Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Một chuyến đi xa-đoạn 2

Ghi chép dọc đường 2000km nam Đông Dương 
Đoạn II-Gia Nghĩa-Buôn Ma Thuột-Đà Lạt-Sài Gòn


Mọi việc chính thức ở Đak nông đã xong, các quan chức long trọng viên của Trung ương, Địa phương ..cũng đã lặng lẽ rút lui , dù Hội thảo, Hội chợ còn vài ngày nữa. Tại sao mình lại không noi gương họ nhỉ. Anh chị em cán bộ Viện ở lại tiếp tục…,còn mình rủ hai lão làng lặng lẽ rút lui , tiếp tục cuộc du ngoạn Tây Nguyên , không phải bằng xe của Viện nữa mà đích thực làm một chuyến đi bụi. Đang còn phân vân chưa biết thuê xe  gì, thì anh lái Taxi,  giọng trọ trẹ , khuyên :“Bác muốn lên Buôn Ma Thuột à, thế thì cháu đưa Bác ra bến bắt xe Bus mà đi cho rẻ , chỉ hết 40 nghìn thôi”. Hóa ra đồng hương nghèo ở đâu cũng thông cảm cho nhau.”Bà con nghèo, giàu tình nghĩa’ ,các cụ nhà ta đã nói rồi mà! Có xe bus chạy đến 120 km ư ? Thế là tôi lên xe Bus rong ruổi 120 km qua Đăk Song-Đăk Mil –Cư Jut vượt cầu qua sông Serepok  đến Buôn Ma Thuột.
Bắt xe Bus đường dài lên Buôn Ma Thuột

Nếu ai chưa một lần đi xe bus đường dài, thì tôi khuyên là nên thử một chuyến lên Buôn Ma Thuôt bằng xe bus. Trong xe là một xã hội thu nhỏ, bên ngoài là một cảnh sắc mê hồn. Hai bên đường là những dải hoa cúc dại màu trắng hòa sắc với màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. Xa xa , những dãy đồi thấp nhấp nhô với rừng cây xanh đậm của Cà phê đang tuổi thu hoạch, hoặc pha màu vàng nhạt của đồi cao su mới trồng.Nếu không nghe lao xao tiếng Việt bên tai , thì phong cảnh lướt qua còn mê ly hơn cả vùng đồi núi trồng nho đẹp nổi tiếng  châu Âu nằm giữa ba nước  Đức-Pháp-Thụy sĩ.
Hoa cúc dại và hoa dã quỳ tô điểm đường dài

Đồi cao su mới trồng

Cô gái người Nùng ngồi cạnh tôi, tốt nghiệp sư phạm ĐH Tây nguyên ,đang thất nghiệp, tâm sự “vừa rồi cháu về quê Cao bằng, chỉ mấy ngày lại muốn vào lại đây ngay”. Cháu vào đây lâu chưa? Lâu rồi , từ năm 95, cả gia đình cháu”. “Cao bằng nghe nói đẹp và giàu lắm chứ ?” “ở đây dễ sống hơn nhiều bác ạ’ “Cháu đang thất nghiệp mà “ “Nhưng vẫn còn hơn , cháu về làm nông tạm với bố mẹ”. Một nhận xét khá thú vị, dân đồng bằng Bắc bộ và Thanh hóa thường chỉ có đàn ông đến đây, như ông đứng sau lưng tôi, người Nam Định,  là nhân viên nhà nước, một mình ở đây,  có mấy Hecta cà phê, khi nào thu hoạch, bà xã mới vào coi sóc , xong lại về. Còn dân miền núi phía Bắc, dân Nghệ Tĩnh hầu như di cư cả nhà vào.

Quãng đường du ngoạn bằng Bus 120km & Xe đò 220 km

Suốt các điểm dừng đỗ dọc đường luôn luôn đầy học sinh lên xuống. Các cháu nói ở đây đều đi học bằng xe bus này, nhà thường cách xa trường 15, 20km. Nước Mỹ tự hào có luật đưa đón học sinh đi học miễn phí bằng xe bus, nông thôn cũng như thành thị, bố mẹ miễn phải lo. Có loại xe bus màu vàng thống nhất toàn nước Mỹ, đóng riêng cho nhiệm vụ này. Hóa ra việc đi học bằng xe Bus không chỉ có ở nước Mỹ giàu sang mà có ngay ở Tây nguyên đạm bạc này. Có điều là ở đây không miễn phí. Một cháu học sinh nói giọng Nghệ (và hầu như đa số học sinh đều nói giọng Nghệ) kể với tôi rằng, vé tháng cháu phải mua là 350.000 đồng/tháng, đó là chi phí lớn nhất hàng tháng mà bố mẹ phải chi cho cháu đi học. Thế nhưng có dịch vụ này đã văn minh lắm rồi, ối địa phương giàu sang cả nước còn mệt mới theo được.Hoan hô Đak nông !
Ngươi dân vất vả , lam lũ nhưng văn minh


Người dân đi xe bus thì trông vất vả , lam lũ ,nhưng  xe bus thì khá văn minh, đàng hoàng, cả người đi xe lẫn tác phong phục vụ của nhà xe, hơn xa Hà nội. Có lẽ trời đất Tây nguyên mênh mông, rông rãi nên người bốn phương tụ hội về đây cũng rộng lượng , thoáng đạt hơn ở quê hương chật chội, bon chen. Tiếc là tôi chưa nhìn thấy  được một bóng người dân tộc nào. Ông khách người Nam định bảo rằng người dân tộc dồn về trong núi xa đường lắm. Người bốn phương lên đây mua lại đất của họ. Rồi họ lại lùi vào xa hơn, phá rừng tiếp. Người di cư lại mua tiếp..cư thế tiếp tục. Có người nói chêm vào, họ phá rừng thì chẳng ai làm gì , mình mà động đến thì chết , cho nên mình xui họ phá rừng thôi . À , ra thế, việc khai phá và tàn phá Tây nguyên có bài bản hẳn hoi !
Cuộc du hành trên xe bus chỉ kéo dài chưa đến 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến Buôn Ma Thuột. Ở đây hơi nóng hơn Gia nghĩa , có lẽ vì ở thấp hơn gia Nghĩa khoảng hơn trăm mét . KS Bạch mã , mà tôi gọi từ Gia nghĩa đặt phòng sáng nay, tiếp đón rất chu đáo. KS tọa lạc trên đường Nguyễn đức Cảnh, ngay sát trung tâm thành phố, rất khang trang, chỉ xếp hạng 3 sao mà có khi còn tốt hơn 4 sao ở Hà nội , Hồng kong. Giá cả lại rất mềm, phòng đơn tôi ở chỉ có giá 390.000VNĐ, chỉ bằng giá phòng trọ không sao nơi khác. Chỉ riêng bữa sáng Buffet thịnh soạn đã đáng giá hơn trăm ngàn ở ngoài phố Hà nội.
Bữa buffet sáng thịnh soạn trong KS Bạch mã

   Thảo nào mà sáng hôm sau, tôi đã gặp rất nhiều Tây và mấy vị quan chức cấp Bộ ở bàn ăn sáng, có lẽ là họ ở phòng VIP, chắc cũng chỉ trên dưới triệu thôi !
Ra phố , ăn trưa, thưởng thức món rau rừng mà tôi đã nghe mách bảo. Cứ nghĩ rau rừng là các loại rau dại hái trong rừng , hóa ra có một loại rau tên gọi là rau “Rừng”. Ăn rồi , cũng thấy là lạ nhưng thú thật cũng không có gì đặc biệt lắm.
Thành phố Buôn Ma Thuột (BMT) nếu không có cái tên Tây nguyên thì ít ai có thể nghĩ rằng là một thành phố miền núi. Thành phố đẹp mơ màng, gọn gàng sạch sẽ và rất quy củ. Các thành phố Việt nam mà tôi đã đi qua như Hải phòng, Hải dương, Nam định, Cần thơ…thì chỉ có xách dép cho BMT. May ra có Đà nẵng còn sánh được. Còn SG ,Hà nội thì chẳng nên so sánh làm gì. Nhiều kiến trúc Pháp cũ còn được giữ nguyên ở đây.
Tượng đài hoành tráng
Tượng đài kỷ niệm dù khá hoành tráng nhưng  vẫn còn chút nghệ thuật.
Nhà thờ chánh tòa

Khung cảnh Nhà thờ chánh tòa ở ngay trung tâm thì thật là đáng ngưỡng mộ. Tôi đã vào sân nhà thờ ngồi suốt cả tiếng đồng hồ trong buổi hoàng hôn , lắng nghe lời lầm rầm cầu kinh và đến khi nghe dàn đồng ca trinh nữ cất tiếng bài thánh ca thì thật là mê hồn. Người đi lễ rất đông, mặc đẹp và rất thành kính. Có lẽ vì tôi đến đúng lúc đang làm lễ thánh cho sáu đôi trai gái thành hôn , nên họ ăn mặc đẹp , còn tôi càng cảm thấy lòng vui thanh thản.


Sân nhà thờ  buổi hoàng hôn , lắng nghe lời lầm rầm cầu kinh
Ngồi giữa trung tâm thành phố mà vẫn ngắm được trăng , một vầng trăng cao nguyên thật hiếm có. Lại chợt nhớ câu vè vui ngày nào ca ngợi tình Việt-Trung-Xô: Trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ. Chuyện tếu táo đó giờ chắc chỉ có mấy vị đỉnh cao trí tuệ còn tin thôi , còn trăng Tây nguyên được ngắm ở BMT thì đẹp thật, phải chăng bởi bao năm rồi không có dịp ngắm trăng. Ai trong chúng ta cũng thầm chia sẻ với Trịnh Công Sơn “đi đâu loanh quanh ,cho đời mỏi mệt” , thế mà vẫn cứ mải miết loanh quanh , không còn giây phút nào để ngắm ,dù chỉ một ánh trăng suông !
Trăng trên Tây nguyên có đẹp hơn chăng !
   Ai cũng bảo , muốn có trải nghiệm về Tây nguyên, phải đến Bản Đôn, cách BMT 60Km. Tôi chỉ có mỗi buổi sáng ở BMT mà thôi, thế thì chỉ còn cách đến mấy buôn làng ngoại vi BMT. Để chủ động và tranh thủ thời gian, tôi thuê một xe máy ngay tại khách sạn Bạch mã và tự mình khám phá . Đầu tiên là hỏi thăm đường đến buôn Buôn AKô Đhông ở cuối đường Trần Nhật Duật.

Thuê một chiếc xe máy để len lỏi mọi nơi

Thấy chưa ,tôi cũng đã đến Tây nguyên rồi đấy nhé !
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột. AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố. Cũng hơi thất vọng , vì bây giờ buôn làng này chỉ còn là một điểm du lịch, chẳng thấy có cư dân nào sinh sống. Chỉ gặp mỗi một chị người dân tộc (không chịu cho chụp ảnh) đang quét sân ngôi nhà dài truyền thống, hình như chủ nhân cũng không còn ở đó nữa . Chẳng có trải nghiệm gì hơn, thôi thì tự chụp ảnh mình để khoe rằng “tôi từng đến Tây nguyên” vậy!

 Lại lên xe máy , chạy một mạch đến Làng Cà phê Trung nguyên  , nghe nói cũng là một điểm phải đến ở BMT. Tuy không quen thân lắm với Đặng Lê Nguyên Vũ , nhưng gặp gỡ nhau, chuyện trò nhiều lần ở Ha nôi, chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng , nên cũng khá có thiện cảm với anh chàng đầu trọc đầy sáng tạo , đã tạo dựng nên Trung Nguyên nổi tiếng này. Thậm chí mấy năm trước ,Vũ còn tặng thẻ VIP cho tôi  uống Cà phê giảm giá quanh năm (nhưng tôi bỏ cà phê rồi) và tặng Cà phê các loại vào dịp tết, uống nửa năm không hết. Thế thì đi thăm sào huyệt của Vũ là đúng rồi, dù có thể anh chàng đang  ở SG hay lang thang đâu đó mời chào Ca phê Trung Nguyên cho thế giới.
Vườn sưu tập các loại cà phê

Thưởng thức cà phê trong đình làng Trung nguyên

Phải nói là thăm Làng Cà phê Trung nguyên thật đáng đồng tiền bát gạo. Có hẳn cả một vườn sưu tập các giống cà phê, một bảo tàng “Cà phê đạo”, một bộ sưu tập Văn hóa-Dân tôc học Tây nguyên phong phú , có khi còn hơn Bảo tàng Dân tộc học ở Hà nội.

Bộ sưu tập cồng chiêng và cổ vật Tây nguyên
Vườn hoa cây cảnh xén gọt ,tỉa tót công phu , tuy chỉ là dạng sao chép không thật có phong cách riêng. Cũng không thể đòi hỏi hơn, vì chủ nhân là nhà kinh doanh,  nếu để cho  dòng máu  nghệ sĩ nổi trội, ắt là doanh nghiệp sẽ thành cát bụi bay cùng mây gió mất. Tuy bỏ Cà phê lâu rồi, nhưng đến đây tôi phá lệ, thưởng thức cà phê chính hiệu tại đình làng Trung nguyên , và không thất vọng chút nào, dù mùi hương có vẻ hơi hướng kiểu Đức (mà Đức thì nổi tiếng tạo mùi nhân tạo, chút kinh nghiêm nghề nghiệp thôi mà !). Cũng phải nói thêm , tuy tôi là kẻ kém cỏi về khoản ẩm thực đông phương, nhưng gu Cà phê thì có số má hẳn hoi, đã 15 năm ở châu Âu ,thưởng thức đủ loại cà phê siêu hạng, ngày hai bữa Caphe-Bánh ngọt , chưa kể Ca phê sáng ! Ngày mới về VN tôi còn phải tự rang xay Cà phê cho riêng mình mới ưng ý. Lý do bỏ Cà phê , là vào đầu những năm 90 , dạo đó Cà phê còn khan hiếm, uống phải quá nhiều Cà phê VN rởm ,gây buồn nôn nên cạch đến tận bây giờ! Vừa sắp rời Cà phê Trung nguyên thì bỗng nghe giọng trọ trẹ đâu đó, hỏi ra thì biết anh chàng tên Hiền, đang tưới cây trong vườn là dân Lộc Yên, Hương Khê, chỉ cách làng quê Gia Phổ tôi vài cây số.
Nào ,chụp kiểu ảnh với bạn đồng hương nhé!

Anh bạn trẻ cho biết , dân Hương khê-Hà tĩnh ở BMT nhiều vô kể, vì cũng đều là người Kinh ở miền núi cả nên vào đây gây dựng cơ nghiệp khá thuận lợi. Dân mình lang thang khắp nơi anh bạn nhỉ. Nào hãy chụp một bức ảnh kỷ niệm đồng hương nhé! Rồi anh bạn vồn vã mời bác đi thăm khu khách sạn, resort nghỉ dưỡng của Trung Nguyên. Chỉ là một nhân viên tạp vụ mà tận tình giới thiệu cho chủ một cách tự hào như vậy, chắc ông chủ, anh chàng Vũ đầu trọc,  cũng đáng vừa lòng lắm chứ . Nhưng mặt trời đã đứng bóng, phải về KS để check out, trả xe máy và đón xe đò đi Đà lạt. May mắn là nhân viên KS Bạch mã đã giới thiệu và gọi xe đò Tuấn Anh để đưa chúng tôi về Đà lạt. Hãng xe phục vụ rất tốt, đón khách tận cửa bằng xe con trung chuyển đến bến xe BMT và cũng trung chuyển từ bến xe về tận cửa ở nội thành Đà lạt. Xe 25 chỗ , máy lạnh, giá cũng rất mềm , tất cả chỉ 130.000VND/người cho quãng đường đèo núi 226 km theo Quốc lộ 27. So với mặt biển, BMT ở độ cao 530m còn Đà lạt là 1500m. Như vậy là xe phải liên tục trèo lên đèo cao nhiều mà xuống thì ít hơn làm sao cho đạt đến độ chênh 1000m.

Phía nam BMT, kéo dài gần sáu chục cây số , thuộc huyện Lăk, cũng là vùng bình nguyên rộng. Nhìn phong cảnh và đời sống ven đường , là những cánh đồng lúa nước tiếp giáp núi đồi, với người nông dân đội nón lá, chẳng khác gì cánh đồng vùng Sóc sơn Hà nội.
Cánh đồng ở Huyện Lăk,có khác gì Sóc Sơn, Hà nội
Huyện Lăk


 Mãi đến tận ngã ba Đăk liêng ,cách BMT chừng 55 km , mới bắt đầu đến chân dãy núi đầu tiên. Xe dừng lại , vào gara ở chân núi để bảo dưỡng kỹ thuật trước khi lên đèo. Đây quả thật là một tác phong tốt, làm người khách đi lần đầu tiên như chúng tôi hoàn toàn yên tâm.
Làng Đăk Liêng

Xuống xe chờ bảo dưỡng cũng là lúc tôi quan sát những người đồng hành.
Những người đồng hành trên xe đò

Người mặc áo tím đang gọi điện thoại là một cô người Nùng Cao bằng , di cư vào đây từ năm 86 , cười vui vẻ nói làm nông , khá lắm, hơn xa ở quê nhà, nay đang đón bà chị vào nữa. Cô áo đen, má đỏ là cô gái trồng rau ở Đức trọng, ngoại ô Đà lạt, ngồi cùng hàng ghế với tôi. Nhìn qua đã biết là dân Đà lạt rồi . Hồi năm 75 ,khi tối mới vào Đà lạt lo tiếp quản Lò phản ứng Hạt nhân, hình ảnh các cô gái áo dài, má hồng căng mọng, che ô đi dưới màn sương ,còn đọng lại mãi trong trí nhớ. Lúc đó mình mới ngoài  ba mươi mà. Các cô gái vùng núi, áp suất thấp, nên da trắng mịn, má hồng là chuyện tự nhiên, thiên hạ đã biết từ lâu. Các cô gái Âu ở vùng núi Thụy sĩ, các cô gái Thái ở vùng cao Tây bắc cũng vậy. Có điều các cô gái vùng núi ở Đà lạt có vẻ đài các hơn. Cứ thử nhìn cô gái trồng rau đồng hành với tôi, có cái tên Hoài Ngọc, một chồng hai con , mà xem có đúng không ? Còn hai cô gái quần jean thì líu lo nói tiếng gì tôi không hiểu, chắc là người dân tộc, Lào hay Thái gì đó ,vì da trắng như thế, không thể là người Thượng được.
Xe IFA của Đông Đức , 30 năm rồi vẫn chạy tốt

Ngạc nhiên và thú vị  là bắt gặp chiếc xe IFA của nhà máy Ludwigsfelder, phía nam Berlin, một thời là đầu bảng các xe tải của Đông Âu. Chiếc xe còn rất ngon lành , dù tuổi đời không dưới 30 năm. Cũng không có gì lạ, vì trong thập kỷ 80, khối SEV phân công cho CHDC Đức đầu tư hỗ trợ Việt nam sản xuất Cà phê. Hàng vạn hecta Cà phê trong các nông trường đã khai sinh từ chủ trương này và kỳ tích tạo nên vương quốc Cà phê Tây nguyên trong chỉ có 10 năm , phải kể tới đóng góp to lớn đó. Có lần , nói chuyên với một đoàn khách Chính phủ Đức sau khi tường Berlin sụp đổ, tôi nửa đùa nửa thật khen rằng, Tây Đức thật là giàu có và hào hiệp, không thèm đòi nợ các khoản đâu tư của Đông Đức cho VN vào Tây nguyên, để cho VN nay được hưởng thành quả là nước xuất khẩu Cà phê hạng nhất nhì thế giới ! Các ông Đức giờ tiếc hùi hụi. Số xe IFA mà Đông Đức cung cấp cho Tây Nguyên vào thời đó là rất lớn, hôm nay tôi bắt gặp chứng nhân còn sót lại , vẫn xài ngon lành (dù bị cấm rồi) kể cũng thú vị.
Xe bắt đầu leo lên núi, nhưng đây chỉ là một ngọn đèo nhỏ, phải đi tiêp khoảng 45-50km nữa, qua cầu sông Krong nô tuyệt đẹp, sang địa phận Lâm đồng mới là vùng đèo cao. Sông Krông Nô hay còn gọi là Krông Knô là một trong những con sông lớn ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, là thượng nguồn của sông Serepok. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao Chư Yang Sin (> 2.000m) ở phía đông, chạy chuyển hướng lên phía bắc và nhập với sông Krông Ana chảy về hướng tây để trở thành dòng Serepôk, mà tôi đã ngồi xe bus vượt qua hôm trước khi đi từ Gia nghĩa vào BMT. Các sông ở Việt nam đều chảy từ bắc xuống nam , từ tây sang đông để đổ vào Biển Đông. Riêng dòng sông Krong Nô-Serepok này lại chảy từ nam lên bắc, từ đông sang tây, qua Campuchia đổ vào sông Mekong.

Cầu qua sông Krong Nô
Làng Krong Nô đây rồi




 Quang cảnh từ đây là núi đồi chập chùng, hoang sơ nhưng không có cảm giác hoang vắng, quanh co nhưng không nguy hiểm lắm, nhìn không chán mắt. Rừng còn khá nhiều, không đến nỗi bị khai phá hết như ở Đăk Lắc, Đăk Nông. Có lẽ là do đồi núi cao nhiều, không bằng phẳng như các địa phương kia. Lại thêm cảnh chiều tà nữa nên cảnh sắc càng hút hồn kẻ lãng du.
Ráng chiều trên đèo Krong Nô
 Chụp được một bức ảnh ráng chiều nhìn từ lưng chừng đèo và khi lên đến đỉnh đèo , định chớp lấy kiểu ảnh mặt trời đỏ rực trên đầu núi xa xa  thì..ôi thôi , máy ảnh đã hết pin. Còn phải qua tiếp đèo Chuối , đèo Phú sơn, đèo Prenn nữa mới đến được Đà lạt , nhưng đành bó tay, không biết làm sao. Chỉ có cách gợi chuyên để nghe cô Hoài Ngọc ngồi cạnh kể về cuộc mưu sinh vất vả bằng nghề trồng hoa, trồng rau của gia đình cô ở Đà lạt. Dù là dân Đà lạt lâu đời , nhưng không có một thước đất, phải đi thuê nửa hecta, năm nay trả hơn 70 triệu một năm , năm sau chưa biết bao nhiêu. Cô kể ông chủ có đến hàng trăm hecta , chia khoảnh ra cho thuê. “Lấy đâu ra lắm đất thế? cũng người Đà lạt à ?” “Đâu có, toàn là dân ở Sài gòn thôi, ngươì ta mua đất từ lúc nảo lúc nào, khi đó còn rẻ lắm”. Giật mình , tôi nghĩ , không khéo có đất của ông tỷ phú đỏ , bạn mình ở SG cũng nên ! Trời đã tối hẳn, kẻ gợi chuyện cũng khéo , người kể cũng thật thà, rủ rỉ mãi bên tai ,cũng quên được đường dài . Qua được hết huyện mới Lâm Hà, tức Lâm Đồng-Hà nội,  của di dân Hà nội dựng lên sau 75, là đến địa phận huyện Đức Trọng .Chia tay cô gái trồng hoa đồng hành ở ngã ba Liên Nghĩa, xe vượt đèo Prenn, đến được Đà lạt đã 7 giờ tối. Mở cửa xe, gió rét đến mức bất ngờ , vội vàng rụt lai, mở vali lấy áo ấm. Đoàn đi xe của Viện từ Gia nghiã theo đường Di linh sang, đã đến KS bên hồ Xuân Hương , chờ tôi gần một giờ trước đó. Anh chị em kéo nhau tìm một quán ăn đơn sơ gần chợ trung tâm rồi sau đó rủ nhau len lỏi đi ngắm chợ đêm. Đêm Đà lạt lạnh cóng. Chợ đêm thưa thớt. Không có ấn tượng gì đặc biệt lắm, thôi về đi ngủ cho khỏe , để ngày mai đi ngắm lại cảnh, người của TP Du lịch nổi tiếng Đông Dương , thành phố của tuổi thơ tôi. Buổi sáng trời đẹp, cả đoàn vạch kế hoach thăm vài nơi mới có mấy năm nay của Đà lạt là đồi Mộng mơ và đỉnh núi Langbiang. Langbiang – là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’lang và nàng H'biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho ,nằm ở độ cao 2.167 m so với mặt biển, được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt. Còn đồi Mộng mơ , vốn là Hồ Rồng ngày trước, nằm cách trung tâm 4 km về phía bắc, từ năm 2003 được một Cty tư nhân khởi công tôn tạo thành một khu du lịch khép kín. Tuy còn nhiều chuyện phải bàn , nhưng sau khi vào chơi, cũng nên có lời khen là xứng với đồng tiền bát gạo. Ít nhất cũng cho thấy có bàn tay của người có tâm chăm chút, hài hòa và không quá kệch cỡm , vô cảm vì tiền, như kiểu Bái Đính, Hạ Long…
Nhà Hoa Hồng trên đồi Mộng Mơ

Điểm thú vị nhất là được thưởng thức (miễn phí ,tất nhiên rồi) màn sân khấu cồng chiêng dân tộc , do người K’Ho chủ trì , hát rất hay và nhảy múa hết mình khiến khán giả cũng phải kéo vào cùng nhảy múa theo tiếng cồng chiêng rộn ràng. Tôi cũng thấy an ủi , dù sao lên Tây nguyên cuối cùng cũng được gặp và chụp ảnh người dân Tây nguyên …trên sân khấu.
Cô gái K'HO hát bài "Mùa thu Hà nội" cho Khách Hà nội nghe
Tiếc thay, trời không chiều lòng người. Hoàn lưu cơn bão số 14 như đã dự báo trước kéo đến thật. Cuộc du ngoạn đồi Mộng mơ với các bạn trẻ đang ở lúc cao trào bị ngắt và phải vội vàng chạy ra xe. Tranh thủ thời gian, lái xe đưa đoàn đến một cửa hàng lớn chuyên bán các đặc sản của Đà lạt nằm ngay gần đồi Mộng mơ. Nào chè Actisô , mứt dâu Đà lạt, khoai chiên gừng, Hồng ép chính hiệu (không phải hàng Tàu!), phấn hoa, mật ong.. lại thêm bà chủ và cô chủ bán hàng , giọng nói Đà lạt trong trẻo điển hình,  hấp dẫn và có duyên hơn cả giọng Huế, khiến các chàng tha hồ mà.. khuân hàng. Khi trả tiền bỗng nghe giọng trọ trẹ “cá gỗ”của ông chủ, giật mình hỏi ra mới biết cũng là một đồng hương quê ngoại Đức Thọ của tôi. Ông kể là người Tùng Lĩnh, sợ CCRD quá, cả làng công giáo vào đây năm 54 theo Chúa , khai khẩn đất này , lập nên cả một làng đạo thịnh vương, bây giờ vẫn nói giọng Hà Tĩnh cả. Lúc vào đây, ông mới 2 tuổi, sau này cũng phải đăng lính mấy năm, nhưng là lính trơn nên năm 75 đi cải tạo chưa đầy một năm , trở lại lập nghiệp từ bấy đến giờ. Vợ tốt nghiệp văn khoa Đà lạt , cũng là người cùng làng, nhưng dạy học nên nói giọng Đà lạt. Con gái Đức thọ , chuyên quay tơ dệt lụa bên bờ sông La, nên đẹp nổi tiếng khắp vùng. Có câu “Trai Đông Thái, Gái Thịnh Văn”, Đông thái là bên này sông, quê hương Phan Đình Phùng, Trần Phú..Thịnh Văn bên bờ đối diện.
Đi đâu cũng gặp đồng hương: Hai cha con ông chủ của hàng người Đức Thọ

Nét đẹp của con gái sông La không chỉ còn lưu giữ trên cô giáo dạy văn xưa, nay là bà chủ của cửa hàng mà còn truyền sang cho cô con gái. Nét đẹp của cô cử nhân kinh tế là con gái sông La thuần chủng ,cộng với khí hậu vùng núi cao, làm cho da dẻ trắng mịn màng, má hồng môi thắm tự nhiên , thế thì cửa hàng làm ăn phát đạt trong thời kinh tế khó khăn này, có gì là lạ ! À, thì ra đồng hương nhà mình là cả một xã hội thu nhỏ .Không chỉ lam lũ như anh Hiền làm vườn ở Làng Trung nguyên, vất vả như anh Lái xe Taxi tốt bụng ở Gia nghĩa , mà còn là những ông chủ bà chủ lớn khắp nơi nữa. Ơ New York, người Việt giàu nhất nước Mỹ, chủ của chuỗi KS hạng sang Laphayets ở Manhatan , cạnh Trung tâm thương mại bị khủng bố, cũng là một người Hà tĩnh. Ông này nổi tiếng là đã quyên góp 2 triêu $ cho nạn nhân vụ khủng bố. Lan man mấy chuyện cho đỡ "ức" vì luôn bị chê là cá gỗ và cũng thể hiện cho đúng  đặc tính “bọ” thôi. Còn đúng ra là phải tự xấu hổ, tại sao dân thì lao động cần cù, cũng lắm người tài giỏi ,mà quê hương thì chỉ vẫn là "cá gỗ". Chuyện này , cả dân tộc Việt nam cũng phải tự vấn. Nhưng người ngồi ngôi càng cao thì càng  lo xem túi đã đầy chưa, còn đâu dân tộc với đất nước nữa !.
Vì trời mưa quá, mấy bậc trưởng lão chúng tôi quyết định về KS, còn các bạn trẻ tiếc cơ hội ,vẫn kiên quyết đi tiếp lên đỉnh Langbiang.

Phần tôi ,dự tính buổi chiều nếu trời tạnh mưa, sẽ tự mình thăm lại KS Palace bên hồ Xuân Hương, là công trình mà cha tôi vốn là một kỹ sư , đã tham gia chính trong việc xây dựng thời Pháp, rồi đến thăm phố Lò gạch , nơi mà cha tôi kể là nơi gia đình đã sống. Phố này nay là Phù Đổng Thiên vương. Sau đó sẽ tìm đến ấp Nghệ-Tĩnh ngày xưa , do cậu họ tôi là cụ Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Văn phòng của Bảo đại, những năm 30 làm Huấn đạo Đà lạt, đưa dân Nghệ tĩnh vào đây dựng nghề trồng rau. Nghề trồng hoa ở Đà lạt cũng do một dân cá gỗ Hà Tĩnh, là Hoàng Trọng Phu con Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hà đông , đưa dân Hà đông (Hà nội bây giờ) vào khẩn hoang lập nên ấp Hà Đông chuyên trồng hoa.
Thấy trời hơi tạnh, tôi vội cầm ô đi dạo theo dự tính hoài cổ. Nhưng kế hoạch đổ bể, đi chưa được nửa vòng hồ thì trời lại mưa , ướt sũng cả giày, gần long mất đế. Thế là vội chụp cái ảnh dạo hồ Xuân Hương trong mưa để làm kỷ niệm rồi vẫy Taxi về lại KS.
Hồ Xuân Hương, một chiều mưa

Đà lạt ban mai, sau cơn bão, hồ Xuân Hương đục ngầu

Bão chỉ về một ngày , sáng hôm sau trời lại đẹp, nhưng lại đã đến lúc rời Đà lạt rồi. Tranh thủ thời gian , dạo qua một vòng Đà lạt , kiểu cưỡi ngựa xem hoa để tìm kiếm chút hình ảnh Đà lạt hôm nay, so với mấy lần trước xem có gì thay đổi. Năm 75 , Đà lạt mới hòa bình, mọi người còn hớn hở, cảnh vật còn  đơn sơ, nhưng thơ mộng. Lúc đó chúng tôi ở tai một biệt thự của một sỹ quan cấp cao cũ bỏ chạy, tại đường Võ Tánh , cũng gần hồ Xuân Hương. Các phố biệt thự nhấp nhô sườn dốc , giống in như ở một thành phố vùng núi  châu Âu, kiểu như Heidelberg ở Đức,Lausane ở Thụy Sĩ. Năm 1992 quay lại , Đà lạt đã hoàn thành việc nông thôn hóa thành thị , cái cũ tan tác , cái mới chưa có gì. Những bạn bè đồng nghiệp khoa học cũ đã gặp ở Đà lạt và những anh chị em trí thức hớn hở đưa chúng tôi đi khắp miền Nam năm 75 lúc mới giải phóng,giờ không còn ai, họ đã chạy hết ra nước ngoài hoặc bỏ mình đâu đó rồi. Năm nay trở lại , cái mới đã nhiều hơn, khu trung tâm đã xén tỉa gọn gàng, nhưng có lẽ hồn Đà lạt đã đi theo người muôn năm cũ mất rồi. Ngoại trừ khu quanh hồ Xuân Hương, các khu phố khuất hơn một tý thì các biệt thự có vườn hoa cũng đã “nhà ống hóa” trồi thụt, theo trào lưu chiếm mặt tiền kinh doanh vặt như Hà nội, Sài gòn và các phố thị mới nổi lên…Hết rồi hình ảnh Đà Lạt với các cô gái áo dài, má hồng mịn, che ô đi dưới làn sương bụi. Cuộc sống hối hả bắt mọi thứ phải thay đổi. Hoài cổ mà làm chi..!

Sau lưng là thác Prenn tuôn chảy

Vòng du ngoạn SG-Nam Tây nguyên-SG 852 Km



Xe xuống hết đèo Prenn, rẽ vào thác cho các bạn trẻ biết một thắng cảnh của Đà lạt. Tất nhiên , nếu những người đã đến thăm thác Niagara ở biên giới Canada-Mỹ, hay thác Bản Giốc cao bằng (nay phần lớn thuộc TQ rồi) thì thác Prenn chỉ là một con suối nhỏ, nhưng cũng đáng để cho khách phương xa dừng chân. Lần này thì phải dành cho Đà lạt một lời khen, Thác Prenn bây giờ đã được chăm chút khá hơn thời 75-92 rất nhiều !
Quốc lộ 20 từ đây về SG với tôi chẳng có gì đặc biệt vì đã đi quá nhiều. Năm 92 thậm chí tôi còn tự lái xe từ đây về tận Vũng tàu , cho nên không còn cảm hứng để ghi chép nữa. May quá, trên đường về nhận được tin nhắn của cô kế toán ngoài Hà nội báo là cháu đã đổi vé máy bay cho Bác được rồi. Đoạn đường 852 km khép kín đã kết thúc , nhưng tôi chưa về Hà nội ngay với đoàn, mà ở lại tiếp tục cuộc du ngoạn 1200 km nữa, không phải bằng tiền chùa Nhà nước mà bằng tiền của ngôi chùa nhỏ , có tên là "My Home" , tọa lạc tại phố THĐ,  sẽ viết tiếp sau.
(còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét