Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013



THƯ NGỎ GỬI  THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH
Thưa thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thân mến!

Sau khi đọc bài báo dưới đây trên VNexpress Thứ sáu, 7/6/2013, 19:44 GMT+7, tôi tán thành và ủng hộ quan điểm cho rằng “Nếu không có hòa bình thì đó là thảm họa,
không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc mà còn với cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang có một số tranh chấp, cả thế giới đang nhìn vào hai nước', Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đối thoại với một số tờ báo lớn ở Trung Quốc”.

 Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng những lời nói ngoại giao, những luận đề hội thảo cho đến những từ ngữ như “ người bạn bốn tốt”, “16 chữ vàng” mà tập đoàn Bắc kinh cộng sản tuyên bố chỉ tồn tại ở đầu lưỡi chúng mà thôi. Lịch sử ngàn năm Việt – Trung, thực tiến những cuộc xâm lăng thấm đẫm màu sắc cá  lớn nuốt cá bé mà bè lũ Bắc kinh gây nên cho Dân tộc Việt Nam vào các năm 1978, 1979, 1984 là minh chứng hùng hồn cho niềm tin đó. Chúng ta cần xây dựng không chỉ một niềm tin chiến lược mà còn cần cả niềm tin chiến thuật rằng: Dưới góc nhìn về thế và lực  trên thế giới hiện đại và mối bang giao quốc tế hiện nay, tập đoàn cộng sản Bắc kinh chỉ là gã khổng lồ chân đi giầy đất sét.
“Sông có thể cạn, núi có thể mòn” nhưng Việt Nam và Trung quốc không thể có tình hữu nghị thực sự.
Đó là chân lý muôn đời.
Thứ sáu, 7/6/2013, 19:44 GMT+7
Việt Nam kêu gọi một Biển Đông 'không tiếng súng'
'Nếu không có hòa bình thì đó là thảm họa, không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc mà còn với cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang có một số tranh chấp, cả thế giới đang nhìn vào hai nước', Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đối thoại với một số tờ báo lớn ở Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông đã có cuộc đối thoại với Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc. Hai bên không né tránh những khác biệt giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, và đã thống nhất cùng nhau tạo môi trường hòa bình trên Biển Đông để từng bước giải quyết tranh chấp, đem lại lợi ích hài hoà, cùng có lợi cho mỗi nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Dưới đây là lược thuật cuộc phỏng vấn, với sự tham gia của các hãng Trung Hoa nhật báo, Hoàn cầu thời báo, Tân Hoa xã, Tuần báo Phương Nam...
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc trả lời phỏng vấn các báo lớn của Trung Quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc trả lời phỏng vấn các báo lớn của Trung Quốc, sau Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Trung ngày 5-6/6 .
- Bình luận của ngài về các ý kiến cho rằng Việt Nam đang có ý định liên minh với nước ngoài để chống Trung Quốc? Đánh giá của ngài về chiến lược châu Á - Thái bình dương của Mỹ?
- Cả trong hành động cụ thể cũng như trên những nguyên tắc chiến lược cơ bản của Việt Nam không hề có chuyện Việt Nam liên minh với nước thứ ba để chống Trung Quốc. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam theo nguyên tắc độc lập tự chủ, dựa trên sức mạnh của mình là chính, tuyệt đối không liên minh với nước này để chống nước kia.
Những ai có tầm nhìn chiến lược cũng như sự tỉnh táo về mặt chính trị đều hiểu rằng một nước nhỏ mà liên minh với một nước này để chống một nước khác là tự hại mình. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam quan hệ với rất nhiều nước trên thế giới và thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam đã thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, là đối tác tin cậy, là bạn với tất cả các nước; các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam không gây phương hại đối với bất cứ một quốc gia nào.
Về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Nếu chiến lược này đem lại hòa bình, ổn định, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế thì không có gì phản đối. Ngược lại, chúng ta phản đối nếu chiến lược đó phương hại đến lợi ích các quốc gia và hòa bình trong khu vực.
- Tại Đối thoại Shangri-La 12, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một thỏa thuận an ninh trên biển. Phải chăng điều này phản ánh dư luận trong một số cư dân mạng ở Việt Nam tỏ ra lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc?
- Tôi không không nghĩ như vậy và tôi tin rằng đa số người dân trên thế giới cũng không nghĩ như vậy. Sự phát triển của Trung Quốc cũng là sự phát triển chung của thế giới. Nếu sự phát triển này đem lại hòa bình, ổn định và trên tinh thần hợp tác. thì Việt Nam ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc.
Việc Việt Nam đề nghị kiến tạo môi trường hòa bình trên biển là rất quan trọng vì có giữ được môi trường hòa bình thì mới cùng nhau giải quyết các vấn đề còn khúc mắc. Nếu không có hòa bình thì đó là thảm họa, không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc mà còn với cả cộng đồng thế giới. Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang có một số tranh chấp, cả thế giới đang nhìn vào hai nước.
Tuyệt đại đa số những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn hai nước láng giềng bình đẳng, có thể giải quyết êm đẹp những tranh chấp. Hai nước cần chứng tỏ với nhân dân mình và với thế giới rằng chúng ta có thể chung sống hữu nghị, cùng hợp tác phát triển, từng bước giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Làm được điều đó sẽ đem lại lợi ích to lớn và là niềm tự hào của cả hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
- Đề nghị ngài nói rõ hơn về việc Việt Nam đề nghị không sử dụng vũ lực trên biển?
- Việt Nam đề xuất không sử dụng vũ lực trên biển bởi đây là điều hết sức cần thiết, vì trong thời gian qua, đã có một số hành động manh động sử dụng vũ lực do cá nhân của một số quốc gia trên Biển Đông, gây dư luận rất xấu. Về thực chất, đề nghị của Việt Nam là kêu gọi hình thành một Biển Đông không tiếng súng.
- Với việc mua các tàu ngầm Kilo là loại tàu ngầm tấn công, trong khi Việt Nam nói rằng mình mua sắm vũ khí “chỉ vừa đủ để tự vệ”, phải chăng chính sách quốc phòng của Việt Nam đã thay đổi?
- Điều quan trọng là vũ khí nằm trong tay ai! Nó có thể giết người, nhưng cũng có thể để tự bảo vệ mình; thậm chí có những lúc, vũ khí đó là để bảo vệ hòa bình. Vấn đề là người cầm vũ khí đó là ai, đường lối của người đó như thế nào.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã tuyên bố với thế giới trên Diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi năm ngoái rằng Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo về chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác.
- Hai nước Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử quan hệ tốt đẹp. Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về tình hình tranh chấp trên biển thời gian qua?
- Lịch sử tốt đẹp là cơ sở để Việt Nam và Trung Quốc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào quá khứ mà hiện tại, mỗi người, mỗi ngành của hai bên cùng cố gắng, trong từng việc làm, trong mọi thời điểm thì mới có thể giải quyết được những khác biệt còn tồn tại.
- Những bất đồng cụ thể trong quan hệ hai nước là gì?
- Trong quan hệ hai nước có rất nhiều điểm tương đồng, còn bất đồng là tranh chấp trên Biển Đông, về chủ quyền, về cách ứng xử. Ngắn gọn là hai bên cần phải ứng xử hòa bình, giải quyết vấn đề chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước luật biển năm 1982 và thực hiện tốt DOC.
- Đề nghị ngài cho biết những ưu tiên trong hợp tác quân sự của Việt Nam với Nga, Mỹ, Trung Quốc?
- Việt Nam có quan hệ quốc phòng với Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước ASEAN, ngoài ra còn có các nước, các tổ chức khác như Ấn Độ, EU. Chúng tôi cũng không quên mối quan hệ rất thân thiết, tốt đẹp dù rất xa xôi là nước Cộng hòa Cuba anh em. Trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu và chính đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng vậy.
Tại Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ tư, hai bên đã ký Thỏa thuận Về việc xây dựng đường dây thông tin điện thoại nối thẳng giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có nhiều điểm tích cực, bên cạnh đó, cũng có những khó khăn phức tạp như mọi người đều biết. Là người hiểu rõ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tôi cho rằng tình hình không quá đáng lo ngại, gây bức xúc như một số biểu hiện trong thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng hai nước sẽ vượt qua được khó khăn để xây dựng tình hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc.
Theo Quân đội Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét