Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Xem Ảnh của nhà thơ



                  Tôi cũng mê gỗ lắm!
              Bài: Trần Định 
              (nhân xem ảnh mới trên FB của nhà thơ Bùi Quang Thanh)
              Ảnh: Quang Thanh & Trần Định


        Nhớ năm 1976. Một năm sau Thống nhất Non Sông, tôi được cử đi công tác Tây Nguyên. Đoàn đi có hai người, tôi và trưởng đoàn Trần Anh Cường. Anh Cường hiện đang say giấc ở cõi Thiên Thu dăm bảy Tết rồi. Sau khi thực hiện xong một số tài liệu ở Gia Lai, chúng tôi xuôi xuống Đắc Lắc theo QL14. Nội thị thị xã Ban Mê Thuột thời ấy có nhiều xưởng mộc ngay trên phố. Tôi hay ghé vào đó xem những người thợ mộc chế tạo đồ dùng gia đình. Những sập gụ, tủ đứng, xalon từ các loài gỗ quý  như trắc cẩm lai, đinh hương, tech…Đến đó không chỉ ngắm đồ gỗ mà còn để ngửi hương gỗ. Chuyến công tác kết thúc ở đây. Tôi không muốn về HN ngay. Mặc dù trưởng đoàn không đồng ý, tôi vẫn tách ra và ở lại thêm. Tôi lang thang ở Đắc Lắc, xuôi về Đà Lạt, Nha Trang rồi vào luôn Sài Gòn. Tôi quyết đi một chuyến như thế bởi khi chiến dịch HCM bắt đầu cho đến khi Sài  gòn thất thủ, tôi không được lấy một ngày ngửi mùi súng đạn vì là phóng viên trẻ và không phải là đảng viên. Từ BMT xuôi SG, trên vai tôi lúc nào cũng có ba khúc gỗ cẩm lai. Đến nay, hai nhà thơ Trần Ninh Hồ và Nguyễn Duy thỉnh thoảng vẫn nhắc lại kỷ niệm khi gặp tôi ở Đà Lạt trong chuyến ngao du này của tôi với ba khúc gỗ . Đà Lạt là nơi cậu ruột tôi – Ông Phạm Khắc Hoè từng làm quản đạo, lập ấp Nghệ Tĩnh trước khi làm tới chức Ngự Tiền Văn Phòng ở Hoàng Cung Vua Bảo Đại; nơi Bác ruột tôi, ông Trần Xuân Biền làm Chủ tịch Lâm Thời UB Kháng Chiến Đà Lạt ngớay khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Đà Lạt còn là nơi Ba Mẹ tôi từng sống, hoạt động trong Mặt Trận Bình Dân Học Vụ Ninh Thuận - Bình Thuận - Tuyên Đức - Lâm  Đồng và làm ăn kiếm sống cho đến ngày lên ghe về quê Hà Tĩnh trước Tập  kết 1954 từ Phan Rang. 

              Rốn rang, háo hức, tôi  đến với Đà Lạt như được trở về quê nhà sau bao năm tháng rời quê. Tôi được những người xưa cũ của Cậu Hoè, Cậu Quán, của Bác Biền, của Ba Mẹ cho đến những cán bộ chính quyền đương thời mới ở rừng về tạo điều kiện đi lại làm việc, tham quan, ăn ngủ chu đáo thuận tiện mà khỏi cần bất kỳ một thứ giấy giới thiệu hay công văn nào cả. Tôi được dự mấy cuộc sinh nhật mà sau này mới biết đó là sinh nhật giả của những thanh niên trí thức trẻ vùng tạm chiếm tổ chức để mời tôi nói chuyện về cuộc sống, tình yêu đôi lứa của thanh niên-sinh viên XHCN ở ngoài Bắc. Những cuộc đi chụp ảnh thắng cảnh và những rừng thông Đà Lạt với nhiếp ảnh gia chế độ Sài Gòn cũ Nguyễn Bá Mậu. Anh Mậu còn dậy cho tôi thực  hiện một số thủ thuật và hiệu ứng ảnh nghệ thuật bằng thủ thuật - kỹ xảo buồng tối ngay tại nhà riêng của anh ấy mà không dễ gì một nhiếp ảnh gia Hà Nội đã thực  hiện được vì không có nguyên liệu và điều kiện kỹ thuật. Anh Mậu cũng đã xanh cỏ được trên chục năm nay. Nhưng ấn tượng nhớ nhất, nhớ mãi cho đến bây giờ, khi viết những dòng này, là tôi vẫn như đang ngửi thấy hương gỗ thông và mùi gỗ cháy từ những ngòi bút điện của các nghệ nhân chế tác tranh khắc gỗ Đà Lạt. Còn ba khúc gỗ cẩm lai được đem về HN từ cao nguyên Đắk Lăk, sau đó tôi nhờ thợ mộc xịn chế tác thành 3 cái thân bào – công cụ bào gỗ. Tự tay mình tôi đã bào gỗ, đục đẽo và đóng được vài cái tủ de montabe như đồ gỗ thời nay, bàn ghế dùng thời bao cấp cho đến khi đi làm thường trú ở Liên Xô. Rồi về nước,  theo nhịp độ của cuộc sống sau Đổi Mới… cho đến khi gặp lại khúc gỗ tiền thân của pho Phật Bà Quan Âm này của nhà thơ Bùi Quang Thanh ở làng nghề Vân Hà Đông Anh ven bờ sông Đuống hồi năm ngoáí.
             Trong tủ quần áo của tôi vẫn có một mảnh gỗ ngọc am nhỏ được xé từ khúc gỗ tiền thân của pho Phật Bà Quan Âm của Quang Thanh.
             Trước khi rước Phật Bà lên ngự trên Ban Thờ  Tiên Tổ nhà mình, chắc chắn QT đã làm nghi thức “Hô Thần Nhập Tượng”. Hương Ngọc Am, Đức Quan Âm với lời hương khói thi nhân sẽ đem lại may mắn, sáng tạo cho cuộc sống sáng tạo thi ca của QT.

              Còn Tôi. Chưa có điều kiện để có pho tượng gỗ quý giá. Nhưng hương ngọc am mà tôi xé một miếng nhỏ như ba ngón tay dài chừng hai mươi phân và dày chỉ một phân từ khúc tiền thân pho Phật Bà đang ngự ở nhà Quang Thanh vẫn đem lại cho tôi hương sực nức, giúp tôi khử được mùi hôi của quần áo chưa muốn ném vào máy giặt nhà hay chưa đến ngày đem ra hiệu giặt là ngoài phố.
                                                                                                          (Mồng Hai Tết Quý Tỵ- 2013 - TĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét