Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Ngọn lửa Nga



            Tôi vội đọc ngấu nghiến bài giới thiệu và bản thảo tập tuyển dịch thơ NIKOLAI RUBTSOV . sang tiếng Việt của nhiều dịch giả Việt Nam mang tên Ngọn lửa Nga - Thơ trữ tình do nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi vừa gửi cho tôi với mấy chữ: " Em đọc bài giới thiệu tuyển tập thơ và phần chú giải, có ý kiến gì cứ tham góp nhé!”.
              Trả lời Thầy, tôi viết:
              Kính gửi Thầy Vũ Thế Khôi.
              Xin Thầy cho em liều mạng và mạo muội vội vã vài từ về bài viết sắc sảo, rất văn chương, rất bác học của Thầy rằng: Em phản bác lại câu ngạn ngữ “Học Thầy chẳng tày học bạn”.
              Em sẽ đọc kỹ hơn bài này sau khi lành bệnh bởi em muốn đọc nó trong trạng thái minh mẫn nhất.
             Em đã liên hệ khá nhiều với xã hội Việt Nam hiện nay khi đọc bài của Thầy viết về thân thế và sự nghiệp đời thơ ngắn ngủi của thi hào Xô Viết Nikolai Rubtxov. Và cũng có chút yên lòng với Thầy về việc cách đây vài tháng em vừa làm được cái bìa cho tập tuyển và dịch “Đừng nhỏ lệ” (cũng thơ của Nikolai Rubtxov) cho Anh Hoàng Thuý Toàn mà chưa dám trình Thầy vì biết thế nào Anh Toàn cũng đã tặng Thầy.
             Xin phép Thầy cho em được post. bài viết này lên trang Tiếng nói Trần Gia.
__________________________________________________



NGỌN LỬA NGA - Thơ trữ tình
 của NIKOLAI RUBTSOV
             Bản thảo tập sách đang trong quá trình hoàn thiện, sau đó sẽ được chuyển đến Matxcơva để in. Trước khi tập  sách ra đời, Tiếng nói Trần Gia xin được giới thiệu cùng độc giả yêu nước Nga và văn học Nga bài viêt của NGUT Vũ Thế Khôi tức dịch giả Văn Khôi trong tuyển tập này.
                  Tuyển tập Ngọn Lửa Nga gồm mấy nội dung như sau:
  • Một số bài giới thiệu và bình về tác giả, tác phẩm của một số nhà dịch thuật đã hoặc chưa đăng trên một số báo và tạp chí.
  • Tranh tự hoạ, lời tự bạch của tác giả và phong cảnh nước Nga dưới cọ vẽ của danh hoạ Nga Levitan.
  • Những bài thơ bằng tiếng Việt của Nikolai Rubtxov của các dịch giả Việt Nam.

Nikolai Rubtsov (1936 - 1971)

Đôi lời về bản thân

(Lời nói đầu cho bản thảo thơ“Những con sóng và vách đá”)

Tôi sinh năm 1936 ở tỉnh Arkhanghen. Nhưng ba tuổi người ta đã đưa tôi đi khỏi đó. Tuổi thơ tôi trải qua ở trại trẻ mồ côi tại một làng quê trên bờ sông Tôtma – một miền hẻo lánh thuộc tỉnh Vologđa. Nông thôn nước ta từ lâu đã có những thay đổi lớn, nhưng những con sóng cuối cùng của bản sắc Nga với nhiều nét duyên dáng và thơ mộng vẫn lan truyền đến với riêng tôi. Mọi chuyện diễn ra trong tuổi ấu thơ tôi  nhớ kỹ hơn điều mới xảy ra hôm qua.
Cha mẹ tôi đã mất ngay trong thời gian đầu chiến tranh[1]. Sau cuộc đời trại trẻ mồ côi thì ngôi nhà của tôi chính là nơi tôi làm việc hoặc học tập. Cho đến nay vẫn vậy thôi.
Tôi đã học ở nhiều trường chuyên nghiệp, nhưng không tốt nghiệp một trường nào cả. Đã làm việc ở mấy nhà máy và ở đội tầu đánh cá. Bốn năm phục vụ trong Hạm đội Bắc Hải. Tất cả đều đã ít nhiều phản ánh trong thơ tôi.
                                                                                        Vũ Thế Khôi dịch
____________________________________________

Lời giới thiệu

SÁNG MÃI NGỌN LỬA NGA NIKOLAI RUBTSOV
            Khoảng giữa thế kỷ trước, thuở còn là cậu học trò trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp, tôi đã được nghe thầy dạy văn đọc và lập tức ghi vào tâm khảm mình những câu thơ:
… Đêm tháng Mười
Một ngọn đèn đỉnh núi,
Mấy ngôi sao lưng trời
Lấp lánh canh đêm tối.
Đó là viết về nước Nga Xô viết xa xôi – thành trì niềm tin và ước mơ của thế hệ chúng tôi và có lẽ cũng là của toàn thể nhân loại cần lao thuở lãng mạn ấy.
Vậy mà chỉ hơn chục năm sau, bước vào những năm 60 khi ở bên kia địa cầu nổ ra vụ “Vịnh Con Lợn” (1961) và cuộc khủng hoảng Vịnh Caribê (1962) có nguy cơ đẩy nhân loại vào thế chiến thứ III, ở bên này thì các thế lực diều hâu ở tận bên kia Thái Bình Dương đem bom đạn sang đe dọa đưa Việt Nam về thời đại đồ đá - một nhà thơ trong lòng thành trì của ước mơ và niềm tin ấy đã cất lên lời kêu gọi ngay đồng bào mình gìn giữ Ngọn lửa Nga soi đường trong bão tuyết mịt mù cho “những ai lạc lối” ở chính nước Nga:
Giữa đời nay tranh cướp bất yên
Cứ mãi cháy, cháy sáng lòng nhân hậu
Giữa sương mù cháy suốt, cháy thâu đêm…

(Ngọn lửa Nga, 1963)
           
Những ai lạc lối? Lạc lối đi đâu? - mà gây nên sự trăn trở lo âu trong sâu thẳm những tâm hồn Nga chân chính, được một nhà thơ trẻ đương thời cảm nhận tinh tế cất lên lời cảnh báo, và ngày ấy tức khắc bị coi là “lạc điệu” để ngày nay lại được công nhận là “tiên tri” và trong mươi năm lại đây có số lượng ấn phẩm thơ đứng đầu Liên bang Nga?

Nhà thơ ấy là Nikolai Rubtsov.
Khi cậu bé Kolia 5 tuổi thì phát xit Đức tấn công Liên Xô. Một năm sau mẹ mất, cha ra trận và biệt tăm tích, hơn chục năm sau khi chiến tranh kết thúc cha con Rubtsov mới gặp lại nhau, hóa ra ông chỉ bị chấn thương, đứt liên lạc với anh em Kolia lưu lạc trong thời chiến từ trại trẻ mồ côi này qua trại trẻ mồ côi khác. Trong trại trẻ mồ côi thời chiến Kolia đã nếm trải đủ mùi thiếu thốn, gian khổ, mất mát, nhưng bằng cả tâm hồn ấu thơ trong trắng và nhạy bén cậu bé cũng cảm nhận được trực tiếp sự chăm lo và tình thương của thầy cô nuôi dạy cùng sự cưu mang của đồng bào nông dân Nga trong các xóm làng heo hút đương còn nghèo khó, lại càng bần cùng hơn trong thời chiến, thắt lưng buộc bụng để dành tất cả cho tiền tuyến đánh thắng đạo quân đã khuất phục cả châu Âu. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là: lúc 9 tuổi nhà thơ tương lai được chứng kiến chiến thắng huy hoàng của nhân dân Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết – chiến thắng trả bằng máu của hơn 20 triệu chiến sĩ Hồng quân và đồng bào các dân tộc Liên Xô. Cậu bé Kolia mồ côi cũng được chứng kiến tinh thần trách nhiệm cao cả của các cấp chính quyền Xô viết cơ sở với những trụ sở mộc mạc và đảng viên bônsêvich bình thường, luôn tận tụy hết mình để thực sự đại diện cho “một nhà nước của dân, do dân, vì dân”[2]. Bởi vậy chăng mà hình ảnh trụ sở mộc mạc của Xô viêt xã, chứ không phải Cung Xô viết hoành tráng trong thành Kremli, đã bất ngờ đi vào lời thề nguyền thủy chung như nhất của nhà thơ Rubtsov cùng những hình ảnh đơn sơ của quê cha đất tổ, thân thiết vĩnh cửu đối với mọi tâm hồn Nga đích thực:

Trước hoang vu
Một miền quê heo hút,
Một rừng dương vàng vọt
Của tôi;
Trước đơn côi
Cánh đồng trơ gốc rạ
Sạm đen và buồn bã
Dưới mưa thu thê lương
Trước công đường
Ủy ban Xô viết xã,
Trước đàn bò
Nhẩn nha bên cầu nhỏ;
Trước tất cả
Thế gian tự ngàn xưa
Tôi xin thề:
Cõi lòng tôi trong trắng!

                                                (Đến tận cùng, 1969)

Bài thơ Ngọn lửa Nga Rubtsov viết năm 1963. Mươi năm lóe sáng trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi (anh mất năm 1971) của Rubtsov nằm gọn trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, một thời kỳ biến đông dữ dội ở ngay trong - như mọi người ngày xưa ưa tôn xưng -  “thành trì bất khả xâm phạm của cách mạng thế giới”: thần tượng Stalin sụp đổ, kéo theo cả loạt những nhân vật bônsêvich lẫy lừng một thời như Beria, Molotov, Kaganovich, Mikoian, Malenkov … - tất cả đều nhân danh bảo vệ Đảng và chế độ XHCN, đã nhúng tay vào cả loạt vụ thanh toán đẫm máu đến hơn 2,7 triệu đồng chí và đồng đội (theo báo cáo của ông Rudenko, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Liên Xô) từng sát cánh với họ trong Cánh mạng Tháng Mười và Chiến tranh Vệ quốc, chỉ vì họ khác ý kiến hoặc vô tình cạnh tranh với quyền lực tối cao, đứng trên cả pháp luật, của “lãnh tụ”, bất kể ho là ai: ủy viên Bộ chính trị lão thành từ thời Lênin, Nguyên soái Hồng quân lẫy lừng chiến tích hay một đốc công, một chủ tịch nông trang vô danh tiểu tốt. Việc kiên quyết sửa chữa những vi phạm pháp luật và quyền con người, nhất loạt thả mấy triệu “kẻ thù của nhân dân” ra khỏi các “Quần đảo Gulag” (tên tiểu thuyết của nhà văn giải thưởng Nobel Solnegitsin,  miêu tả các trại tập trung của Stalin giam giữ và sát hại tất cả những ai không phục tùng đường lối của ông) và phục hồi quyền công dân cho họ, đã khiến không khí xã hội căng thẳng dưới thời Stalin bắt đầu chùng xuống, sinh hoạt tư tưởng phóng khoáng hơn. Giới sử học thường gọi đó là “thời kỳ băng tan”. Đây là một giai đoạn đầy mâu thuẫn trong lịch sử phát triển Nhà nước Xô viết. Một mặt là những thành công rực rỡ của khoa học – kỹ thuật và văn học – nghệ thuật Liên Xô: Iuri Gagarin bay vào vũ trụ, điện ảnh Xô viết đạt tới đỉnh cao với những bộ phim nổi tiếng mà mọi người Việt Nam thế hệ chúng tôi đều biết: “Người thứ 41”, “Đàn sếu bay qua”,  “Bài ca người lính” … Nhưng mặt khác là những thảm bại trong xây dựng kinh tế và quan hệ quốc tế do đường lối phiêu lưu, ý chí luận của người đã bám Stalin để leo lên đỉnh cao quyền lực rồi quay lại đạp đổ lãnh  tụ vĩ đại. Chương trình khai hoang đồ sộ (mà tôi có được tham gia cùng các bạn sinh viên Nga và hiện còn trân trọng gìn giữ phần thưởng vinh dự – tấm huy hiệu kỷ niệm khai hoang do Trung ương đoàn Thanh niên Côm-xơ-môn trao tặng) nhanh chóng sụp đổ do chạy theo thành tích về diện tích mà không thâm canh, sản xuất công nghiệp, vẫn theo mô hình bao cấp-kế hoách hóa, bị đình đốn. Trong nước thì “băng tan” nhanh chóng kết thúc với việc hình thành một phe nhóm quan liêu độc tài mới, ngay sau khi củng cố được quyền lực lại thanh toán nội bộ, không từ cả vị nguyên soái Giukov lẫy lừng, xả súng vào công nhân và nông dân biểu tình vì chậm lương và đói bánh mì, trấn áp những nhóm trí thức ôn hòa chống đối bằng cách tự xuất bản sách (samoizđat) để thể hiện chính kiến riêng, đầy ải biệt xứ họ (trong đó có chồng một người bạn gái Nga thân thiết của tôi, anh ấy đã chết ở đó trong vòng tay chị, người vợ thuỷ chung đã theo chồng đi lưu đầy!) ra hoang đảo Xakhalin, nhà tù khổ sai mà nhà nước Xô Viết đã thừa kế của chế độ Nga hoàng. Khốc liệt hơn, để truy bức tới cùng những kẻ khác ý “trốn vào tôn giáo” chính quyền Khơrusov lại đóng cửa và tàn phá hàng loạt các nhà thờ chính giáo (hơn một nửa trong số một vạn nhà thờ (tính đến năm 1959) được cho hoạt động trở lại nhằm đoàn kết toàn dân trong Chiến tranh chống phát xít v.v… Ngoài nước, trước áp lực của đế quốc phản động thì hèn nhát đầu hàng: đưa tên lửa hạt nhân vào Cuba rồi lại vội vã rút ra một cách nhục nhã, nhưng với nhân dân “XHXN anh em” thì lộ nguyên bộ mặt tàn bạo, đưa xe tăng vào Hungari, Tiệp Khắc đàn áp phong trào đòi tự do dân chủ, khiến vinh quang của Hồng quân giải phóng chốc lát biến thành tai tiếng sen đầm quốc tế, uy tín và ảnh hưởng trong phong trào công nhân quốc tế suy sụp thảm hại… Lợi dụng tình hình ấy, các thế lực phương Tây chống cộng đã phát động “chiến tranh lạnh”, tăng cường tuyên truyền chống Liên Xô, bọn “phát xít mới” lại dương cao cờ thập ngoặc diễu hành công khai trên các đường phố Tây Âu, hô hào “Đông tiến” để “phục thù”… Không khí “chiến tranh lạnh” nhưng vẫn nồng nặc mùi thuốc súng lại phả tới tận hang cùng ngõ hẻm của nước Nga mênh mông, khiến ngay cả những người phụ nữ nông dân Nga nơi xóm làng hẻo lánh cũng cảm thấy bất an…
Vậy mà trong Nước Nga, trong lòng nhân dân Nga nhân tâm đã bắt đầu ly tán. Trong bối cảnh hậu chiến không thanh bình không ít người đã mất niềm tin vào sứ mệnh lịch sử của dân tộc và Tổ quốc Nga, bắt đầu hoài nghi và đã “lạc lối” trong hỏa mù của bộ máy tuyên  truyền chống Liên Xô ở các nước ngoài, hùa theo chúng phỉ báng những giá trị tinh thần và thành quả vật chất mà nhân dân Nga, trước hết là những người nông dân Nga đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và máu mới giành được trong Cách mạng tháng Mười, phủ định công lao cứu độ nhân loại của Hng quân Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xit Âu – Á dã man.
            Nhà thơ của tâm hồn Nga nhạy cảm dường như lại thấy trước mắt những cảnh tượng tàn sát man rợ và hủy hoại khủng khiếp từng xảy ra trên đồng nội nước Nga-đất tổ:

Tưởng lại nghe tiếng tên bay xé gió
Và sáng lòe lưỡi dao khoằm Mông Cổ!
Gót giày da thú của hãn mặt vưông Bạt Đô
Nạm kín ngọc trai và vấy đầy máu đỏ
Trong giây lát lại khuất che
Ánh sao cô đơn lấp lánh những bến bờ
Cùng đàn chim trời dang cánh trên nước Nga-đất tổ.

Bất giác, nhà thơ thốt nên lời cảnh tỉnh khẩn thiết tất cả những ai đang “lạc lối” trong nước Nga:

Ôi nước Nga, nước Nga!
Xin Người hãy giữ mình, bảo vệ mình!
Hãy coi chừng: rừng núi, ruộng đồng Người tươi xanh
Lại đang ngập tràn tứ phía bầy đoàn man rợ -
Lũ quân Tacta và Mông Cổ tân kì,
Chúng mang trên cờ hình chữ thập đen xì,
Chúng che rợp trời bằng muôn cây thập ác…

                                                                               (Ảo ảnh trên đồi, 1960 – 1971)

            Không ngẫu nhiên Rubtsov trở đi trở lại với bài thơ Ảo ảnh trên đồi trong đời thơ ngắn ngủi có mươi năm của mình, và bài thơ có đến vài ba dị bản, xuất hiện rải rác từ năm 1960, khi anh chính thức bước lên thi đàn, đến 1970, một năm trước khi anh từ giã cõi trần. Tôi thiết nghĩ bài thơ này, mang âm điệu trữ tình sử thi, có thể coi là “tuyên ngôn thơ ca” của anh. Sau khi nhà thơ mất, một tuyển tập thơ của anh đã được xuất bản với đầu đề Ôi nước Nga, nước Nga! Xin Người hãy giữ mình... Dòng chữ ấy cũng khắc trên bệ đá cẩm thạch đội tấm bia mộ nhà thơ Rubtsov tại thành phố Vologda quê hương anh.
           
            Có người đã so sánh Rubtsov với Chuttrev và Fet, hai nhà thơ trữ tình kinh điển trong văn học Nga thế kỷ XIX. Có người coi anh là hồn thơ tái thế của Esenin, “thi sĩ đồng quê Nga cuối cùng”. Quả có vậy: cả về chủ đề, cả tứ thơ, cả giọng điệu Rubtsov tiếp tục những mạch thơ trữ tình sâu lắng thiết tha ấy. Cũng như thơ giầu âm điệu của Chuttrev, của Fet, của Esenin, rất nhiều bài thơ của anh nhanh chóng đi vào âm nhạc, trở thành các bản tình ca và dân ca phổ biến khắp thành thị và làng quê Nga như Bạch dương, Đêm làng quê, Quê hương tôi yên ả, Có những phút nhạc buồn, Hạc đàn, Bài ca vĩnh biệt, Khúc bi ca trên đường v.v… Tuy nhiên, thơ của Rubtsov có bản sắc riêng, không bắt chước ai cả. Và chẳng phải vì anh tự khẳng định:

Tôi sẽ không bao giờ sao y
Từ sách của Fet và Chuttrev…

            Tôi thiết nghĩ anh gần với Esenin hơn. Điều anh viết về những dự cảm lo âu của Esenin vào mùa thu cuối cùng trong đời ông cũng là viết về bản thân anh:

Và Sergei Esenin giữa bốn bức tường ảm đạm
Trông ủ ê hơn tất cả mọi lần
Anh lúc đấy đã trong niềm thu cảm
Về những tang thương biến đổi đang gần

                                                                                             (Mùa thu cuối, 1970/71?)

            Cũng như Esenin vào thời kỳ Nội chiến khốc liệt tiếp theo Cách mạng Tháng Mười 1917, Rubtsov trong những năm 60 sau thời kỳ “băng tan” đã dự cảm “những tang thương biến đổi đang gần” (nguyên văn “đang đến những thời thế không phải tốt đẹp nhất”). Nhưng anh không hề lâm vào tâm trạng suy sụp do sự sụp đổ lý tưởng cách mạng như Esenin (“Những điều đang diễn ra không phải là thứ chủ nghĩa xã hội tôi từng mơ ước” – Esenin thổ lộ trong một bức thư gửi bạn), nên sẽ không bao giờ trăng trối như thi sĩ tiền bối:
Cuộc đời này, chết chẳng có gì mới mẻ,
Nhưng sống, đương nhiên, cũng không mới gì hơn!
           
            Dẫu phải trải qua không ít giông tố trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, do tệ quan liêu độc đoán, sự hẹp hòi trói buộc sức sáng tạo của ý thức hệ chính thống, thói thường ganh tỵ hay vô cảm       trong đồng nghiệp thơ văn, nhưng thơ ca của Rubtsov không hề có giọng điệu tuyệt vọng như Esenin, thâm chí dù chỉ là một nốt bi quan, yếm thế. Anh hiểu sự tất yếu của những trả giá, không phải là những phá hoại mù quáng anh đã lên án, mà là trả giá chân chính cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, cả về phần xác lẫn phần hồn:
Sự đời này kỳ lạ
Mà ngẫm thông thái sao:
Trải sấm sét thương đau
Để ban mai được đón
Càng rực rỡ sắc mầu!

                                                                 (Sau giông tố)

            Ấy là bởi anh “gắn bó máu mủ” với những giá trị đạo lý cổ truyền và những thành quả hiện hữu của cuộc sống dân tộc Nga mà nhân dân Nga, trước hết là những người dân thường trong các làng quê, đã giành được bằng máu, mồ hôi và nước mắt – đó là quê cha đất tổ vô bờ, là ý chí tự do phóng khoáng vô biên, là đêm thanh bình trong các xóm làng hẻo lánh không bao giờ tắt lửa đèn chỉ đường cho bộ hành trong bão tuyết mịt mù, là những ngôi nhà nhỏ tường ghép bằng thân gỗ nguyên cả súc nằm rải rác trên gò đồi, là đôi gốc bạch dương ngày đêm xào xạc trên nấm mồ mẹ cha, là những thôn xóm tuy chưa phải khang trang nhưng luôn ngân vang tiếng phong cầm, là những nông trang chưa phải giầu có nhưng không ai thiếu miếng bánh mì và hội ngày mùa vẫn vui bất tận, với ông chủ tịch nông trang vừa nhảy vừa bế bổng trên tay cô thợ gặt giỏi giang “như mang ngọn cờ”, là những nhà thờ soi bóng dưới lòng hồ trong vắt và đã ngàn đời ngân nga tiếng chuông chiều êm ả dội vào tận ngóc ngách sâu thẳm tâm hồn Nga, là cả những câu thần thoại Nga huyền bí về các thế lực siêu nhiên đã thấm nhuần tâm linh Nga và luôn dõi theo cảnh giới hành vi thiện ác trên trần gian:

Vương miện đã lật nhào tôi không tiếc nuối, không tiếc nuối,
Nhưng tôi tiếc thương, tiếc thương những tòa thánh tan  tành!...

Ôi những cảnh quê! Ôi niềm diệu kỳ được hạ sinh
Giữa nội đồng như thiên thần dưới bầu trời xanh vòi vọi!
Như cánh chim dũng mãnh tự do, tôi kinh hãi, kinh  hãi
Gãy cánh bay, không còn được thấy kì diệu bầu trời!...

Tôi hãi sợ không còn đấng siêu nhiên trên đầu,
Sợ thuyền mới ra khơi mà đã tường tận ngon nguồn nông sâu,
Sợ biết hết mọi điều, tôi dửng dưng bước đến bên huyệt mộ.
Xin còn mãi, ôi thần tượng của tôi – tự do và quê cha đất tổ!

                                                                   (Tôi sẽ phóng ngựa trên gò đồi...., 1963)

            Thơ của Nikolai Rubtsov dường như thâm nhập cõi tâm linh Nga, tràn ngập những bóng hình dĩ vãng trong những trang sử bi hùng của nước Nga, những âm thanh mơ hồ của thánh ca, của tiếng hạc vang vọng khoảng giữa không trung và nội cỏ, đầm lầy mênh mang. Và dẫu nhà thơ nói thẳng ra rằng đó chỉ là những ảo ảnh, những giấc mơ, những ảo giác âm thanh, chúng vẫn đọng lại trong lòng người đời, vẫn ám ảnh tâm linh ta, khiến ta phải trăn trở cùng những dự cảm và cảnh báo của nhà thơ:

Tôi sẽ phóng đi, không kinh động hơi thở đêm thanh bình
Và mộng mơ thầm kín trong làng quê tịch mịch.
Không ai giữa đồng quê nghe vó câu tôi rầm rập,
Không ai với gọi bóng hình vút qua mong manh.

Chỉ một người xung kích xưa, thương tích đầy mình
Trong mê sảng nén đau kể với mẹ già kinh hãi
Chuyện hồi đêm bí ẩn phóng qua làng một chiến binh –
Trang niên thiếu biến nhanh trong mù sương đồng nội…

Và đây nữa, tiếng hạc bay đi như khóc than, như kêu gọi mọi người đang ly tán nhân tâm, hãy đồng lòng trở lại, như từ xa xưa người Nga vẫn đồng lòng vẫy theo tiễn đưa những đàn hạc bay đi, - đồng lòng trở lại để cùng nhau ngăn chặn những thảm họa đang đe dọa quê hương:

Tiếng hạc kêu bay đi như tiếng khóc than mênh mang
Về nỗi quên lãng đầm lầy, về đớn đau cháy khô đồng ruộng…
Kìa, hạc bay đi, đang bay đi… Mau mở toang cánh cổng!
Mau mau ra chiêm ngưỡng chim trời thanh cao bay!
Bặt tiếng rồi!..  Cả hồn ta, cả thiên nhiên trở nên côi cút
Bởi lẽ - xin hãy im đi! – mọi nỗi niềm chẳng còn ai tỏ bày…

                                                                                                          (Hạc đàn, 1965)

            Có người đã gọi Rubtsov là “thi nhân nhà Chúa”. Do những dự cảm chính xác của anh chăng? Anh đã linh cảm, đã tiên báo cả cái chết của mình:

Tôi sẽ chết vào đêm Rửa tội giá băng,
Tôi sẽ chết khi thân bạch dương nứt toác…

                                                                                      (Tôi sẽ chết…, 12/1970)

            Rubtsov chính xác ở một điểm: anh chết bất đắc kỳ tử đêm 19 tháng Giêng – đúng ngày lễ Rửa tội của đạo Ki tô Chính giáo Nga! Những điều còn lại trong bài thơ với những hình ảnh ghê rợn kinh hoàng anh dự cảm về ngôi mộ với cỗ áo quan của mình, chỉ là lời cảnh tỉnh đối với những ai đánh mất đức tin trong thế giới tranh cướp bất an, trắng đen lập lờ và vàng thau lẫn lộn này. Với riêng anh, những điều tiên tri ấy đã “không nghiệm”. Tượng đài và bảo tàng kỷ niệm “nhà thơ nhân dân” Nikolai Rubtsov đã được dựng lên tại nhiều thành phố nước Nga-đất tổ. Bởi lẽ anh đã giữ trọn lời thề với nhân dân và Tổ quốc, với thiên nhiên đất nước, đạo lý và nền văn hóa Nga cổ truyền:

Đến tận cùng -
Đến âm thầm thánh giá
Nguyện giữ cho cõi lòng
Mãi vẫn còn trắng trong!

*

            Hơn ai hết, người Việt chúng ta, với những vết thương chiến trận vẫn còn đang rỉ máu ở cả bên này và bên kia chiến tuyến, thông cảm nỗi lòng bà mẹ nơi làng quê Nga, nên phải chăng vì vậy mà bài thơ Ngọn lửa Nga đã được dịch sang tiếng Việt rất sớm, từ năm 1983 và năm 1985 đã xuất hiện trên trang Văn nghệ Quân đội. Và “đồng thanh tương ứng”, nên dịch giả lại là một thanh niên mặc áo lính mới 21 tuổi - anh Hồng Thanh Quang, học viên sĩ quan vô tuyến. Thế hệ trước anh đã làm nên bản bi hùng ca “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhưng “nỗi buồn chiến tranh” không chỉ đọng lại thành nỗi nhức nhối âm thầm trong lòng họ mà đã ngấm vào máu những thế hệ sinh ra và trưởng thành sau cuộc chiến tàn khốc… Mươi năm sau, khi tạp chí Văn học nước ngoài tổ chức cuộc thi dịch thơ Nga, thì bài thơ được chọn lại là thơ của Nikolai Rubtsov – bài Những chiếc lá bay đi. Và khi dự án xuất bản tuyển tập thơ Nikolai Rubtsov vừa được công bố, lập tức các bản dịch gửi tới tham gia đã bao quát ngót trăm bài thơ, tức chiếm gần một phần tư di sản thơ ca không lớn lắm về số lượng của nhà thơ Nga này[3]. Điều này đáng lưu ý khi ta biết rằng ngay A.Puskin cũng mới có hơn trăm bài thơ được dịch sang tiếng Việt. Có lẽ sau Puskin, Lermontov và Esenin, được dịch nhiều hiện thời ở đất nước yêu thơ và mọi người đều làm thơ này là Nilolai Rubtsov. Tham gia dịch thơ Rubtsov có nhiều thế hệ dịch giả, già có, trung niên có, trẻ có, gần một nửa là nữ. Có những dịch giả đã bạc đầu trong nghề, đã thành danh; có những người chưa hề xuất bản thơ dịch, mới chỉ dịch cho lòng mình và trao đổi với bạn bè. Bạn đọc Việt Nam yêu quý và đồng cảm với Nikolai Rubtsov biết nhường nào! Nhân hội thơ thường niên “Mùa thu Rubtsov”, theo yêu cầu của bà Maya Poliotova, Giám đốc Bảo tàng nhà thơ Rubtsov tại khu tây-nam Moskva, tôi đã mạo muội đại diện cho cảm tình và sự ngưỡng mộ của độc giả Việt Nam, gửi tới những người từ khắp nước Nga về Vologda tham dự lễ hội một bức thư chúc mừng. Thư viết bằng tiếng Nga, nay xin diễn dịch sang tiếng Việt như sau:

                                      Việt Nam, thành phố Hà Nội, ngày 15 - 9 - 2009.

Kính thưa tất cả đồng hương và đồng bào của nhà thơ Nikolai Rubtsov!

Một tháng rưỡi trước, một duyên may tình cờ đã đưa tôi đến thăm Nhà bảo tàng thi sĩ Nikolai Rubtsov ở Moskva. Và giờ đây, tôi lại được vinh dự tham gia từ xa vào lễ hội thơ “Mùa thu Rubtsov” tại thành phố Vologda quê hương của Nhà thơ.

Vậy nên, trước hết tôi xin phép được chúc mừng tất cả quý vị, những người đồng hương và đồng bào của một Nhà thơ Nga tuyệt vời nhân sự kiện nổi bật này của
văn hóa Nga!
Tôi xin đề nghị quý vị thay tôi, một giảng viên tiếng Nga bình thường và cũng là một dịch giả văn học Nga từ Việt Nam xa xôi, đặt giùm dưới chân tượng đài của Nhà thơ lớn một bó hoa xanh[4] nhỏ và những bản dịch vụng về do tôi chuyển ngữ trong những ngày này hai bài thơ tuyệt vời của Ông – Sau giông tốĐến tận cùng.

Thật là có ý nghĩa khi Lễ hội thơ Rubtsov được tiến hành ngay trên mảnh đất Ông đã sinh trưởng, từ đấy ra đi và luôn luôn trở lại trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của Ông – trở lại trong đời thực cũng như trong mơ, và nhiều hơn cả là trở lại bằng khối óc và con tim mình; tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nếu như không có đốm lửa chỉ đường không bao giờ tắt này, Ông đã không thể trở thành Nhà thơ của tâm hồn Nga – một tâm hồn thanh khiết và nhân hậu, khoáng đạt và giầu tình thương yêu,  bởi vậy mà trắc ẩn và đau đáu âu lo cho mọi sự và mọi người trên cái thế gian tưởng như thanh bình trong cái thời buổi mong manh này.
Tôi lấy làm vui sướng được thông báo với quý vị rằng: người đồng hương kiệt xuất của quý vị đã được biết đến ở đất nước chúng tôi từ hơn một phần tư thế kỷ trước, vào năm 1985. Ông đã đến với chúng tôi một cách cũng rất có ý nghĩa trong những năm 80 đầy khó khăn – đến cùng Ngọn lửa Nga qua bản dịch sang tiếng Việt của một nhà thơ-chiến sĩ trẻ măng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh Hồng Thanh Quang. Đến đây, tôi không thể không dẫn lại những vần thơ đầy xúc động ấy:

Xin cảm ơn ngọn lửa Nga bình dị
Vì người mang sâu nặng nỗi đau đời
Luôn rực cháy cho những ai lạc lối
Giữa đồng hoang, không bạn không bè
Vì người với niềm tin son sắt
Giữa đời nay tranh cướp bất yên
Cứ mãi cháy, cháy sáng lòng nhân hậu
Giữa sương mù, cháy suốt, cháy thâu đêm…

Vậy,
Xin cầu cho ngọn lửa ấy của tính thiện và lòng nhân ái sẽ cháy sáng vĩnh cửu!
Xin cầu cho tiếng thơ lay động lòng người của thi hào Nga sẽ vĩnh viễn vang vọng như hồi chuông cảnh tỉnh trên khắp thế gian cổ xưa này!

Cho phép tôi được cúi đầu bái lễ Bà Mẹ đất Vologda đã sinh thành cho thế gian một Người Con như vậy!
Và xin đa tạ tất cả đồng hương, đồng bào của Ông vì đã gìn giữ được cho mai sau hình ảnh tươi đẹp Nilolai Rubtsov cùng thơ ca của Ông như một di sản vô giá!

Người bạn, người đồng chí chân thành của quý vị
                                                                                                          Vũ Thế Khôi[5]



[1] Ý nói Chiến tranh chống phát xit Đức 1941 - 1945. Mẹ của nhà thơ mất năm 1942, bố ra trận, bị chấn thương, đứt liên lạc, sau xây dưng gia đình mới, mười năm sau khi chiến tranh kết thúc ông mới tìm lại được Nikolai Rubtsov. Ông mất cuối năm 1962, Rubtsov có đến viếng.
[2] Chi tiết về tiểu sử, đặc biệt về những trắc trở và cá tính của Nikolai Rubtsov, có ảnh hưởng không ít đến sáng tác của nhà thơ, xin tham khảo bài viết đặc sắc của nhà thơ-dịch giả Hồng Thanh Quang “Xót xa dùm chút tình tôi dịu dàng”, đăng trên báo Công An Nhân Dân số …, có in lại ở Phụ lục sách này. – VTK.
[3] Có bài thơ có đến vài bản dịch. Trong trường hợp tuyển được, chúng tôi xếp thứ  tự a, b, c… theo tên dịch giả.  - NBT
[4] Rubtsov có bài thơ và tập thơ nhan đề “Những đoá hoa xanh”, xuất bản năm 1971.
[5] Nguyên bản tiếng Nga đã được đọc lên ngày 25 - 9 - 2009 trước đông đảo quan khách và dân chúng Vologda tụ họp bên tượng Rubtsov nhân dịp khai mạc Lễ hội thơ “Mùa thu Rubtsov”, sau đó đăng báo Nhà văn Nga, số 19 – 24 (213 - 218) năm 2009, trong bài viết nhan đề “Ngọn lửa Nga ở Việt Nam” của bà Maya Poliotova, Giám đốc Nhà bảo tàng thi sĩ Nikolai Rubtsov; báo Pravda số 138, 11 -  14 tháng 12 /2009 đăng lại dưới tiêu đề “Nhân danh văn hoá Nga - Cảm ơn ngọn lửa không tắt”.

__________________________________________________________________

  • Những dịch giả có tác phẩm dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Nga:


Николай Рубцов: Подорожники. – М., «Молодая Гвардия», 1976
Николай Рубцов – Россия, Русь! Храни себя... – М., Военное издательство, 1992
Рубцов Н.М. – Сочинения. Прижизненные издания;
Избранные.Сост. Н.И.Дорощенко. – М., Изд. Дом «Российский писатель», 2006.

Tuyển chọn, giới thiệu và chú giải
Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi

Những người dịch
Thụy Anh, Nguyễn Đạo Đảm, Cao Giang, Cẩm Hà,
Lưu Hải Hà, Thu Hương, Văn Khôi, Trần Vĩnh Phúc,
Phương Phương, Tạ Phương, Hồng Thanh Quang,
Thái Bá Tân, Thúy Toàn, Hữu Việt, Nguyệt Vũ
In theo bản dịch tiếng Việt của Quỹ Quảng bá văn học Nga và Việt Nam

________________________________






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét