Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Trí tuệ không ngủ yên

ĐẠI ĐOÀN KẾT › CHUYÊN ĐỀ › TINH HOA VIỆT | ĐĐK CHỦ NHẬT | DÂN TỘC

GS – TSKH Trần Xuân Hoài: Trí tuệ không ngủ yên

Thứ Ba, 03/11/2015 10:08:00
GSTSKH.Trần Xuân Hoài tại trung tâm điểu khiển chuyến bay

của Intercosmos, Moskva 1979 (người thứ hai từ phải sang).
Từ cậu bé mồ côi mẹ…Trần Xuân Hoài lên 5 tuổi mới theo mẹ từ Đà Lạt chạy giặc về quê  Hương Khê, Hà Tĩnh, trong một làng nhỏ nằm trên dãy Trường Sơn, vốn là căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX. Khi đó cha đi thoát ly kháng chiến,là chủ tịch Ủy ban cách mạng tỉnh Lâm Viên, rồi chủ tịch tỉnh Bình Định.


Cậu còn quá nhỏ, chỉ nhớ là sống với ông bà nội trong căn nhà dột nát bên sông Ngàn Sâu, vì cụ tổ tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng nên nhà cửa cũ đã bị đốt sạch. Ông nội là nhà nho chỉ còn giữ được ít sách, một cái cân thuốc bắc cán ngà voi và một bàn thái thuốc bắc đã bị cháy xém, mà ông thường dặn cậu “đó là gia bảo truyền đời”. Cậu học chữ nho truyền khẩu trước khi biết chữ quốc ngữ, lớp 3 mới ra học trường làng. Mẹ chăn tằm dệt lụa nuôi hai anh em, sau này lớn lên cậu đã đi khắp thế giới, vẫn không sao hiểu nổi, mẹ nghèo, ở nơi rừng sâu núi thẳm mà ngày ấy vẫn mời thầy về nhà dạy nhạc, họa, ngoại ngữ cho cậu, không kém gì trẻ em ngày nay? Thế rồi 11 tuổi cậu đi thiếu sinh quân và được đưa sang học ở Lư Sơn và Quế Lâm, Trung Quốc. Cuối hè 1955, cậu đau đớn nghe tin mẹ bị trúng bom của giặc Pháp, chỉ một tháng trước khi hòa bình lập lại trên miền Bắc. Năm 1958 lần đầu tiên về nước, cậu cùng anh đi tìm mộ mẹ. Anh trai kể: Trúng bom, mẹ bị thương nặng, anh phải thuê thuyền dọc theo sông Ngàn Sâu xuôi sông La sang sông Lam ngược về “thủ đô kháng chiến” là Thanh Chương(Nghệ An) nơi có quân y viện để cứu chữa, nhưng đến đoạn Đức Thọ thì mẹ đã trút hơi thở cuối cùng trên thuyền. Anh mai táng mẹ cạnh một thửa ruộng và có khắc tấm bia gỗ cắm trên mộ để đánh dấu. Hai anh em đến nơi, tấm bia vẫn còn và khi bốc, quần áo mẹ đã mục nát, duy mái tóc dài, đen của mẹ vẫn còn nguyên. Hai anh em thay nhau gánh hài cốt mẹ xuyên rừng suốt hai ngày đêm, không dám dừng gần nhà ai sợ họ bị “xúi”. Lúc cải táng mẹ trên một ngọn đồi, cạnh ngôi chùa nhỏ, cậu chợt ứa nước mắt khi nhớ lại câu thơ đã học ở trường làng: Chuông chùa lạnh rơi rơi/Tôi thấy tôi mất mẹ/Mất cả một bầu trời…
Trần Xuân Hoài sáng dạ, sớm bộc lộ khiếu ngoại ngữ, ngay từ buổi đầu học ở nước bạn đã vào loại nhất, nhì lớp về tiếng Trung (Sau này khi sang Đông Đức (cũ), Trần Xuân Hoài chỉ học tiếng Đức trong vòng 5 tháng đã phiên dịch ngon lành cho đoàn Việt Nam sang thăm nước bạn và ông còn thành thạo các tiếng Anh, Nga…).
GSTSKH.Trần Xuân Hoài.
…đến nhà khoa học có phát kiến thuộc loại “bí mật quân sự”
Trần Xuân Hoài vào học khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 1961-1964. Tốt nghiệp xuất sắc, anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Các thầy Nguyễn Hoàng Phương, Đào Vọng Đức muốn anh làm lý thuyết, thầy Đàm Trung Đồn kiên quyết xin anh về bộ môn Chất rắn, làm thực nghiệm. Cuối cùng  thì thầy Đồn thắng. Trong chuyện giữ anh lại và tiếp tục tạo điều kiên bồi dưỡng cũng gây nhiều “lùm xùm”.  Mới 25 tuổi, chưa làm việc được 2 năm, song các giáo sư nổi tiếng, như Nguyễn Hoàng Phương, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy đã kiến nghị ban giám hiệu đưa anh ra nước ngoài đào tạo, dù chưa là đảng viên. Do việc này mà các giáo sư đã bị liên lụy, bị quy là không tôn trọng “hồng” chỉ lo “chuyên”. 
Anh làm nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý, Đại học Humboldt, Berlin dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý chất rắn nổi tiếng, GS. Robert Rompe, giải thưởng Lenin, mặc dù ông là một nhà khoa học Đức bị bắt đưa về Liên Xô sau năm 1945. Ngày ấy các phòng thí nghiệm mạnh nhất trong phe xã hội chủ nghĩa và phương Tây đều tập trung vào nghiên cứu chất bán dẫn để phát sóng siêu cao tần, thông qua hiệu ứng do nhà vật lý người Anh  J.B.Gunn đang làm việc cho hãng điện tử Mỹ IBM tìm ra, từ đây sẽ mở ra nhiều triển vọng đột phá trong ứng dụng vào lĩnh vực Radar quân sự (Đang chiến tranh lạnh, hai phe đều đầu tư lớn cho quốc phòng). Trần Xuân Hoài đã có 1 năm nghiên cứu về chất Tellur, nhưng anh theo lời khuyên của các GS R. Rompe và J. Auth, mạo hiểm nhảy vào nghiên cứu lĩnh vực mới nóng này. Không phụ lòng mong đợi, sau hai năm miệt mài, Trần Xuân Hoài đã có những phát kiến quan trọng cả về lý thuyết và thực nghiệm. Anh đã tìm ra một số chất bán dẫn, còn tiên đoán những chất khác có khả năng phát sóng theo hiệu ứng Gunn. Điều này sẽ trở thành một cuộc “cách mạng” cho các thiết bị rada bán dẫn. Và kết quả nghiên cứu của anh lập tức được nhà nước Đức xếp vào loại “mật” (ký hiệu VD), đến nỗi khi bảo vệ luận án tiến sĩ, anh đã phải bảo vệ ở một đề tài khác tuy cùng lĩnh vực, song độ “mật” đã giảm đi rất nhiều. Phải 15 năm sau, công trình của anh mới được giải mật, khi đó tính thời sự khoa học cũng đã hết. Vậy nên một phát kiến khoa học có tầm cỡ, lại đang ở tuổi thăng hoa nhất về trí tuệ lại phải giấu kín, nếu không tên tuổi của anh có lẽ đã “nổi như cồn” ngày ấy rồi! 
Cuối năm 1971, khi tiến sĩ Trần Xuân Hoài về nước một thời gian, đã xảy ra sự kiện bất ngờ: một máy bay cánh cụp cánh xòe F111 của Mỹ bay ở tầm thấp để tránh rada bị quân dân ta bắn rơi, biết tin Liên Xô yêu cầu ta đưa ngay chiếc máy bay đó, chủ yếu là bộ phận cabin sang bạn để nghiên cứu. Trước khi đưa chiến lợi phẩm quý ấy đi, quân đội ta cũng có cơ hội tìm hiểu nó, Trần Xuân Hoài được điều động cùng một số nhà khoa học khác trong và ngoài quân đội nghiên cứu trước chiếc F111. Đặc điểm của loại máy bay cánh cụp cánh xòe này là khi bị bắn hạ, lập tức cả buồng lái cùng phi công được dây nổ cắt ra khỏi thân, bung ra và có dù tiếp đất từ từ. Bởi vậy ta thu được ca bin hầu như nguyên vẹn. Cuối cùng thì nhóm nghiên cứu trong đó có sự đóng góp tích cực của tiến sĩ Trần Xuân Hoài đã hoàn thành nhiệm vụ, nộp lên cấp trên bản báo cáo nhiều trang về những điều mà công nghệ điện tử Mỹ đã ứng dụng vào khí tài quân sự tối tân đó.
Không lâu sau ngày đất nước thống nhất, tại nơi công tác là Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam, phòng thí nghiệm bán dẫn của tiến sĩ Trần Xuân Hoài đã chế tạo thành công Transistor Planar, một trong số loại bóng bán dẫn hiện đại, mà vào thời điểm đó Hàn Quốc cũng vừa mới bắt đầu nghiên cứu. Sau sự kiện này, Tổng bí thư Lê Duẩn, Phó thủ tướng Trần Quỳnh đã đến tận nơi thăm. Đáng tiếc là việc sản xuất và phát triển công nghệ Plana Silicon sau đó lại đầu tư “nhầm” cho một nơi khác (có thế lực hơn!) và thế là nước ta đã bỏ lỡ một thời cơ, bỗng chốc mất hút trên bản đồ công nghệ vi điện tử hiện đại của thế giới!
Năm 1979, chương trình Intercosmos của phe xã hội chủ nghĩa đưa nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân, cùng nhà du hành Liên Xô Gorbatco lên tầu Liên hợp. Tiến sĩ Trần Xuân Hoài được cử  làm trưởng nhóm chuyên gia khoa học Việt Nam làm việc bên cạnh các nhà khoa học quốc tế. Thí nghiệm do Trần Xuân Hoài đề xuất (Bí danh là thí nghiệm Hạ Long), nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường lên quá trình tinh thể hóa các tinh thể bán dẫn nhiệt và quang điện. Và để thực hiện thí nghiệm trên, ông đã thiết kế một lò nuôi tinh thể có những tính năng đặc biệt để phi công vũ trụ có thể dễ dàng thao tác trong tình trạng không trọng lượng. Thiết bị này còn hoạt động hàng chục năm sau cho đến khi trạm vũ trụ “Salut” ngừng bay.
Năm 1981, trong điều kiện “tranh thủ” những thời gian làm việc ở chương trình Intercosmos và với Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức, tiến sĩ Trần Xuân Hoài đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học về bán dẫn lade hồng ngoại, một lĩnh vực cũng rất “hót” lúc đó. Một ngày sau khi ông về nước, GS. Trần Đại Nghĩa, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam đã ký, bổ nhiệm ông làm Phó viện trưởng Viện Vật lý, mặc dù lúc đó ông  không phải là…đảng viên.
Đề xuất “Khoán 10 trong khoa học công nghệ” 
Ngày 24-9-2005, tại Viện Khoa học Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải có cuộc gặp với các cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành để nghe ý kiến về việc đổi mới cơ chế, làm cho khoa học công nghệ thực sự đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. GS.TSKH. Trần Xuân Hoài đã có bài phát biểu, chỉ ra rằng quản lý khoa học công nghệ Việt Nam cần phải dứt khoát từ bỏ mô hình “Lưxenco-Mitschurin” và ông đề xuất những đổi mới táo bạo,  nhiều người gọi đó là “Khoán 10 trong khoa học công nghệ”. Chẳng hạn, một đề xuất của ông: “Nhà nước nên cho thí điểm ngay ý tưởng về doanh nghiệp khoa học công nghệ cao (spin-off company) để rút kinh nghiệm nhân rộng, dần trở thành quy định cụ thể. Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng đây là vườn ươm tốt nhất cho xã hội. Chỉ cần 2-3% số doanh nghiệp này trưởng thành được là xã hội đã thu được lợi lớn rồi. Điểm lại các tập đoàn kinh tế-khoa học-công nghệ lớn trên thế giới (Microsoft, Siemens, Intel, Bell, Thomson, Ericson…) tuyệt đại bộ phận đều khởi nghiệp từ những hạt giống như thế này với vài trăm đô la cộng với chất xám của nhà sáng lập.” Hoặc: “Muốn đầu tư cho khoa học được hiệu quả thì phải đầu tư tập trung cho nhiệm vụ khoa học, đi đôi với nó là hình thức tổ chức khoa học phi tập trung về hành chính”; “Nếu được phép, tôi xin đề nghị cho Viện khoa học công nghệ Việt Nam được chuyển đổi thành tổ chức tương tự như Massachusetts Institute of Technology(MIT) của Mỹ”…
Đến nay đã qua 10 năm kể từ ngày ông đề xuất nhiều ý kiến táo bạo như thế, khoa học công nghệ nước ta đã có những chuyển biến nhất định, có những cơ chế giống như đề xuất của ông, như việc tổ chức doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, hay phi tập trung về hành chính. Và chính ông đã đi tiên phong trong việc ứng dụng khoa học vào thực tiễn, bằng việc tách ra khỏi Viện Vật Lý cũ thành lập một viện mới tự chủ , tự chịu trách nhiệm là Viện Vật lý Ứng dụng và thiết bị khoa học. Đã hai chục năm nay Viện đứng vững trong cơ chế thị trường, vừa nghiên cứu, vừa chế tạo được nhiều thiết bị hiện đại, có tầm quốc tế trong các lĩnh vực mũi nhọn như vi điện tử, vật liệu nano, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường…Riêng lĩnh vực chế tạo các thiết bị điện tử tinh vi, Viện đã lần lượt cho ra đời những thiết bị được đánh giá cao, trên thế giới cũng chỉ vài nước tiên tiến chế được, như kính hiển vi quét dòng tunel SPM, kính hiển vi quét đầu dò SPM có mức phân giải đến nanomet (phần tỷ mét). Ông cũng là chủ nhân của bằng sáng chế thiết bị lọc khí 3D bằng quang xúc tác nano.
Hôm nay đã ở tuổi ngoại 70, nhưng GS.TSKH.Trần Xuân Hoài vẫn chưa nghỉ hẳn, ông vẫn thường có mặt tại văn phòng và phòng thí nghiệm của Viện  để giúp các cộng sự, học trò trong công việc chuyên môn cụ thể và ông vẫn đảm nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện. Người con thứ của ông là tiến sĩ Trần Hoàng Hưng, kế tục sự nghiệp của cha, hiện anh đang làm việc tại phòng thí nghiệm của hãng điện tử khổng lồ IBM tại New York, Mỹ, đảm nhiệm việc chuyên thiết kế mới các chíp máy tính.  
Phạm Quang Đẩu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét