Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Đọc để tin và yêu thêm đất nước mình



Đọc để tin và yêu thêm đất nước mình

08:00 28/09/2015

Nhân đọc "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn", tiểu thuyết của Thâm Giang Trần Gia Ninh, Nhà xuất bản Văn học, năm 2015

Một lần, trong bữa tiệc với những người quen và cả những người chưa quen, tôi được sắp xếp ngồi gần một tiến sĩ khoa học chuyên ngành vật lý - ông xin được giấu tên. Tuy là cùng quê nhưng lần đầu gặp, ông lại là một trong số ít nhà khoa học vật lý tốp đầu của nước ta hiện nay, tuổi cũng đã cao nên dù ngồi gần nhưng chúng tôi chỉ dừng lại ở những câu chuyện xã giao. Sau buổi tiệc, ông hứa sẽ đưa đến tận cơ quan tặng tôi một cuốn sách của ông vừa mới xuất bản.
Tôi không hào hứng cho lắm vì nói thật là ngày đi học, tôi không được sáng dạ ở môn vật lý. Đến hẹn, ông đã làm tôi ngạc nhiên vì cuốn sách ông tặng không phải sách viết về vật lý mà là một cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn".
Trao sách cho tôi, ông bảo: "Đọc cho vui". Và tôi đã mất gần một tháng trời "cho vui" để đọc hết cuốn sách của ông dù nó chỉ có độ dày vỏn vẹn 432 trang in. Khi đọc cuốn sách của ông, tôi có một cảm giác vừa lạ vừa quen, những địa danh, những câu chuyện, huyền tích… trong cuốn sách, phần nhiều hiện nay vẫn đang còn lưu dấu trên miền quê Hương Sơn, Hương Khê nói riêng và vùng xứ Nghệ nói chung.

Tiểu thuyết “Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn” NXB Văn Học, năm 2015.
Tôi đã đọc được "nguyên bản" những từ địa phương cổ mà ông sử dụng trong cuốn tiểu thuyết. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết trong tâm thế của một người con đi xa lâu ngày nhớ quê và tâm trạng của một người lính trong tình hình biển đảo nước nhà đang bị các thế lực bành trướng lăm le xâm chiếm. Đọc sách và thêm một lần nữa tin như tin rằng nếu có biến thì chúng ta vẫn sẽ chiến thắng như cách đây 600 năm, Lê Lợi và Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng giặc Minh xâm lược. Cuốn sách của ông cũng xoay quanh những chuyện đó. Nếu "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi là bản "Thiên cổ hùng văn" trình bày tóm tắt về đường lối, sách lược, những khó khăn gian khổ, những chiến công lớn… trong mười năm kháng chiến của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn thì tiểu thuyết "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn" của Thâm Giang Trần Gia Ninh là cuốn sách bổ sung, lý giải, cắt nghĩa và làm sáng tỏ thêm về chiến thắng và lý do chiến thắng của Nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng.
"Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi dừng lại ở chiến thắng của Nghĩa quân Lam Sơn, còn "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn" Thâm Giang Trần Gia Ninh viết tiếp phần bi kịch của những quan đại thần khi đất nước ca khúc khải hoàn như Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuấn Thiện… Tất nhiên "Bình Ngô đại cáo" và "Kim thiếp Vũ Môn" được thể hiện với hai thể loại văn học khác nhau nên yêu cầu người đọc, người thưởng thức cũng phải đọc, phải thưởng thức theo đúng tinh thần của thể loại mà người viết thể hiện.
Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn - Sắt thép ở Vũ Môn làm ra Hỏa súng của người Việt - còn người Trung Quốc đời nhà Minh gọi Hỏa súng của người Việt là Thần Cơ Thương (súng thần). Nhân tài, tinh hoa đất Việt và chính nghĩa của một dân tộc yêu hòa bình nhưng cũng là một dân tộc biết làm ra nỏ thần và súng thần. Nếu thời Thục Phán An Dương Vương (khoảng 208 TCN đến 179 TCN), Triệu Đà đã dùng mưu kế kết tình thông gia để đánh cắp bí mật quân sự và vô hiệu hóa nỏ thần, Thục Phán thua trận đã cùng con gái yêu tuẫn tiết ở đất Diễn Châu, Nghệ An thì đến đời nhà Hồ: "… chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận" (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi), nhà Minh xua quân sang đánh nước ta, dù đã có Hỏa súng nhưng không được lòng dân, cha con Hồ Quý Ly cũng đành thua trận, bỏ chạy đến vùng biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Khi thế cùng lực kiệt trung thần đã khuyên vua nên tự sát để bảo toàn danh dự, Hồ Quý Ly không những không nghe mà còn rút gươm ra chém chết trung thần và đang tâm đưa tay chịu trói. Hồ Nguyên Trừng vì chữ hiếu với cha đã phải dâng bí quyết chế tạo Hỏa súng - Thần Cơ Thương cho nhà Minh. Hỏa súng - Thần Cơ Thương là một loại súng gọn, nhẹ, có thể di chuyển linh hoạt khi tác chiến. Vật liệu cần nhất để chế súng là sắt mềm (nhuyễn thiết), tức là sắt ít carbon. Người Việt luyện được sắt này nhờ tìm ra bí quyết sử dụng than có nhiệt lượng của gỗ quý rừng Trường Sơn để nâng nhiệt độ lò nung lên cao, cùng quặng sắt ở xứ Nghệ và phụ gia tốt, đặc biệt là có chứa các nguyên tố vi lượng (như Mo) của Hoan Châu.
Cùng thời điểm đó, người Trung Hoa chỉ luyện được sắt cứng (như gang, là sắt chứa nhiều carbon và tạp chất). Từ khi có Thần Cơ Thương, quân nhà Minh ngày càng mạnh và qua các cuộc chiến chinh với người Tatar, bí quyết chế súng Thần Cơ Thương mới bị rò rỉ sang phương Tây. Vào nửa cuối thế kỷ XV, người Ottoman rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo súng hỏa mai (matchlock musket). Bằng chứng hùng hồn nhất về sự kiện này là mỗi khi quân đội nhà Minh tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng trước, vì Hồ Nguyên Trừng là cha đẻ của súng Thần Cơ Thương. Sau này Hà Ất và Nguyễn Tuấn Thiện ở Cốc Sơn cũng đã chế tạo được súng Thần Cơ Thương, đó là bước ngoặt lớn về quân sự trong cuộc kháng chiến mười năm của Nghĩa quân Lam Sơn. Đến cuộc khởi nghĩa Hương Khê, từ mẫu súng của Pháp, Tướng quân Cao Thắng chế tạo ra súng kiểu Pháp. 
Là một nhà khoa học về lĩnh vực vật lý, nhưng là một người con họ Trần dòng dõi của họ Trần Gia Phố nổi tiếng khắp xứ Nghệ. Thâm Giang Trần Gia Ninh giỏi chữ Nôm, chữ Nho và với vốn tiếng Trung, tiếng Anh thành thạo, ông đã dựa vào gia phả, thần phả, cùng sử liệu của chính nhà Minh, ông tìm đọc các sử liệu của các học giả phương Tây để nhằm đưa người đọc đến gần với sự thật lịch sử nhất.
Như trên đã viết, đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nên không thể không có những hư cấu và sự áp đặt chủ quan của người viết lên từng trang sách. Nhưng dù có hư cấu nhiều hay ít thì cũng cần phải dựa vào lịch sử và có tính logic, những ràng buộc của thể loại. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết "Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn" và đã bị Thâm Giang Trần Gia Ninh thuyết phục qua từng trang sách, sau từng sự kiện. Có thể còn có nhiều người không đồng tình với những hư cấu trong cuốn sách, chẳng hạn như Trần Gia Ninh đã xây dựng một mối tình đẹp giữa tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện và quận chúa Huy Chân - sau này là vợ vua Lê Lợi.
Như chúng ta đã biết, năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) chống giặc Minh gặp khó khăn, vua Lê Lợi đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ. Tại đây Lê Lợi đã gặp nghĩa quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện vốn đang làm chủ toàn bộ vùng đất Đỗ Gia. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng hai người lại có chung một chí hướng, kết nghĩa anh em. Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng nhau giết con ngựa trắng lấy máu uống, cắt tóc thề ngay dưới gốc cây thị cổ (tạm gọi đây là phần chính sử). Từ chính sử đó Trần Gia Ninh đã xây dựng lên mối tình tay ba của Lê Lợi - Huy Chân - Tuấn Thiện.
Có người sẽ không đồng tình với chi tiết này bởi có chuyện kể về Hoàng Hậu Bạch Ngọc ở Đỗ Gia. Nhưng thực chất chuyện ấy chỉ được các học giả Việt Nam biết đến nhờ công sưu tầm của người Pháp - Giáo Sư H. Bretton, Hiệu trưởng Quốc học Vinh, công bố năm 1928 qua khảo cổ thực địa và gia phả, thần phả, lời kể… trên tạp chí Đô thành hiếu cổ (tiếng Pháp). Hiện nay các gia phả, thần phả thành văn cũng không còn.
Trong tiếng Pháp thì Công chúa, Quận chúa đều ghi là Princesse, cho nên không rõ khi nghe kể hay ghi lại là công chúa hay quận chúa Huy Chân thì Bretton đều viết là Princesse. Nếu là công chúa thì Huy Chân muộn nhất phải sinh năm 1378 hơn Lê Lợi 5,6 tuổi, khó mà làm xiêu lòng Lê Lợi. Công chúa lúc gặp Lê Lợi đã 47 - 48 tuổi rồi, khó mà có con lần đầu là Công chúa Trang Từ - tức Lê Thị Ngọc Châu - để sau này là vợ của tướng quân Bùi Ban, con dâu của tướng quân Bùi Bị. Cho nên tác giả mới ngả về khả năng Huy Chân là cháu của Hoàng hậu Bạch Ngọc thì mới logic với việc lấy Lê Lợi làm chồng và trước đó đã có tình yêu với tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện (tương đương tuổi). Tuy nhiên, nhân vật quận chúa Huy Chân cũng như các nhân vật Tiểu Kiều, Đại Kiều, hay Tôn Phu Nhân nhiều phần hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa vậy.
Còn có thuyết nói rằng Vua Trần Dụ Tông mê mẩn cô gái ở Tri Bản mà cưới làm vợ, phong làm Hoàng Hậu thì còn đáng ngờ hơn. Sử thì chỉ chép là Duệ Tông lấy con gái Trần Liêu làm phi. Vậy thì viên quan Trần Liêu lấy con gái Tri Bản sinh ra Trần Thị Ngọc Hào là hợp lý hơn. Tri Bản là quê ngoại của Trần Thị Ngọc Hào - Bạch Ngọc như trong truyện nói có lẽ logic hơn và hợp với chính sử hơn. Hay như nhân vật Phan Liêu, Nguyễn Biểu… cũng còn lắm tranh cãi.
Sở dĩ có những chuyện đó cũng là do thâm ý của các triều đại phong kiến phương Bắc. Mỗi đạo quân trước khi xuất chinh sang xâm chiếm nước ta đều phải thuộc nằm lòng chỉ dụ: "Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra mọi sách vở văn tự, cho đến những loại sách ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu "Thượng đại nhân, khưu ất dĩ", một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì phải giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh, một chữ chớ để còn" (Vua nhà Minh)
Chính vì thâm ý đó của người phương Bắc mà nay sử của nước ta còn có nhiều điều khuất lấp, nhiều vỉa quặng của ông cha để lại người đời sau chưa biết để khai phá. Thâm Giang Trần Gia Ninh bằng sở học và tâm huyết của mình, đã đưa người đọc đến sát với lịch sử đất nước và tự hào hơn về dòng dõi con cháu Lạc Hồng. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách rất đáng đọc.
Nguyễn Thế Hùng


1 nhận xét:

  1. Chưa đọc cuốn sách này nhưng đọc mấy bài viết về cuốn sách thấy càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ ông bạn cựu cùng lớp quá đi thôi.

    Trả lờiXóa