Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Ghi chép dọc đường trên đảo FORMOSA


     
FORMOSA ISLAND DU KÝ
(Đài Loan Du Ký)
Người ta kể rằng năm 1542 những thủy thủ Bồ Đào Nha khi nhìn thấy hòn đảo đã kêu lên » Ilha Formosa » có nghĩa là  "beautiful island tức Hòn đảo Xinh đẹp", từ đó cho đến đầu thế kỷ 20 phương Tây gọi Đảo Đài Loan là FORMOSA 福爾摩沙
Lâu ngày không sang Trung Quốc, năm ngoái nhóm Quế Lâm xưa định đi, sau vì ngại chuyện Trung Việt nên hủy. Năm nay, nổi hứng lên, nhóm trẻ con hơn sáu chục năm trước  ở Quế Lâm lại rủ nhau đi Trung Hoa Dân Quốc, tức là Đài Loan đó, để tìm lại chút kỷ niệm xưa với người Trung Hoa, cũng là xem Trung Hoa dân chủ khác vớiTrung Hoa Cộng Sản như thế nào..Tuy đã đi hầu khắp thế giới, Đài Bắc cũng có ghé qua rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi “du lịch” đúng nghĩa vì theo tour của Cty du lịch 4 đêm 5 ngày, có người đưa đón, giới thiệu. Đa số trong đoàn 16 người ít nhiều đều hiểu tiếng Trung cả nên cũng chẳng có khó khăn gì.
Đài Loan chẳng xa xôi mấy, mỏm cực nam Đài Loan nằm cùng vĩ độ với Lạng Sơn, chạy hơn 400km lên phía bắc là hết đảo lớn, gọi là tỉnh Đài Loan, chỉ có hai tỉnh thôi, tỉnh thứ hai gồm mấy đảo Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ gọi là tỉnh Phúc Kiến, cùng tên với tỉnh Phúc Kiến đối diện bên Đại Lục Cộng Sản. Nhớ hồi những năm 1955/56 lũ trẻ chúng tôi ngày ngày hồi hộp nghe loa nhà trường đọc tin chiến dich của Bác Mao nã đại bác vào đảo Mã Tổ , một ngày bắn một ngày nghỉ, vui đáo để ! So với Việt Nam thì diện tích Đài Loan 36000km2, bằng 1/10, dân số 23,5 M bằng ¼, vậy là mật độ dân cư gấp 2,5 lần Việt Nam, đúng là đất chật người đông, thế mà cũng không ngăn cản họ giàu (GDP theo sức mua tương đương 2014) gấp 7,7 lần Việt Nam, và 4,6 lần Trung Hoa Cộng sản, xấu hổ thật! Tất nhiên tôi đi không phải chỉ để ngắm họ giàu mạnh thế nào, không vì cao ốc hay độ xa hoa mà còn muốn khám phá nhiều hơn con người và cuộc sống phía sau đó…
Đã có thể nhận ngay ra tâm hồn Trung Hoa trên con đường từ sân bay Đào Nguyên về Đài Bắc. Đường phố ngoại ô, những ngôi nhà ống cao thấp nhấp nhô, xưởng thợ bám mặt phố…có khác gì Quế Lâm , Quảng Châu hay Biên Hòa, Chợ Lớn ?
Đường từ sân bay Đào Viên về Đài Bắc, nhìn từ trên ô tô


Nhà xưởng bám đường

Nhà ống Trung Hoa
 Đài Bắc là thành phố lớn nhất và cũng cổ nhất của Đài Loan, chủ yếu do người Nhật cai trị Đài Loan từ trước 1945 xây dựng. Đường phố nhỏ hẹp, gon ghẽ sạch sẽ. Tòa thị chính từ thời Nhật còn mang dáng dấp kiến trúc Nhật, ảnh hưởng từ kiến trúc Đức , nằm ở Trung tâm thành phố, tấp nập ô tô và xe máy. Xe máy khá đông và rất trật tự, đâu phải là tội đồ mà cấm. Thê mà mà sao quan chức Hà Nội lại đang hăng hái hô hào cấm xe máy nhỉ? Không quản được thì cấm, triết lý của nhà nước VN là vậy rồi.

Tòa thị chính xây từ thời Nhật, hơi hướng kiến trúc Đức, như tòa thị chính Berlin


Xe máy chen nhau ở Trung Tâm thành phố, nhưng rất trật tự




Một Đài Bắc bình dị , ô tô xe máy chen nhau, ban công chung cư đeo “balo” với một Đài Loan hiện đại , như tòa nhà cây tre cao thứ 9 thế giới. Hóa ra “chuồng cọp” nhà chung cư không phải là phát minh của Việt Nam, và nghe đâu Hà Nội đang muốn xây tòa tháp cao nhất châu Á !
Đài Bắc hiện đại với tìa tháp 101 hình cây tre cao thứ 9 thế giới
Và Đài Bắc với những chung cư "chuồng cọp" không khác gì Kim Liên-Trung Tự ở Hà Nội
Đài Bắc hiện đại nhìn từ tầng 89 tòa tháp 101
Đến thăm Đài tưởng niệm Trung Chính (tức Tưởng Giới Thạch), tiếc thay là vì mới bão qua, mọi cơ sở nhà nước đều đóng cửa, chỉ vào vườn và tham quan bên ngoài. Lại nhớ chuyện Tưởng Giới Thạch cho con là Tưởng Kinh Quốc sang học ở Liên Xô, vào Đảng CS LX rồi làm quản đốc nhà máy ở Ural, nhưng Kinh Quốc về nước tuyên bố không thể chấp nhận Cộng Sản được, sau khi cha mất, Kinh Quốc làm tổng thống và có công lớn xây dựng Đài Loan phồn vinh. Rủ nhau đến viếng Long Sơn Phật tự , ngôi chùa linh thiêng nhất Đài Bắc. Quang cảnh không khác mấy chùa Quán sứ, nhưng có phần hoành tráng hơn.  Hồ Uy Liêm nhận xét: ”Dân Đài Loan mộ đạo thật sự, hành đạo một cách tự nguyện bài bản, khác với nam thanh nữ tú đến chùa như ở nước ta , chỉ mong cầu tài cầu lộc là chính.” 
Đài tưởng niệm Trung Chính (Tưởng Giới Thạch)


Trước Long Sơn Phật Tự

Đến Đài Bắc mà không đến chợ đêm Tây Môn Đinh thì thật là uổng. Chợ đêm là một khu phố đi bộ rộng, đường phố chằng chịt không khác gì 36 phố phường Hà Nội, có điều nhà to hơn, sạch sẽ gọn gàng hơn, không có xe máy lộn xộn vỉa hè. Hàng hóa thượng vàng hạ cám gì cũng có, được cái rõ ràng hàng Tàu lục địa rẻ tiền thì ghi rõ ràng, hàng  Đài chính hiệu giá cao hơn nhiều, nhưng cũng được chuộng hơn. Lại vào dịp sang thu, hàng mùa hè đại hạ giá, các chị ,các cô trong đoàn tha hồ mua sắm.
Chợ đêm và khu phố đi bộ Tây Môn Đinh, nơi đây tôi đã mua được một hộp keo con voi để dán đôi giày há mõm!
Đến chợ đêm Tây Môn Đinh đôi giày của tôi bị há mõm, phải đi tìm mua keo dán lại ngay. Khổ nỗi hỏi ai cũng không biết keo gián dày tiếng Trung gọi là gì, kể cả cô hướng dẫn viên tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ tiếng Trung Hà Nội, lấy chồng Đài Loan đã 10 năm cũng không biết . Bí quá tôi vào liều một hiệu tạp hóa, chỉ vào giầy há mõm hỏi hỏi cô nàng trẻ tuổi răng tôi cần phải dán lại, cô có cái gì dán không ? Cô ta hiểu , bào không có, ông thử hỏi cửa hàng Seven/Eleven xem có không. Tôi hỏi tiếng Đài gọi là gì, cô ta bảo “lian xia ti cheo” , đành nhờ cô viết hộ ra giấy , hóa ra là  “ 連鞋的膠 Lián xié de jiāo- “. Thế là tôi mua được keo con voi, và biết thêm một từ tiếng Trung đọc là “cheo” , Việt đọc “Keo”   vốn có gốc Hán Việt là “giao” việt hóa thành “keo”. Hôm sau mới biết các chị Châu Loan (vợ anh Nhật), Dục Tú (K5) cũng có vấn đề về giày giống tôi. Hơn 60 năm rồi , tiếng Trung đã khác nhiều. Chiều hôm sau , vào nhà hàng ăn, không hiểu sao cô phục vụ lại chạy đến hỏi tôi “Dào yóu ?”. Giật mình chẳng hiểu gì nghe chữ “yóu” nghĩ rằng nhà hàng hỏi cái nước  chấm (dầu ) gì đây chắc, “dào ” là gạo, chẳng lẽ họ hỏi mình có dùng dầu gạo 稻油  không , mà dầu gạo là gì cơ chứ ? thấy lạ nên tôi trả lời “không hiểu cô hỏi gì”. Ngồi vào ăn chợt ngước nhìn trước mặt thấy cái biển to tướng, có chữ  導遊 (đạo du) cũng đọc là “Dào yóu”. Nhìn mặt chữ lại đọc cả bảng hiệu mới vỡ lẽ ra Đạo Du có nghĩa là dẫn đoàn du lịch, mà ta gọi là Tour Guide. 
Biển ghi: Dào yóu 導遊 và lái xe miễn phí 300 đài tệ"
Dào yóu 導遊-tour guide" rất tận tình của đoàn du lịch

Thú vị thật , Dầu GạoHướng dẫn viên du lịch phát âm như nhau! Văn không ôn, võ không luyện, 60 năm không dùng tiếng Trung , hậu quả là thế đấy. Có lẽ thấy tôi ngồi bên cờ hiệu của đoàn du lịch, chắc họ nghĩ tôi là Tour Guide nên mới gọi tôi. Bởi vì toàn văn bảng chữ ghi: Khu vực danh cho hướng dẫn viên và lái xe.  Miễn phí cho Hướng dẫn viên và lái xe suất ăn ước khoảng 300 Đài tệ/người (~210.000VNĐ). Người Đài Loan minh bạch thật, không kín kín hở hở như nhà hàng và người nhà xe như ở ta, thật đáng học tập. Và không cần hỏi tôi cũng ước lượng được mỗi bữa ăn nhà hàng của đoàn cũng khoảng dưới 300 tệ/ người. Cô hướng dẫn viên cho biết một suất cơm hộp văn phòng ở đây từ 80 đến 100 tệ (60-70K VNĐ) . Người Đài Loan phải có thu nhập tối thiểu 35000-40000 tê/tháng (25-30 triệu VNĐ) mới đủ trang trải cuộc sống

Ngày thứ hai ở Đài Bắc chúng tôi đi thăm Cố Cung , đúng hơn là 國立故宮博物院 Quốc lập cố cung bác vật viện nơi lưu giữ và trưng bày bảo vật quốc gia. Người ta kể rằng, năm 1949 lúc rút quân chạy qua Đài Loan, Tưởng Giới Thạch chẳng những chỉ chở hàng ngàn tấn vàng ngọc, mà còn ra lệnh đem toàn bộ cổ vật trong tất cả bảo tàng viện bí mật chuyển sang Đài Loan không để rơi vào tay TC. Đây là một điểm son cho Tưởng Giới Thạch vì nếu để lại có lẽ những cổ vật Trung Hoa sẽ bị phá hủy một cách ngu xuẫn hay bị vơ vét bán ra nưới ngoài bởi bọn tham ô."CỐ CUNG Đài Bắc" là bảo tàng viện lớn nhất của người Hoa, nó lớn hơn bảo tàng viện ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, có hơn 72,000 cổ vật. Thông thường 3-4 tháng sẽ thay đổi mọi vật triễn lãm một lần như vậy muốn coi hết thì phải mất hơn 40 năm. Trong số hơn bảy mươi vạn bảo vật đó có một bảo vật của Việt Nam thế kỷ 15, đó là một tượng vua khỉ bằng sứ màù xanh chìm, tìm được ở duyên hải Việt Nam
Thăm Cố Cung Đài Bắc, một buổi thì quá ít, xem chưa đã
Tượng sứ men xanh chìm  Vua Khỉ (hầu Vương) của Việt Nam là một trong những báu vật của Cố Cung
Hôm đến thăm là 30/9, sắp đến ngày quốc khánh 1/10 của Trung Quốc. Vì nơi đây đa phần là khách đến từ Đại Lục, cho nên dễ hiểu là trước cửa cố cung, khá đông người tụ tập phản đối Trung Cộng, họ dương pano biểu ngữ rất nhiều, kể tội ác của Đảng CS TQ và hô hào thoái Đảng, Đoàn, Đội để tránh hậu họa.
Pano phản đối Trung Cộng trước Cố Cung: Hãy ra khỏi 党 .团.队...(chữ giản thể cho Đại lục đọc)



Lên xe về trung tâm Đài Bắc, có lẽ đã đón nhiều đoàn khách VN rồi nên Cty Thiên Hà bố trí cho đoàn đến một cửa hàng “Tâm Linh”, nơi bán những con Tì Hưu mang đến tài lộc. Để tiếp thị cho món hàng tâm linh, họ đã tổ chức cả một cuộc thuyết trình về âm dương ngũ hành , giải đoán số mệnh bằng tiếng Việt, do một bà trung niên người Việt diễn giảng, có nhiều cô bán hàng người Việt. Tiếp đó lại đến một cửa hàng “Mỹ Dược Trang” , mốt làm đẹp bằng các nữ trang sức khỏe. Một cô sinh viên xinh đẹp, người Việt mới tốt nghiệp 2 năm ở lại Đài Loan đứng thuyết trình, làm những thí nghiệm vòng đeo tay, giây đeo cổ chống được bức xạ điện từ, giảm huyết áp…rất “hấp dẫn”, các bà các chị mê tít. Hai phu quân là nhà vật lý Đông A và nhà hóa học Uy Liêm chắc không dám cản các bà vợ bèn xui tôi: “ Cậu là nhà vật lý phải bảo các bà đừng tin chuyện phi lý đó đi “. Tôi trả lời “ Để các bà tin tưởng là đã chữa được 50% bệnh rồi, sao lại cản họ “. “nhưng mà chuyện đó không đúng, không nên tin theo” . “ Các ông không thấy là có những học thuyết phi lý gấp mấy mà lôi cả dân tộc phải tin theo, thậm chí hy sinh cả tính mạng, tài sản mà còn làm được , nhằm nhò gì mấy chuyện bán hàng này. Người ta đều áp dụng nguyên lý bầy đàn cả thôi !” Hai ông bạn cười xòa và vui vẻ nhìn các bà các chị hớn hở rút ví ra trả tiền trả hàng đống tiền để mua về niềm tin và hy vọng, ôi đời vui thật !

Chen nhau mua các trang sức chữa bệnh: Vòng,tay, vòng cổ chống điện từ, hạ huyết áp
Tìm hiểu về sản phẩm tâm linh, nhưng hình như không chị nào mua


Cưỡi ngựa xem hoa hai ngày ở Đài Bắc, chúng tôi lên xe về Đài Trung, rẽ sang phía tây đến Nam Đầu. Đây là vùng núi và cao nguyên của Đài Loan. Tôi đã đi đường cao tốc nước Mỹ, Nhật, khắp Châu Âu, quả thật cao tốc Đài Loan tuyệt vời, có lẽ nhất thế giới. Cao tốc lên núi phẳng lỳ, gặp núi thì xuyên hầm, cầu cạn qua thung lũng. Vùng này là xứ sở của trầu cau và chè. Bạt ngàn vườn cau, những cây cau gầy gò caovuts khác hẳn VN, quả cũng chỉ nhỏ như ngón tay, đàn ông đa phần ăn trầu, cả ông lái xe của chúng tôi suốt ngày nhai trầu miệng đỏ loét. Hồi trước tôi đến Ấn Độ, Pakistan..thấy đàn ông ăn trầu đã lạ, nay đến Đài Loan mới tin chắc ăn trầu không phải là của VN, chuyện sự tích trầu cau của ta cũng là chuyện bịa, chẳng phải truyền thuyết dân gian nào cả. 
Bạt ngàn rừng cau dọc đường lên núi

Dừng lại ở một xưởng trà Ô Long , người Đài Loan tiếp thị giỏi thật, có cả mấy cô gái người Việt làm công cũng bán hàng ở đó. Các chị nhà ta cũng giỏi mặc cả, họ đòi 2000 Đài tệ một hộp bột trà xanh, cuối cùng ngã giá mua một hôp phải tặng một hộp, mọi loại khác cũng vậy đều giảm một nửa kiểu đó , hai bên đều có lợi. Rời quán trà, lên cao tiếp đến nơi một tộc cư dân bản địa sinh sống , đó là dân tộc Thiệu  , chỉ còn lại hơn 200 người, bởi vì trận động đất gần đây đã làm chết hơn ngàn người Thiệu rồi, vì vậy nhà nước Đài Loan hết sức nâng đỡ du lịch vùng này để cứu người dân. Sau một bữa cơm trưa dân tộc , với khẩu vị gần như của Việt Nam là cuộc liên hoan nhảy múa với các cô gái dân tộc thiệu, thực chất là màn dạo đầu để bán sản vật Linh Chi, Bào thai hươu, thuốc thảo mộc…
Trước cửa xưởng Bột trà xanh dưỡng sinh- mốt hiện nay đấy!
Các U80 nhảy múa cùng các thiếu nữ dân tộc Thiệu 邵 shào
 Đích đến hôm nay là Đầm Nhật Nguyệt (日月潭) , đó là đầm tự nhiên lớn nhất của Đài Loan. Nằm trên vùng cao nguyên, đầm Nhật Nguyệt cách mặt biển khoảng hơn 700m, thuộc quận Nam Đầu (Nantou), miền trung Đài Loan. Đây là đầm thiên nhiên lớn nhất , phía đông của đầm tròn như mặt trời, còn phía tây lại cong bán nguyệt. Vì vậy nơi đây mới được gọi là Đầm (hồ) Nhật Nguyệt. Người ta nói rằng ai chưa đến đây coi như chưa đến Đài Loan.
Sau lưng là Đầm Nhật Nguyệt (日月潭)
quả trứng luộc lá trà của bà cụ ở đầm nhật nguyêt日月潭阿婆茶葉蛋
Điện thờ tại Văn Vũ Miếu bên Đầm Nhật Nguyệt

Ngồi trên du thuyền trắng, nước trong xanh, mây trời lẫn trong sương mờ bảng lãng, núi non trùng điệp soi bóng nước, thật như cảnh thần tiên. Lại được ăn món trứng luộc đặc sản gọi là 日月潭阿婆茶葉蛋nhật nguyệt đàm a trà diệp đản (trứng luộc lá trà của bà cụ ở đầm nhật nguyêt) có vị rất lạ. Vỏ quả trứng được làm rạn rất đều, luộc với lá trà và gia vị bí truyền, ngấm sâu vào trứng, thật đáng trải nghiệm một lần trong đời. Sang bờ bên kia, rời du thuyền leo lên núi viếng đền Văn Vũ, thờ Quan Công, Khổng Tử. Lại quay về du thuyền trở lại bến lên xe về Đài Trung, đi chợ đêm Phụng Giáp, chủ yếu chỉ bán thực phẩm hoa quả….

Phố nhỏ Đài Trung, nhà đeo "ba lô" như Hà Nội
Trung tâm Đài Trung hiện đại

Ngõ phố Đài Trung cũng chật hẹp và Trung tâm Đài Trung thì hiện đại
Trong phố hẹp, nhà chung cư cũng đeo chuồng cọp như Đài Bắc và Hà Nội.

Nghỉ một đêm ở Đài Trung, sáng hôm đi tiếp về Cao Hùng, ngày cuối cùng của chuyến đi. Nơi đầu tiên đến là Phật Quang Sơn, nơi có quần thể đền đài và tượng phật lớn nhất Đài Loan, nghe đâu tượng phật ngồi lớn nhất châu Á. Xem ra thì cũng kiểu Bái Đính nhà ta, nhưng họ có trước và hoành tráng hơn nhiều
Tượng phật ngồi lớn nhất châu Á ở Phật quang Sơn, 
Trước Chùa Phật Quang
Có ai đọc được bức thư pháp này không ? Tôi thì chịu. Người Trung hoa bình thường cũng chào thua.Cho nên họ có bản chú thích  như bốn câu kinh phật như sau: 






Trời bắt đầu mưa, lần đầu tiên sau bão, chúng tôi gặp mưa cho nên tôi không đi ngắm danh thắng Đầm Liên Trì của Cao Hùng, xin mượn ảnh của cụ Trưởng Lão Fiohan để minh họa vậy. 
Cụ Trưởng Lão trước Đầm Liên Trì ở Cao Hùng

Buổi chiều cuối cùng dành cho các tín đồ mua sắm. Đầu tiên là đến xưởng bánh dứa đặc sản của Cao Hùng sau đó là đến ba đại siêu thị liền nhau ở Trung Tâm thành phố. Tất cả các ông chẳng ai bảo ai đều dừng lại trong quán café Starbuck để check internet, còn các bà các cô có ba tiếng đồng hồ rủ nhau shopping. Được biết mua hàng quá ba ngàn tệ thì sẽ được thoái thuế ngay ở cửa Siêu thị. Chuyện vui là cả đoàn tập hợp các hóa đơn lại thì cũng khá lớn để thoái thuế, duy có một hóa đơn chỉ có ghi là 100 tệ, trong khi bà chị mua phải trả 1000 tệ. Tức mình phải quay lại làm cho ra nhẽ. Với chứng cứ đầy đủ, người bán hàng phải lặng lẽ nhận lỗi, làm thêm một bill bổ sung 900 tệ nữa. Hóa ra đây là thủ thuật trốn thuế của cửa hàng, khi biết người mua ú ớ thì họ ghi giá tiền thấp đi. Trốn lậu thuế, đâu cũngnhư nhau, chẳng kể gì nước giàu nước nghèo , Đài Loan hay Việt Nam, buôn bán là vây!!
Tối 1/10, Trung Hoa Đại Lục kỷ niệm 67 năm ngày CHND Trung Hoa ra đời. Tại một nhà hàng ở thành phố Cao Hùng Đài Loan cũng tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ngày ra đời lần thứ 82 , trước Trung Hoa CS 15 năm, của Trưởng Lão Trịnh Bá Phiến, với rượu Wishky và bánh sinh nhật . Mọi người cùng vỗ tay hát bài Happy Bỉrthday bằng cả tiếng Hoa trong khi cụ Fiohan thổi ngọn nến tượng trưng. Thật là một chuyến đi hoàn hảo.
Happy Birthday Trưởng lão Trịnh Bá Phiến lần thứ 82!


Năm giờ sáng, rời KS ra sân bay Cao Hùng bay về Hà Nội.
Chào tạm biệt FORMOSA ISLAND- Hòn đảo Đài Loan.
Tạm biệt hòn đảo Formosa !


Chuyến đi đã được Cty Thăng Long GTC (Việt Nam) và Cty Thiên Hà (Đài Loan) tổ chức thật hoàn hào, miễn chê, dù là các U80 khó tính nhất.
Hành trình 4 đêm 5 ngày do Thăng Long GTC phối hợp với Cty Thiên Hà Đài Loan tổ chức


Riêng tôi, ngoài khám phá những điều thú vị của Đài Loan, còn thu hoạch được đầy túi (không phải hàng Tàu độc hại) những bột trà xanh, nấm linh chi, cam, kiwi, bánh dứa…Nhưng có lẽ thành công lớn nhất, được phu nhân khen tặng, ấy là Dầu mát Kim môn, Trà sữa Đài loan và đặc biệt Lạp Xường tươi, đặc sản doanh nghiệp gia đình cô Hướng dẫn viên Ngọc Tú . Vị ngon thật đặc biệt hấp dẫn, khi tôi đang viết những dòng này thì đã tiêu thụ hết và con dâu đề nghị bố chồng tìm cách đặt mua thật nhiều về cho các con cháu cùng thưởng thức.
Trần Gia Ninh

8 nhận xét:

  1. Cảm ơn Trần Gia. Cụ viết DU KÝ và tôi đọc một mạch. Cụ ưu ái nhân ngày sinh của tôi tại xứ Đài 01 - 10. Tôi cũng đưa chuyến đi lên blog nhưng theo cách kể chuyện- tường thuật và có các ảnh phóng sự cho mọi người cùng xem. Chuyến đi rất thú vị và thành công lớn.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi xin một ít hình ảnh về . Cảm ơn cụ XH.

    Trả lờiXóa
  3. XH ơi , tuyệt vời.
    Minh sẽ chuyễn lên FB để các bạn của được thưởng thức nhé.
    Cám ơn

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn XH, một bài viết rất hay về nhiều ý nghĩa (văn,sử, địa,kinh tế, xã hội...), đọc thấy VUI.
    Qua bài của FIO. và của XH tôi đã nhìn thấy gần toàn cảnh của đất nước ĐL.
    Một điều bất ngờ đó là tên gọi ĐÀI LOAN - FORMOSA. Cái tên mà cả hơn nam nay gây dấu ấn rất không đẹp cho dân VN nói chung (Hà Tĩnh- nói riêng).
    Đài Loan, đât không rộng, người đông, nhưng đât nước họ phát triển và sống có kỹ cương, văn minh hơn ta nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Anh TXH ơi. Em đọc hết bài của anh, hấp dẫn và thú vị. Nhờ anh em được biết về Đài Loan- nơi em chưa đén nhưng có bạn em ở đó nên em quan tâm, lại là bài anh viết nên nhất định đọc. Xin chúc anh chị khỏe và còn đi du lịch nhiều nhiều nữa. U80 như các cụ thật quý. Em Hiên.

    Trả lờiXóa
  6. chào cụ TXH tôi ỏ xa đọc bài phóng sự của cụ thấy hấp dẫn quá tôichắc chẳng có dip nào để đi thăm ĐÀI,mà phải đi có đoàn mới vui.phong cảnh của ĐÀI thật đẹp ,món ăn đều hợp khẩu vị VN.chúc cụ luôn vui khỏe và viết thật nhiều.cá bài viết của cụ tôi đều đọc hết.

    Trả lờiXóa
  7. Kính chúc các cô, chú sức khỏe để cháu được bám càng các cô, chú trong những hành trình mới.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn những ghi chep thú vị của TXH. Nếu được anh viết thành những bài ngắn hơn và đăng FB thì tuyệt với.

    Trả lờiXóa