư ? Họ trả lời để làm gì khi “ mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài đảng ta “. Tình trạng này chính là sự mất niềm tin, thật là nguy hiểm cho bất kỳ nhà nước nào , đó là sự lặng gió trước cơn      bão sắp đến ! Đợi đến lúc đó thì chẳng những chế độ sụp đổ, mà đảng của ông cũng chẳng còn, cũng   không có gì bảo đảm máu sẽ không đổ, kền kền phương Bắc chỉ chờ dịp đó để rỉa xác ! Cần phải làm mọi cách để tránh điếu đó. Việc đó giờ là trọng trách của ông vì nay ông đảm nhiệm chức trách đứng đầu nhà nước. Hơn nữa so với mấy   người tiền nhiệm, ông là người được đào tạo và tài năng hơn. Tuy rằng ông chỉ được đào tạo về xây dựng đảng tại Liên xô,nhưng tin chắc rằng xây dựng nhà nước theo khuôn mẫu nhà nước LÊNIN, một trong những trụ cột của học thuyết mà ông đeo đuổi, cũng được họ truyền thụ. Tất nhiên thời đó các Giáo sư Liên xô mà ông thụ giáo không giảng rằng :
Tuyệt đại đa số nhân loại tiến bộ thì theo khuôn mẫu: “Nhà nước là những thực thể có một lãnh thổ xác định, một số lượng dân định cư nằm dưới sự điều hành của một chính quyền của chính họ (thể chế chính trị?) , và tham gia vào hoặc có khả năng tham gia vào  những giao kết với các thực thể  tương tự. “ (Theo từ điển http://www.duhaime.org/LegalDictionary/S/State.aspx ). Cụ thể hơn  Nhà nước được cộng đồng quốc tế ký kết trong công ước Montevideo (1933): “Nhà Nước với tư cách là một pháp nhân của pháp luật quốc tế cần phải bao gồm những thành tố sau đây : có một lãnh thổ xác định, một tập hợp dân chúng định cư, một chính quyền và có khả năng tham gia vào các mối quan hệ với các nhà nước khác –“

Đời người xưa nay ai chẳng chết. Để lại lòng son rọi ngàn thu


NHÂN SINH TỰ CỔ THÙY VÔ TỬ LƯU THỦ ĐAN TÂM CHIẾU HÃN THANH. 人生自古誰無死 留取丹心照汗青
(Đời người xưa nay ai chẳng chết. Để lại lòng son rọi ngàn thu")

Hai hôm nay đề tài sôi nổi nhất là bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị TW ĐCS lần thứ 10. Sau cơn bạo bệnh của tuổi già, ông Trọng đã trở lại mạnh mẽ và phát biểu ứng khẩu trong 16 phút khá sắc sảo, nêu lên nhiều câu hỏi, tâm tư về Đảng và Đất nước.
Trước hết phải công nhận ông Trọng là một nhà chuyên môn giỏi, bởi nghề ông được đào tạo là xây dựng đảng và ông đã làm rất tốt để sửa chữa lại Đảng của ông đang xuống cấp rất trầm trọng trong suốt thời gian qua ( như đốt lò chẳng hạn). Gần đây thì ông kiêm giữ nhiệm vụ đứng đầu nhà nước, và ông đã bắt đầu lo lắng đến vấn đề giữ vững và phát triển đất nước. NHÂN SINH TỰ CỔ THÙY VÔ TỬ LƯU THỦ ĐAN TÂM CHIẾU HÃN THANH. 人生自古誰無死 留取丹心照汗青
(Đời người xưa nay ai chẳng chết. Để lại lòng son rọi ngàn thu")

Hai hôm nay đề tài sôi nổi nhất là bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị TW ĐCS lần thứ 10. Sau cơn bạo bệnh của tuổi già, ông Trọng đã trở lại mạnh mẽ và phát biểu ứng khẩu trong 16 phút khá sắc sảo, nêu lên nhiều câu hỏi, tâm tư về Đảng và Đất nước.
Trước hết phải công nhận ông Trọng là một nhà chuyên môn giỏi, bởi nghề ông được đào tạo là xây dựng đảng và ông đã làm rất tốt để sửa chữa lại Đảng của ông đang xuống cấp rất trầm trọng trong suốt thời gian qua ( như đốt lò chẳng hạn). Gần đây thì ông kiêm giữ nhiệm vụ đứng đầu nhà nước, và ông đã bắt đầu lo lắng đến vấn đề giữ vững và phát triển đất nước.
Dân ta và cả ĐCS Việt Nam cũng như Thế giới đều công nhận nước Viêt Nam ta thuộc nhóm nước theo thể chế Chuyên chính Một đảng. Về phương diện lý luận hay học thuyết, gọi là nhà nước pháp quyền XHCN hay nhà nước chuyên chính vô sản cũng bình thường. Một sự vật, một hiện tượng…được diễn tả bằng các tên gọi khác nhau , tùy ngữ cảnh, tùy mục đich, cũng là chuyện chấp nhận được. Ông Trọng hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Tuy nhiên ông với tư cách mới đứng đầu nhà nước , một nghề mới đối với chuyên môn của ông thì ông chắc chắn phải quan tâm là:
VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRÊN BẢN ĐỒ KINH TẾ THẾ GIỚI

 Xếp hạng thế giới cua VIỆT NAM
Dân số ,thư 15 , 95,581.592 người   (2017)
Diện tích xêp thứ 66: 331.212 km2
Tổng sản phẩm quốc nội GDP xêp thứ 48: 191,454 tỷ US$ (IMF 2015)
GDP theo đầu người xêp thứ 132: 2.306 US$ (IMF 2017)
PPP theo đầu người , xêp thứ 124:  7.378 US$ (IMF 2017)
Những số liệu nói trên cho thấy Việt Nam là một nước lớn về dân số, trung bình về diện tích và nghèo, thậm chí rất nghèo so với thế giới.