Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

65 năm ngày mẹ bị giặc Pháp sát hại

MẤT CẢ MỘT BẦU TRỜI

1955 cuối xuân , đã hai năm trên đất Trung hoa ,còn đất nước mình thì đã hòa bình một năm rồi. Hoa trúc đào tím ngát quanh sân trường Quế lâm. Cả lớp đang mải mê chơi đùa bỗng thấy chị Quế đến sát bên cạnh , đặt tay nhè nhẹ lên vai  “Em ra đây chị bảo” . Giật mình líu ríu đi theo chị. Vào nhà , chị nắm chặt vai và rưng rưng ngẹn ngào :” Em..Em…em bình tĩnh..Mẹ em..giặc Pháp đã ..”Chị chưa nói hết lời , nhìn tay chị run rẩy cầm trang thư mực tím..tôi bỗng khuỵu xuống, gục đầu vào lòng chị ôm chặt và òa lên khóc. Không biết tôi đã khóc bao nhiêu lâu..Khi nhìn lên thấy chị Quế mắt đỏ hoe , các bạn đã lặng lẽ kéo vào tự lúc nào đang đứng ,ngồi vòng quanh , nhiều bạn chưa lau kịp nước mắt. Thế là tôi đã mất mẹ rồi.. Mẹ bị bom pháp giết hại chỉ một tháng trước khi ngừng bắn..hơn một năm sau tôi mới được biết... Phút chốc bỗng mồ côi vì chiến tranh trong thời bình, gia đình thất tán... ..Trời đã tối ,vắng vẻ, lặng im phăng phắc, ngước nhìn trời...trời ơi, trời có thấu nỗi buồn cuộc đời này chăng !
Bốn năm trước, khi tôi lên 11 tuổi. rời xa nhà đi theo TSQ khu 4, bóng mẹ chạy theo đầu ngõ là hình ảnh cuối cùng mà mãi đến bạc đầu tôi vẫn không quên được. Trong quyển sổ nhỏ , giờ tôi còn giữ ,mẹ viết dặn tôi “ khi còn mồ hôi, đang nóng ,con đừng có tắm”. Mãi mãi con không bao giờ còn có thể đưa cho mẹ xem những điều con ghi chép trên quyển sổ nhỏ này nữa !



Cả nhà  ở  Dalat 1945

Ảnh Mẹ khoảng năm 1944/45

Ảnh cha tôi khi bị bắt năm 1930, số tù 2217, lúc còn là sinh viên.
Ảnh do Bảo tàng Soviet Nghệ tĩnh cũng cấp ( từ hồ sơ của CP Pháp trao lại cho CP Việt nam sau năm 2000)

Ảnh cũ của cha mẹ, khoảng cuối thập kỷ 30
Nhà tôi ở trong một thung lũng miền núi, nằm trên dãy Trường sơn , nơi vốn là cứ địa Hương khê của nghĩa quân Phan đình Phùng. Tôi cũng ít biết về quê vì vốn cả nhà ở Đà lạt trước 45. Tôi chỉ được nghe kể cha tôi là chủ tịch UBCM tỉnh Lâm viên và thành phố Đà lạt. Khi Pháp chiếm Nam bộ rồi đánh ra miền Trung-Tây nguyên, cha tôi ở lại chiến đấu, lùi về khu 5 ,làm chủ tịch tỉnh Bình Định còn mấy mẹ con thì chạy về quê nội cuối năm 46. Tôi không nhớ gì về những ngày chạy giặc này, vì còn bé quá. Chỉ còn nhớ là về sống với ông bà nội ,bên dòng sông Ngàn sâu.Thế là tôi từ 5 tuổi lớn dần lên bên dòng sông thơ mộng này cho đến năm 11 tuổi.
Với tuổi lên mười ,tuy trí nhở non nớt nhưng chuyện mẹ kể cha lấy mẹ thì tôi không bao giờ quên. Mẹ kể ngày xưa cha học giỏi nhất quốc học Vinh , được ông hiểu trưởng người Pháp quý mến khuyên rằng cậu nên ra Hà nội học ngay vì ở Vinh cậu cầm đầu biểu tình ( sau này tôi mới biết là đòi thả Phản Bội Châu ) nên không thể tốt nghiệp được . Cha ra Hà Nội học và sau trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương (École Supérieure des Travaux Publics de l’Indochine) . Sắp được nhận bằng Công trình sư công chính (Diplôme d’Études Supérieures, École des Sciences Appliquées- Section du Cours Supérieur des Travaux Publics ) thì bị bắt va xử tù cuối năm 1930 . Khi ra tù vào năm 33 thì về quê, ông nội bắt lấy vợ rồi mới được ra  Hà Nội. Ông đưa cha tôi xuống Đức thọ, đến gia đình cụ bạn đồng khoa để xin cưới người con gái mà hai bên đã hẹn ước. Nhưng cha tôi là tội phạm chống chính quyền Pháp, còn bên nhà gái là quan án sát, nên không cưới được (!), trên đường về gặp một cô gái đang giặt lụa  trên sông La, hỏi ra mới biết là con gái của học trò ông tôi , thế là vào nhà học trò chơi và ngỏ ý muốn dạm hỏi. Hai người nên duyên từ ngày ấy, me lúc đó 17 tuổi . Bố tôi lại được ông cho ra Hà Nội , và lạ thật, nhà trường Pháp nhận lại cho tham gia thì tốt nghiệp và cấp bằng. Sau này đọc lịch sử và được bảo tàng Soviet Nghệ tĩnh cung cấp ảnh và tư liệu tôi mới biết cha tôi cùng chi bộ và cùng bị bắt  bị xử cùng các đàn anh lớn tuổi hơn như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt,,,trong bản án Tân Việt (tức Đông Dương CS Liên đoàn, xử ngày 31/10/1930 tại Vinh ) .
Chạy giặc về Gia phố  ở nhà ông nội  1949-1950

Ở nhà ông nội , xã Gia phổ HK, khoảng 1949/50. Vẫn còn bóng dáng của người thành thị (Đà Lạt) chạy giặc về quê.
Chạy giặc về quê, cha thì đi đánh giặc ở nơi nao không biết. Mấy mẹ con phải tự kiếm sống. Tôi nhớ mãi cả làng rất nghèo , khi đó, chúng tôi cứ chạy theo một đứa bạn “nhà giàu” để xin cho được thử xỏ chân một tý vào đôi dép râu của nó, đó là đôi dép duy nhất của làng (cậu bạn này cũng bị bom chết cùng đợt với mẹ tôi). Trời miền núi rét căm căm, chỉ có cách đốt lửa sưởi, thú vui là đếm hoa lửa trên đùi (tĩnh mạch gặp nóng nổi hằn vết tím) xem đứa nào nhiều hơn. Cho đến khi vào TSQ tôi vẫn chưa biết quần dài là gì. Giờ nghĩ lại thấy tài thật!
Mẹ dặn tôi trước khi xa mẹ, năm 11 tuổi.
Năm 1954 ở Quế Lâm

Quế Lâm 1955

Hà Nội 1958
Vốn là dân lao động nuôi tằm dệt lụa thời con gái, tuy mười mấy năm nội trợ theo chồng sang Lào rồi về Đà lạt, nay chạy loạn về quê Mẹ tôi lại nuôi tằm dệt lụa nuôi con. Tôi lúc đó 10-11 tuổi cũng ngày ngày quay tơ, đánh suốt phục vụ cho mẹ và chị dệt vải, lụa , và theo anh tôi câu cá, bắt ếch, đi rừng chặt củi....Đến giờ ,khi đã đi khắp thế giới , tôi vẫn khâm phục và nghĩ mãi không ra ,sao mà một người thợ dệt thủ công nghèo như mẹ tôi ,trong lúc gian khó như vậy, vẫn mời thầy dạy anh chị em tôi học chữ học Nhạc, Họa, Ngoại ngữ từ tấm bé, không kém các cháu tôi bây giờ.
1958 năm đầu tiên về lại đất nước. Mùa hè đó ,tôi về quê. Việc đầu tiên nhất định phải làm là đi tìm lại mộ mẹ và cải táng đưa về quê. Sau khi bị bom , mẹ tôi bị thương nặng, phải thuê thuyền dọc theo sông Ngàn sâu  qua sông La để sang sông Lam đến thủ đô kháng chiến Thanh Chương Nghệ an, nơi có quân y viện để cứu chữa.Con đường sông dài hơn 300km, nhưng đi được đến đoạn giữa sông La,( Đức thọ) thì mẹ tôi qua đời trên thuyền. Anh tôi, 15 tuổi, ôm mẹ khóc lạy nhà thuyền xin quay lại nhưng không được. May nhờ dân làng thương tình giúp đỡ kêu xin, họ cho thuyền về gần quê ngoại ,giúp đỡ mai táng trên bờ, cách nhà tôi khoảng 150 km. Hai anh em tôi khăn gói đi bộ hai ngày đêm,băng rừng tìm đến được nơi chôn cất. Tấm mộ chí bằng gỗ anh tôi khắc tạm lúc chôn vẫn còn. Tôi nghe nói rằng người mẹ không gặp con khi tắt thở thì khi người con có mặt lúc cải táng mẹ sẽ hiện về cho con nhìn mặt trong chớp mắt.Tôi hồi hộp mong chờ đước thấy lại bóng hình mẹ năm xưa. Than ôi, chỉ thêm đau lòng nhìn những hài cốt,bọc trong áo quần mục nát tả tơi, duy chỉ mái tóc dài là còn nguyên vẹn. Anh em chúng tôi lại thay nhau gánh hài cốt mẹ, xuyên rừng cắt lối đi suốt hai ngày đêm, không dám nghỉ ở gần nhà dân nào, đưa được mẹ về quê nội ,an nghỉ trên một ngọn đồi lộng gió, phía xa xa là một ngôi chùa nhỏ thanh vắng . Nhìn cảnh chùa, chợt nhớ câu thơ đã đọc thời thơ ấu , nay bỗng vận vào mình Lam đến thủ đô kháng chiến Thanh Chương Nghệ an, nơi có quân y viện để cứu chữa.Con đường sông dài hơn 300km, nhưng đi được đến đoạn giữa sông La,( Đức thọ) thì mẹ tôi qua đời trên thuyền. Anh tôi, 15 tuổi, ôm mẹ khóc lạy nhà thuyền xin quay lại nhưng không được. May nhờ dân làng thương tình giúp đỡ kêu xin, họ cho thuyền về gần quê ngoại ,giúp đỡ mai táng trên bờ, cách nhà tôi khoảng 150 km. Hai anh em tôi khăn gói đi bộ hai ngày đêm,băng rừng tìm đến được nơi chôn cất. Tấm mộ chí bằng gỗ anh tôi khắc tạm lúc chôn vẫn còn. Tôi nghe nói rằng người mẹ không gặp con khi tắt thở thì khi người con có mặt lúc cải táng mẹ sẽ hiện về cho con nhìn mặt trong chớp mắt.Tôi hồi hộp mong chờ đước thấy lại bóng hình mẹ năm xưa. Than ôi, chỉ thêm đau lòng nhìn những hài cốt,bọc trong áo quần mục nát tả tơi, duy chỉ mái tóc dài là còn nguyên vẹn. Anh em chúng tôi lại thay nhau gánh hài cốt mẹ, xuyên rừng cắt lối đi suốt hai ngày đêm, không dám nghỉ ở gần nhà dân nào, đưa được mẹ về quê nội ,an nghỉ trên một ngọn đồi lộng gió, phía xa xa là một ngôi chùa nhỏ thanh vắng . Nhìn cảnh chùa, chợt nhớ câu thơ đã đọc thời thơ ấu , nay bỗng vận vào mình
Chuông chùa lạnh rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ.
Mất cả một bầu trời !
Anh cả và ba bố con tôi viếng mộ mẹ 2011


Mộ mẹ và nghĩa trang đã tôn tạo 2013 (chụp ngày 25/6/2019)

Được mấy ngày ở lại quê hương, có quê mà không có nhà. Bom đạn chiến tranh cày nát vườn nhà cũ và CCRD dỡ nốt ngôi nhà  của ông nội để chia quả thực. Tôi lại ra đi biền biệt từ đấy, mẹ lại cô đơn nằm giữa ngọn đồi với rừng cây bao quanh. Chiến tranh lại tiếp diễn, quê hương lại tan nát một lần nữa. Sau chiến tranh, với khẩu hiệu “mo cơm , quả cà với tấm lòng CS ,toàn dân đi xây dựng quê hương mới” toàn xóm bờ sông Ngàn Sâu phải phá nhà phá vườn để trồng ngô, toàn dân lên núi ở. Các chú bác ở quê cũng quy tập mộ tổ tiên đưa lên núi, thế là nơi mẹ tôi nằm trên đỉnh đồi trở  thành nghĩa trang dòng họ, không quá hoang lạnh hương khói , chúng tôi cũng yên lòng. Năm 1988 sau 30 năm đưa mẹ về quê, tôi lại có dịp cùng con trai đầu đã 18 tuổi ,được thắp hương trên mộ mẹ và ông bà. Quê nhà giờ đã vào núi, vẫn rất nghèo. Thị trấn Huyện chuyển tử Chu Lễ về Gia Phố được mấy năm, trụ sở UB Huyện còn lợp tranh. Mấy năm sau 1991 lần đầu tiên đưa được vợ tôi, con gái Hà Nội , là con dâu đầu tiên về thăm quê nghèo của chồng và thắp nén hương tưởng niệm người đã khuất. Thị trấn đã hình thành, trụ sở UB đã tường gạch mái ngói.
 Thế rồi dịp Sáu mươi năm…một lục thập hoa giáp 1953-2013 kể từ ngày rời đất nước, tôi đã trở thành bậc trưởng lão trong dòng họ Trần và được cử đứng ra tổ chức  tôn tạo nghĩa trang dòng tộc. Mẹ ơi con lại về đây. Nhà ta tuy không còn gì nữa, nhưng các con cháu mẹ đều đã trưởng thành , khôn lớn cả. Mẹ cho phép con được sửa sang vun đắp lại phần mộ, để chúng con luôn  nhớ đến  một bầu trời hạnh phúc tuổi thơ đã không bao giờ trở lại.

25/6/2019  (23/5 kỷ Hợi)- 65 năm mẹ bị Pháp sát hại. Hai anh em bên mộ mẹ

Gặp mặt ở Gia Phố giỗ mẹ 2019 tại KS

Hôm nay 25/6/2019 tức 23/5 Kỷ Hợi, đúng 65 năm trước mẹ tôi bị giặc Pháp sát hại. Chỉ còn Tôi và cậu em út từ Sài Gòn ra là còn đủ sức khỏe để về quê thắp hương trên mộ mẹ. Những dòng này được viết ở Thị trấn Hương Khê, khi hai anh em vừa thắp hương trên mộ mẹ xong. Trời nóng như một chảo lửa. Có quê không còn nhà, chỉ có cách nhờ KS chuẩn bị cho cỗ xôi con gà và làm một bữa cơm nhỏ mời bạn bè, anh em họ Trần đến KS gặp nhau, ôn lại chuyện nhà, chuyện quê hương sáu mươi lăm năm trước. Sáu mươi lăm năm mà tôi đã không bao giờ được gọi một tiếng “mẹ ơi” mà mong có lời đáp nữa. Ôi mất mẹ, thật sự là mất cả một bầu trời !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét