Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Dân chủ không thể đồng hành cùng Điều 4 Hiến pháp


Hiến pháp Việt nam-Sự lựa chọn giữa Dân chủ và Chuyên chính

Nhà báo Trần Định
Nguyên PV, BTV chính, VNP- TTXVN
Nghệ sĩ nhiếp ảnh



Với sự công bố trên BauxitVN (ngày 22-1-2013) của  KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 cuả NHÓM CHUYÊN GIA TRÍ THỨC VIỆT NAM SOẠN THẢO và DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013 hoàn thiện 19-1-2013, cùng với việc việc lưu hành trên báo chí chính thống bản dự thảo sửa đổi 2013 của Hiến pháp 1992, Nhân dân Việt nam thực sự đứng trước sự chọn lựa giữa Dân chủ và Chuyên chính. “Chuyên chính” ở đây là mỹ từ mà các nhà chính trị Marx-Lenin dùng ( ví dụ ,trong cụm từ Chuyên chính Vô sản) để che dấu nghĩa thật là “độc tài”. Như GS.TSKH Trần xuân Hoài trong bài Hành trình Hiến pháp Việt nam dưới góc nhìn khoa học” đăng trên Tạp chí Tia sáng , đã viết : “Nên nhớ rằng,  “chuyên chính” là xuất xứ từ nguyên gốc Latin “Dictatura” ,trong mọi ngôn ngữ thông dụng đều có duy nhất một nghĩa  là “Độc tài” đối nghịch với “Dân chủ -Democracy”  ,rất phản cảm trong xã hội văn minh . Vì là từ mượn , trong tiếng Việt, nhờ sử dụng thủ thuật “từ đồng nghĩa- Synonyms” cùng gốc Hán- Việt nên chữ “Chuyên chính” đã được dùng thay cho chữ “Độc tài” ,và do vậy không gây phản cảm trong xã hội Việtnam.”.


Sự biến mất dần của dân chủ trong xã hội Việt nam hiện nay là một điều hiển hiện
, gây nên bao nỗi phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân. Để thanh minh , chính quyền thường nói đó là do sai lầm của cấp dưới ,cấp cơ sở, hướng sự phẫn nộ của quần chúng nhắm vào các đối tượng thực thi trực tiếp , như các chiến sĩ Công an, Dân phòng…Và chiến thuật đó đã thành công phần nào, khi mọi dư luận, bình luận của “lề đảng”, “lề dân” đều lên án chỉ trích thậm tệ các đối tượng thực thi, tuy họ không vô tội, nhưng thực ra thì cũng rất tội nghiệp. Họ cũng như chúng ta đều đã vô tình nhận vai của một cuộc đánh tráo vĩ đại . Chúng ta ,bạn cũng như tôi, đã gần như bị thôi miên đến mức không bao giờ tự hỏi ,đâu là cội nguồn của sự biến mất dân chủ ở nước ta. Các nhà khoa học ,bằng việc chỉ ra những nhân tố được nhào nặn, những chân lý được đánh tráo và những phân tích khoa học hết sức thuyết phục, đã chỉ ra cội nguồn của sự biến mất dân chủ ở nước ta trong mấy chục năm vừa qua có cội nguồn từ thể chế. Trong khi HP 1946 được xây dựng trên những tiên đề xã hội, là những lẽ phải không thể chối cãi, được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền Pháp (1791) như Chủ tịch Hồ chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, thì Hiến pháp 1980 đã hoàn toàn chối bỏ, khi khẳng định nhà nước CHXH CN VN là nhà nước chuyên chính (Dictatorship-độc tài),đối ngược với dân chủ. Khi khảo sát Sự định danh của một quốc gia và Hành trình dân chủ trong các Hiến pháp Việt Nam , Gs Hoài đã liệt kê:

-Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa (điều 1, Hiến pháp 1946)
-Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. . , là một nước dân chủ nhân dân (điều 2 Hiến pháp 1960)
-Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. . . (Điều 2, HP 1980)
-Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước (gì?) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. . . (điều 2, HP 1992)
-Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. . . (điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2000).
Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước chuyên chính, là một bước ngoặt lớn, có thể hiểu là Hiến pháp được xây dựng lại trên cơ sở những tiên đề xã hội khác trước. Có lẽ hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước chuyên chính như Hiến pháp 1980 của nước ta.” (hết trích dẫn).
Quả thật là ngay cả những thể chế độc tài chính hiệu như Đức quốc xã, Franko, Pol Pot ..cũng không dám công khai thừa nhận ta đây là chuyên chính /độc tài như vậy. Thật là hiếm có! Hiến pháp 1992 cố tránh sự ngạo mạn đó nhưng không muốn quay về dân chủ ,lại tạo nên một sự định danh ngớ ngẩn khác: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước(gì?) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...” . Cần nhớ rằng mệnh đề này là trích trong diễn văn Gettysburg (1863) của Tổng thống Mỹ  Abraham Lincoln, dùng để định danh một chính quyền, nguyên văn:”… - government of the people, by the people, for the people -Chính quyền của dân, do dân và vì dân” . Không phải là vô tình mà A.Lincoln định danh đó cho chính quyền chứ không phải cho nhà nước. Vì nếu là nhà nước (quốc gia) thì định danh như vậy thật vô nghĩa. “. Trong bài viết  SỰ BIẾN ĐỔI CỦA NỘI DUNG "DÂN CHỦ" TRONG HÀNH TRÌNH HIẾN PHÁP, Bloger Mạnh Kiên đã bình luận điều này theo quan điểm của mình cũng rất thuyết phục : “..tác giả của mệnh đề này là Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã chọn từ rất chắc chắn khi trao trọng trách cho “chính quyền” (goverment) dưới sự kiểm soát của dân, hoạt động vì dân và do dân làm chủ chứ không dùng từ nhà nước – quốc gia (nation - state). Bởi tiên đề “nhà nước là của nhân dân” cũng đã được nghiễm nhiên thừa nhận như 2+2 = 4 vậy. Do một sự nhầm lẫn nào đó trong chính giới đã tạo nên thói quen ngôn ngữ trong dân gian khiến nghĩa vụ “do dân, vì dân” của chính quyền đã được gán sang cho khái niệm siêu hình là nhà nước, một đơn vị ngôn từ đồng nghĩa số đông quần chúng. Theo logic này, nhà nước do dân vì dân cũng không khác gì, nhân dân tự làm, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm với nhau .Có lẽ, nhận thấy sơ suất này nên năm 2001, Hiến pháp đã định danh lại với nhiều thông tin hơn, nhưng từ “dân chủ” lại vắng bóng: “…Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân.”  Cả nhân loại đều biết Pháp quyền là gì, nhưng gắn Pháp quyền với XHCN là một xảo thuật đánh tráo khái niêm , để cho bản chất chuyên chính/độc tài được che đậy, dân chủ bị từ chối một cách công khai.
Nhìn  lại, ta có thể dựng biểu đồ Hành trình dân chủ của Việt nam gần 70 năm qua, thể hiện qua sự định danh nhà nước như sau : Dân chủ cộng hòa (46) à Dân chủ nhân dân (60) à Chuyên chính vô sản (80) à    Bỏ trống (92) à Pháp quyền XHCN (2001)à
Nhìn hành trình này chúng ta thấy rõ ,sau khi từ bỏ Dân chủ chuyển sang Chuyên chính/Độc tài từ năm 1980 một cách công khai, thì sau đó, dù cố che dấu nhưng thực chất từ chối dân chủ là tư tưởng chủ đạo, khiến cho việc định danh một quốc gia trở nên lung túng, nực cười. Nhìn trên biểu đồ tiến hóa (evolution) của dân chủ, ta không khỏi giật mình  khi thấy sự từ bỏ dân chủ chuyển sang chuyên chính (độc tài) thì "Dân chủ" đã bị biến mất, giống như sự tuyệt chủng của loài khủng long ! Thú thật, tôi hết sức bất ngờ khi thấy điều này thể hiện rõ như vậy ,và phải vò đầu tự hỏi , tại sao mình làm báo mấy chục năm, chữ nghĩa không thiếu, mà điều rõ ràng như vậy không nhận ra. Đây có thể xem là “hiệu quả của phép thôi miên chính trị” mà chúng ta đã bị tác động mấy chục năm qua. Thoạt đầu tôi nghĩ không lẽ trình độ của những nguời soạn thảo lại kém cõi , nhận thức lại ấu trĩ như vậy ! Nhưng nếu chịu suy nghĩ thì hoàn toàn không phải do trình độ non kém ..   Việc thể hiện trên Hành trình Hiến pháp về sự từ chối dân chủ không phải chỉ trên ngôn từ mà đã được thực thi một cách quyêt liệt trong xã hội . Nhìn vào đây  thì bất cứ người dân nào cũng đều không ngần ngại để khẳng định rằng việc từ bỏ dân chủ trong tổ chức quản lý xã hội thời gian qua là hoàn toàn bắt nguồn từ  từ thể chế và do thống nhất chỉ đạo từ trên xuông dưới.  Hơn thế nữa, chúng ta có thể thấy rõ rằng, điều 4 hiến pháp chỉ được sinh ra và áp đặt vào Hiến pháp tại cùng thời điểm với sự từ bỏ sự định danh dân chủ cho nhà nước Việt nam tại Hiến pháp 1980 . Đây hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Điều 4 Hiến pháp với thể chế chuyên chính gắn kết hữu cơ với nhau ,không thể tách rời. Quả vậy ,giả sử (chỉ là giả sử thôi)  những điều khoản đầu tiên của Hiến pháp khẳng định Dân chủ là cơ sở của nhà nước thì việc chọn ai là lãnh đạo,điều hành phải do nhân dân chọn , cũng theo phương thức dân chủ. Thế thì điều khoản sau (tức điều 4) là không thể tồn tại, vì điều 4 bắt toàn dân phải chấp nhận một tổ chức nào đó hay một nhóm người nào đó là  lãnh đạo, dù đó là một Đảng đã có thành tích trong quá khứ , như trong Hiến pháp từ 1980 đến nay đã quy định trong điều 4. Rõ ràng Dân chủ và Điều 4 Hiến pháp là hai thứ không thể đồng hành với nhau. Chuyên chính (độc tài) với điều 4 là một. Đã chọn điều 4 , tức độc tài thì phải bỏ dân chủ. Đã chọn dân chủ thì phải bỏ độc tài , tức là bỏ điều 4. Nhà nước chuyên chính /độc tài với Điều 4 Hiên pháp là hai anh em sinh đôi , do đó dù Hiên pháp 1992 sửa lại định danh để cho sự độc tài khỏi quá lộ liễu , đã dùng xảo thuật ngôn ngữ (thay chữ nhà nước vào chữ chính quyền trong mệnh đề nổi tiếng của A.Lincoln) dù có vô nghĩa nhưng né tránh được dân chủ. Ngay cả bản sửa lại vao năm 2001 , thì cũng trốn tránh dân chủ bằng cách đưa ra một khái niệm mù mờ là “Pháp quyền XHCN”. Thể chế chuyên chính gắn liền hữu cơ với Điều 4 Hiến pháp thành một tổng thể. Không thế có Điều 4 Hiến pháp trong một thể chế dân chủ. Nếu muốn cả hai , ví dụ Nước Việt nam là một nước Dân chủ- Chuyên chính (Độc tài) thì bạn nghĩ có được không ?. Một bộ luật nguồn của nhà nước không thể chứa những mâu thuẫn nội tại không thể hóa giải được. Và một cái văn bản gọi là Hiến pháp như vậy, dù bằng mọi quyền lực áp đặt để được thông qua, không thể được thực thi và không bao giờ được thực thi. Làm sao có thể yêu cầu người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật được!. Hậu quả về thực tế là đất nước sẽ vô pháp luật, dân tộc mãi mãi không thoát  cảnh lầm than, đói nghèo.

Kiến nghị sửa đổi HP1992 cuả NHÓM CHUYÊN GIA TRÍ THỨC VIỆT NAM SOẠN THẢO và DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013 vừa được BauxitVN công bố , theo tôi, đã thể hiện một điều cốt lõi : Đây sẽ là Một hiến pháp được xây dựng trên nền tảng “những lẽ phải không thể chối cãi” như Tuyên ngôn độc lập 1945 đã khẳng định, trong đó Dân chủ chính là thể chế mà Hiến pháp này thể hiện. Ủng hộ Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo hiến pháp 2013 nói trên chính là ủng hộ Dân chủ. Đó chính là sự lựa chọn Dân chủ thay cho Chuyên chính /Độc tài đang ngự trị trong các hiến pháp VN từ 1980 cho đến nay, kể cả dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi
Chừng nào mà việc chọn lựa thể chế giữa dân chủ và độc tài (chuyên chính) chưa được đem ra cho nhân dân phúc quyết , thì mọi việc sữa chữa Hiến pháp 1992 là vô nghĩa là chống lại quy luật khoa học mà mọi xã hội văn minh đều phải tôn trọng. Nếu người dân coi mình là thành viên của nhà nước ,thì cần phải đòi hỏi trước hết là quyền được lựa chọn Dân chủ hay Chuyên chính (độc tài) cho đất nước. Trên cơ sở đó mới tiến hành thủ tục để soạn thảo Hiến pháp 2013. Hiện nay, chính quyền này đang làm ngược lại điều đó. Nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Hà , bậc đàn anh và cũng là đồng nghiệp của chúng tôi tại VNTTX trước đây đã có một kiến nghị hết sức thấu tình đạt lý:

Với toàn thể nhân dân chúng ta, đây không phải chỉ là một kiến nghi, đây là một đòi hỏi , phải để cho toàn dân quyền lựa chọn thể chế ,đó là dân chủ hay chuyên chính (độc tài). Sau khi có kết quả, sẽ tiến hành các thủ tục soạn thảo Hiến pháp mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét